"Công trạng của tấm ni lon hai mét" - Ký ức của Nguyễn Hoàng

Ngày đăng: 10:52 12/03/2022 Lượt xem: 392
CÔNG TRẠNG CỦA TẤM NI LON 2 MÉT 

       Trang bị không thể thiếu của chúng tôi ngày ấy là tấm ni lon che mưa, tiêu chuẩn là 2m2 nhưng cấp phát tới lính thường chỉ 2m. Không thể thiếu vì là tiêu chuẩn cấp phát quân trang có nó và rất cần thiết với người lính chúng tôi.
       Công dụng đầu tiên của nó là che mưa như đúng tên của nó. Ba chữ M lính ta ghét nhất hồi ấy là: Mỹ - Muỗi – Mưa. Bọn Mỹ thua đau nên luôn tìm diệt ta, muỗi rừng nhiều vô kể bị đốt là sốt rét, cơn mưa kèm theo rét, ướt át rất khó chịu, bởi vậy lính ta rất ghét, chẳng ưa gì nó. Có tấm áo mưa “tiêu chuẩn” lính ta chẳng sợ gì mưa.
       Ở các bãi khách của các trạm giao liên trên rừng Trường Sơn ngày ấy thường được phát quang. Những thân cây vươn thẳng được chằng buộc trên những cọc phụ, ở dưới là giá để ba lô. Cọc phụ là một sáng kiến đáng được ghi nhận, bảo vệ võng không bị ướt khi mưa. Ngay cạnh vị trí mắc võng là những hố khoét hình chiếc chậu. Chiều chiều lính ta trải ni lon xuống lòng hố đổ nước nóng vào – ba chiến sỹ một hố vừa ngồi ngâm chân vừa sinh hoạt tổ ba người.
       Tấm ni lon che mưa không chỉ chứa nước ngâm chân, đêm mưa rét, gió bấc thổi về lạnh thấu lưng, tấm ni lon lại vô cùng hữu ích. Lính ta trở dậy lấy tấm ni lon bọc võng lại, nằm vào võng ấm như nằm trên chăn ấm, giấc ngủ sâu lại trở về với người lính.
       “Trường Sơn đông nắng, tây mưa”. Nhưng bọn lính Binh trạm 44 chúng tôi nằm ngay trên đỉnh Trường Sơn nên mưa là chuyện thường ngày. Nhiều đồng chí dính nước mưa, người đang mang bọn ký sinh trùng sốt rét trong máu rất dễ bị ốm. Có tấm ni lon hỗ trợ người lại khỏe ra liền. Cánh cựu binh truyền lại: Đang nắng gặp mưa, giở ni lon che người, hai tay cầm ni lon hứng ra phía trước. Nước mưa đọng lại trên tấm ni lon đủ một hụm cúi xuống uống, nuốt đánh “ực” một cái. Tức thì phong hàn cảm mạo bay đi hết. Người lại khỏe như thường cũng là nhờ tấm ni lon …
       Khi vượt sông, suối sâu mùa lũ trải ni long lại gói lại làm phao.
       Công trạng của tấm ni lon 2m còn nhiều nữa. Thế mà chả thấy bảo tàng nào vinh danh nó là sao nhỉ?

 
Một bãi khách trên đường Trường Sơn - Ảnh minh họa
 
NGUYỄN HOÀNG ( Nguyễn Kin Chúc)
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan