"Gặp người đầu tiên bắn rơi máy bay AC130 của Mỹ ở Trường Sơn" - Ghi chép của Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 07:31 05/04/2023 Lượt xem: 658
GẶP NGƯỜI ĐẦU TIÊN
BẮN RƠI MÁY BAY AC 130 CỦA MỸ Ở TRƯỜNG SƠN

Ghi chép của Phan Vĩnh Điển
 
       Trong buổi gặp mặt truyền thống của Ban Liên lạc Trung đoàn 593 - Pháo Cao xạ thuộc Hội Truyến thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Sư đoàn 471 nhân dịp Kỷ niệm 52 năm ngày thành lập Trung đoàn tại Hà Nội; tôi được nghe Người Cựu chiến binh Trường Sơn Trần Võ Phượng phát biểu (Ông còn được gọi bằng cái tên thân mật là “Phượng Cà”).
       Trong bài phát biểu, Ông ôn lại truyền thống vẻ vang của Trung đoàn trong những ngày còn chiến đấu ở Trường Sơn. Điển hình như Trung đoàn là đơn vị đầu tiên ở Trường Sơn dùng pháo phòng không để bắn bộ binh địch, làm cho chúng hoảng loạn; không biết loại vũ khí gì, mà bắn ra như lựu đạn, làm chúng bị chết và bị thương rất nhiều, khiến cả đại đội địch phải tháo chạy. Trong khi về phía bộ đội ta, chỉ có 2 đồng chí pháo thủ… Trung đoàn Pháo Cao xạ 593 cũng là đơn vị đầu tiên dùng pháo cao xạ, bắn rơi máy bay AC130 của Mỹ ở Trường Sơn. Một loại máy bay trinh sát, chỉ điểm và tấn công rất lợi hại của kẻ địch. Chúng gây cho bộ đội Trường Sơn ta gặp rất nhiều khó khăn, hy sinh gian khổ trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa; nhất là các chiến sỹ lái xe Trường Sơn.
       Tuy nhiên, trong Hội nghị gặp mặt của các đồng đội, thật sôi nổi và bận rộn sau 2 năm cách ly vì dịch Covid. Chúng tôi không có thời gian để được nghe ông Phượng kể cụ thể về chiến công trên. Một ngày đầu xuân, nắng đẹp tôi và hai người đồng đội là hội viên Hội Văn học, Nghệ thuật Trường Sơn đến thăm gia đình ông Trần Võ Phượng tại Sơn Tây, Hà Nội; được nghe trực tiếp Ông kể chi tiết về Trận bắn rơi máy bay AC130 năm xưa… 


Hội viên Trường Sơn - Trần Võ Phượng 
       Ông Trần Võ Phượng sinh năm 1942. Tức là năm nay ông đã 81 tuổi, nhưng Ông vẫn rất nhanh nhẹn và khoẻ mạnh, thoạt trông không ai dám nghĩ Ông đã trên tuổi 80; Ông phải trẻ hơn tuổi mình đến gần 10 tuổi. Ông Phượng nhập ngũ ngày 11/4/1962 vào Sư đoàn 351 là chiến sỹ thông tin. Trong thời gian đó, có thời kỳ Ông tham gia chiến đấu ở bên nước Lào anh em. Năm 1964, ông xuất ngũ về với gia đình tại địa phương. Nhưng đến năm 1965 ông lại tái ngũ và vào chiến đấu luôn tại mặt trận Trường Sơn.
       Chiến công đầu tiên của Ông ở Trường Sơn là một mình Ông bắn rơi một máy bay F4H của Mỹ đúng vào ngày được tin Bác Hồ mất. (Trước đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa tin Bác Hồ mất vào ngày 03/9/1969). Nghe tin vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc từ trần, các ông không tin ở tai mình; nhưng hôm trước (ngày 02/9/1969) đã nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin về Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng là Bác bị ốm nặng, nên đành phải tin. Ông và các đồng đội rất buồn, ngồi khóc Bác, rơi rất nhiều nước mắt. Nhưng riêng Ông, có phần an ủi là đã bắn rơi được một chiếc máy bay 4H của kẻ thù, góp phần cùng với Bác và nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.
