"Tình đầu của lính" - Truyện ngắn của Nguyễn Việt Phát, Hà Nội

Ngày đăng: 05:21 04/09/2022 Lượt xem: 215
TÌNH ĐẦU CỦA LÍNH
(Truyện ngắn của Việt Phát)

 
       Nhà Việt và nhà Tiệp cách nhau không đầy một cây số, trong một khu phố nhỏ gồm toàn những ngôi nhà lợp mái ngói âm dương, cột gỗ, vách trát đất trộn rơm, nằm ven đường quốc lộ đi biên giới. Bước qua bên kia đường phía ta luy âm là một con suối nhỏ, bắt nguồn từ những dãy núi trùng điệp, cao ngất, tạo nên bức tường thành thiên nhiên che chắn, bảo vệ cái thị xã biên cương nhỏ bé của vùng đông bắc.
        Con suối rừng có tính nết thất thường, đỏng đảnh. Mùa cạn thì róc rách rì rầm, xanh màu ngọc bích, in hình những đàn cá vây vàng bơi lội tung tăng. Mùa đông thì lạnh thấu thịt xương, nước bốc hơi giăng mờ mặt suối. Mùa mưa thì lũ tràn về sôi réo ầm ào, mang theo bao củi rác và cả xác động vật trương phềnh. Lũ nhấn chìm những bãi soi, ruộng ngô, vườn rau, lều lán ven suối và vặn đứt những cây cầu treo, cầu gỗ bắc ngang suối.
       Những trưa hè tắm suối, cánh con trai thì thi nhau bơi cưỡi sóng, chơi trò đuổi bắt hoặc lặn ngụp tìm vật dấu dưới những hốc đá thác ghềnh. Đám con gái thì bơi lội tung tăng nô đùa té nước, nhưng chỉ ở những chỗ nước nông hoặc trong vũng suối với những xoáy tròn yên ả. Khác với lũ con trai chỉ mặc chiếc quần đùi cộc cỡn, bọn con gái mặc nguyên cả quần áo mỏng tang, khi lên bờ thì quần áo ướt đẫm dính chặt vào người, làm hiện lên những đường cong mới lớn ngồ ngộ. Những cây sung già nghiêng bên bờ suối nhiều khi phải cong trĩu cành, bởi hàng chục đứa trẻ cả trai và gái đu mình trên những cành sung cao nhất, nhảy ùm xuống suối trong tiếng la hét cười đùa ran cả một vùng.
        Thế rồi tuổi thơ cũng trôi qua nhanh như dòng nước lũ. Cả Việt và Tiệp đều phải tạm biệt dòng suối, tạm biệt bạn bè và người thân để lên đường nhập ngũ. Khi vào tới chiến trường Tây Nguyên, Việt và Tiệp được bổ sung vào cùng một đơn vị trinh sát. Trong trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh tháng 4 năm 1972, Việt đi mũi cánh Đông đầy cam go, gian khổ, nhiều lần thoát chết trong gang tấc nhưng lại bị sốt ác tính quật ngã liên tiếp đến teo tóp người. Tiệp đi cánh Tây bị mảnh pháo cắt đứt ngón tay út trên một điểm cao thuộc dãy Ngọc Bơ Biêng.
       Đầu năm 1973, khi hành quân qua bản Rờ Kơi, dưới chân núi Chư Mom Ray, bị máy bay địch phát hiện ném bom đánh chặn đường, khiến vài chiến sĩ của đơn vị bạn hy sinh ngay trước mắt, Việt và Tiệp phải chạy thục mạng dưới mưa bom để hòng thoát ra, mảnh bom bay xèo xèo, đất đá và khói bom mù mịt, may mà hai đứa vớ được vỏ bom bi mẹ như cái thuyền nhỏ úp lên người.
       Dù là đồng hương chung phố, là đồng ngũ chung đơn vị, cùng trải qua vài năm chinh chiến khắp trời Tây Nguyên, thậm chí chung cận kề cái chết, nhưng cả Việt và Tiệp chưa bao giờ tâm sự chuyện riêng tư, nhất là chuyện về bạn gái. Có lẽ bởi cuộc chiến quá khốc liệt, sống chết quá mong manh, cái đói, sốt rét bệnh tật như cơm bữa đã khiến người lính trai cứng ?
