“Vẫn còn nợ em một lời hứa” – Ký ức chiến trường của Nguyễn Kim Chúc
VẪN CÒN NỢ EM MỘT LỜI HỨA
Nguyễn Kim Chúc
Tôi lại gặp em ở một nơi mà không thể ngờ tới. Đó là ở đầu nguồn sông Trường vào ngày 10/7/1970. Lại có một đêm bên em, đem đến cho cả hai niềm tin và hi vọng lớn lao vào ngày toàn thắng…
Phân đội trinh sát pháo binh do tôi phụ trách đang trên đường trở về căn cứ. Mười tháng trước (tháng 9/1969) tôi được lệnh điều động với giấy đi đường mang tên tôi dấu son đỏ chói cùng ô chữ trong khung mũi tên có chữ Đ.L.T. Cầm giấy này trình các trạm giao liên họ sẽ hiểu phải dẫn chúng tôi – “Đi lập tức”. Chỉ mất bốn ngày từ căn cứ thuộc huyện Phước Sơn – Quảng Nam, cách Khâm Đức về phía Đông Nam không xa; Chúng tôi đã có mặt ở đoàn pháo binh 78 chuyên đánh căn cứ Không Quân Chu Lai của Mỹ Ngụy. Ở đoàn pháo binh 78 chúng tôi được đối mặt với bọn Mỹ xâm lược. Được sự chỉ huy trực tiếp của phòng Pháo binh Quân khu, sau 8 tháng chuẩn bị ngày 4 và 5/5/1970 hàng trăm quả đạn hỏa tiễn 122 li “ĐKB” đã trút xuống căn cứ Chu Lai. Trận đánh hủy diệt của pháo binh quân Giải phóng miền Trung trung bộ đã làm căn cứ Không quân Chu Lai của Mỹ Ngụy tê liệt hàng tháng trời; Hàng trăm giặc lái bị loại khỏi vòng chiến, hàng trăm máy bay các loại bị phá hủy… Hoàn thành nhiệm vụ tôi được lệnh dẫn phân đội về căn cứ với đầy đủ quân số, trang bị và vui hơn trong hành trang chúng tôi trở về mỗi người đều có chứng nhận dũng sĩ diệt Mỹ.
Thua đau ở Chu Lai, Mỹ Ngụy mở cuộc hành binh quy mô lớn vào hành lang chiến lược của ta. B52 dội bom hủy diệt, bom dù, bom phát quang thông minh của bọn cường kích phát trọc các cao điểm dọc đường 16, lập trận địa pháo yểm trợ cho bọn lính bộ chiếm lại Khâm Đức và các vùng phụ cận ra tới đầu mối B46 ở khu vực Lân Tôn. Các làng mạc ở vùng giáp ranh chúng cũng chiếm giữ để ngăn chặn ta. Vùng Dương Yên đi Trà My đầy lính Mỹ. Ban ngày bọn trinh sát chỉ điểm OV10, L19, L20 bay chỉ điểm cho pháo binh bắn phá. Đêm đến pháo từ hạm tàu ngoài biển bắn đạn nổ trên không chụp chết chóc xuống đất đỏ trời. Không thể trở về theo lối cũ chúng tôi phải vòng tránh theo các triền núi về cứ - nơi tâm điểm của trận càn của Mỹ Ngụy; Nơi chúng tôi đang cất giấu hàng chục khẩu pháo và đồng đội của chúng tôi đang căng sức chống càn. Lòng chúng tôi như lửa đốt muốn mau chóng về lại cứ để cùng đồng đội chắc tay súng chống càn bảo vệ vũ khí, khí tài vô cùng quý giá mất bao công sức, mất mát hi sinh mới tới được nơi đây để chuẩn bị cho những trận quyết chiến.
Với phương châm “đi cảnh giác một, về cảnh giác mười” của những người lính trinh sát chúng tôi thận trọng vòng qua trận càn tháng 7 này của Mỹ Ngụy để về cứ. Chúng tôi men theo những bản làng cách mạng, qua những nương sắn, vạt ngô, triền lúa của đồng bào làm ăn tập thể như hợp tác xã ở miền Bắc mà lòng càng tin vào ngày chiến thắng. Gặp đường mòn theo hướng Bắc Nam, ngược về phía Bắc chúng tôi đi. Chiểu ngày thứ ba chúng tôi nghỉ lại bên bờ thượng nguồn sông Trường thuộc Trà My – Quảng Nam. Nơi đây nằm ngoài tầm pháo và cũng xa vùng càn quét của bọn Mỹ. Nhưng phải cảnh giác với những loạt bom tọa độ và bọn biệt kích thám báo.
