Cựu TNXP Chu Văn Hồng- Một tâm hồn thơ.

Ngày đăng: 09:39 04/08/2015 Lượt xem: 602
Hồ Bá Thâm  một cựu TNXP Trường Sơn, ông đã có rất nhiều thơ lục bát dự thi đăng trên Trang thông tin Trường Sơn. Ban Biên tập xin giới thiệu một bài ký sự về Cựu TNXP Chu Văn Hồng.

NHỚ ANH CHU VĂN HỒNG - NGƯỜI CÁN BỘ CỰU TNXP NĂNG NỔ, CÓ TÂM HỒN THƠ

 

 

            Anh Chu Văn Hồng (Chu Hồng) quê gốc ở Quỳnh Giang Quỳnh Lưu - Nghệ An, nên dù trưởng thành ở Diễn Trường - Diễn Châu, nhưng khi về hưu là về Quỳnh Giang ở những năm cuối đời. Anh là một cán bộ TNXP mà tôi nhớ nhất và có nhiều kỷ niệm nhất. Những ngày làm cuốn sách này tôi càng nhớ anh nhiều. Tôi muốn nghi lại vài dòng về anh, dù cũng đã có thơ tặng anh rồi (xem phần III sách này).

          Tôi gặp anh lần đầu là khi Tổng đội TNXP Nghệ An thành lập một đội TNXP vào chi viện cho Đoàn 559. Đó là vào tháng 7, 8 năm 1965 khi tôi là tiểu đội trưởng đại đội 168 còn anh là Chính trị viên phó Đội (Tiểu đoàn). Nhưng chỉ khi hành quân vào làng Ho, trạm 1 (Quảng Bình) mới thật sự gặp khi nghe anh nói chuyện và đọc thơ do anh sáng tác động viên đơn vị sau thời gian hành quân từ Nghĩa Đàn, tập huấn một tháng ở Hưng Nhân, Hưng Nguyên - Nghệ An, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới trên dãy Trường Sơn.  Ấn tượng còn mãi là nghe anh đọc thơ của chính anh, rất hào hùng, lạc quan và đầy hứng khởi mà bây giờ đọc lại vẫn nguyên khí thế ấy.

           Và lần gặp cưối cùng là đầu năm 2013, khi từ TPHCM, tôi về quê. Phan Thắng, bạn tôi, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ An dùng ô tô chở tôi về Quỳnh Lưu và chúng tôi đã ghé thăm anh Chu Văn Hồng. Lúc này anh đã ngoài 80 và bệnh tim khá nặng, dù đã phẩu thuật được hơn một năm gì đó nhưng nghe ra khó qua khỏi. Câu chuyện hàn huyên chưa nhiều, lại phải chia tay anh và tôi tặng anh cuốn thơ “Ngọn lửa” vừa xuất bản của tôi trong đó có bài thơ tặng anh.

         Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng!

         Vì đường xa xa xôi không về tiễn biệt anh, thật là có lỗi!

Chu Văn Hồng là cán bộ TNXP đã có mặt trên nhiều chiến trường thời chống Mỹ.

          Anh Chu Văn Hồng, trước khi tham gia lực lượng TNXP là Phó Bí thư Huyện đoàn Diễn Châu, được Tỉnh đoàn điều động làm cán bộ TNXP. Anh đã cùng chúng tôi trong các cuộc chiến đấu làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa ra chiến trường trên đỉnh 1001 và ngay cả những tháng đầu khi chúng tôi chuyển về chuẩn bị mở đường đường 20- Quyết Thắng. Rồi anh có bài thơ “Cô gái giao lương” đọc cho chúng tôi nghe. Khi mở đường 20, anh cũng đã có mặt cùng anh em đội viên trên nhiều trọng đểm ác liệt trên đường 20- Quyết Thắng (nhất là các năm 1966- 1967). Anh xuống mặt đường động viên, khuyến khích và đọc thơ cho chúng tôi nghe làm vơi đi khó khăn, ác liệt.