      Nhưng ở cái tuổi khát yêu theo bản năng đến cháy lòng ấy, những bí mật về mối tình đầu cũng dần hiện ra. Đó là lần Việt và Tiệp cùng tổ trinh sát bám theo bộ binh đánh chiếm điểm cao Chư Duê ngay trước cổng tổng kho Mai Hắc Đế, mũi tấn công đầu tiên của ta vào Ban Mê Thuột rạng sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975. Trước giờ nổ súng ở trận nào cũng thế, trời đất yên tĩnh rợn người, rừng núi như một bóng đen vô tận nuốt chửng sự chết chóc xắp xảy ra. Do tiếp cận mục tiêu sớm hàng tiếng đồng hồ, nên tổ trinh sát phải ém mình dưới lòng khe cạn, đợi giờ G, gìờ pháo binh ta mở màn chiến dịch. Sợ lại lăn ra ngủ như hồi chập tối trên đường hành quân từ sông Sê Rê Pốc vào đây, Việt và Tiệp gác chân lên nhau thầm thì trò chuyện.
Việt chủ động hỏi Tiệp:
- Ngày còn ở nhà, mày đã yêu đứa nào chưa ?
Không hiểu do linh tính hay quán tính của người lính về sinh mạng mình trước giờ nổ súng, hay vì câu hỏi tò mò nhưng chân tình của thằng bạn cùng phố đã khiến Tiệp thổ lộ:
- Mày có biết cái Hoa gần nhà tao không?
- Có phải Hoa bạn thân với cái Trâm gần nhà tao không? Việt hỏi lại.
- Đúng rồi. Tao và Hoa yêu nhau đấy. Hiệp bật mí.
Trong màn đêm đen kịt, tuy không nhìn rõ mặt Tiệp nhưng Việt hình dung ra đôi mắt nó đang long lanh vì nỗi nhớ người yêu. Việt biết Hoa vì Hoa thường đến nhà Trâm chơi. Hoa có gương mặt, đôi mắt và nhất là hàng mi cong trông như một con chiên theo đạo.
-Thế mày yêu Hoa khi nào? Việt lại thì thầm gợi mở để muốn biết tận cùng câu chuyện tình đầu của thằng bạn đồng đội, cũng là nhằm giết thời gian trước trận đánh lịch sử này.
-Tao để ý Hoa lâu rồi, nhưng mãi tới lần về phép trước khi chúng mình đi B thì tao mới dám thổ lộ tình cảm với Hoa. Hiệp trầm ngâm giãi bày.
- Đợt về phép đầu đông 1971 ấy à? Việt giật mình hỏi lại.
- Ừ! Trước hôm trả phép, tao rủ Hoa sang rạp thị xã xem phim, trên đường về thì trời đổ mưa, buộc hai đứa phải chạy vào trú dưới mái hiên một quán nhỏ ven đường. Bất chợt tao nhìn thấy trong lớp áo mỏng tang ướt dính toàn thân, những đường cong con gái của Hoa hiện lên mồn một như không mặc áo. Không kìm nổi cảm súc và tao sợ ngày mai đi rồi sẽ không bao giờ còn được bên Hoa nữa, thế là tao đánh liều ôm chầm lấy Hoa. Hoa hơi bối rối nhưng ngay sau đó cũng quàng vòng tay sau lưng tao. Hai đứa cứ thế ôm nhau rất lâu cho tới khi mưa ngớt, rồi nụ hôn đầu đời của chúng tao đã trao cho nhau. Tiệp kể một hơi hào hứng.
- Rồi sao nữa? Việt cảm thấy nóng bừng và sốt ruột hỏi tiếp.
- Chỉ thế thôi, sáng hôm sau thì cả tao và mày đều phải từ biệt mọi người để trả phép để vào Nam chiến đấu là gì. Nhưng Hoa đã hứa sẽ đợi tao trở về.
- Vậy sau này chúng mày có thư từ qua lại gì không?
- Thư ra thì có, thư vào thì không, là lính Tây Nguyên mấy năm rồi mà mày còn hỏi câu đó à. Tiệp nói như đang hờn giận.
- Ừ nhỉ, cái đó thì mày nói đúng, đời lính chúng mình nay đây mai đó, sống chết bất kỳ thì lấy đâu ra thư với từ. Việt bỗng thoáng buồn.
