KÀ ROÒNG - KHÔNG THỂ NÀO QUÊN!
HỒ BÁ THÂM
Trọng điểm đánh phá
Đoạn đường ngầm Kà Roòng từ Km49 đến Km54 không những trải qua nhiều cua dốc mà còn đi qua một con ngầm, gọi là ngầm Kà Roòng (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Đây là một nhánh suối thuộc sông Kà Roòng nằm giữa hai dãy đồi.
Từ giữa năm 1966 đến 1972, ngầm Kà Roòng luôn là trọng điểm đánh phá suốt ngày đêm của địch. Có nhiều thời kỳ pháo sáng địch thả trắng đêm. Toàn bộ con đường và đồi núi hai bên bị cày lên xới xuống nham nhở không biết bao nhiêu lần, đến một bóng cây cũng không còn. Song, chưa bao giờ bom đánh trúng ngầm Kà Roòng. Ngầm Kà Roòng đối với tôi và anh chị em TNXP Đại đội I (Đội 23 TNXP) rất nhiều kỷ niệm mà suốt đời không thể nào quên. Đại đội I chúng tôi, đa số là anh chị em quê Hà Tĩnh tuổi trên dưới 20, đã kiên trì bám trụ mở, lát đường, nổ mìn phá đá, lấp hố bom, giải phóng nhiều đoàn xe bị ách tắc. Tuổi trẻ kiên cường, lúc đó chẳng ai quản ngại khó khăn gian khổ, chẳng sợ hy sinh. Những gương anh dũng sáng ngời không sao kể xiết…Đáng ghi nhớ nhất là một số anh chị em bị thương và đã hy sinh tại đây. Anh Cảnh, khi bị thương gãy chân, thủng bụng, máu chảy nhiều, trước khi ngất xỉu vẫn hỏi: “Anh xem dưới nớ có sao không?”, “Thôi để thuốc tiêm cho anh em khác”. Biết không thể sống được nữa, anh hô: “Đả đảo đế quốc Mỹ tàn ác”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Và anh đã tắt thở trên tay đồng đội ngay cạnh ngầm Kà Roòng anh hùng và thân thương! Kẻ địch có rất nhiều vũ khí, thủ đoạn, chúng không chỉ thả bom napan để đốt cháy cây rừng mà sử dụng tất cả các loại bom: bom bi, bom phá, bom chùm, bom nổ chậm, bom từ trường, bom lá và bắn đủ loại đạn… suốt đêm ngày. Chúng tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm do nắm bắt được “quy luật”, cách và thời gian đánh phá của máy bay địch dù đêm hay ngày. Nhưng ở thời điểm địch thay đổi chiến thuật, thời gian, làm chúng tôi ít nhiều bị động, nên cũng bị thiệt hại tính mạng. Một lần, gần lúc hoàng hôn xe chở đá xuống ngầm Kà Roòng thì bỗng có tiếng máy bay. Chúng bay một vòng sau đó thì bom bi nổ ran, bom tấn ầm ầm rơi cạnh gần hầm hộ tống, nơi trực chỉ huy của đại đội. Dăm phút sau, thấy chiếc xe chở anh em quay lại và nhiều người lao vào hầm hộ tống, một số anh em bị thương cho biết có người còn nằm lại dưới ngầm. Tôi và vài anh em chạy xuống, thấy cô Liên bị mấy viên bom bi văng trúng ngực, đã tắt thở. Chưa kịp cõng Liên lên thì một đợt máy bay khác ầm ầm lao tới. Chúng đuổi theo đoàn xe của ta vừa đến để vượt ngầm. Pháo 12 ly 7 của ta bắn theo làm chúng hoảng loạn…
Đau thương ngút trời!
