"Nhớ ngày giỗ Tổ Hùng Vương" - Ký ức của Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 08:47 10/04/2022 Lượt xem: 252
---------------------------------------------------
NHỚ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

       Sáng nay, bóc tờ lịch đã đầu tháng ba âm lịch rồi, còn 10 ngày nữa là đến Lễ hội Đền Hùng - Giỗ tổ Hùng Vương, tôi chợt nhớ ngay đến câu ca dao bà tôi đọc cách đây ngót 60 năm:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm…”
       Bà tôi khi mất thọ gần 100 tuổi, chưa một lần đến Đền Hùng nhưng lại rất tỏ tường lịch sử và kính trọng ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Theo lời bà tôi: Lễ hội Đền Hùng – Giỗ tổ Hùng Vương là lễ hội thiêng liêng nhất của cả dân tộc Việt Nam, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Mỗi năm gần đến ngày giỗ Tổ thì bà tôi lại kể câu chuyện truyền thuyết về cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ mà bà thuộc đến nằm lòng. Bà tôi kể rằng: ngày chính Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ là do vua Khải Định chọn vào (1917). Ngày giỗ Tổ Hùng Vương được cả nước ghi nhớ hàng năm gọi là ngày “quốc giỗ” hay “quốc lễ”. Kể từ đó thế hệ này đến thế hệ kia con cháu người Việt lưu truyền ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 cho đến ngày nay.
       Tục truyền, ở quê tôi từ xa xưa các làng cũng có phong tục giỗ Tổ các Vua Hùng, nhưng về sau do chiến tranh loạn lạc nên việc cúng giỗ bị lắng xuống chỉ còn nghe những lời ca dao truyền tụng mỗi dịp tháng 3 về. Sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL – CTN, ngày 18 tháng 2 năm 1946, cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn dân tộc. Trong nhân dân, văn hóa tâm linh dần được quan tâm, một số gia đình bắt đầu khôi phục lại ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), với cách làm khác nhau. Càng về sau kinh tế khá lên, cuộc sống ấm no đầy đủ người dân càng có mong muốn tìm về cội nguồn tổ tiên để thờ phụng, tỏ lòng biết ơn.
       Rồi đất nước đổi mới, nhân dân cả nước có điều kiện tự do đi đây, đi đó và hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Phú Thọ. Nhiều chuyến du lịch của tập thể, của cá nhân được tổ chức về với nơi cội nguồn tổ tiên sinh ra vừa để tỏ lòng kính trọng, biết ơn vừa để tham quan thưởng lãm và nguyện cầu cho mưa thuận, gió hòa, đất nước hiển vinh.
       Tôi cũng may mắn được ba lần về thăm quê hương đất Tổ, mỗi lần về cho những cảm xúc khác biệt nhau, song chung quy lại vẫn là cảm xúc về sự linh thiên đầy kính trọng và tự hào. Khi đến với Đền Hùng, từ xa đã thấy ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao ngất trời, từng ngôi đền dần hiện ra trước mắt. Đầu tiên là khu Đền Hạ với kiến trúc xưa cũ mang hình chữ Nhị, được xây dựng từ thế kỉ 17. Đây là nơi thờ Đức mẹ Âu Cơ đã hạ sinh ra “bọc trăm trứng”, nở thành trăm người con, là nguồn gốc của người Lạc Việt, là nơi sản sinh ra cái tên gọi thân mật “đồng bào”. Đến đây nghe ai tiếng “đồng bào” được thốt lên thật thiêng liêng, cao cả, nó tượng trưng cho sự đoàn kết, yêu thương gắn bó giữa các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước. Đi thêm 168 bậc nữa là tới Đền Trung cổ kính, chứa vẻ đẹp tự nhiên của thuở sơ khai. Hướng dẫn viên cho biết, các thời đại vua Hùng đã chọn Đền Trung làm nơi để họp bàn việc nước. Đồng thời đây cũng chính là nơi mà Lang Liêu – vị vua Hùng thứ 18 đã dâng lên vua cha hai thứ bánh Chưng – bánh Giầy tượng trưng cho “trời tròn – đất vuông” trong ngày lễ Tiên Đế. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là Đền Thượng, Đền Thượng không mang vẻ dịu dàng như Đền Hạ mà hình thái, vóc dáng thể hiện sự uy quyền của chốn quân vương. Chính tại nơi này, lăng mộ của vị Vua Hùng thứ 6 đã được xây dựng và lưu giữ lại cho đến ngày nay. Ngoài ra nơi đây cũng còn có cột đá thề, được vua Thục Phán xây dựng để khẳng định lời thề với trời đất sẽ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Đại Việt.
       Đến thăm Đền Hùng trong tôi lần nào cũng cũng có cảm giác lâng lâng tự hào vì dòng máu Lạc Hồng đang chảy trong chính trái tim mình, tự hào mình là con dân Đất Việt, con cháu Rồng Tiên. Tôi càng thấy yêu đất nước Việt Nam của mình hơn, tự hào hơn để khẳng định với bạn bè năm châu rằng, đất nước tôi, đất nước của những trang lịch sử hào hùng, đất nước của vua Hùng Đại Việt sẽ tồn tại và phát triển bền vững muôn đời.
       Là người dân nước Việt bạn hãy về với Đền Hùng, dịp giỗ Tổ càng quý, không thì ngày thường cũng được, bạn sẽ có cơ hội được học hỏi rất nhiều, được hòa mình vào thế giới của lịch sử và niềm vui của cả dân tộc, được chiêm nghiệm tài năng kiến trúc cổ xưa, phong cảnh tuyệt đẹp của đất Phong Châu, hay ít nhất là được kết nối nhiều hơn với bạn bè khắp cả nước. Đến đó rồi bạn sẽ có thêm nghị lực để cố gắng nhiều hơn nữa, để luôn xứng đáng là con cháu Rồng Tiên, con dân Đại Việt./.

Nguyễn Bá Thuyết
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

 
tin tức liên quan