       Vẫn chưa đến giờ G, thỉnh thoảng tiếng súng cầm canh cùng ánh pháo sáng vụt loé trên bầu trời thị xã Ban Mê Thuột, khiến cho không gian giật mình rồi lại chìm nhanh vào màn đêm đang bị dồn nén. Chuyện tình đầu của Tiệp kết thúc trong im lặng. Việt cũng không hỏi thêm vì muốn để Tiệp có những phút giây yên tĩnh ngược về với kỷ niệm mối tình đầu. Trong trận chiến ít phút nữa, số phận của mỗi người lính biết ai còn ai mất. Nhưng câu chuyện của Tiệp vừa kể đã vô tình chạm đến kỷ niệm về mối tình đầu của Việt. Tay vẫn ghì chắc khẩu AK trong tư thế sẵn sàng lao lên khi có lệnh, Việt thầm nghĩ, sao chuyện tình đầu của Tiệp giống mình đến thế, trùng hợp đến kỳ lạ. Cũng cái lần hò hẹn gặp gỡ lần cuối trước khi trả phép, cũng đi xem phim, cũng là cô bạn nhà bên.
***
       Đêm cuối cùng trước khi trả phép để đi B, Việt đã nhờ cô em gái mời Trâm sang nhà để chia tay. Chiều hôm trước, Việt cùng chị gái mình đã rủ Trâm cùng đi xem phim ngoài rạp chiếu bóng thị xã. Mấy hôm trước nữa, Việt còn gửi cho Trâm một lá thư tỏ tình. Nên bây giờ Việt muốn được cảm nhận ý tứ của Trâm. Bên chậu than sưởi rực hồng giữa nhà, mọi người đã ý tứ rút lui để Việt và Trâm bên nhau. Im lặng một hồi Trâm nhỏ nhẹ:
- Mai anh về đơn vị rồi vào chiến trường ngay à?
- Ừ, cũng có thể là đi ngay, có thể chưa vì việc quân lính tráng sao biết được. Việt lấp lửng.
- Em nghe nói chiến trường ác liệt lắm phải không? Trâm nhỏ nhẹ.
- Đúng đấy, mọi người từ trong đó ra kể là vô cùng gian khổ và ác liệt. Việt đáp lời.
- Nếu vào trong đó mà gặp được anh trai em, thì anh bảo anh ấy viết thư về cho gia đình nhé, lâu lắm rồi không có thư của anh ấy. Trâm xa xăm nhìn vào chậu than cháy hồng.
- Nhất định rồi, nhưng cũng khó đấy vì chiến trường thì trải rộng, không biết anh ấy ở vùng nào. Việt trả lời Trâm mà như trả lời cho chính mình.
       Những câu chuyện rời rạc chả liên quan gì đến điều Việt mong đợi rồi cũng nhanh chóng đốt hết thời gian. Việt cũng không dám hởi Trâm những điều cần hỏi. Vì thế Trâm cũng không dám thổ lộ những điều Việt cần biết. Đêm tàn dần theo chậu than sưởi, Trâm xin phép ra về. Việt đành nén lòng tiễn Trâm về. Tới đầu ngõ vào nhà Trâm, cái ranh giới cuối cùng của sự chia ly, Việt mạnh dạn cầm tay Trâm, nhưng là để trao cho Trâm một tấm hình mới chụp tại nơi huấn luyện dưới Hà Bắc. Đáp lại, Trâm khẽ nói: Chúc anh lên đường mạnh khoẻ bình an và sớm trở về.
       Trong khoảng khắc thiêng liêng này, Việt rất muốn ôm chầm lấy Trâm, cô gái nhà bên mà Việt đã thầm yêu trộm nhớ.Trâm nhanh nhẹn, tháo vát, khéo tay nấu nướng và hồn nhiên như chim sơn ca suốt ngày ca hát, giọng hát của Trâm cao vút và truyền cảm. Có lần tắm suối, Việt mải lặn phía dưới dòng suối sâu, khi trồi lên vô tình chạm vào thân thể mềm mỏng của Trâm, trong bộ áo quần cũng rất mỏng, đang dập dềnh trên con sóng nhỏ trong xanh nô đùa cùng các bạn gái trong xóm. Nhiều lần Việt cùng Trâm và các bạn lên đồi hái sim, hái ổi giữa trưa hè oi ả, Trâm thường là người nhanh nhẹn ào tới những bụi sim, vạt ổi chín nhất với giọng cười nắc nẻ. Ngọt ngào là vậy, nhưng đứng trước Trâm, giữa đêm thanh vắng, trước giờ phút biệt ly, Việt không đủ can đảm để làm cái điều bình thường của một người con trai đang yêu phải làm.

