Nhớ Đội điều trị Binh trạm 27

Ngày đăng: 04:26 07/08/2015 Lượt xem: 615

Nhớ Đội điều trị Binh trạm 27

 

     Vào khoảng tháng 11/1971, đơn vị tôi đóng quân tại vị trí cách km70 đường 10  chừng 500m. Địa điểm đóng quân bên cạnh con suối, mà thượng nguồn con suối ấy là Đội điều trị binh trạm 27. Trong những tháng năm ở đây ngoài nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên cung đường từ km 68 đến km72, thì đơn vị tôi thường đi vận chuyển thương binh về trạm quân y. Hơn nữa vì gần Đội trị Binh trạm 27 nên lắm khi anh em trong đơn vị bị sốt rét ác tính hoặc những bệnh đột xuất thì đơn vị thường đưa vào bệnh xá của Binh trạm để điều trị. Thời kỳ ấy mặc dù chiến tranh thiếu thốn nhưng Đội điều trị Binh trạm 27 có một đội ngũ quân y sỹ, hộ lý nhiệt tình hết lòng vì thương bệnh binh. Tôi nhớ mãi một lần tải thương binh về trạm. Hôm ấy, một buổi chiều khi cả đơn vị vừa trên tuyến về thì được lệnh đi làm nhiệm vụ, tải thương binh. Hầu hết thương binh là các đồng chí lái xe vừa từ tuyến trong trở ra đến ngầm Dân chủ thì bị máy bay ném bom vào đội hình, một số xe bị cháy hoặc bị trúng bom.  Đường vào Đội điều trị Binh trạm 27 phải đi dọc theo bờ suối. Trời tối mà không được phép dùng đèn vì sợ máy bay phát hiện. Vì thế anh em cứ phải vừa đi vừa dò đường. Đi chừng được nửa giờ thì nghe tiếng máy bay lượn trên đầu. Trung đội trưởng Phạm Văn Thống nhắc nhở anh em phải bình tĩnh bám sát đội hình. Máy bay chúng nó chỉ lượn lờ tìm xe trên đường thôi. Câu nói vừa dứt thì bên kia suối từng loạt rốc két bắn xối xả xuống ven suối. Phía trước mặt, anh em chỉ kịp đặt cáng xuống rồi nằm lên phía trên che cho thương binh. Trận bắn phá kéo dài chừng 15 phút. Rất may không một ai việc gì. Sau đó chúng tôi đã đưa các đồng chí thương binh về Đội điều trị an toàn. Cũng như những lần khác mỗi khi có thương binh đưa về trạm, từ các bác sĩ đến hộ lý ra tận bờ suối tiếp đón thăm hỏi ân cần và đưa vào cấp cứu, xử lý kịp thời. Trong chiến tranh, đạn bom ác liệt, thiếu thốn đủ mọi thứ vậy mà tất cả mọi người trong Đội điều trị không ai kêu ca phàn nàn. Trong Đội điều trị có mấy cô hộ lý quê ở Thái Bình và Hải Phòng tính tình vui nhộn. Trong lúc làm việc, các chị thường hát cho thương, bệnh binh nghe ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư” của nhạc sĩ Huy Thục. Bác sĩ Ngọc, Đội trưởng, anh Minh quân y sĩ quê đều ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa… Cho đến tận bây giờ nhiều khi nghe bài hát ấy tôi lại tưởng như mình đang sống trong không gian của rừng Trường Sơn ngày ấy. Đúng như vậy, C449 chúng tôi chỉ là “hàng xóm láng giềng” của Đội điều trị 27. Những năm tháng ấy có biết bao điều để nhớ, để kể lại những việc làm, những tình cảm của anh chị em từ bác Sĩ đến hộ lý của Đội. Ở đây, ngoài nhiệm vụ chữa chạy, chăm sóc thương bệnh binh thì anh em còn phải làm nhiệm vụ an táng những đồng đội hy sinh. Khu vực phía sau Đội Điều trị chừng hơn một trăm mét là khu an táng những chiến sĩ hy sinh. Chiến tranh bom đạn ác liệt, thiếu thốn đủ điều vậy mà không ai kêu ca, phàn nàn. Ngược lại trong gian khổ tiếng hát tiếng cười luôn rộn vang.

Thời gian qua đi, chiến tranh kết thúc, mỗi người một phương. Không biết giờ đây các anh, các chị ở nơi nào. Nhưng hình ảnh Đội Điều trị Binh trạm27 thì còn mãi với những chiến sĩ C449.

                                      Xuân Hoán

Bùi Văn Hoằng (Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hoa, Email : hoang1592@gmail.com)

tin tức liên quan