Có lần mấy chị em đi làm chiều, bất thần máy bay tới thả bom trúng vào đội hình, cô Lê Thị Hoa bị sức ép chôn vùi vào cạnh hố bom và đã hy sinh. Một lần khác, 4 cán bộ chiến sĩ tên Ứng, Quý, Bạt, Hợi, sau khi trực đêm trở về thì được báo gần đó có một quả bom đang nằm chềnh ềnh giữa đường. Họ quay trở lại, cùng nhau lăn quả bom xuống vực sâu để không phải dùng mìn phá vì sợ nó nổ gây hỏng đường. Nhưng bất ngờ bom nổ… Sau này mới biết đó là bom từ trường lần đầu tiên thả xuống tuyến. Anh em cũng không biết ở đó có một chiếc xe cải tiến, có lẽ bị kích hoạt nên bom nổ. Thật đau thương, thật kinh khủng! Sau đó chúng tôi đi nhặt từng mảnh xác thịt đồng đội, nhưng cũng chỉ được một ít vương vãi lẫn vào đất, vào lá cây gần đó. Một buổi chiều, chúng tôi vừa nhận quân nhu, thi nhau mặc áo mới, thì thình lình nghe tiếng rít máy bay và tiếng bom như xé không khí. Không có tiếng nổ. Lên khỏi hầm, sau đó nghe cán bộ trung đội sang báo cáo và biết một quả bom nổ chậm rơi xé ngang nóc nhà bếp, nằm bên bờ suối cạnh đó và khá gần chuồng heo của trung đội. Đang sơ tán và kiểm tra thì bất ngờ bom nổ. Tỉnh ra mới biết, tôi và 4-5 người bị thương, riêng anh Nguyễn Chí Liễu, Chính trị viên phó đại đội, bạn tôi, bị gãy chân, máu ra nhiều, phải chở đi viện nhưng gần sáng hôm sau thì tắt thở… Cả khu vực chúng tôi ở và gần lối mòn ra tuyến đường hành quân đầy bom nổ chậm, suốt đêm cầm canh nổ…Một trường hợp bất ngờ khác, khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi đang yên giấc bỗng nghe tiếng máy bay từ xa và tiếng rít của đạn bom. Tôi nhanh chóng lăn từ giường xuống đất. Sau đó biết rằng ở Trung đội 3, bom đạn đã đánh vào trại, chúng tôi chạy sang thì tất cả đều bị thương. Cả Trung đội trưởng, Chính trị viên trung đội và đặc biệt là cô y tá Nguyễn Thị Vinh, bị bom bi găm vào ngực, tắt thở ngay lập tức. Hôm đó, khi đơn vị pháo cao xạ 12 ly 7 kết nghĩa với chúng tôi biết tin này đã biến đau thương thành sức mạnh, quyết tâm trả thù cho đồng đội. Và, đúng trưa hôm đó, đại đội pháo 12 ly 7 đã bắn cháy máy bay của địch, buộc phi công phải nhảy dù. Một lần khác, vào khoảng 3 giờ chiều, tôi từ ngầm Kà Roòng đi về Km51 và dừng lại ở một dòng thác chảy từ trên cao xuống, bỗng nghe tiếng máy bay “bà già” xuất hiện và lượn vòng. Mấy phút sau máy bay F101, F105 ào ào bổ tới, tôi vội vàng lao vào “hầm ếch” bên cạnh để trú ẩn. Suốt gần 2 giờ đồng hồ, nào bom bi, nào bom phá thi nhau đổ xuống. Lúc đó tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Sau khi bom ngớt, tôi chạy về Km50 mới biết rằng nó đánh đoàn xe bộ đội giấu ở đồi cây cạnh đường. Có lẽ vì đoạn đường trước đó bị tắc, các anh không kịp vượt ngầm Kà Roòng trước khi trời sáng nên đưa xe vào đồi cây bên cạnh che giấu, ngụy trang. Nhưng vì đồi cây đó bom địch nhiều lần chặt trụi nên bị lộ. Nhiều chiến sĩ bị thương và hình như họ đã chuyển thương binh về theo lối mòn vào doanh trại của chúng tôi và dừng lại ở đỉnh đồi nứa, cách đường lớn khoảng 300m. Nhưng chắc lại bị lộ. Khi tôi đi qua, khoảng 5-6 giờ chiều, xác các chiến sĩ chất chồng, đầu, chân, tay cháy sém trộn lẫn với đất đá, bên cạnh cây gãy ngổn ngang. Thật là một cuộc thảm sát đẫm máu. Đau thương ngút trời!
Cần một tượng đài !
Với ngầm Kà Roòng, không chỉ hy sinh vì bom đạn, chúng tôi cũng đã có người bỏ mạng vì nước lũ. Đại đội phó Nguyễn Khắc Lương và một thầy giáo nữa vì thời gian gấp gáp gửi hồ sơ đi học cho anh chị em đã quyết tâm bơi qua suối lúc nước còn cường, cuối cùng anh Lương đuối sức, bị nước cuốn giữa dòng…Có lẽ đây là một trong những địa chỉ cần đặc biệt chú ý để lập bia đài tưởng niệm, tri ân, thắp hương cho những chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong đã hy sinh xương máu của mình để giữ cho ngầm Kà Roòng thông suốt, hiên ngang thử thách trước quân thù. Cũng cần nói thêm là ở khu vực Kà Roòng và nhất là ở khe Ni, nơi chúng tôi đóng doanh trại, có một nghĩa trang nhỏ chôn nhiều chiến sĩ, TNXP hy sinh ở đây. Mong rằng, các thế hệ tiếp nối cha anh sẽ không quên và hãy đến nơi này!