 
Ảnh minh họa
***
        Đêm dừng chân tại bãi khách đầu tiên của Trường Sơn dằng dặc, trên cánh võng mềm chùm chăn kín, Việt đã viết hai lá thư dưới ánh đèn pin quả nhót, một cho gia đình, một cho Trâm. Đây là lá thư hai Việt gửi cho Trâm trong một tháng đầu đông. Một lá thư đầy yêu thương nhung nhớ. Thư được gửi chính trị viên phó đại đội huấn luyện dẫn quân vào tới đây trở ra, cầm về tận quê trao nên không thể thất lạc.
       Trận đầu tham gia chiến dịch Đăk Tô -Tân cảnh năm 1972, Việt bị sốt ác tính, trong cơn mê sảng tại trạm phẫu tiền phương cánh Đông, Việt đã nhắc gọi tên Trâm nhiều lần, trước khi người ta nhét thanh tre vào miệng phòng Việt cắn phải lưỡi. Trong trận công phá thị xã Kon Tum tháng 5/1972, dưới làn bom rải thảm B52 trùm lên nơi trận địa, ánh lửa bom bi nổ xanh lè như lưỡi thần chết le liếm vào cửa hầm khiến Việt co rúm lại và nhẩm đếm. Không hiểu sao ngay lúc cận kề cái chết như thế, Việt lại nhớ tới Trâm. Vài hôm sau nữa máy bay trinh sát của cố vấn Mỹ phát hiện ra hầm chỉ huy của tổ đài, chúng ném đạn khói đánh dấu cho phản lực ào đến ném bom, khiến Việt và đồng đội bị hộc máu mồm, mũi và tai điếc đặc. Giữa cái chết cận kề như thế mà Việt vẫn nhớ về Trâm. Phải chăng tình yêu đã trở thành lá bùa hộ mệnh, thành niềm tin vào sự sống, khiến cái chết phải chào thua. Sau chiến dịch trở về hậu cứ, chỉ vài người trong đơn vị may mắn nhận được thư nhà. Việt không có thư gia đình và thư hồi âm của Trâm.
       Gần hai năm sau kể từ ngày vào chiến trường, Việt mới nhận được lá thư duy nhất của cậu em trai, lá thư đó phải mất gần một năm mới tới được tay Việt. Trong thư, cậu em báo tin Trâm đã đi học nghề và đã có người yêu dưới Hà Nội. Việt sững sờ và chết lặng, như cây rừng xung quanh nơi trú quân chết đứng, trụi lá bởi chất độc hoá học của máy bay Mỹ rải xuống. Thế là hết, vĩnh biệt một tình yêu đơn phương, vô vọng, một mối tình đầu với cái kết buồn. Việt trở nên lầm lỳ khác thường nhưng không thể sẻ chia cùng đồng đội.
       Sau cơn sang chấn đầu đời ấy, Việt đã suy nghĩ lại, suy cho cùng, giữa cái sống và cái chết đan xen nơi chiến trường Tây Nguyên gian khổ này, thì có cái gì là thiêng liêng, cao quý hơn chính mạng sống của người lính. Phải vững vàng trong mọi thử thách, không chỉ trước bom đạn của kẻ thù, trước bệnh tật chết người nơi rừng thiêng nước độc, mà ngay cả trước những uỷ mị tình cảm yêu đương tuổi mới lớn. Không được gục ngã, không được để đồng đội nhìn thấu “gót chân asin” của mình. Trước mắt đang là đối tượng cảm tình đảng, Việt phải phấn đấu, phải tiếp tục vượt qua các trận đánh mịt mùng chưa biết ngày kết thúc. Cái mong ước của Việt và bao người lính là có ngày được trở về. Ngày ấy sẽ làm lại tất cả, học hành, sự nghiệp và yêu đương. Với suy nghĩ như thế, ngay cả Tiệp cũng đâu biết chuyện tình đầu của Việt. Và đêm nay, dưới chân núi Chư Duê xa lạ này, mặc dù Tiệp đã thổ lộ chuyện tình của nó cho Việt biết, nhưng chuyện của nó đáng được kể, đáng được chia sẻ và rất có thể sẽ có cái kết có hậu. Tiệp đã gặp được đúng một nửa của nó, đã bước những bước đi đầu tiên vững chắc, qua được nấc thang đầu của tình yêu với kết quả là một vòng ôm xoắn bện, một nụ hôn thuần khiết, mặn nồng, một lời hứa thuỷ chung từ miệng người nó yêu. Còn chuyện tình đầu của mình, hình như Việt chưa làm được điều mà Tiệp đã làm, hoặc một nửa kia chưa phải là giành cho Việt, hoặc duyên chưa tới, cho nên đã kết thúc nhanh chóng, kết thúc trong nỗi buồn không gọi thành tên. Việt cũng đã cố quên đi từ hai năm nay rồi.