       Ngày đó, máy bay F4H của Mỹ hoạt động rất ngang tàng, nó bay gần như ô tô bò trên đường, để nó xem không khí của bộ đội ta như thế nào; trong những ngày nghe tin Bác bị mất… Lúc đó, ông Phượng là Khẩu đội trưởng, Ông thấy máy bay địch ngang tàng đến như vậy, nên Ông đề xuất với Ban Chỉ huy đại đội cho khẩu đội Ông; đem một khẩu pháo 12 ly 7 lên Dốc 28 hay còn gọi là Cao đểm 28, rất ác liệt để chặn bắn máy bay địch. Vì pháo 12ly 7 của ta tầm bắn hạn chế, chỉ có lên điểm cao, mới bắn được máy bay địch khi nó bay thấp. Ban Chỉ đại đội chấp nhận phương án tác chiến của ông Phượng. Ông còn nhớ câu thơ, hay nói đùa của bộ đội ta ngày đó: “Muốn hôn thì đến cô Vu/Muốn lấy dù thì lên Dốc tám hai…”. Vì ở trên Điểm cao đó, địch bắn phá rất ác liệt, thường xuyên thả rất nhiều dù pháo sáng, để soi đường lùng bắn xe vận tải của ta, nên nhiều chiếc dù rơi ở trên đỉnh dốc…
       Lên đỉnh dốc 28 thì rất nguy hiểm đến tính mạng; nhưng chỉ có lên đỉnh Dốc 28, mới có thể bắn rơi được máy bay địch. Lên đỉnh Cao điểm, ông Phượng chỉ cho anh em đào một chiếc hầm chữ A để trú ẩn, còn pháo để ngay trên mặt đất. Hôm đó, đúng vào lúc 12 giờ trưa thì phải, lúc đó rất nắng, nóng và bóng đã tròn; Ông cho anh em vào hầm trú ẩn. Chỉ một mình ông Phượng trực bên khẩu pháo. Lúc đó, ông Phượng để pháo ở nấc liên thanh. Ông nhìn về phía Tà Beng, thì bỗng thấy một chiếc máy bay địch bay thẳng đến, nhìn chỉ như chiếc đòn gánh, vì nó bay rất thẳng, và Ông nhìn thấy 4 làn khói đen phụt ra, nó bay rất thấp. Lúc đó, ông không kịp gọi anh em. Ông nghĩ: “Mày chết rồi ! Ông đưa máy bay vào kính ngắm, đúng thẳng vào trục nằm của kính ngắm. Này, này… Mày chết này ! Ông điểm một loạt xạ dài. Khi máy bay qua đầu Ông thấy máy bay cứ nổ lục bục, lục bục. Ông quay nòng pháo theo, bắn thêm 2 loạt nữa...”.
       Máy bay bùng cháy ! Rơi cách Sở chỉ huy của Binh trạm 34 chỉ có 2 ki lô mét ”. Sau chiến công đó, Ông được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3. Trong mùa khô năm đó, ông cùng đơn vị bắn rơi thêm 9 máy bay các loại của đế quốc Mỹ.  
      Mùa khô, năm 1971 – 72, địch đánh phá rất ác liệt, đồng chí Đại đội trưởng bị hy sinh. Thời kỳ này, ông Phượng đã được đề bạt lên Đại đội phó. Tuy nhiên, cấp trên điều về một đồng chí Đại đội trưởng mới tên là Khánh, người ở Việt Trì Phú Thọ, Đại đội trưởng Khánh được đào tạo bài bản ở Trường Pháo binh ngay cạnh nhà ông Phượng ở quê. Thời kỳ này, cả Đại đội chỉ có 4 khẩu pháo 57 ly mới được trang bị. Anh Khánh được phân công phụ trách 2 khẩu 57 ly bên kia sông Tà Lê. Ông Phượng Đại đội phó được phân công phụ trách 2 Khẩu bên này sông.
       Đồng chí Đại đội trưởng Khánh rất dũng cảm, thấy máy bay AC130 của Mỹ oanh tạc rất dữ dội, thường xuyến bắn cháy xe ô tô của ta và liên tục khống chế các tuyến đường của ta, nên rất căm thù, quyết tâm bắn cháy máy bay địch. Đồng chí mới vào nhận nhiệm vụ, trông thấy AC130 to quá, ngon ăn quá. Đồng chí ra lệnh bắn ngay lập tức AC 130, bắn liên tục…
       Ông Phượng thấy thế rất nguy hiểm, gọi điện sang, nói: “Anh Khánh ơi, nó bay cao lắm, pháo của ta với tầm, không bắn tới đâu”.
