Chuyện từ một chuyến hành hương

Ngày đăng: 10:22 31/07/2015 Lượt xem: 490

 

CHUYỆN TỪ MỘT CHUYẾN HÀNH HƯƠNG

                                                Nguyễn Hoàng - CCB F471

 

          21giờ 30 ngày 24-7-2015 chiếc xe 47 chỗ ngồi biển số Hà Nội dừng bánh trước trụ sở Binh đoàn 12, kết thúc hành trình 4 ngày 3 đêm đi viếng các nghĩa trang liệt sỹ, dự lễ cầu siêu ở thành cổ Quảng Trị … của Trung ương Hội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

 

          Bắt chặt tay nhau tạm biệt, hẹn ngày tái ngộ. Bốn ngày qua đi nhanh với những cuộc thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ tới những anh hùng liệt sỹ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Những cuộc gặp gỡ giao lưu, dự lễ cầu siêu, thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn ở thành cổ Quảng Trị … Tất cả được thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng nghi thức. Không có gì sai sót. Trong khói hương nghi ngút, vị tướng già chủ tịch hội cùng với các tướng lĩnh phó chủ tịch thỉnh 9 tiếng chuông bắt đầu lễ tưởng niệm ở tất cả các nghĩa trang, các đền thờ các anh hùng liệt sỹ mà đoàn đến.

 

          Không khí trang nghiêm tĩnh lặng. Đại tá Đàm Văn Hoàn với giọng sứ Nghệ truyền cảm và trang nghiêm đọc lời viếng. Các đồng chí nữ cựu chiến binh vừa thắp hương vừa hát: “Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh…” nước mắt rơm rớm hàng mi. Tiếng trầm trầm đọc kinh, những cánh tay giơ lên vành mũ tưởng nhớ những chiến sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc … Chúng tôi, những người lính Trường Sơn năm xưa tới kính viếng hương hồn các anh, các chị, dâng lên những vòng hoa, những bó hoa tươi thắm với những lễ vật truyền thống mong các anh, các chị ở nơi xa được bằng an, siêu thoát … Xin các anh, các chị chứng giám lòng thành của chúng tôi …

 

 

Nhóm nữ cựu binh Trường Sơn vừa thắp hương vừa hát trước hàng mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

 

          Kể từ 06 giờ 05 ngày 21-7-2015, chúng tôi gồm 150 tướng lĩnh, sỹ quan CCB thuộc Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cùng với cánh phóng viên báo Quân đội nhân dân, truyền hình Quân đội nhân dân, báo Giao thông vận tải là một tập thể thân thiết với các cuộc giao lưu văn nghệ, kể chuyện một thời để nhớ trên suốt chặng đường đi và về. Để lại trong họ những ấn tượng, những kỷ niệm, những mẩu chuyện không thể nào quên trong những ngày gian khó. Đoàn vào tới Nghệ An đón thêm Đại tá Thái Khắc Thế và cũng từ đây những vần thơ thợ cày với “Ruộng bà ít nước cỏ dầy”. “Nhận giúp bà cày mệt bở hơi tai”, với giọng đọc khê nồng hài hước của ông đã lấy được không ít tiếng cười của các thành viên trong xe.

 

          Tiếng máy xe đều đều, xe đời mới với bộ giảm sóc hiện đại, các hàng ghế giãn thưa cao ráo, rèm kính buông rủ cho ta cảm giác như đang ngồi trong phòng hội thảo. Câu chuyện lại được trở về những ngày tháng không thể nào quên. “Dòng sông mang lửa” do chính tác giả Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu diễn giải. Ông nói về những mối tình ông viết nguyên mẫu không hề hư cấu, về những ngày gian khó ác liệt bởi bom đạn kẻ thù; Về những chiến công của bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn … Rồi ông lại kể về bộ phim mới nói về bộ đội đường ống xăng dầu đã chiếu trên VTV. Bộ phim hay những cảnh quay cẩu thả, bom từ trường trong phim không phải là bom từ trường và hình ảnh chiến sỹ vác ống đi mở tuyến trong vùng bom từ trường và anh dũng hy sinh là có thật nhưng khác xa với cảnh trong phim … Nhưng dù sao cũng cảm ơn các nhà làm phim.

 

 

Trên xe họ cùng hát, cùng nghe những bài hát đi cùng năm tháng 

 

          Câu chuyện xoay quanh đường ống xăng dầu với mẩu chuyện viết về một lần báo cáo với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên về việc không thể đưa dầu Dieden theo đường ống vào phía trong của Đại tá Nguyễn Văn Tạo. Bài viết được giải khuyến khích cuộc thi viết: “Xuân 1975 bản hùng ca toàn thắng”. Đại tá  Đoàn Danh Bình - Phó Chánh văn phòng Trung ương hội nói nhỏ với đồng đội: Trên tuyến Trường Sơn “Ở đâu cũng ác liệt, cũng gian khó, nhưng cánh lái xe tuyến trong mới thực sự vất vả, ác liệt”. Rồi ông kể về những lần vượt ngầm Sêrepôk, mặc dù được nhắc nhở không được dừng lại giữa ngầm vẫn dừng xe xuống vốc nước rửa mặt, chân tay rồi viện lý do là phải đổ nước máy …

 

          Phó ban Chính sách Trung ương Hội Nguyễn Thanh Hà kể về bài thơ “Đổi chỗ” mà chính ông là nguyên mẫu. Người “đổi chỗ” cho ông đã vĩnh viễn ra đi để lại người vợ trẻ. Bốn mươi năm ông mới tìm về được quê hương bản quán của người “đổi chỗ” với sự giúp đỡ của đồng chí đồng đội. Người vợ trẻ ấy giờ vẫn sống đơn thân ở tuổi 70 sống trong căn nhà lụp xụp siêu vẹo. Bằng tiền của chính mình, ông đã giúp đỡ người đàn bà đơn thân - vợ của người “đổi chỗ” có được căn nhà mái bằng 70m2, có chỗ đặt hương án thờ cúng người đã mất. Câu chuyện thật cảm động. Hàng năm ông Hà vẫn về thắp hương tưởng nhớ người “đổi chỗ”.

 

          Cũng từ chuyện “Đổi chỗ” lại quay sang sự đổi chỗ của Chính ủy Bình ở sư đoàn 968 sang xe của Chính ủy Đặng Tính. Rồi xe bị mìn cả hai cùng hy sinh với những người trong xe. Có đồng chí lại bảo: - “Xe bị mìn định hướng vì không có đường cứ men theo bờ ruộng mà đi”. Chuyện đến thế là cùng, là nhảm nhí. Cũng may trong xe có đồng chí ở sư đoàn 471 biết rõ chuyện lên tiếng: - “Chuyện xe của Chính ủy bộ đội Trường Sơn Đặng tính bị mìn hy sinh đã được nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long TBT trang thông tin điện tử Trường Sơn viết lại và công bố rộng rãi trên mạng. Ở đây tôi chỉ nói rõ hơn một số điều để các đồng chí rõ hơn. Mùa khô 1972  - 1973 bọn lính đánh thuê Thái Lan gồm các GEM41, 42, 53 … đổ quân chiếm Saravai Pak soông định lấn ra khu vực Thateng nhằm cắt đứt con đường vận chuyển chi viện cho chiến trường thuộc khu vực BTL471 Trường Sơn phụ trách trong đó có đường kín 17 mới mở vượt Cao nguyên Bôlôven băng qua tỉnh lộ 232 (Nối Pak soông với Huội Coòng trên cao nguyên) giao hàng cho B2 ở Chănpaksắc. Để ngăn chặn ta, địch phải cố chiếm Pak soông rồi theo tỉnh lộ 232 tiến về Huội Coòng cắt đứt đường kín 17 của ta. Địch vấp phải sự chiến đấu ngoan cường của bộ đội 968. Địch chiếm được Pak soông nhưng không phát triển được. Hai cao điểm phía Bắc và phía Nam ngã ba đường 23 và đường 232 gọi là Thêvađa bắc và Thêvađa nam được các chiến sỹ sư đoàn 968 chốt giữ kiên cường. Địch tổ chức đánh chiếm nhiều ngày, ta vẫn giữ vững. Địch không thể vượt qua hai cao điểm này để tiến về phía đông theo đường 232. Hỏa lực của ta ở hai cao điểm Thêvađa bắc và Thêvađa nam khống chế địch cả một vùng rộng lớn. Những chiến sỹ 968 chốt giữ ở hai cao điểm này thật kiên cường, thật dũng cảm, mưu trí. Thế rồi bọn địch ở thị xã Saravan bị trung đoàn 102 sư 308 cùng các đơn vị thuộc 559 đánh mạnh buộc phải tháo chạy. Bọn ở Paksoông nguy cơ bị ta đánh tiêu diệt cũng vội vàng  rút về Pakxê. Ta giữ vững vùng giải phóng. Thế rồi Hiệp định Pa ri đượcký kết, hiệp định Viên Chăn cũng đến hồi kết. Đoàn công tác của Chính ủy Đặng Tính đang làm việc ở các Bộ tư lệnh phía trong. Chính ủy cùng đoàn công tác muốn tới thăm chiến địa Pak soông nơi có hai điểm chốt giữ Thêvađa bắc và Thêvađa nam. Sáng hôm ấy Chính ủy bắt tay tạm biệt các chiến sỹ ở  Sở chỉ huy BTL 471 lên xe theo đường 17 về hướng Nam. Các đơn vị thuộc BTL471 được lệnh theo dõi và bảo vệ chuyến đi của Chính ủy. Thế rồi gần trưa hôm ấy hung tin tới, Chính ủy đã hy sinh. Ngay trưa hôm ấy thi hài của Chính ủy Đặng Tính và Chính ủy Bình của sư đoàn 968 được chở về Sở chỉ huy BTL471 làm các công việc cần thiết để chuyển ra Bắc. Đồng chí Đại úy Trịnh Xuân Kiên - Trung đoàn phó Trung đoàn 59 bộ binh, nguyên Phó ban tác chiến 471 kể lại: Ông được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho chuyến đi của Chính ủy. Ông đề nghị đoàn đi bộ theo đường 232 vào thăm chiến địa cũ. Nhưng đoàn lại cho là hòa bình rồi đi xe cho nhanh; Ông Kiên ngồi trên xe Zin157 đi trước, chiếc xe Gat69 chở Chính ủy theo vết xe trước hành tiến. Đường tỉnh lộ 232 mới rải cấp phối, không hằn rõ vết xe lăn, hơn nữa khẩu độ hai xe khác nhau. Hai xe cách nhau chừng hơn 100m. Bất ngờ một tiếng nổ “Ầm’ xe Gat 69 bị hất lên cao, văng các thi thể ra xung quanh. Thế rồi ông được lệnh đưa thi hài về BTL 471 để làm tiếp công việc đưa ra Bắc. Chuyện là thế mong các đồng chí "suy xét” ?. Nghe chuyện, trên xe lặng đi. Mọi người tưởng nhớ tới đồng chí Chính ủy kính mến, nhớ tới các anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cánh phóng viên báo, đài chăm chú lắng nghe để bổ xung cho những trang viết, trong những cuộc phỏng vấn của mình …

 

          Thời gian trên xe của chuyến hành trình không dài mà cũng chẳng ngắn, nó chiếm tới một phần hai thời lượng ban ngày của chuyến đi - Nhiều và nhiều lắm những mẩu chuyện về ký ức, về lịch sử truyền thống Trường Sơn; những bài hát đi cùng năm tháng nói về con đường huyền thoại mang tên Bác…

 

 

Đoàn dâng hương nghĩa trang LSQG T.Sơn, tưởng niệm trước tượng đài nghĩa trang Quốc gia Đường 9

 

 

Dâng hương tại thành cổ Quảng Trị

 

 

và dự lễ cầu siêu thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn 

 

          6 giờ 30 ngày 24 - 7 - 2015 mọi người đã yên vị trên xe chuẩn bị rời khách sạn Đông Trường Sơn để trở về Hà Nội. Một “nữ đồng chí” cao to U60 ở đâu đó bất ngờ nhảy lên xe hô lớn: “Nghiêm! Tôi điểm danh các đồng chí: một, hai, ba … Mười đồng chí chết một còn chín, chín đồng chí đột tử một còn tám, tám đồng chí tắt thở hai còn sáu … Mười đồng chí hy sinh cả”. Có người nói: “Mụ này điên, người ta chuẩn bị đi lại còn nói điều xui xẻo”. Họa sỹ Đức Dụ ngồi ghế sau cũng lên tiếng: - “Không sao! Sinh dữ tử lành mà”. Mọi người quên ngay lời xui xẻo của “nữ đồng chí” nọ. Xe nổ máy nhằm hướng Bắc lăn bánh.

 

          Đại tá Đàm Văn Hoàn - Phó Ban Chính sách TW Hội/Phó Giám đốc Trung tâm, Đại tá Trần Văn Phúc lại đưa các đồng chí trong xe về với ngày xưa giống như hôm vào thăm viếng thành cổ Quảng Trị khi xe qua cầu Thạch Hãn, Đại tá Đàm Văn Hoàn nhắc mọi người để ý tới biểu tượng bên phải ngay đầu cầu phía Nam. Đó là những cột, những dàn treo, những hồ lô màu đỏ sẫm mang hình giọt nước. Đó là máu của đồng bào, đồng chí ta đổ xuống để giữ yên bờ cõi này. Cũng phía bên phải bờ Bắc cách cầu hơn trăm mét là biểu tượng ghi nhớ chiến công của Trung đội Mai Quốc Ca trong 81 ngày đêm đỏ lửa giữ thành cổ Quảng Trị… Và hôm nay khi xe đi qua hàng rào điện tử Măcnamara ngày xưa và để đoàn đi bộ qua cầu Hiền lương nửa vàng nửa xanh. Đại tá Đàm Văn Hoàn nói: “Phía dưới là Làng Cát quê hương của cô Dịu và Trần Sùng trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Giờ có đến thăm làng Cát dễ chả ai nhớ cô Dịu, gia đình Trần Sùng khi xưa”. Đi trên cầu Hiền Lương qua một nửa sơn vàng phía Nam lại bước sang một nửa sơn màu xanh hòa bình phía bờ Bắc. Lại nhớ thơ Tố Hữu: “Sông Bến Hải bên bồi bên lở. Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương”. Ngước mắt trông lên đã thấy cột cờ Hiền Lương cao sừng sững với lá cờ đại sao vàng đỏ tươi tung bay trước gió. Tự hào về dân tộc ta, đất nước ta …

 

 

Chụp ảnh lưu niệm tại bờ Nam khu di tích Đôi bờ Hiền Lương

 

 

 

và giữa cầu Hiền Lương lịch sử

 

 

          Xe đi vào miền đất: “Trang trang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”. Đại tá Trần Văn Phúc - Chánh văn phòng Trung ương Hội lại cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện về Long Đại, về xây dựng nghĩa trang Trường Sơn, về những chiến công của bộ đội công binh Trường Sơn. Đoàn viếng Đại tướng Tổng tư lệnh ở Vũng Chùa; Báo cáo với Tổng tư lệnh chuyến hành hương của đoàn và hứa với Đại tướng Tổng tư lệnh những người lính Trường Sơn quyết tâm giữ vững bản chất tốt đẹp của chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam … Xe qua đèo Ngang bằng lối qua hầm đường bộ. Ai đó đang ngâm thơ của bà huyện Thanh Quan: “Bước xuống đèo Ngang bóng xế tà / cỏ cây chen đá lá chen hoa / lom khom dưới núi tiều vài chú / lác đác ven sông chợ mấy nhà…”.

 

          Phần lớn thành viên trong đoàn lần đầu đi với: Trung tâm tổ chức về thăm chiến trường xưa Bộ Đội Trường Sơn - quân tình nguyện Việt Lào và rất ấn tượng với phong cách làm việc trách nhiệm nghĩa tình, chuyên nghiệp của các nhân viên Trung tâm. Mang hành trang bước lên xe sang trọng đã yên tâm. Ngồi vào ghế thoải mái được các nhân viên trung tâm chỉ dẫn cung cấp nước uống, khăn ướt, phát thuốc tăng lực, cấp xuất ăn sáng (mặc dù đã được thông báo đại biểu tự túc ăn sáng hôm đi) lại càng yên tâm. Bao nhiêu năm chiến đấu trong những cánh rừng mịt mù bom đạn của dãy Trường Sơn, các cựu chiến binh giờ đây ít cũng đã ở tuổi 60 được đi nhiều nơi, nhiều chuyến đi với các công ty, trung tâm giáo dục truyền thống … thường mỗi xe chỉ có một nhân viên lo từ A đến Z. Còn ở Trung tâm tổ chức về thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn - quân tình nguyện Việt Lào là cả một tập thể, đội ngũ này làm việc đúng chức năng của một đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Trung ương Hội Truyền thống Trường Sơn giao phó, lo cho khách hàng chu đáo, trách nhiệm, nghĩa tình, thân thiện, rất chuyên nghiệp và đặc biệt là mang yếu tố “ phi lợi nhuận ” …

 

          Khi chia tay, Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu thay mặt các thành viên trong đoàn cảm ơn Trung tâm đã tổ chức một chuyến đi chu đáo nghĩa tình, cám ơn các đồng chí lái xe đã thực hiện tốt lộ trình, vững vàng tay lái và nhắn gửi tới Trung tâm những lần sau Trung tâm tổ chức những chuyến đi  như thế này ông và mọi người sẽ có mặt.

 

          Một chuyến hành hương đầy cảm xúc./.

 

                                                                                                Hà Nội, tháng 7. 2015

                                                                                                                N.H.

tin tức liên quan