       Đang miên man với niềm vui của bạn và nỗi buồn của mình, bỗng một tiếng nổ lớn bùng lên trong thị xã Ban Mê Thuột, sau đó là trận mưa pháo của quân ta vèo vèo rít qua đầu, vạch những đường lửa sáng rực. Dứt màn mưa pháo, Việt và Tiệp vùng lên theo chân bộ binh đánh chiếm cao điểm Chư Duê. Bầu trời cũng vừa hừng sáng.
***
       Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, chủ trương của trên là thay quân và tinh giản quân đội thường trực. Những người lính vào chiến trường từ đầu những năm 70-71 trở về trước được lần lượt ra Bắc đào tạo sĩ quan hoặc cho phục viên, chuyển ngành. Cuối năm 1975, Tiệp được ưu tiên ra Bắc trước vì bị thương từ năm 1972. Tiệp gặp lại Hoa, những cái ôm hôn không cần khoảng cách, không cần tạo cớ cư thế diễn trên con phố nhỏ, bên dòng suối vắng, trong rạp chiếu phim. Hai người như hai thanh nam châm hút vào nhau sau 5 năm biền biệt. Liền sau đó Tiệp được chọn cử đi học nghề ở Liên Xô. Sau ba năm xa cách và thử thách mới, Tiệp trở về và họ đã kết hôn, một cuộc tình có hậu. Còn Việt, hơn một năm sau đó mới được ra Bắc với con búp bê toòng teng và chiếc khung xe đạp cũ rích. Hết 6 tháng nghỉ chế độ phục viên, Việt may mắn được chuyển ngành và sau đó được cử đi học dài hạn.
       Trước khi về Hà Nội nhập trường, Việt có gặp Trâm trong một lần Trâm lên thăm gia đình. Hôm ấy họ vô tình gặp nhau bên bến suối trước nhà. Trâm đi giặt và Việt cũng đi giặt chiếc ba lô và bộ áo lính được cấp khi ra quân. Vẫn con suối xưa, nhưng bây giờ vắng vẻ hơn, không còn tiếng ồn ào của lũ trẻ mỗi khi nô đùa bơi lội trên dòng suối. Những viên đá cuội vẫn tròn vo, nhẵn bóng và đủ màu sắc phơi mình dưới dòng suối, ngay dưới chân nơi ngày xưa họ thường gặp nhau. Sau vài lời thăm hỏi xã giao và có phần xa lạ, biết Trâm đang bối rối khó xử, Việt chủ động lên tiếng:
-Tôi biết Trâm đã lấy chồng. Tôi không có quyền trách Trâm về điều đó. Nhưng có một câu hỏi mà bao năm nay tôi chờ trực có dịp để hỏi Trâm trả lời là vì sao Trâm không viết thư hồi âm cho Iôi, dù đó chỉ là thăm hỏi tới một người bạn cùng xóm.
       Trâm nghe mà như không thấy gì, vẫn mải miết giặt, không ngẩng đầu lên nhìn Việt mà chỉ nhìn xuống dòng nước đục nhờ bởi sau một trận mưa đang trôi xiết, bào nhẵn những hòn đá chông chênh bên bến suối. Bỗng vài giọt nước mắt từ đôi mắt của Trâm vốn trong veo và tươi tắn như chim sơn ca ngày nào, trào ra và rơi nhanh hoà vào dòng suối. Trâm nghẹn nghẹn:
- Mong anh thông cảm và thứ lỗi cho em. Vì em sợ…
- Trâm sợ gì? Việt vội vã.
- Em sợ bố mẹ em vì họ nói gia đình anh đông anh nhiều em là dễ phức tạp lắm và…
- Và sợ gì nữa ? Việt lại hỏi dồn.
- Em sợ anh cũng không trở về như bao người lính khác trong phố ta. Nói tới đây Trâm mới ngẩng đầu lên nhìn Việt với ánh mắt như của đứa trẻ biết mình có lỗi.