       Anh Khánh nói: “Nó to như cái thuyền thế này, sao không bắn được; anh cứ để tôi vít cổ nó xuống !”.
      Thế anh Khánh cứ bắn, AC130 không cháy, mà nó còn phát hiện ra mục tiêu, xác định được tọa độ, đâu là nơi đặt pháo, đâu là hầm trú ẩn… Nó nâng độ cao lên và bắt đầu bắn pháo 40 ly vào trận địa Pháo của ta. Qủa đầu tiên, máy bay bắn trúng vào ngực trái đồng chí Khánh. Làm đồng chí Khánh hy sinh ngay tại trận địa. Sau Ông nghe kể lại: Trước lúc hy sinh, đồng chí Khánh còn kịp nói: “Phượng ơi, tao chết rồi…”. Tiếp đó, địch liên tiếp bắn cối 40 ly vào trận địa pháo của ta làm 3 đồng chí hy sinh và một số đồng chí khác của ta bị thương. Đồng chí y tá, đến cấp cứu đồng đội cũng bị trúng trọn một quả pháo và đã hy sinh. Thế là, coi như máy bay địch đã xóa sổ mất một khẩu đội pháo của ta.
       Ông thương tiếc đồng đội vô cùng và càng gia tăng căm thù quân địch  ! Ông hạ quyết tâm phải bắn cháy bằng được AC130 của chúng. 
       Ông lên trực tiếp báo cáo với Ban Chỉ huy tiểu đoàn 10, cho ông đi tìm trận địa để bắn AC130 của địch. Ban chỉ huy tiểu đoàn nhất trí, cho ông mang theo 1 chiến sỹ trinh sát, 1 thông tin, 1 một y tá, đi với ông 4 người; mấy ngày trời, chỉ được ăn lương khô; cuối cùng Ông cũng tìm được trận địa ưng ý. Ông về đến ngầm Ta Lê, cứ ban ngày thì ngủ, ban đêm AC130 hoạt động thì theo dõi và ghi lại được đường bay của nó. Khi ông lên được phương án tác chiến, trình Tiểu đoàn. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn nhất trí.
       Tiểu đoàn cho ông mang theo 2 khẩu pháo 57 ly, cho công binh, bộ binh đào đào hầm pháo giúp ông. Nhưng ông không cho phát đường và cũng không cho ô tô kéo pháo vào vì sợ lộ trận địa. Việc tìm được một trận địa như vậy là khó lắm ! Ông nhờ anh em công binh và bộ binh đẩy pháo vào. Ông xin 4 đêm, để tập và theo dõi đường bay của máy bay địch, cho đạn vào trong hầm hết, không cho bắn. Ông cắm 1 cái cọc, theo dõi 4 đêm liền như thế; máy bay địch đều bay qua cái cọc tiêu ông cắm. Nó chỉ nghiêng cánh, để bắn xuống cung đường của ta, nó bắn ở nách phải. Mỗi đêm phải đến hơn 20 vòng đều đúng vào tâm cọc, vì chắc máy bay chúng đã lập trình…
       Đêm thứ 5, ông gọi điện về Ban chỉ huy tiểu đoàn xin cho đánh. Tiểu đoàn trưởng hỏi: “Đã chắc thắng chưa ? ông nói là chắc chắn rồi.” ! Tiểu đoàn trưởng cho đánh. Ông nói với anh em chuẩn bị đánh, nhưng Ông chỉ cho để đạn lên máng pháo chứ chưa cho lên đạn. Đúng như 4 đêm trước, AC130 lại bay vào, Ông cho bắt mục tiêu, cả 4 lần đều đúng cọc tiêu, nhưng Ông chưa cho bắn. Đến đường bay thứ 5, Ông cẩn thận xuống kiểm tra trực tiếp cả 2 khẩu pháo, thấy chính xác rồi. Ông trở lại đứng ở vị trí chỉ huy. Ông hô: “Nạp đạn ! quyết bắn đường bay thứ 6” ! Cả 2 khẩu pháo đều báo chính xác mục tiêu. Ông hô: “Điểm xạ dài…  chuẩn bị !”. Ông thấy máy bay vào đúng tầm ngắm, Ngon quá rồi, Ông hét lên: Bắn !
