“Nhớ tuổi thơ bên rặng duối quê nhà”. TG: Thạch Bích Ngọc

Ngày đăng: 08:27 15/11/2021 Lượt xem: 521
NHỚ TUỔI THƠ BÊN RẶNG DUỐI QUÊ NHÀ
 
       Nếu ai đã từng sinh ra và có những năm tháng sống tại những miền quê, nhất là những miền quê thuộc Miền Trung, Đồng bằng Bắc Bộ thì hẳn sẽ không còn lạ lẫm gì với hình ảnh của những cây duối, bụi duối mà mỗi gia đình vẫn trồng để làm hàng rào ngăn cách phân chia giữa nhà nọ với nhà kia. Trong khoảng chục năm trở lại đây, khi mà điều kiện kinh tế phát triển, diện mạo của bất cứ một làng quê Việt nào cũng vì thế mà thay hình đổi dạng, khi hình hài đặc trưng của một làng là rợp bóng tre xanh cùng những nếp nhà tranh, nhà mái ngói cũ thấp bé xinh xinh..., thì nay đã đều đã được bê tông hóa, ngói hóa. Chính sự đổi mới diện mạo đến chóng mặt đó mà cây cối ở các làng quê cũng vì thế bị đốn chặt đi, và hình bóng cây cối nói chung, tre xanh nói riêng cũng dần thưa vắng để rồi được xem là “hàng hiếm”!
       Vâng, làng quê thuộc vùng ngoại thành quê tôi cũng trong thực trạng chung của đà “đô thị Hóa” như vậy, khi mà giờ đây để tìm được một cây xanh che bóng mát trong phạm vi cả làng, thậm chí cả xã là quá khó. những luỹ tre san sát ở bìa làng, cổng ngõ, ven lối đi của những năm xưa cũ giờ đã không còn lấy một búi, một khóm nào. Những cây ăn trái, cây cổ thụ xuất hiện rất nhiều trong các khu vườn gia đình giờ cũng bị chặt hết đi, mà nguyên nhân chính là những cơn sốt đất tràn qua khiến người dân không còn ghi nhận giá trị của cây xanh khi họ đều chuyển công năng sử dụng bằng cách chặt cây dọn vườn để xây nhà trọ, hay bán bớt đất thu tiền tỷ… Hồi nhớ lại hình bóng rợp cây xanh của làng quê khi xưa mà thấy tiếc nuối, dẫu biết rằng sự đổi mới, kinh tế phát triển ít nhiều đã mang lại cuộc sống no đủ cho người nông dân nhưng trong tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi...
Trong số các loại cây trồng hiện hữu nơi các làng quê xưa, ngoài cây tre phổ thông, phổ biến ra thì cây duối cũng là cây gắn liền với ký ức tuổi thơ của tôi cũng như những người dân quê nhất. Bất cứ nhà ai mà chẳng có những hàng cây cúc tần, cây duối trồng để làm hàng rào. Nhiều hộ còn trồng duối cổ thụ rồi cắt tỉa, uốn vòm làm cổng ra vào trông rất ngộ nghĩnh.


Cây Duối ngàn năm tuổi tại khu DL sinh thái Thung Nham, Ninh Bình 
(Ảnh minh họa)

 
       Cách đây chừng mươi năm về trước mọi gia đình còn nặng nỗi lo cái ăn, cái mặc còn chưa xong, vì vậy làm gì có tiền mua gạch để xây tường ngăn, vì vậy mà phương cách phổ biến nhất vẫn là trồng cúc tần, duối, hoặc cây ô rô. Nhà tôi có bức tường bao quanh khoảng đất ở là một bờ tường toàn duối là duối. Những cây duối cổ thụ xuất hiện từ bao giờ ngay cả ông nội tôi cũng không biết nữa, mà ông hay kể cho các con, cháu nghe về lai lịch của hàng duối rằng, khi ông còn nhỏ thì bố mẹ sinh ra ông cũng đã nói rằng những cây duối có từ đời trước nữa... Vâng, nhìn những thân cây duối xù xì, cằn cỗi, đường kính cả vài gang tay người lớn tôi cũng đủ đoán rằng những cây duối có tuổi đời trăm năm, thậm chí hơn thế nữa. Những cây duối được trồng theo khoảng cách dăm bảy mét 1 cây khi cành của chúng vươn ra, đan xép vào nhau để tạo thành 1 bức tường vững chãi, kín đáo có khi khiến gà, vịt cũng khôi thể chui lọt qua. Và cứ khoảng vài tháng là ông nội tôi lại dùng kéo cắt sửa cho nó thành một bờ rào gọn ghẽ vuông vức nhìn rất đẹp. Bờ tường cây duối đã vào khuôn qua những lần cắt, sửa, vì vậy, khi ông nội tôi già và mất đi, công việc cắt tỉa, sửa sang hàng rào cây duối bố tôi đảm nhận. Vẫn hình xưa nếp cũ do ông nội tạo, bố tôi chỉ việc dùng dao sắc, kéo cắt đi những cành lá vượt khỏi tầm khung hình cũ là được.
       Tuổi thơ tôi có rất nhiều những kỷ niệm với hàng rào duối già của gia đình. Đó là những dịp mùa hè khi rặng duối vào mùa trổ hoa kết trái thì chính những quả duối chín vàng sai lúc lỉu cùng vị ngọt ngào thơm tho của nó luôn là “điểm đến” của tôi, của lũ trẻ trong xóm. Chúng tôi đưa tay hái những quả duối to gần bằng hạt ngô bỏ vào một chiếc cốc nhựa, hay chiếc bát ăn cơm. Cả bọn hái duối một hồi, rồi cùng nhau mang vào sân, dưới mái hiên để thưởng thức một cách ngon lành. Vì có rất nhiều cây duối, đó còn chưa kể các nhà hàng xóm khác cũng trồng vô vàn cây duối nên bọn trẻ chúng tôi tha hồ hái duối ăn thỏa thích mà không sợ hết quả, vì quả duối là quá sai, quá nhiều nên bọn tre chúng tôi thoải mái cũng không xuể. Mỗi năm duối ra hoa kết trái trong khoảng 2 tháng mùa hè, vì vậy mà đây là khoảng thời gian vui nhất khi chúng tôi gắn bó với những hàng cây duối để hái quả ăn. Quả duối có vị ngọt, mùi thơm hấp dẫn nên ăn mãi mà không thấy ngán. Vì sự hấp dẫn của mùi thơm quả duối mà ngay cả ong bướm cũng luôn dập dìu bên hàng cây duối vào mùa quả chín.
       Những hàng rào cây duối quê khi xưa còn gắn liền với ký ức tuổi thơ tôi qua nhiều buổi bọn nhỏ chúng tôi lẻn mẹ cha vào buổi trưa mang dao ra để cứa thân duối lấy nhựa mang về trưng cất để dính ve. Trong thân cây duối rất nhiều nhựa, loại nhựa có màu trắng đục tựa như mủ của cây cao su, cây mít..., và đặc biệt là rất dính, vì vậy mà bọn trẻ quê đã biến tấu ra cách lấy nhựa duối để dính ve. Chính vì vậy mà chẳng có một cây duối nào trong xóm tôi, trên thân của nó lại không hằn lên những vết dao cứa để lấy nhựa. Vết cứa dẫu trải qua nhiều năm, vết thương có lành lặn rồi nhưng sự phai mờ của vết dạo là không thể, khi ở chỗ cứa dao trên thân luôn phình ra xù xì. Khi hứng được khoảng nhựa duối theo ý muốn, chúng tôi mang về đặt lên bếp lửa đun lên, cô đặc lại để tạo thành một chất kết dính. Chất keo thực vật đó chúng tôi mang vo viên, gắn vào đầu cây sào dài để dính bắt ve đậu trên các thân cây cao.
       Bờ rào hàng cây duối còn là nơi mẹ thường sai tôi ra bẻ vài nắm cành lá duối để mang về nấu lá xông trị cảm cúm mỗi khi có thành viên trong gia đình bị ốm, mệt. Mẹ nói rằng: nồi lá xông, ngoài hương nhu, lá xả, lá chanh, cúc tần, lá bưởi... ra thì lá duối là luôn không thể thiếu được. Bà nội tôi còn tin dùng vào các bài thuốc dân gian qua việc dùng lá duối, thân vỏ duối, rễ cây duối để chữa bệnh. Bà bảo rằng: Theo y học cổ truyền,  duối có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thông huyết, cầm máu và sát khuẩn. Nhiều người đã sử dụng cây duối để chữa các bệnh, đau răng, tiêu chảy, vỏ duối dùng chữa bệnh phong thấp đau nhức, sâu răng, đau bụng, sốt, tiêu chảy… Chẳng vậy mà hàng rào duối quê cũng là nơi bà tôi thi thoảng tỉ mẩn tới để... tìm thuốc!
Hàng rào duối quê đầy thân thương đã gắn bó với gia đình tôi, với suốt quãng đời tuổi thơ tôi là vậy, để rồi đến một ngày nó đã trở thành sự nuối tiếc đầy luyến lưu khi bố tôi đã quyết định “ giải tán” tứ bề những cây duối xung quang nhà để thay vào đó bằng bức tường gạch cao ngút. Bố giải thích rằng, vì gia đình chuyển sang làm kinh tế bằng hình thức chăn nuôi gia cầm, mà những hàng duối kia không thể che chắn được gà, vịt, ngan, vì vậy nên bố mẹ quyết định phá bỏ hàng duối. Hơn nữa, bố còn nhìn thấy nguồn lợi về kinh tế khi có những người thợ săn cây duối cổ làm cảnh, bon sai để trồng trong biệt thự nơi thành phố, trả giá đắt, vì vậy đó cũng là một trong các lý do đầy chính đáng để “báo tử” cho những hàng cây duối đã tồn tại hàng trăm năm.
       Chưa đầy chục năm tôi lên thành phố học tập và lập nghiệp, cứ lần lượt những hàng rào cây duối của gia đình tôi, của những gia đình hàng xóm, và các làng quê lân cận khác cứ lần lượt bị phá, mất đi khiến cho hình bóng quê nhà nhạt phai đi nét đặc trưng. Thi thoảng ngang qua các khu biệt thự của các đại gia, các gia đình giàu có ở thành phố, ngó nhìn thấy bóng dáng của các cây duối cổ thụ có giá mấy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu mà người ta trồng làm cảnh, thì sự tiếc nhớ về những hàng rào cây duối thân thương, nhiều kỷ niệm nơi quê nhà lại dâng trào trong tôi, bởi giờ đây chúng chỉ còn lại trong hoài niệm…
 
Thạch Bích Ngọc
(ĐHQG-TP.Hồ Chí Minh)

tin tức liên quan