       Việt thở một hơi dài đang tích tụ trong lồng ngực, rồi vục một vốc nước suối khoả lên mặt mình. Bộ quân phục đang giặt giở anh quăng lên bờ từ lúc nào không hay. Việt đang giận ai đây, giận bộ quân phục màu lá cây đã bao bọc ôm ấp anh vượt qua bao năm tháng sinh tử ư ? Hay giận dòng suối kia cứ vô tình chảy mãi như kẻ vô hồn, vô cảm, không lưu giữ hộ Việt bóng hình người con gái mà anh đã yêu?
       Sau lần gặp Trâm bên bến suối hôm đó, Việt chợt nhận ra, tình yêu của anh giành cho Trâm chỉ như một phân số chênh vênh, trong đó tử số là duyên phận mong manh, mẫu số là là những rung động đầu đời, những đụng chạm mờ ảo nhưng chưa đủ sức nặng để xây nên chân tháp vững bền cho một tình yêu đúng nghĩa. Nói một cách khác, đó là thứ tình yêu chưa thoát thai khỏi tình bạn thuần tuý, thứ tình yêu đơn phương, tình yêu tuổi chanh cốm. Vì thế xét cho cùng Trâm cũng đâu có lỗi. Ở cái tuổi mới lớn, một cô gái viết thư trả lời có hay không trước lời tỏ tình của một chàng trai là chuyện hệ trọng, họ thường là im lặng. Im lặng là một thử thách không chỉ giành cho chàng trai si tình đó, mà còn là thử thách chính trái tim mình, xem có rung động không, yêu thật hay yêu giả, say thật hay chỉ là say nắng thoảng qua và bao tác động khác nữa. Trong khoảng trống mênh mang tạo nên sự im lặng đó, sự xuất hiện của một chàng trai khác, với cự ly gần và cường độ cao, trám vào chỗ trống trong trái tim còn trinh nguyên của cô gái ấy, chắc chắn sẽ có một mẫu số nặng ký, bền vững hơn, hiệu quả hơn và duyện phận sẽ phải chiều. Việc Trâm đi lấy chồng chưa phải là hành động không chung thuỷ. Bởi giữa Việt và Trâm cũng chưa có một lời thề nguyện ước nào cả. Đúng ra mới chỉ là một trong chín bậc thang của tình yêu, người bước trên bậc thang đầu tiên ấy chỉ là Việt. Việt chưa có đủ cơ hội, chưa đủ thời gian, không gian và bản lĩnh để dắt tay Trâm đi trên nấc thang thứ nhất, như Tiệp đã làm với Hoa. Vì thế Việt không có quyền trách Trâm.
***
       Một ngày cuối năm, Việt tìm gặp được Tiệp trên một con phố buôn bán vật liệu nội thất cao cấp qua nguồn tin bạn bè. Qua câu chuyện Tiệp kể, Việt mới hay sau khi về nước, Tiệp và Hoa cưới nhau trước khi chiến tranh biên giới xảy ra. Sau đó Tiệp xin được việc làm ở một tỉnh lẻ cách Hà Nội không xa, còn Hoa công tác ở Thái Nguyên. Sống và làm việc trong thời buổi bao cấp đầy khốn khó, Tiệp bỏ việc để về với vợ con. Rồi họ chuyển về Hà Nội sinh sống, buôn bán, chạy công trình. Dần dà vợ chồng Tiệp tích cóp mua được đất, xây được ngôi nhà nhỏ trong một con hẻm nhỏ. Lần đến thăm nhà Tiệp, thấy cơ ngơi nhà cửa được như vậy, Việt mừng cho vợ chồng Tiệp. Sau đó anh rủ Tiệp tham gia hội bạn chiến đấu Tây Nguyên tại Hà Nội, Tiệp vui mừng đồng ý và tham dự được vài cuộc, gặp lại bao đồng đội xưa.
       Vài năm sau, Việt được tin Tiệp bị ung thư giai đoạn cuối, anh liền tới thăm. Nhìn thể trạng mệt mỏi, gầy xanh và nhăn nhó đủ biết Tiệp không còn nhiểu thời gian nữa. Có lẽ căn bệnh hiểm nghèo này có phần ảnh hưởng của những năm tháng khem khổ, sốt rét và vết thương trên người Tiệp. Những năm bươn trải mưu sinh hết xa lại gần, Tiệp không ở một chỗ nhất định, không được hưởng chế độ chính sách gì, kể cả viện phí, nên chỉ sau một trận ốm là liệt giường liệt chiếu.