       Hai luồng đạn, 12 viên tất cả đều chui vào bụng máy bay, không lên phía trên một quả nào cả. Tự nhiên ông thấy tiếng động cơ máy bay khác hẳn, nghe cứ bục bục, sau nó trầm hẳn xuống… Sau đó, bùng lên một quầng lửa rất to, bùng cháy lên phía trên máy bay, sáng rực lên. Ông còn nhớ đêm hôm ấy ở Trường Sơn trăng cũng rất sáng, càng sáng rực lên. Ông lập tức vồ lấy máy điện thoải báo về Tiểu đoàn; giọng vô cùng phấn khởi: “Chúng tôi bắn cháy C130 của địch rồi” ! Sau đó, các đơn vị thi nhau gọi điện về chúc mừng chiến công đầu tiên của Ông và đồng đội đã bắn cháy máy bay AC130 đầu tiên ở Trường Sơn bằng pháo cao xạ.
       Tiếp đó, Tiểu đoàn ra lệnh là ngụy trang pháo, vào hầm ẩn nấp, không được bắn nữa.
       Sáng sớm hôm sau, ngay lập tức 2 máy bay F4H bay vào tìm trận địa của Ông để đánh trả thù. Tiểu đoàn và Trung đoàn không cho đánh. Nhưng mà chiến thắng rồi, phấn khích quá ! Ông Phượng vẫn quyết định đánh. Trận đánh đó, là ông Phượng đánh vô kỷ luật. Chính uỷ Trần Văn Mạnh, phải gọi điện xuống cho ông, vừa động viên vừa nhắc nhở: “Phượng ơi, đừng đánh nữa, giữ bí mật đi”...
       Ông vẫn quyết định đánh, nhưng hôm đó, không bắn rơi được máy bay nào. Sau khi bắn máy bay không trúng, nó quay lại. Ông quan sát thấy, một chiếc F4H, bổ nhào để chiếu tia laze, một chiếc khác nhào xuống bỏ bom. Ông hô anh em, bỏ hầm chạy, vừa chạy được gần 200 mét thì bom nổ. Ông và vài đồng chí nữa bị đất đá vùi lấp, không ai bị hy sinh. Nhưng bị đánh bay mất một khẩu pháo. Tiếc quá !
       Sau đêm hôm đó, Ông về tự viết Bản kiểm điểm nộp lên Ban Chỉ huy Tiểu đoàn. Nhưng cũng chính từ trận thất bại hôm đó. Ông rút ra được kinh nghiệm: Khi đánh điểm cao, bao giờ cũng có 2 chiếc máy bay F4H bay vào. Một chiếc nó bổ nhào là trận địa đã bị lộ, chiếc thứ nhất sẽ chiếu tia La ze, để chiếc thứ 2 thả bom. Lúc đó, bộ độ phải bỏ pháo mà chạy, thì mới giữ được an toàn cho người. Vì nó đánh bom bằng tia La ze, chính xác lắm. Nó như 1 cái phễu chút bom xuống đầu mình, không tài nào mà tránh được, nếu không nhanh chóng chạy thoát. Sau này, các đơn vị pháo cao xạ cũng học được kinh nghiệm của Ông phổ biến; nếu chiếc F4 thư nhất bổ nhào xuống trận địa để chiếu tia laze thì nhanh chóng chạy thoát khỏi trận địa, để bảo toàn tính mạng … 
       Năm ngày hôm sau, Tiểu đoàn trưởng gọi ông lên. Trước khi đi anh em nói: “Hôm nay ông Phượng lên Tiểu đoàn; thế nào cũng được nhận Huân chương”. Nhưng không có ! Ban Chỉ huy tiểu đoàn gặp gỡ, động viên, đồng thời nhắc nhở ông lần sau nhớ chấp hành nghiêm kỷ luật. Ông cười xòa, hứa đồng ý. Ông tiểu đoàn phó còn nói, với các ông trong Ban chỉ huy: “Đúng là thằng Phượng, nó sinh ra là để bắn máy bay, đánh hăng thật”!
