Người chị - người đồng đội của tôi - Hồi ức của Trần Thị Bích Hảo

Ngày đăng: 04:52 07/11/2021 Lượt xem: 1.073
  NGƯỜI CHỊ - NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI CỦA TÔI

                                                    Hồi ức của Trần Thị bích Hảo 
     

      Trời bắt đầu sập tối. Dường như cơn mưa lúc chiều đã làm dịu đi sức nóng của mùa hè. Bầu trời đêm nay trong lành và yên tĩnh quá. Trăng đã lên cao. Ánh sáng của nó len lỏi qua từng tán cây kẽ lá rồi đổ xuống đường. Thỉnh thoảng lại có những cơn gió nhẹ, uyển chuyển bước trên từng góc vườn, rồi nhảy nhót vui đùa trên những ngọn cây. Lúc này cả xóm làng xã Sơn 
Hùng, Thanh Sơn, Phú Thọ như chìm trong vằng vặc của ánh trăng. Đêm nay đẹp quá! Đẹp đến lạ lùng! Nhưng sao tôi lại cảm thấy buồn như vậy. Đã lâu lắm rồi tôi mới được thả hồn mình vào ánh trăng như hôm nay. Thời gian trôi đi thật nhanh. Mới đó mà đã gần chục năm rồi. Giờ đây mọi thứ đã khác xưa rất nhiều. Mặc dù chiến tranh đã lùi lại phía sau nhưng hậu quả của nó luôn là mãi mãi. Chính chiến tranh đã cướp đi chị Lan của tôi, một người bạn, người chị, người đồng đội mà tôi yêu quí nhất. Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau của tôi đã tìm được một chỗ sâu kín trong lòng để trú ẩn. Thế nhưng, linh hồn của chị vẫn ghé thăm tôi bằng những con đường kỳ lạ. Và mỗi khi nghĩ tới tim tôi lại như bị bóp nghẹt, đau thắt.
       Giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, chúng tôi cùng tốt nghiệp Lớp Y sĩ K16 Trường Y sĩ Phú Thọ, rồi cùng làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 2 năm 1968, chúng tôi được điều về Viện Quân Y 109 đóng ở xã Phù Ninh (Phong Châu). Hai tháng sau chúng tôi được lệnh vào chiến trường nhận nhiệm vụ tại Bệnh Viện 48, Binh trạm 37 Trường Sơn. Đoàn chúng tôi gồm 5 nữ quân y sỹ. 5 đứa tôi là nữ nên được ưu tiên lắm. Mấy ngày ngồi trên xe và đi bộ vượt qua các cung đường. Gian khổ và ác liệt không thể nào tưởng tượng được. Hành quân gian khổ và ác liệt đấy, nhưng tôi biết thêm được rất nhiều điều thú vị và mới lạ của cuộc sống chiến tranh. Chao ôi! Những lúc được hành quân trên xe ô tô, cuộc sống mới vui vẻ làm sao. Cho dù có gian khổ đấy mà chúng tôi vẫn thấy vui. Hàng đêm, chúng tôi tựa vào nhau để ngủ. Chia nhau từng ngụm nước. Chị Lan chăm sóc tôi rất chu đáo. Xe lắc lư vượt qua ổ trâu, ổ bò trên đường. Muốn ngủ nhưng không ngủ được. Rồi cũng quen đi, chẵng nhẽ cứ thức thế suốt đêm ư? Có đêm tỉnh giấc tôi cứ thắc mắc không hiểu sao trên mình lại được gối lên chiếc bi đông nước mềm và ấm vậy. Thì ra nó là tay của chị. Buồn làm sao những lúc trời mưa. Đường lầy bùn đất. Bầu trời mọng nước, mưa xối xả trút lên mọi vật. Trời vừa tạnh máy bay địch đã lao đến quấy phá. Bom nổ không ngớt. Trên đường vào chiến trường lòng ai cũng dạo rực, háo hức. Đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ địa chỉ từng người: Chị Nguyễn Thị Bích Nải, quê ở Xương Thịnh, Cẩm Khê, Phú Thọ. Chị Nguyễn Thị Bình, Khu 2, TP.Yên Bái. Chị Nguyễn Thị Ấm, ở Thượng Lâu, Phù Ninh, Phú Thọ. 5 quân y sĩ chúng tôi luôn đoàn kết phục vụ thương bệnh binh. Tôi mang máng nhớ rặng y sỹ Nguyễn Thị Minh Cử, có anh trai là phi công, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ. Chị được phân công về Đoàn bộ  559. Sau bao tháng hành quân chúng tôi đã tới đơn vị. Đó là một Bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Attopo, Nam Lào. Nghe thủ trưởng Viện kể rằng chưa từng có một người con gái Việt nào đến đây. Chúng tôi là những nữ quân y đầu tiên của Bệnh viện này. Ngày ấy, chị Lan như một người chị cả của 5 đứa em gái y sỹ trong đơn vị.