       Hoa nói nhỏ với Việt là đã thuyết phục Tiệp đồng ý để cưới vợ cho con trai, dù con còn rất trẻ, nếu chậm trễ, Tiệp ra đi thì phải đợi hết tang, sợ hỏng việc của con. Thế rồi đám cưới chạy tang đã được tiến hành. Tiệp không thể có mặt trong đám cưới của con trai mình vì đang trên giường bệnh. Ít ngày sau, Tiệp trút hơi thở cuối cùng trên vòng tay vợ ở cái tuổi 53. Trong đám tang đưa Tiệp xuống đài hoá thân Hoàn vũ hôm đó, Việt một mình lầm lũi đi theo sau xe tang. Đây cũng là lần đầu tiên Việt được chứng kiến cảnh người ta đưa một cỗ tài vào lò thiêu xác. Oái oăm thay, đó lại là cỗ quan người bạn chí cốt từng vào sinh ra tử của mình. Sau khi đóng cửa lò thiêu, người ta bật màn hình cho gia quyến xem quy trình thiêu xác. Một chớp lửa ngàn độ loé lên trong giây lát, không giống với bất kỳ ánh lửa nào chiến tranh, Tiệp đã hoá thành tro bụi trong tiếng khóc nghẹn ngào của người thân. Nhìn Hoa gào khóc thảm thiết gọi tên chồng, tay bấu víu cỗ quan tài đỏ như máu của chồng, rồi Hoa ngất lịm tại chỗ, Việt như thấy mình như đứt từng khúc ruột, trống rỗng và nước mắt trào rơi. Không biết là may mắn hay bất hạnh, khi mà chính Việt, có lẽ cũng chỉ có mình Việt, được biết bí mật chuyện tình đầu của Tiệp, được dõi theo cuộc tình của Tiệp và Hoa từ cái đêm chuẩn bị đánh Ban Mê Thuột cho đến sự chia ly tử biệt hôm nay, với gần ba mươi năm họ chung sống hạnh phúc bên nhau.Trước hôm Tiệp trút hơi thở cuối cùng trong cơn đau đớn, Việt có đến thăm Tiệp. Tiệp thều thào bên tai Việt rằng chỉ thương Hoa phải ở lại một mình nuôi con, dù có chết thì Tiệp vẫn mãi bên vợ bên con, không gì chia lìa được. Đúng là một người lính, dám nhìn thẳng vào cái chết, nói những lời gan ruột và thuỷ chung.
       Tình yêu của Tiệp với Hoa là mối tình đầu và cũng là tình cuối. Ở đời mấy ai yêu lần đầu mà lấy được nhau. Tiệp đã may mắn có được điều đó. Bởi thế, dẫu có phải chia lìa bởi cái chết, thì trong họ vẫn chỉ có và lưu nhớ mãi mỗi tình đầu. Đó là một thứ hạnh phúc đặc biệt và bền lâu nhất. Tiệp sẽ không bao giờ phải trăn trở, nuối tiếc hay vấn vương bởi một mối tình dang dở. Tiệp đã vượt qua đủ chín bậc tình yêu. Đã hái được quả ngọt để mang theo mãi bên mình.
       Trong đám tang Tiệp, bất ngờ Việt gặp lại Trâm. Lâu nay mặc dù biết Trâm ở Hà Nội nhưng cũng chẳng có thông tin gì cụ thể. Mà Việt cũng không kiếm tìm. Trâm và Hoa thì khác, vốn là đôi bạn thân từ nhỏ nên họ thường xuyên liên lạc và đi lại thăm nhau. Lần gặp này, Trâm chủ động cho Việt địa chỉ nhà và mời anh đến chơi. Nhà Trâm cũng nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Chồng Trâm có dáng người xương xương và có vẻ già trước tuổi. Trước đây Việt nghe nói chồng Trâm làm nghề lái xe tải, vậy thì nhanh già là phải. Sau khi nghe Trâm giới thiệu, chồng Trâm đưa tay vồn vã bắt tay Việt như đã quen từ trước và bảo Trâm đã kể về Việt rất nhiều cho anh nghe. Việt hơi giật mình, anh nghĩ không biết Trâm đã kể về mình những gì cho chồng nghe. Anh ấy có ghen không, có nghi ngờ động cơ mình đến thăm nhà hôm nay không. Mình nên bắt đầu câu chuyện từ đâu…Miên man một thoáng, nhưng với bản lĩnh và kinh nghiệm nghề nghiệp từng tiếp xúc nhiều người, nhiều nơi nên Việt đã nhanh chóng làm chủ cuộc trò chuyện, phá tan sự lạ lẫm e dè ban đầu giữa hai người đàn ông xa lạ. Khi Việt ra về, chồng Trâm vui vẻ bắt tay và bảo mong được gặp lại anh để trò chuyện tiếp.