       Lúc về, Tiểu đoàn trưởng gọi: “Hậu cần đâu; đưa quà cho đồng chí phượng”. Thì ra, là một bao tải, toàn thuốc lào, thuốc lá và thuốc đánh răng.
      Thế cũng được, phấn khởi rồi ! Về đến đơn vị, ông phát cho anh em, liên hoan hút thuốc lá, thuốc lào suông… Nhưng ông nói: “ Không được huân chương,  Tao vẫn rất sướng, vì đã bắn rơi được AC130 của địch, loại máy bay to, đắt ngang B52, giá trị gần cả triệu Đô của địch”. Hôm sau, Ông và đồng đội ra kiểm tra, trong xác chiếc máy bay AC130, có đến 13 thằng giặc Mỹ chết. Bao gồm cả lái máy bay, pháo thủ, hoa tiêu… Và phải đến cả một tháng sau, máy bay AC130 của địch không dám bén mảng đến cung đường Trường Sơn do đơn vị Ông phụ trách.
Năm sau, Ông Phượng và đồng đội được nhận nhiệm vụ ém quân để bảo vệ Kho F4C, chuẩn bị cho chiến dịch lớn. Chỉ khi nào máy bay địch đánh vào trận địa hoặc Kho F4C mới được nổ súng. Lần đó, lại diễn ra trận đánh rất ác liệt ! Mới 6 giờ kém 15 phút sáng; Ông Phượng cho anh em pháo thủ chuẩn bị chiến đấu. Lúc đó, xuất hiện chiếc máy bay L19, nó cứ bay từ Binh trạm 32 qua A3 về Cao điểm 12, nó cứ bay đi, bay lại như thế. Từ 32 trở về 12 thì nó nghiêng cánh phải. Từ 12 nó bay trở về 32 thì nó nghiêng sang cánh trái bên kia. Tôi nhận định nó nhìn ngó trận địa của mình rồi. Chắc là bị chỉ điểm…!
       Trước đây, khi bố trí trận địa, đồng chí Đại đội trường Hồng Quân, cũng là một Đại đội trưởng mới ra trường về đơn vị chiến đấu. Đồng chí, định bố trí trận địa ở trong rừng cho kín đáo. Ông Phượng nói không được, nếu anh đặt trận địa ở trong rừng, là anh đặt cái thòng lọng vào cổ anh đấy ! Vì địch nó đánh là anh không quan sát được chỉ có nằm một chỗ mà chịu trận. Phải đặt trận địa ra ngoài chỗ trống !
       Hai bên tranh luận nhau mãi… Sau ông Phượng báo cáo lên Ban chỉ huy Tiểu đoàn. Qua phân tích, Tiểu đoàn trưởng nhất trí với ý kiến của ông Phượng là đặt trận địa ra ngoài; nhưng cần phải ngụy trang cho cẩn thận. Nhưng chắc trận địa bị chỉ điểm của thám báo địch; nên mới 6 giờ kém 5 phút hôm đó, trên không đã xuất hiện thêm một tốp 3 chiếc máy bay A37. Khi máy bay A37 của nó đến, lập tức; thằng L19 nó trúc xuống, bắn pháo khói. Nhưng nó lại bắn trượt, xuống khe thung lũng. Lúc đó, Ông xác định là phải nố súng ! Tiếp theo, khi chiếc A37 bổ nhào đầu tiên, ông Phượng cho bắt mục tiêu, tiếp đến cái thứ 2, cái thứ 3 bổ nhào cắt bom; Ông vẫn không cho bắn.
        Đến lượt thứ 2, chúng bổ nhào ông Phượng cho bắn luôn; loạt đầu tiên vít cổ luôn một chiếc A37, bùng cháy dữ dội, rơi ngay gần trận địa. Anh em phấn khởi quá, khí thế hăng lắm. Nhưng hôm đó, địch quần đánh trận địa chúng tôi suốt một ngày trời. Hết tốp máy bay này bay vào, đến lượt tốp máy bay khác, thay nhau liên tục. Ông và đồng đội phải căng ra chiến đấu… Đến nỗi suốt cả buổi sáng, Ông không ăn hết một thanh lương khô, nước không kịp uống, khát cháy họng !