      Thời gian trôi đi nhanh quá. Mới đó mà chúng tôi đã vào chiến trường được gần 2 năm rồi. Mỗi ngày tại Bệnh viện này, chúng tôi đã tiếp đón bao thương binh từ chiến trường miền Nam chuyển ra và đồng đội hành quân vào bị sốt rét và ốm đau trên đường hành quân vào điều trị. Trong hoàn cảnh khu vực đóng quân của Bệnh viên bị địch đánh phá ác liệt, chị vẫn luôn lạc quan, tin tưởng và hết lòng phục vụ người bệnh. Mỗi khi có thương bệnh binh về, chị dường như thức trắng đêm để tiếp nhận rồi trực tiếp theo dõi và điều trị cho từng bênh nhân. Hàng ngày chị luôn gọn gàng trong bộ quân phục. Mái tóc dài đen óng được tết đuôi sam gọn sang hai bên, đầu đội mũ mềm. Trên môi luôn nở nụ cười rạng rỡ - nụ cười của niềm tin chiến thắng. Gương mặt chị luôn ửng hồng, rạng rỡ, đôi mắt bồ câu đen lay láy. Chị là cô gái có tâm hồn đặc biệt mơ mộng, có cuộc sống nội tâm hết sức phong phú và sôi nổi. Hai chúng tôi có rất nhiều sở thích chung, đặc biệt là thích ngắm bình minh lên. Buổi sáng, chúng tôi thường dậy rất sớm và đón mặt trời lên. Chân trời phía đông hồng hồng rồi đỏ dần. Những tia nắng đầu tiên  tỏa xuống ôm ấp lấy vạn vật. Ánh sáng chan chứa khắp chân trời phía đông. Ánh nắng bừng chiếu trùm lên đại ngàn Truờng Sơn hùng vỹ.  Tiếng chim líu lo như hòa vang bản nhạc đón chào ngày mới…Một hôm vào đầu giờ chiều làm việc, các y sỹ đi khám một lượt cho  các thương bệnh binh. Và thật không may, hôm ấy Bệnh viện chúng tôi bị địch phát hiện. Một chiếc OV10 lượn qua lượn lại trên cao thám thính. Không biết nó đã phát hiện được gì dưới tán rừng Trường Sơn. Chỉ chưa đầy một giờ sau, bom B52 đã trút xuống khu vực Bệnh viện đứng chân. Mọi người không kịp sơ tán. Chúng tôi quay lại hầm của thương bệnh binh bất động để di dời các bệnh nhân. Mới sơ tán được một lượt, thì một quả bom đã rơi trúng vào hầm. Toàn bộ thương bệnh binh tại lán bất động đã hy sinh. Bệnh viện giờ là chỉ là một đống đổ nát, tan hoang. Chúng tôi vội vàng chạy đến những căn nhà sập nát cứu thương bệnh binh, cứu dụng cụ y tế vung vãi đầy mặt đất. Chị Lan cúi xuống nhặt chiếc xilanh lên. Chị lặng thinh, mắt rơm rớm. Tuy không nói ra nhưng tôi biết lòng chị đang rỉ máu. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất mát đồng đội mà không làm gì được… Mọi người bắt tay vào thu dọn, xếp sắp lại mọi thứ. 
