Bốn gương anh dũng hy sinh.

Ngày đăng: 11:05 24/07/2015 Lượt xem: 2.148
Anh Hồ Bá Thâm viết tiếp về 4 tấm gương hy sinh trên ngầm Cà Roòng

BỐN GƯƠNG ANH DŨNG VÀ HY SINH

                          XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC TÔN VINH CAO HƠN NỮA



           Đơn vi TNXP mà lúc đó tôi là cán bộ đại đội (C 1, đội 3- có lúc gọi là đội 23) đã chứng kiến không ít gương dũng cảm hy sinh tại những trọng điểm đường 20 Quyết Thắng, nhưng trong đó có một số gương hy sinh, bây giờ nhớ lại, tôi thấy họ xứng đáng là không chỉ là liệt sĩ mà còn có thể là được tôn vinh truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Có lẽ gương anh dũng và hy sinh của 4 cán bộ đội viên TNXP mà tôi kể sau đây (cũng đã giới thiệu vắn tắt trong bài viết về “Kà Roòng không thể nào quên” trên báo SGGP cách đây khoảng 6 năm) là trường hợp như thế, đã gây ấn tượng mạnh bậc nhất trong tôi và nhiều đồng đội của tôi.

        Đó là vào một buổi sáng cách đây 47 năm, tại khe Ni (khu vực trọng điểm ngầm Kà Roòng), nơi đóng quân, chúng tôi đang chuẩn bị không khí ngày kỷ niệm 19/5/1968 rất vui vẻ. Nhà ăn đã mổ lợn cho đơn vị liên hoan. Đang vui thì bỗng nghe tiếng máy bay và có tiếng bom rít nhưng không nghe tiếng bom nổ. Đúng là nó thả bom nổ chậm rồi! Lúc đó khoảng hơn 7 giờ sáng.

       Bẵng đi một lúc, thì bỗng nghe một tiếng bom nổ mạnh từ phía con đường mà đơn vị phụ trách. Không có tiếng máy bay và cũng không có tiếng mìn. Lạ! Bom nổ chậm tự nổ chăng? Lúc đó khoảng hơn 8 giờ. Sau hơn khoảng 30 phút trôi qua, thì nghe chuông điện C bộ thoại reo. Anh Trương Duyệt, đại đội trưởng cầm máy, thì nghe báo cáo từ phía trạm trực km 49 có 4 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh.

       Đó là 4 Ứng, Quý, Bạt, Hợi bị bom nỗ đã tan xác, không còn dấu vết. Chúng tôi, tại nhà của C bộ bên dòng khe Ni, những người có mặt lặng người đau đơn vô cùng. Chúng tôi đang phân công nhau ứng chiến thì o Hóa chính trị viên Trung đội 1, đơn vị có 4 người vừa hy sinh chạy lên C bộ vừa báo cáo vừa khóc nức nở nói không ra lời.

        Sau khi bình tĩnh lại, anh Duyệt phân công tôi, chính trị viên trưởng ở lại động viên đơn vị và chuẩn bị hậu sự. Anh Duyệt báo cáo lên Ban chỉ huy Đội và chỉ đạo chung. Anh Đỗ Văn Ngần (đại đội phó), o Hương chính trị viên phó đại đội ra mặt đường ngay. Cán bộ và một số anh em trung đội 1 và y tá Hường cùng đi. Sau đó chúng tôi được kể là, 4 Đinh Văn Ứng (Trung đội trưởng, đảng viên) quê xã Hương Trạch - Hương Khê - Hà Tĩnh; Hoàng Văn Quý (Trung đội phó) sinh 1946, Liêm Chính - Thanh Liêm- Hà Nam;  Nguyễn Văn Bạt (đội viên) sinh 1946, Hương Châu - Hương Sơn - Hà Tĩnh; Đinh Văn Hợi (tiểu đội trưởng, đảng viên) sinh 1948, xã Sơn Lệ - Hương Sơn- Hà Tĩnh, là cán bộ, chiến sĩ trực tuyến đêm hôm qua, sáng nay, đã hoàn thành nhiệm vụ, trên đường về, khi ghé vào hầm hộ tống (hầm trực chiến- trực ban của đơn vị) thì nghe chiến sĩ trực ban báo lại ở km 49 giáp km 48 có quả bom nổ chậm vừa rơi xuống đang nằm chềnh ềnh trên mặt đường gần phía ta luy âm (cách hầm trực chiến khoảng 700-800m gì đó).

          Nghe xong anh Ứng nói với anh em là đến xem xét và có thể xử lý để chiều tối cho xe qua. Vì nếu để gần tối vào ca trực mới và phiên làm đêm mới thì bất tiện (nhỡ bom nổ sẽ phá hỏng đường), và cũng chưa biết nó nổ lúc nào, nó nổ thì đường hư lớn, vả lại nếu có ai đi qua sẽ nguy hiểm. Phải lăn nó xuống vực thôi!. Vậy là anh Ứng và 3 anh em chạy ào đi… Độ khoảng 20 phút sau, nghe thấy tiếng bom nổ. Sau đó là sự im lặng nặng nề. Không biết thế nào mà gần 20 phút sau không thấy ai trở lại. Gay rồi. Chiến sĩ trực định đi xuống xem thể sự thế nào! Cũng vừa lúc chiến sĩ trực ban mới ra nhận giao ban.

         Hai người trao đổi nhanh và chiến sĩ trực ban cũ chạy xuống phía có tiếng bom nổ xem sao. Xuống nơi nhìn cảnh bố bom sâu phiá dưới ta luy âm, nên không hỏng mặt đường và chẳng thấy 4 đồng đội đâu!!! Hoảng quá. Một cảm giác đau xót lạnh xương sống chạy lan khắp người. Quay nhìn cách đó độ 30 m có chiếc xe cải tiến và mấy bộ quần áo còn của 4 đồng đội còn vắt trên càng xe đầy bụi khói bom. Nguy rồi! Và liền chạy về trạm báo cáo.

          Vì không nghe tiếng mìn nổ và trước khi đi họ cũng không mang theo kíp nổ, nên suy luận rằng, họ đã cùng nhau lăn quả bom xuống vực sâu để không phải dùng mìn phá vì sợ nó nổ gây hỏng đường. Nhưng bất ngờ bom nổ… Đau đớn thay! Có thể bom nổ chậm hẹn giờ hoặc là bom từ trường lần đầu tiên thả xuống tuyến. Mà ở đó có một chiếc xe cải tiến, có lẽ bị kích hoạt nên bom nổ. Thật đau thương, thật kinh hoàng!
         Đơn vị chúng tôi đóng ở khu vực trọng điểm “chảo lửa”, “cửa tử” ngầm Kà Roòng từ cuối năm 1966, có một số trường hợp đã hy sinh do bom Mỹ thả trúng trận địa, trọng điểm nhưng chưa bao giờ có hy sinh 2 người trở lên cùng một lúc. Nhưng lần này là 4 người, lại là cán bộ chủ chốt của trung đội và không còn thân xác. Thật đau thương ngút trời và tột cùng chua xót.

       Bộ phận cán bộ chiến sĩ khoảng gần 10 người ra “mặt trận” tìm kiếm và sau gần 2 tiếng đồng hồ nhặt đi nhặt lại từng mảnh mảnh nhỏ thịt da đồng đội, nhưng cũng chỉ được một ít vương vãi lẫn vào đất, trên cành cây gẫy  gần đó, khoảng hơn kg da thịt các anh! Chúng tôi ở nhà đã chuẩn bị hòm và đào huyệt xong. Bốn cái hòm chờ sẵn ở khu vực chọn làm nghĩa trang dã chiến bên cạnh bờ khe Ni, cách khu vực đóng quân khoảng hơn 1km. Đã 11 giờ 30 phút. Khi bộ phận ngoài tuyến về. Thấy họ chỉ cầm tay một nắm bọc nhỏ.

        Chúng tôi lặng người không biết nói làm sao. Nhưng ở chiến trận mà! Đồng đội nâng niu từng tí da thị còn nóng hổi của các anh nghẹn ngào và đành chia da thịt các anh thành bốn gói nhỏ cho vào bốn hòm cùng nước mắt đồng đội những người có mặt, cùng ít đất đá khe Ni, mảnh đất yêu thương mà các anh, những liệt sĩ và đồng đội đã sống như máu thịt của chính mình. Lễ an táng do tôi chủ trì, rất nghiêm trang và đầy đau thương, căm thù…

        Bên mộ chí có từng tấm bia và những cục đá làm dấu. Bác Hồ ơi, các cháu TNXP nói riêng và các bạn Ứng, Hợi, Quý, Bạt nói riêng đã thật sự xứng đáng với niềm tin của Bác. Giá như lúc ấy Bác biết tin đau buồn và cũng rất tự hào này (tôi nghĩ Bác sẽ gửi tặng Huy hiệu của Người!). Trưa ấy và cả ngày hôm ấy trở thành ngày đau buồn vô hạn. Thịt cá dọn ra ăn cho qua bữa mà có ai ăn nổi được đâu. Nhất là mấy anh chị em đi nhặt thịt da các anh về, chỉ ôm mặt khóc ròng và nằm đến sáng sau mới dậy được. Phải biến đau thương thành sức mạnh căm thù! Đó là mệnh lệnh từ đại đội trưởng Duyệt. Tôi thì tập trung động viên anh chị em.

       Tôi (quê Nghệ An) được chuyển vào công tác tại đại đội 1 TNXP quê Hà Tĩnh từ tháng 7 năm 1967. Và cũng đã có mặt ở con đường 20 Quyết thắng này từ tháng 12/ năm 1965. Đã qua nhiều trận bom đạn đạn, bị thương và suyết chết bao lần…Đơn vị  C1 của tôi ở Kà Roòng chỉ trong hơn 2 năm đã có khoảng 10 người của đơn vị hy sinh, có trường hợp tôi đi công tác ở Binh trạm, không có mặt tại đơn vị, hiện trường. Còn lần này có đến 4 đồng đội hy sinh do bom đạn và tự tay tôi chôn cất thì là duy nhất.

        Ấn tượng và ám ảnh mạnh trong tôi cho tới tận bây giờ. Nhiều đêm, nhất là vào dịp 27/7 hàng năm, nhớ lại những đồng đội đã đổ máu xương nơi con đường ấy là cứ bồn chồn không sao ngủ được…Thời gian lùi xa đã gần nửa thế kỷ. Sống trong hòa bình thấy mình còn may mắn lắm. Nên dù đã qua nhiều thử thách hy sinh và khó khăn thiếu thốn đời thường thời bao cấp, nhưng thâm tâm tôi không thấy mình khổ và chưa bao giờ than vãn gì.

        Càng nghĩ, nhớ về đồng đội càng nghĩ mình, càng thấy không sao so sánh được với những hy sinh mất mát của đồng đội. Sau thời chiến, tôi cũng đã về ngả ba Đồng Lộc viếng 10 nữ liệt sĩ anh hùng. Dẫu chưa về Truông Bồn và Hang Tám Cô trên đường 20 QT, nhưng từ thực tế những năm ở Trường Sơn, Kà Roòng khói lửa, tôi hiểu và cảm nhận được những hy sinh và gương anh hùng liệt sĩ nói trên. Nhưng tôi vẫn canh cánh bên lòng và thường trao đổi với một số đồng đội là 4 cán bộ chiến sĩ trung đội 1, đại đại 1, đội 3 (hay 23), đã hy sinh nói trên xứng đáng là liệt sĩ - anh hùng.

         Tôi nghĩ họ xứng đáng được tôn vinh, truy tặng là Anh hùng LVTND… Và ít ra tại địa điểm họ hy sinh rất cần có một tấm bia đá lớn ghi lại tên tuổi 4 Chàng trai - Liệt sĩ TNXP và sự hy sinh anh dũng của họ để cho các thế hệ sau còn biết và tri ân. Và gia đình các liệt sĩ này cũng biết mà thêm tự hào. Nhân đây, xin nói thêm là, tôi có nghe nói ở địa chỉ khu vực ATP tức trọng điểm A Ky - Phu Lai Nhích - Ta Lê (ATP) đã có dự án xây Tượng đài kỷ niệm TNXP, bộ đội đã hy sinh trên tuyến đường 20 QT khốc liệt này.

        Thật ra khu vực Kà Roòng (km 49-53) - Khe Diêm (km 32), Cô Pông La (km 40- 41 nơi dốc đá dựng đứng), tức KDC (tôi tạm gọi vậy) cũng là một liên hoàn trọng điểm ác liệt cần có Tượng đài tương xứng. Sở dĩ sau này nói nhiều về khu vực ATP, có thể vì năm 1970-1974 khu vực này bị B52 đánh phá rất kinh khủng. Nhưng những năm 1996-1970 thì khu vực KDC là trọng điểm ác liệt vô cùng chứ không chỉ ATP. Riêng khu vực khe Ni km 49 (cách ngầm Kà Roòng, km 53 khoảng 1 km đường chim bay ) đã có hơn 30 cán bộ hội viên TNXP và sĩ quan, chiến sĩ quân đội hy sinh (có đợt bị bom đạn Mỹ bắn phá hy sinh một lúc hơn chục cán bộ chiến sĩ quân đội).


            Trở lại gương chiến đấu với bom đạn và hy sinh anh dũng của 4 cán bộ đội viên TNXP như anh ỨNG, HỢI, QUÝ, BẠT vừa nêu trên đây, tôi nghĩ rằng cần được ghi công và tri ân xứng đáng hơn. Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ năm 2015 này, tôi muốn kể kỹ hơn về sự hy sinh của họ. Và trước khi họ hy sinh thì đó là những đảng viên, cán bộ, quần chúng đã không ít lần tỏ rõ là những chiến sĩ TNXP, luôn có mặt ở nơi khó khăn, khốc liệt của chiến trận, nhận gian khổ hy sinh về mình, gương mẫu, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, được bạn bè, đồng đội quí mến. Họ thật sự xứng đáng được tri ân, tôn vinh với danh hiệu cao quí hơn nữa của Đảng và Nhà nước ta!
        Sự hy sinh trong chiến tranh của nhiều cán bộ, đội viên TNXP thời đó gần như là chuyện “bình thường!” Nhưng 4 liệt sĩ nói trên nghĩ cho cùng là cao hơn, và có phần khác thường. Là một cán bộ đại đội của 4 liệt sĩ nói trên, tôi vẫn canh cánh mãi điều này, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.


                                                                         HỒ BÁ THÂM

                               Nguyên Chính trị viên trưởng C1 TNXP (thuộc Ban Xây dựng 67)

tin tức liên quan