       Nửa buổi chiều, máy bay địch dừng đánh phá; Ông gọi đồng đội ngồi vào ăn cơm, do anh nuôi mang đến từ trưa. Mở thùng cơm ra thì thấy, mảnh đạn găm lỗ trỗ đầy xung quanh thùng cơm, được gò bằng mảnh pháo sáng. Nhiều mảnh đạn xuyên cả vào bên trong nồi cơm. Anh em nói đùa; hôm nay chúng mình, ăn cơm độn mảnh bom. Ác liệt thế đấy, nhưng mà hôm đó vẫn còn may, chỉ có một đồng chí hy sinh và mấy đồng chí bị thương… Vừa bưng bát lên, máy bay địch lại bay vào thả bom, tai bị ù đặc không còn nghe thấy gì; chỉ thấy khói bay mù mịt …
       Trong khi đó, đồng chí Chính ủy Trần Văn Mạnh cứ gọi điện trao đổi ý kiến với ông Phượng. Lần thứ nhất ông Phượng đã trao đổi cụ thể với chính ủy, bị mảnh bom sượt qua vai rách cả áo, may mà chỉ bị thương nhẹ bên bả vai. Lần thứ 2, máy bay liên tiếp bổ nhào thả bom, quần đảo. Chính ủy lại gọi, ông Phượng nói với liên lạc: “Máy bay đang đánh phá ác liệt, không có thời gian nghe máy đâu…”. Lần thứ ba, Chính ủy lại gọi ! Ông Phương tức quá quát lại Thông tin viên: “Máy bay đang đánh ác liệt thế này; mà cứ gọi: “Gọi, gọi cái con C…”.
       Có lẽ, chính từ đó ông Phượng có tên “Phượng Cà” vì Ông cà với địch và cà cả với ta !
       Ngay sau đó, máy bay địch thả bom trúng trận địa. Ông Phượng bị bom, đất vùi lấp, có 1 tảng đá đè lên lưng; ông ngất đi không biết gì nữa… Ông được anh em đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Ba ngày sau, khi vừa mới đỡ đau, ông trốn Viện về đơn vị… 
       Ngày hôm đó, đại đội ông Phượng bắn cháy 3 máy bay địch. Thật là một chiến thắng thuyết phục cho tài chỉ huy của ông Đại đội phó “Phượng Cà”.
       Sau đó, ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, hành quân “Thần tốc” vào giải phóng miền Nam. Ông Phượng cùng với xe pháo vừa hành quân, vừa đánh địch vào tận sân bay Tân Sơn Nhất của Sài Gòn. Sau niềm vui chiến thắng được vài tháng ông Phượng được phục viên về với gia đình sau nhiều năm xa cách…
       Trở về địa phương, mừng vui khôn tả, được gặp mặt bố mẹ, anh em, bạn bè cộng với niềm vui chiến thắng, thật sung sướng ! Nhưng sau vài ngày, liên hoan vui vẻ. Ông Phượng mới chợt tỉnh ra, nhìn lại căn nhà mình. Lá cọ lợp lâu ngày đã cùn đi, thủng nhiều chỗ, ánh nắng mặt trời xuyên qua như những mũi tên sáng lóa, xuyên xuống nền nhà. Trời mưa, nền nhà ướt sũng như ngoài trời ! Phải huy động, hết áo mưa của cả nhà, chỉ che được mấy cái gường… Bố mẹ ông đã già, suốt ngày lam lũ ngoài đồng, lo cho đàn con sáu người đang ăn học; lưng còng hẳn xuống…
       Sau nhiều đêm trăn trọc suy nghĩ; Ông quyết chí vươn lên làm giầu, lo cho bố, mẹ và gia đình. Ông tham gia Hợp tác xã nông nghiệp của địa phương, với cương vị là Đội trưởng đội sản xuất của Hợp tác xã. Đội của ông thường xuyên làm vượt chỉ tiêu, năng suất được giao. Vượt định mức làm nghĩa vụ với Nhà nước.
       Nhiều năm sau này, Ông làm Trưởng ban kiếm soát của Hợp tác xã nông nghiệp. Ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện đúng khẩu hiệu: “Cần kiệm, liên chính, chí công, vô tư” được bà con, xã viên và làng xóm tin tưởng, yêu mến; vì tính vô tư, liêm khiết, lúc nào cũng vui tươi, sôi nổi của mình.