        Sáng sớm ngày 28 tháng 3 năm 1969. Chúng tôi nhận được điện từ Ban Chỉ huy Binh trạm lệnh cho cho chúng tôi phải nhanh chóng chuyển sâu vào trong rừng. Đó là một khu rừng già chưa ai đặt chân tới. Ở đây có những cây mà hai ba người ôm không xuể. Mọi nguười di chuyển khẩn trương. Chỉ 8 tiếng sau, tất cả cán bộ quân y và thương bệnh binh đã đến nơi an toàn. Trời đã khuya mấy chị em chúng tôi rủ nhau xuống suối gội đầu, rồi lên bờ hong tóc. Lúc trải đầu, tóc rụng nhiều quá. Mái tóc của chị Lan dài nhất nên ai cũng tiếc. Hôm đó đến phiên chị trực. Sau khi đi thăm bệnh nhân một lượt, chị trở về nơi chúng tôi đang nghỉ. Vì chưa đao được hầm nên tối hôm ấy chúng tôi phải mắc võng để ngủ. Đêm ấy, chị bảo tôi sang ngủ chung võng với chị. Vì mệt quá tôi thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh giấc tôi thấy chị vẫn thức, ánh mắt nhìn vào xa xăm. Trời đã về khuya.    Bỗng nhiên chị bảo nhớ quê quá. Uớc gì được về quê, lên rừng lấy mật ong, hái măng mai thì thật là thích. Là chị cả trong gia đình. Chị nhớ thương như các đứa em của mình quê nhà còn nhỏ, rồi chị ôm mặt khóc. Chiến tranh ác liệt quá. Chúng tôi sống vùi sâu trong rừng. Đêm tránh lửa. Ngày tránh khói. 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi lại được lệnh lại chuyển về vị trí cũ bởi địch đã lần ra dấu vết của chúng tôi ở địa điểm mới. Mọi người lại hối hả là vào công việc một cách hăng hái. Chúng tôi phải băng nhanh qua những cánh rừng dù đường đi rất hiểm trở, vất vả. Chỉ còn vận chuyển chuyến gạo cuối cùng, bọn tôi được thủ trưởng Viện cho mỗi người một bát bột trứng. Vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Đang chuẩn bị gùi nốt gạo về đơn vị cũ thì chúng tôi bị một chiếc OV 10 phát hiện. Nó lượn lờ vài vòng rồi bắn xuống mấy viên đạn khói. Chỉ ít phút sau, bọn F4H đã lao đến quăng xuống một loạt bom phát quang. Cây cối nghiêng ngả gãy đổ. Thủ trưởng Viện lệnh cho chúng tôi chạy vào hầm trú ẩn tự nhiên do khe nước chảy tạo thành. Tiếp theo lượt bom phát quang là bom tọa độ rồi bom bi thi nhau rơi xuống. Cuối cùng lũ B52 kéo đến “tặng” cho mảnh đất yên bình của chúng tôi một loạt bom dải thảm. Trong làn bom nổ, chị Lan vẫn lao lên dốc để về hầm.
         Nhưng chị đã không về kịp rồi. Một quả bom bi đã nổ trúng ngực chị, khiến chị gục xuống. Lúc đó tôi chỉ muốn chạy ra giúp chị nhưng bị thủ trưởng và các chị khác ngăn lại: Nguy hiểm lắm. Bom vẫn đang nổ. Máy bay địch đã đi xa. Chúng tôi chạy lên chỗ chị. Cái dốc rất cao nhưng tôi vẫn chạy thật nhanh, băng qua những thân cây đổ ngổn ngang. Tôi chạy lên thì thấy chị nằm trên một vũng máu. Xung quanh tiếng bom bi nổ chậm vẫn nổ đì đùng. Đau đớn thay, quả bom bi ấy đã găm trúng tim chị. Vết thương trên ngực máu vẫn tuôn chảy. Chị vẫn thở thoi thóp và nói trong tiếng khó nhọc: Các – em – thay – chị - chăm – sóc – tốt – thương – binh nhé… Tôi ôm chầm lấy chị và nâng người chị lên. Chị lịm dần rồi hy sinh. Mái tóc đen dài vẫn xòa trước ngực, đôi dép trên chân chị chỉ còn lại một chiếc. Mặt chị tái nhợt, nhưng trên môi vẫn nở nụ cười. Tim tôi đau nhói. Tôi khóc lặng rồi ngất đi.
