Cho nhau vàng ở Trường Sơn

Ngày đăng: 11:00 19/08/2015 Lượt xem: 547

              CHO NHAU VÀNG Ở TRƯỜNG SƠN

                                                              Hồng Châu

 

Cuối tháng 4 năm 1971, tôi có chuyến công tác xuống Tiểu đoàn 41 công binh (Binh trạm 35) ở bên kia sông Bạc. Tôi háo hức được xuống đó vì sẽ được gặp một người đồng hương. Chả là, trước khi đi công tác, Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Đức Tâm, bảo tôi: - D41 có cậu Hiện nuôi quân ở Tiểu đoàn bộ, người Quốc Oai, Hà Tây, đồng hương với cậu đấy!

Đến nơi, tôi được gặp đồng hương thật. Anh là Cấn Văn Hiện, người xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai. Nhà anh cách nhà tôi chừng 5-6 km gì đó. Tôi ở thị trấn Xuân Mai nhưng lại thuộc huyện Chương Mỹ. Qua cuộc trò chuyện, tôi biết anh Hiện rất biết gia đình tôi. Vì, khi chưa vào chiến trường, anh nhiều lần xuống gia đình tôi chụp ảnh. Cha tôi - một người lính đánh Pháp trở về, ông mở hiệu ảnh ở thị trấn Xuân Mai. Tay nghề ông rất giỏi nên khá đông khách. Trong vòng bán kính hơn 10 km, hầu như ai cũng biết tiệm nhiếp ảnh Việt Long của cha tôi.

Anh Hiện mở ví lấy ra tấm ảnh anh chụp với gia đình, bảo tôi:  - Ông cụ chú chụp cho gia đình tôi đấy. Nước ảnh thật tuyệt vời. Vào Trường Sơn ẩm ướt thế mà không hề hấn gì.

Tôi nhìn cái phông trong ảnh và nhận ra ngay, tấm ảnh do bố tôi chụp thật…

Anh Hiện hơn tôi 6-7 tuổi. Anh vào Trường Sơn năm 1965. Thế mà bây giờ vẫn là Tiểu đội trưởng nuôi quân ở Tiểu đoàn bộ 41. Trước khi xuống đây, tôi đã nghe tiếng đồn về anh rất nhiều: Anh là người nấu cơm ngon nổi tiếng Binh trạm. Dù gạo loại gì, vào tay anh, cơm vẫn ngon thơm và chín dẻo. Bao giờ nấu cơm xong, anh cũng xuống suối tắm rửa, mặc chiếc áo Pơ- Pô- Luy cộc tay trắng muốt, chải đầu bóng mượt rồi mới vào chia cơm. Trông thấy anh chia cơm trong bộ dạng như thế, tuy chưa ăn nhưng đồng đội đã thấy ngon lành rồi…

Mới chỉ trò chuyện một lúc mà tôi đã cảm thấy quý mến, gần gũi anh rồi. Đêm ấy, hai anh em nằm cùng giường trong hầm Tiểu đoàn. Tiếng AC130 bắn đạn 20 ly vọng từ Cua Đá về nghe mà thấy xót xa cho anh em công binh và lái xe ở trọng điểm... Đêm ấy Anh kể rất nhiều về Cấn Hữu quê anh. Vợ anh rất giỏi giang. Chị là Chủ tịch xã…

 Bỗng anh hỏi tôi:

-         Đồng hương có thích nghe đài không ?

-         Có chứ anh! Tôi trả lời.

-  Tôi thích lắm. Chỉ muốn mua một chiếc đài nghe mà chưa đủ tiền. Đêm đêm nghe đài cho đỡ buồn. Anh có một ít tiền Kíp nhưng chưa đủ. Tôi thấy đồng hương có đeo chiếc nhẫn ở tay. Đồng hương có thể cho tôi mượn được không ? Khi nào được về phép, anh sẽ mang vào trả cho đồng hương.

Tôi hơi bất ngờ trước lời đề nghị của anh. Đúng là trên tay tôi đang đeo một chiếc nhẫn vàng loại 1 chỉ. Trước khi vào chiến trường, mẹ tôi đưa cho tôi 2 chiếc nhẫn và bảo: - Con cầm lấy để phòng thân. Nếu có lạc đường, lạc đơn vị có cái mà đổi lấy thức ăn con ạ…

Một chiếc nhẫn tôi gửi lại chú em họ (sau này là phóng viên VTV rồi phóng viên hãng Roi – Tơ) để gửi cho người yêu của tôi (bà xã tôi bây giờ). Một chiếc tôi đeo trên tay. Tôi thấy chiếc nhẫn nhiều khi vướng víu khi phải cầm dao chặt gỗ làm nhà (tôi thuận tay trái mà). Tôi chả nghĩ ngợi gì lâu, tháo ngay chiếc nhẫn ra, đưa cho anh Hiện:

-         Vâng, đồng hương cần thì cầm lấy mua đi. Khỏi nói chuyện vay mượn làm gì. Em chả dùng đến đâu. Anh Hiện khá bất ngờ trước quyết định của tôi. Anh cầm lấy tay tôi lắc mạnh trong xúc động…

Tháng sau, tôi nhận được điện thoại gọi từ Tiểu đoàn 41 của anh. Anh khoe: - Đồng hương ơi, anh đã mua được chiếc đài Nationnal hai băng mới tinh rồi nhé. Nghe sướng lắm, nhất là mục kể chuyện đêm khuya, em ạ. Cảm ơn đồng hương rất nhiều…

45 năm đã qua, vì bận công việc nên tôi chưa có dịp gặp lại anh Cấn Văn Hiện. Mỗi khi nhớ tới anh, tôi lại rất nhớ giọng anh mừng vui trong điện thoại thông báo với tôi về việc đã gửi mua được chiếc đài bán dẫn ngày nào…

Vâng, lính Trường Sơn đúng là chả tiếc nhau điều gì.

tin tức liên quan