       Ngoài thời gian làm việc cho Hợp tác xã, Ông còn tranh thủ làm kinh tế phụ gia đình, như: Chăn nuôi, trồng trọt để có thu nhập thêm cho gia đình. Nhiều năm, Ông nuôi bò đực giống tốt và cả lợn đực giống ngoại; để đi phối giống cho đàn bò, đàn lợn trong vùng thị xã Sơn Tây, sang cả huyện Ba Vì. Ông còn có thú chơi gà chọi và nuôi gà chọi để bán giống. Nhiều lần ông được giải cao trong các cuộc Thi chọi gà trong vùng… Chính vì thế, cái tên “Phượng Cà” thật trùng hợp lại được tái xuất “giang hồ”; nổi tiếng cả một vùng xứ Đoài. Ông nổi tiếng đến nỗi, hỏi đến ông “Phượng Cà” thì xa đến mấy chục cây số, mà ai cũng biết…
       Ngoài việc tăng gia sản xuất, Ông còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương. Ông còn là một ca sỹ quấn chúng hát khá hay. Lại đẹp trai, vui tính nên được rất nhiều cô gái xứ Đoài thầm yêu trộm nhớ !
       Khi có ít thời gian nghỉ ngơi thư giãn, Ông còn thích làm thơ. Thơ diễn tả một tình yêu rất chân thật về quê hương, xứ Đoài của Ông. Nhiều bài khá hay và xúc động nên nhiều lần sinh hoạt câu lạc bộ thơ của xã; Ông đều được các ông, các bà trong câu lạc bộ yêu cầu ông đọc hoặc ngâm thơ. Đọc xong, Ông được tặng thưởng những chàng pháo tay giòn giã, tán thưởng nhiệt tình. Ở độ tuổi hơn 70 Ông vẫn còn tham gia Đội bóng đá của xã nhà, đi thi đấu khắp nơi trong thị xã và huyện Ba Vì. Ông là thủ môn tương đối cừ khôi. Có lần, đá trên đất đá ong, Ông lao ra bắt bóng, bị ngã trầy hết đầu gối… Ông vẫn cười tươi, vì ông vẫn giữ sạch lưới cho đội nhà, giật giải nhất bóng đá chân đất của huyện…
       Đến nay trên tuổi 80, ông vẫn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Hàng ngày, vẫn chăm chỉ trồng rau, trồng bầu, bí. Mùa nào thức ấy, đều có rau, hoa quả thu hoạch để Bà mang ra chợ bán hàng ngày; trang trải thêm cho sinh hoạt gia đình và nuôi hai cháu ăn học đàng hoàng… Mặc dù, là một người dũng cảm can trường, với hơn 15 năm trực tiếp ở chiến trưởng. Chiến đấu ở những nơi gian khổ ác liệt nhất; được tặng thưởng nhiều huân, huy chương.
       Nhưng tiếc thay, khi về đến địa phương, ông đem nộp tất cả giấy tờ và Huân huy chương cho đồng chí xã đội trưởng. Thật không may nhà ông xã đội trưởng bị cháy. Giấy tờ của ông cũng bị cháy thành tro, đến nay ông không còn giấy tờ gì. Nên cũng không có bất cứ chế độ gì, kể cả chế độ chất độc mầu da cam. Mặc dù thời kỳ ở Trường Sơn, Ông có nhiều năm phải sống trong vùng có chất độc màu da Cam do Mỹ thả xuống, để huy diệt rừng Trường Sơn !


Tác giả Phan Vĩnh Điển vừa phỏng vấn vừa ghi chép lại những mẩu ký ức một thời của nhân vật
 
       Chia tay chúng tôi, Ông vẫn vui vẻ, cười nói: “Thôi các đồng chí ạ, như bác Giáp nói: “Trở về, gặp được nhau là quý lắm rồi…” . Mỗi tháng tôi cũng được Nhà nước cấp cho 440,000 đồng tiền già, dành cho người trên 80 tuổi là an ủi lắm rồi… Còn chúng tôi sao cứ bùi ngùi thương người lính Trường Sơn anh hùng, sống vô tư, trong sáng đến cuối đời… 
 
Phan Vĩnh Điển
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan