Ký ức còn mãi
NGƯỜI ANH HÙNG BÌNH DỊ
Bút ký
Đã là lính Trường Sơn, dù chưa một lần được gặp! Nhưng ai ai cũng biết tên ông, bởi từng nghe nhiều giai thoại về ông: Nguyễn Thuận Quảng - Đại tá nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn 471 Anh hùng.
Ông sinh ở Hoành Sơn, Kinh Môn, Hải Dương. Thân sinh ông trước cách mạng tháng Tám là Chủ tịch Việt Minh xã. Năm 1952 trong một trận chống càn với lính lê dương Pháp đã anh dũng hy sinh.
Năm ông (Nguyễn Thuận Quảng) đi theo Việt Minh vào bộ đội Cụ Hồ cũng là năm tôi cất tiếng khóc chào đời 1953.
... Ông vào chiến trường 559 năm 1968, lần lượt giữ các chức vụ: Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng, Binh trạm trưởng, Trung đoàn trưởng, rồi làm Tham mưu trưởng và Phó Tư lệnh Sư đoàn 471. Năm 1979 ông được trên điều động sang làm Phó Tư lệnh sư đoàn 320. Rồi năm 1983 được điều về giảng dạy tại Học viện Quốc phòng cho đến lúc nghỉ hưu.
Ngày ấy... tôi mới bước vào tuổi 19, tuổi xốc vác, năng động, tràn đầy nhiệt huyết như triệu triệu thanh niên sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần, sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho nền độc lập, tự do dân tộc.
Học xong mười tám tháng, đồng chí Trưởng ban quân lực đơn vị định giữ tôi ở lại để cho đi đào tạo tiếp ở nước ngoài.
Tôi nài nỉ... rồi viết đơn bằng máu, xin mãi cuối cùng đồng chí Huệ trưởng ban quân lực mới chấp thuận cho tôi được vào chiến trường.
Thế là sau hơn một tháng hành quân, khi đi bộ, lúc đi xe, cơm nắm với măng rừng..., vượt qua sân bay Chà Vằn, Bắc và Nam sông Bạc... tôi có mặt tại Phòng Tham mưu Vận chuyển Sư đoàn 471.
Bọn lính trẻ chúng tôi ngày ấy không biết sợ bom, chẳng ngán biệt kích, thám báo địch. Dù nhiều lần tôi hay xung phong đi xuống các kho nằm ở những vùng trọng điểm địch hay đánh phá để kiểm tra, đối chiếu, phân loại hàng cho các chiến trường... Chỉ với khẩu AK và vài băng đạn dự phòng, cùng khẩu súng ngắn bên hông luồn rừng, qua suối...
Cánh lính trẻ chúng tôi lúc rảnh thường ngồi tếu táo, tán dóc với nhau quanh bình trà được đồng đội khéo tay gò từ mảnh máy bay hay ống pháo sáng. Chúng tôi tự sáng tác và kể chuyện tiếu lâm... Tiếng cười vang cả cánh rừng, khe suối... Rồi mấy thằng có óc hài hước dựa theo khuôn mặt, tính tình, vóc dáng từng đứa đặt cho nhau đủ mọi biệt danh... Vì thế mà tôi mới có tên Còi - Đặng còi.
Đồng chí Tham mưu trưởng (Nguyễn Thuận Quảng) cũng thường xuyên đi công tác. Tôi về Phòng Tham mưu sáu tháng rồi, chỉ được nghe anh em trong phòng kể chuyện về ông chứ cũng chưa một lần gặp mặt.
Bữa đó tôi từ Binh trạm 44 trở về Phòng Tham mưu báo cáo... Ngay trưa hôm sau, ông xuống lán tôi, vừa tới cửa ông đã gọi: "Còi đâu?".
Tôi đang nằm trên võng đung đưa đọc truyện, nhìn ra thấy ông, đoán biết ngay là thủ trưởng Quảng (vì tôi đã nhiều lần được nghe anh em kể và tả về ông). Tôi bật dậy đứng nghiêm báo cáo.
Ông cười, vỗ vai tôi: "Tớ cho cậu mười năm phút chuẩn bị rồi đi công tác cùng tớ".
Tôi mừng húm vì được đi công tác trực tiếp cùng "Hùm xám Trường Sơn".
Thủ trưởng Quảng và tôi đi ra khỏi chòi gác vệ binh, băng qua đội xe rồi men theo đường giao liên hướng về Binh trạm. Trường Sơn lúc này đang là mùa khô. Nắng chiều xiên qua kẽ lá in lên áo mũ chúng tôi lốm đốm như những cánh mai rừng. Hai thày trò vừa vượt qua con suối cạn, ven suối chi chít mai rừng, từng đàn bướm đủ màu tung tăng bay lượn... Tôi đang mải ngắm... Bỗng thủ trưởng Quảng giật áo tôi, chỉ về phía trước. Nhìn theo tay ông, tôi thấy một toán bảy người đang đứng, ngồi lố nhố ngay đỉnh đồi cách chúng tôi chừng hơn trăm mét. Ông kéo tôi nằm xuống. Chúng tôi nhẹ nhàng bò đến hai mô đá, thò đầu lên quan sát... thấy ba thằng ngồi giữa đang chụm đầu vào nhau bàn bạc, chỉ trỏ gì đó trên bản đồ. Ông ra hiệu và chúng tôi cùng trườn lên thêm khoảng năm mươi mét nấp sau ụ mối. Hai thằng đang đứng cầm AR15 nói gì đó... với nhau, rồi chỉ tay về hướng chúng tôi. Tôi thoáng nghĩ trong đầu: "Phải chăng chúng đã phát hiện ra hai thày trò chúng tôi vừa trườn tới?".
Tôi nhẹ nhàng kéo chốt an toàn khẩu AK và đưa hình thằng đang đứng phía tôi vào điểm ruồi. Bên kia gốc cây, thủ trưởng Quảng cũng đang chăm chú theo dõi. Ông nhìn qua tôi ra dấu. Tôi bò nhẹ qua chỗ ông. Ông nói nhỏ vào tai tôi: "Còi! Nếu địch phát hiện thì mình chia hai mũi đánh". Rồi ông chỉ vào gốc cây có dấu đất mới đào: "Tớ đã chôn xắc cốt tài liệu ở đây. Nếu tớ xảy ra sự cố, bằng mọi giá cậu phải mang xắc cốt tài liệu này về tới Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Cậu phải chờ lệnh tớ mới được nổ súng. Đây là mệnh lệnh nghe rõ chưa?". Tôi dạ, rồi bò về vị trí theo dõi địch. Nhưng trong lòng tôi đã hạ quyết tâm: Nếu phải nổ súng, bằng mọi giá tôi phải bảo vệ an toàn cho thủ trưởng.
Hai têm thám báo chỉ trỏ... khi nãy, đang cầm AR15 đi về phía chúng tôi. Tôi nín thở đặt tay vào cò súng. Nhưng không phải chúng phát hiện ra chúng tôi mà là chúng đi tè. Sau khi ba thằng chỉ huy bàn bạc, trao đổi, chúng gấp bản đồ và cùng nhau đi theo hướng khác. Chờ cho chúng đi khuất một đoạn, thủ trưởng Quảng và tôi cắt rừng luồn qua hướng ngược lại. Gần nhá nhem tối, hai thày trò mới tới binh trạm bộ.
Sau khi làm việc và trao đổi về toán thám báo khi chiều với các đồng chí lãnh đạo binh trạm, tới hầm khách gặp riêng tôi ông nói:
- Các cậu là lính mới chưa nhiều kinh nghiệm. Tớ đi công tác đụng phải thám báo, biệt kích nhiều rồi. Lúc nào cần đánh và lúc nào nên tránh. Tốp thám báo đó tớ đã giao cho anh em đơn vị chiến đấu bảo vệ xử lý, chúng không thoát được đâu. Chiều nay nếu chúng đi về phía bên kia thì chắc chắn anh em mình phải nổ súng. Vì gần đó là một đội điều trị thương bệnh binh dã chiến.
Rồi ông kể tôi nghe câu chuyện để rút kinh nghiệm:
- Lần đó năm lính mới ta vừa ở khu kho ra, gặp ngay tổ thám báo địch. Hăng quá anh em nổ súng. Bảy thằng thì sáu thằng chết ngay tại chỗ. Mừng vui chưa được mười năm phút. Bỗng đâu một chiếc OV10 bay đến bắn một phát pháo hiệu. Thế là chưa đầy mười phút bọn phản lực lao đến cứ thế mà trút bom. Kết quả ta tổn thất nặng nề, kho hàng cháy rụi. Cậu biết sao không? Vì thằng truyền tin xổng đấy! Thế nên khi đánh biệt kích, thám báo, đối tượng đầu tiên phải diệt ngay là thằng truyền tin khoác máy bộ đàm. Các cụ xưa đã dạy: "Đánh chuột đừng để vỡ bình"!
Tối đó hai thày trò chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo Binh trạm bồi dưỡng một bữa ăn tươi: Thịt nai nấu với măng rừng.
Thế rồi cuộc chiến chuyển qua bước ngoặt thần tốc.
Thủ trưởng Quảng đi công tác liên tục.
Tôi gặp thủ trưởng lần cuối vào năm 1979 khi thủ trưởng đi nhận công tác mới: Phó Tư lệnh Sư đoàn 320.