       Chị được đưa về nhà xác của bệnh viện. Ở đây 4 chị em đã sửa sang lại quần áo, đầu tóc và mang cho chị một đôi dép mới. Biết tin chị hy sinh, cả đơn vị bàng hoàng thương tiếc. Thương binh cõng nhau đến viếng chị. Có anh cụt cả 2 chân nhưng vẫn cố chống nạng để ra với chị. Ai cũng khóc. Nước mắt của đồng đội chắc đã làm chị ấm lòng. Một giờ sau tôi tỉnh lại và đòi ra thăm chị. Sợ tôi xúc động không kiềm chế được nên các đồng chí không cho tôi ra nên tôi đã trốn chạy nhanh ra chỗ chị. Thấy chị nằm sõng soài tôi lại ngất đi một lần nữa. Nhưng lần này tôi được mọi người đặt nằm sát cạnh chị. Lễ mai táng chị đơn giản nhưng long trọng. Mộ chị được đặt trên một ngọn đồi cao lộng gió của dãy Trường Sơn ..
. Tỉnh dậy tôi vô cùng thương tiếc chị nên đã bốc nắm đất trên ngôi mộ mới của chị và mang theo mình suốt thời gian trên chiến trường đến ngày xuất ngũ (1972). Đặt nắm đất trong chiếc lọ Penicillin lên bàn thờ riêng của chị tại tư gia để tưởng nhớ người chị kết nghĩa.
       Tôi cảm nhận được sự nóng hổi của những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Sự ấm nóng của nức mắt đã đưa tôi trở về với hiện tại. Tôi vẫn ngồi đây trên chiếc chõng tre trên quê hương cùng của tôi, của chi. Tôi (y sĩ Trần Thị Bích Hảo, người cùng quê với chị Hà Thị Tuyết Lan, hy sinh ngày 18/3/1969). Chị Lan đã được đồng đội mang xương cốt về Nghĩa trang Trường Sơn ngay từ những ngày đầu. Tôi ngắm những vì sao trên cao kia và hy vọng chị Lan sẽ nhìn thấy tôi, nghe được những lời tâm sự của tôi. Năm tháng có nhiều đổi thay, nhưng không lúc nào tôi nguôi nhớ thương chị. Chị Lan đã luôn ở bên, động viên và nhắc nhở, giúp đỡ tôi vượt lên khó khăn trong cuộc sống. Tôi luôn phấn đấu sống xứng đáng với người chị đã hy sinh…
       Sớm hôm sau, tôi dậy sớm ra chợ mua lễ về thắp hương tưởng nhớ chị. Đặt những bông hoa hồng trắng muốt cùng vàng hương lên bàn thờ chị, tôi thầm cảm ơn chị - Liệt sỹ  Hà Thị Tuyết Lan - người con gái đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Cắm nén hương trên “ngôi mộ gió” tưởng nhớ chị trong Nghĩa trang Liệt sỹ tại quê nhà, tôi không kìm nổi xúc động. Mắt tôi nhòe lệ. Tôi cảm thấy có cái gì đó nghẹn ứ trong ngực… Và tôi đã khóc trong tiếng nấc. Khói hương tỏa nghi ngút hòa vào không gian tĩnh lặng, trang nghiêm… Tôi có cảm giác chị Lan như đang hiện hiện nơi đây. Chị như đang đứng bên tôi, nhìn tôi trìu mến… Vẫn cái miệng cười tươi, vẫn đôi mắt bồ câu và khuôn mặt đẹp của chị nhìn tôi, đứa em yêu mến mà suốt hơn nửa thế kỷ qua đã không quên chị…
 


Tác giả Trần Thị Bích Hảo (thứ 2 bên phải) bàn giao những kỷ vật của LS Hà Thị Tuyết Lan cho 2 cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trước sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Thị Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nữ CSTS - Đường Hồ Chí Minh - bạn học với chị Hảo và LS Tuyết Lan và cùng vào Trường Sơn một ngày với 2 chị).



Tác giả (mang quân hàm và quân phục xanh) trong Ngày khai mạc Triển lãm "Kiêu hãnh nữ chiến sĩ Trường Sơn" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhân dịp 60 năm Bộ đội Trường Sơn (năm 2019).







tin tức liên quan