            Có vấn đề gì anh giải quyết có lý, có tình!Anh cũng là người chú ý đào tạo cán bộ kế cận. Anh Nguyễn Văn Khoái sau này là Đại đội trưởng, Trần Văn Thân là Chính trị viên trưởng và tôi cũng như vậy, đó là ví dụ điển hình.

          Thế rồi sau đó, khoảng đầu năm 1967 gì đó anh được điều động lên Ban 67 và Ban chỉ đạo TNXP Trung ương. Anh có mặt trên các khu vực chiến đầu trên mặt trận giao thông vận tải các tỉnh khu Bốn và cả ở Bắc bộ mà ở đó TNXP “tiếng hát át tiếng bom” thù. Đến đâu anh cũng có thơ. Thời kỳ này anh có bài thơ “Đi giữa quê hương”

         Trên các mặt trận ấy, anh đã nhiều lần chết hụt và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

           Cho đến bây giờ nhiều cán bộ chiến sĩ TNXP vẫn còn nhớ anh nhất giọng thơ của anh…

Khi Tổ quốc ngày thêm rạng rõ

Mỗi bước ta đi không còn bỡ ngỡ

Mà vững vàng với sức trẻ đôi mươi!

Hỡi mùa xuân tuyệt diệu của tôi ơi

Năm sáu sáu (1966) là năm gì xuân nhỉ

Phải chăng năm chúng ta thắng Mỹ

Gấp bội lần so với những năm qua!

Trả lời đi xuân, đừng phụ lòng ta

Với lời hứa của muôn người như một

 …                        

Hoặc:

Mẹ tiễn con lên đường đi đánh Mỹ

Đã nẩy mầm trên mọi nẻo hành quân

Như lá rừng, măng mai, măng trúc

Xé đất đồi nẩy lộc nở lá xuân

Cuộc sống đẹp như bông Hồng, bông Huệ

Nở giữa mùa chống Mỹ được đón trông

           Đúng là một cán bộ có tâm hồn thơ và sức động viên bằng thơ của anh.

          Tôi say khi nghe thơ anh, nó hào hùng và lôi cuốn lạ thường. Và tôi cũng đã bị lây, rồi học anh, tập làm thơ, nhưng sau khi “ra quân” năm 1969, đi học đại học, từ đó tôi mới làm được nhiều thơ về TNXP… và rồi thật sự thành nhà thơ…

         Nhớ thời kỳ về học ở Trường Tuyên giáo TW 1, Hà Nội, bất ngờ gặp anh cùng về học (anh học hệ huấn học, tôi - hệ tuyên truyền). Anh làm cán bộ lớp rất năng nổ và học khá giỏi.

       Rồi ra trường, anh về Nghệ An làm giảng viên Trưởng Đảng tỉnh - hệ tại chức, còn tôi ở lại Trường và đi học nghiên cứu sinh triết học ở Trường Nguyễn Ái Quốc cao cấp (nay là Học viện CTQG trung tâm).

         Sau này tôi vào công tác ở Kiên Giang. Năm 1997 tôi về làm Giám đốc chi nhánh NXB CTQG ở Cần Thơ. Sau đó bất ngờ nhận được thư anh vì anh qua bạn bè anh biết biết tôi đang ở Cần Thơ với nhiệm vụ mới. Anh viết thư động viên, chia sẻ nhiều điều về TNXP Nghệ An trên đường Trường Sơn. Và từ đó chúng tôi liên lạc lại với nhau thường xuyên hơn.

          Rồi tôi chuyển về TPHCM công tác. Năm 1999, Đoàn cán bộ TNXP TW đại diện cho TNXP miền Bắc vào giao lưu với cán bộ TNXP miền Nam. Anh Nguyễn Đệ, nguyên Trưởng ban TNXP TW, Trưởng ban liên lạc Cựu TNXP TW, và khu vực miền Bắc dẫn đầu. Anh Nguyễn Đệ có nhờ tôi làm tiền trạm. Lần này tôi lại gặp lại anh Chu Văn Hồng và một vài bạn bè đơn vị cũ ở Trường Sơn. Bí thư Thành ủy TPHCM lúc đó là anh Nguyễn Minh Triết đã đến thăm, trò chuyện với cuộc giao lưu với hai Đoàn. Thật là may mắn và vinh hạnh.