Thoáng chốc đã mấy chục năm trôi qua. Về đời thường tôi mải lo bươn chải làm ăn. Mới đây được biết thông tin về ông qua anh em đồng đội. Tôi tìm đến thăm ông ở nhà riêng số 81 Trần Cung, Từ Liêm, Hà Nội. Căn nhà rộng chừng năm chục mét vuông, kiến trúc ba tầng, không lộng lẫy, cao sang nhưng gọn gàng và thẩm mỹ. Thấy tôi ông hối hả ra đón.
Tóc, râu, lông mày ông đã bạc trắng như cước. Nhưng tác phong nhanh nhẹn, bản lĩnh sắc sảo và tính tình đôn hậu, khoáng đạt, thương lính, dễ gần trong ông vẫn như ngày nào... ngày chúng tôi cùng trong rừng Trường Sơn, với cơm vắt, măng rừng và những chuyến đi công tác đầy ắp kỷ niệm!
Ngày ấy... chỗ nào ác liệt, khó khăn... đoàn xe nào hành quân trở ngại là ông tới. Ông nghĩ ra cách đánh, cách phòng chống những trận địa nghi binh, rồi bàn với các đồng chí lãnh đạo lên phương án hành quân. Ông nhảy lên cabin xe đi đầu. Thế là đoàn xe như được tiếp thêm sức mạnh. Mặc cho máy bay địch gào rú, cắt bom, thả pháo sáng trên đầu. Đội hình xe vẫn ào ào vượt ngầm, leo dốc... Cũng chính sự mưu lược và dũng cảm của ông mà Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - 559 Đồng Sỹ Nguyên rất tin tưởng ông. Cứ nơi nào ác liệt, khó khăn là giao nhiệm vụ cho ông tới.
Vì thế mà anh em cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn dệt lên giai thoại: "Nguyễn Thuận Quảng Phó Tư lệnh sư 471 là em kết nghĩa của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên"!
Cùng tiếp tôi ở phòng khách có phu nhân của ông, người phụ nữ đảm đang, đôn hậu, thủy chung. Trước đây bà cũng là lính Trường Sơn, là quân y sỹ đội điều trị ở Binh trạm 32. Đồng đội cùng công tác với bà khi ấy cứ ví bà như nhánh lan rừng dịu dàng, lung linh mà thơm ngát... thương và cảm phục chất lính, bản lĩnh anh hùng của ông. Bà đã yêu ông và năm 1973 hai người nên vợ, nên chồng.
Bà đã sinh và thay ông nuôi dạy ba người con - hai trai, một gái, để ông yên tâm phục vụ cống hiến hết mình cho quân đội. Đến nay các cháu đều đã trưởng thành. Noi gương ông, hai cháu trai đang công tác tại Tổng cục Kỹ thuật và cháu gái đang công tác tại Học viện Quốc phòng.
Ông dời Học viện Quốc phòng về sống đời thường. Nhưng trong ông vẫn đau đáu nghĩa tình với cán bộ và chiến sỹ Trường Sơn. Ngay từ những ngày đầu thành lập Ban Liên lạc Sư đoàn do nguyên Tư lệnh Nguyễn Lạn và Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn Ngô Mạnh Thu khởi xướng thành lập ông tham gia với tư cách là Phó Trưởng Ban Liên lạc. Sư trưởng Nguyễn Lạn qua đời, ông là Trưởng Ban liên lạc Sư đoàn 471 từ ngày ấy - một Ban Liên lạc mà được Thường trực Trung ương Hội đánh giá cao về tổ chức, hoạt động…
Thấy ông bà và tôi ngồi nói chuyện, thằng cháu nhỏ gọi ông bằng ông nội cứ sà vào lòng ông đòi bồng và cho chơi điện thoại. Ông cười hiền, nói với tôi: Hết giặc rồi. Giờ về già hai ông, bà phụ trông nom các cháu cho con cái tiếp tục có thời gian cống hiến hết mình cho quân đội.
Nhìn râu, tóc, lông mày ông bạc trắng với tiếng cười sảng khoái, cùng với cách nói chuyện tinh tế, nhẹ nhàng. Những người không biết về quá khứ của ông chắc chỉ nghĩ: Ông là ông già hiền lành, chân chất...
Tuy ông chưa được vinh dự đứng lên bục vinh quang nhận danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", nhưng chúng tôi những người lính Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh của Tiểu đoàn 102, của Trung đoàn 32 và sư đoàn 471 từ lâu trong tâm thức đã suy tôn ông là: Anh hùng - Anh hùng của lính!
Phạm Tiến Đặng
Hội truyền thống Trường Sơn - Bình Thuận