       Mười năm năm sau, Việt được tin chồng Trâm mất, cũng do căn bệnh hiểm nghèo. Việt đã cùng chị gái của mình tìm đến nhà Trâm để chia buồn. Loay hoay vừa đi vừa hỏi vì ngõ ngách, cảnh vật thay đổi nhiều, cuối cùng Việt cũng tìm được nhà Trâm. Đồng hương phố núi gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, hỏi han rối rít, nhất là hai giữa chị gái Việt và Trâm. Trâm bây giờ đã khác xưa nhiều, già dặn hơn nhưng vẫn nhanh nhẹn. Đặc biệt khi trò chuyện, nụ cười của Trâm vẫn thường trực trên khuôn mặt chứa đựng đầy dấu vết thời gian.Trâm bảo vẫn thường xuyên trở về thăm quê cũ, thăm lại ngôi nhà nhỏ ven đồi và con suối thân thương gắn bao kỷ niệm tuổi thơ. Rồi Việt mời Trâm đến nhà anh chơi, Trâm bảo nhất định sẽ cùng Hoa đến thăm nhà Việt.
       Sau khi rời nhà Trâm, Việt đến thẳng nhà Hoa. Cũng lâu lắm rồi Việt mới đến đây vì Hoa bảo sau khi Tiệp mất, Hoa đi làm ở tỉnh xa, ít về, nhà cửa để vợ chồng cậu con trai ở. Sau khi mời khách vào nhà, Hoa gọi ngay thằng cháu nội 14 tuổi xuống chào và giới thiệu rằng ông Việt đây là bạn thân của ông nội cháu. Tôi vỗ vai cháu bảo, ngày cháu xắp sinh chính là ngày ông nội cháu mất. Ông và ông nội cháu là đồng hương, đồng đội có nhiều kỷ niệm ở chiến trường lắm, cháu phải chăm học để xứng đáng là cháu nội của ông Tiệp và bà Hoa. Mấy lần đến thăm nhà khi Tiệp còn sống, Hoa thường nhắc đến Trâm trước mặt tôi, bởi Hoa đã biết rõ chuyện của tôi với Trâm, Hoa cứ xuýt xoa hoài. Hôm nay cũng vậy, khiến tôi chỉ biết cười trừ.
       Chiến tranh đã đi qua nửa thế kỷ, hai thế hệ con và cháu đã ra đời, chúng đang lớn lên, trám dần vào chỗ của bậc cha chú thế hệ 5x. Chúng đã có và sẽ có những mối tình đầu, những hò hẹn và hạnh phúc, những nhầm lẫn, sai lầm và tan vỡ. Nhưng những gia đình và hạnh phúc lứa đôi vẫn sinh sôi nảy nở. Những đổ vỡ tình đầu sẽ chỉ còn là một nét vẽ, một gam màu trong bức tranh đa sắc màu về tình yêu.
       Xin hãy đừng nghĩ tình yêu dang dở là thảm hoạ cuộc đời. Đừng biến người yêu đầu đời không thành chồng, thành vợ thành kẻ thù xa lạ. Đừng biến cuộc chia ly tình đầu thành vết thương lòng mãi mãi không thể chữa lành. Hạnh phúc luôn giang tay chờ đón mọi người. Nhất là những người biết yêu và biết trân trọng tình yêu.
       Những người lính của thế kỷ hai mươi không chỉ đã đi qua cuộc trường chinh vạn dặm của dân tộc mà còn đi qua những thử thách của chín bậc tình yêu. Họ đã có những mối tình đầu như thế.
 
Đội Cấn, Hà Nội, mùa thu 2022
CCB Nguyễn Việt Phát
(Nguyên Trưởng Ban TNXP,
Tổng chỉ  huy Lực lượng TNXP Trung ương Đoàn)
 

tin tức liên quan