         Chúng tôi cùng nhau đi tham quan Dinh Thống Nhất, địa đạo Củ Chi, khu tưởng niệm liệt sỹ ở Củ Chi, Khu Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh, đi miền Tây thăm khu vực đường 1C và tìm hiểu chiến công TNXP ở đây.

          Sau chia tay, anh về quê, rồi thỉnh thoảng chúng tôi liên hệ hỏi thăm sức khỏe của anh. Rối sau đó, tôi có về thăm gia đình anh, lúc này vợ anh còn sống trong ngôi nhà bố mẹ để lại ở Quỳnh Giang.

         Nghe anh kể chuyện sau về hưu, đời sống khó khăn thế nào và đã đứng ra thuê lại ao hồ của HTX để nuôi cá, tự vượt khó, cứu lấy cuộc sống gia đình ra sao. Nhiều khó khăn, rét mướt nhọc nhằn khi đã có tuổi, từ một cán bộ chính trị lại về làm “nông dân” sản xuất, làm kinh tế riêng trên cánh đồng quê. Cuối cùng anh thành công. Có lẽ nhờ tư cách đảng viên, truyền thống TNXP, truyền thống xứ Nghệ… mà anh đã vượt khó. Rồi nuôi con ăn học, nuôi vợ bệnh tật (không có lương).

          Khi tôi ở Cần Thơ, qua thư từ anh đã tâm sự nhiều về việc này. Điển hình Cựu TNXP làm kinh tế giỏi này còn được nêu trên Tạp chí Thủy sản lúc đó. Rồi tôi cũng có thơ tặng anh trên mặt trận mới này (xem Phần III).

          Đúng là Cựu cán bộ TNXP đã thành công, không chỉ trên trên mặt trận giáo dục tư tưởng mà cả trên mặt trận tự sản xuất cứu mình… và cả với thơ nữa!

          Anh có những trăn trở với đời và với mình. Anh định in tập thơ của mình nhưng rồi cũng không thực hiện được. Anh định cùng anh em đồng đội cũ làm thủ tục đề nghị đại đội 168 anh hùng LLVTND, nhưng lực bất tòng tâm.

         Khi làm tập sách này, tôi đã nhớ thơ anh. Và may có cô Trần Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP Quỳnh Lưu đến nhà anh Chu Văn Hồng nhờ con cháu tìm kiếm và cuối cùng tôi đã có 5 bài thơ của anh in ở Phần III tập sách này. Nếu không tôi mãi ân hận và có lỗi với anh nhiều.

        Anh Chu Văn Hồng là một người đảng viên cao tuổi đảng (trên 50 tuổi đảng). Khi nhận được tiền kèm theo Huy Hiệu Đảng, anh cũng tặng luôn cho Quỹ khuyến học của xã nhà. Thật quí hóa, cảm động biết bao tấm lòng anh vì thế hệ trẻ của anh.

         Anh là người trung thực, thẳng thắn và kiên trung như người xứ Nghệ và tuổi trẻ Việt Nam, TNXP Việt Nam!

         Tôi và rất nhiều người, nhiều đồng đội sẽ còn mãi hình ảnh của anh trên các mặt trận xưa, nhớ giọng thơ anh đọc, nhơ thơ anh viết và truyền lửa sống, chiến đấu, công tác, sáng tạo của anh! Kinh trọng anh, anh chu Văn Hồng ạ.

     Với bài viết với mấy dòng này và đăng thơ anh (trong sách này cũng như trên trang nhantainhanluc.com),  và cả thơ viết về anh là nén tâm nhanh lòng thắp lên, cháy mãi ngọn lửa TNXP anh hùng và đầy chất thơ, chất thi sĩ của anh, của chúng ta!

 

                                        TPHCM, ngày 28/3/2015

                                                    Hồ Bá Thâm

 

(Trích trong sách: TNXP Quỳnh Lưu làm theo lời Bác, do Hồ Minh Đàn, Hồ Bá Thâm, Hồ Việt Bác- đồng chủ biên, Nxb Thanh Niên, 2015, 240 trang)

 

tin tức liên quan