Ở rừng trời tổi rất nhanh. Mặt trời vừa khuất núi bóng tối đã dần dần hiện hữu. Ngồi trên võng lắng nghe những âm thanh của rừng, mắt nhìn theo dòng sông với những tảng đá nhấp nhô bên hai bờ cát trắng đang chuyển sang màu tối thường đưa người ta về những ký ức xa xôi… Chợt thấy sáu, bảy người đang vượt sông, họ lướt qua bọn tôi. Bất ngờ có tiếng gọi:
- Anh Chúc
Tôi làm rơi chiếc đài radio xuống võng, sững người khi nhận ra Hồng Cẩm trước mặt. Em ngồi thụp xuống, ngó vào võng tôi rồi vịn võng đứng dậy nói nhỏ:
- Tý nữa em sang anh
Tôi như người trong mơ nhìn theo em. Những ngày bên em trên đường giao liên vào chiến trường khu 5 lại hiện về đầy thương nhớ. Ngày ấy tôi gặp Hồng Cẩm cùng đoàn cán bộ dân chính vào khu 5. Cũng có thể do cái duyên tình nào đấy mà chúng tôi xích lại gần nhau trong những ngày cùng hành quân. Tôi ở đơn vị pháo xe kéo hành quân vào chiến trường. Đơn vị đã vào tập kết ở Phước Sơn – Quảng Nam. Tôi được giao giải quyết một số việc cho đồng đội nên phải theo đường giao liên về đơn vị. Lần đầu hành quân trên đường giao liên nên mọi thứ với tôi đều ngỡ ngàng. Hồng Cẩm luôn bên tôi chỉ bảo ân cần. Em là dược sĩ nhưng cũng rất mê văn chương. Tôi là giáo viên dạy Văn Sử cấp 2 khoác áo lính đã hơn 5 năm nên chuyện giữa bọn tôi thường xoay quanh những tác phẩm văn học. Chúng tôi tìm thấy ở nhau những nét tương đồng. Riêng tôi sau nhiều năm mới được gần gũi những cô gái trẻ đẹp nên cũng rất mở lòng. Quả thực Hồng Cẩm rất đẹp, duyên dáng, thông minh. Tôi và Hồng Cẩm nói với nhau mọi chuyện về quê nhà về những mong ước sau chiến tranh. Em Bảo:
- Yên hàn rồi em sẽ về Phú Thọ quê anh để cảm nhận cái nghề: “Ăn với chồng một bữa, ngủ với chồng nửa đêm” nó như thế nào.
- Nghề làm sơn ta là thế - Tôi giải thích – Nửa đêm, những người vợ, người mẹ… đốt đuốc vào rừng để cắt sơn lấy nhựa là chỉ ngủ với chồng nửa đêm. Mặt trời lên dừng cắt, nấu cơm ăn rồi thu nhựa sơn. Chiều về mới ăn cơm cùng chồng là ăn với chồng một bữa. Coi chừng sơn ăn sưng mặt đấy em.
- Sơn ăn tùy mặt mà anh. Anh quên em làm nghề thuốc à. Em chỉ mong ngày ấy chóng đến để em làm nghề thuốc anh lại cắp cặp đến trường với bọn trẻ…
Em từ nơi mắc võng nghỉ qua qua đêm với đồng đội, cách chỗ tôi không xa đi tới võng tôi em soi đèn vào võng xướng.
- Có đèn pin nghéo có chéo dù hoa, có Standa.
- Thiếu K59 – Tôi tiếp lời em
- Với em anh chả thiếu gì cả.
Tôi và em ngồi trên tảng đá bên bờ sông cát trắng. Em bảo:
- Anh nhìn em lạ lắm à. Bộ quần áo em đang mặc là của các chị trong cơ quan san sẻ cho. Em về Thăng Bình công tác, Mỹ càn vào đốt, mất hết cả.
- Anh thấy em ổn mà – Tôi an ủi em
Tôi vòng tay qua vai em kéo nhẹ em về phía mình. Em lặng lẽ tựa hẳn vào tôi. Em vất vả đến thế là cùng. Về vùng Thăng Bình nghĩa là về vùng biển phía đông Quốc lộ 1 – Nơi vô cùng gian khó và đầy rủi ro. Khi đã biết tôi từ mặt trận Chu Lai và em ở Thăng Bình trở về thì cả em và tôi đều thấu hiểu hai năm qua chúng tôi sống, chiến đấu và công tác ra sao rồi. Chúng tôi lặng yên bên nhau truyền cho nhau hơi ấm của tình người. Gặp lại nhau ở nơi đây là một niềm vui quá lớn với chúng tôi. Tôi cảm nhận rõ rệt hơi ấm nồng nàn từ nơi em với hơi thở khi gấp gáp, khi tĩnh lặng suy tư của em. Cả hai đứa chìm đi như trong mơ lặng lẽ tận hưởng phút giây gần gũi thân thương…
Bỗng như choàng tỉnh em kéo tôi đứng dậy, ôm chặt tôi trong vòng tay nóng ấm của em:
- Em phải về thôi, họ đang gọi em đấy. Anh giữ hộ em cái này, vật cuối cùng của em đem từ Bắc vào. Em ấn vào tôi chiếc đèn pin của em rồi lặng lẽ rời đi. - Tôi vội chạy theo em đưa em chiếc đèn pin của tôi. Hai đứa lại ôm lấy nhau không nỡ rời xa.
- Anh nhớ! Ngày chiến thắng tìm em ở thành phố Tam Kỳ - em nhắc tôi. Tôi cũng ôm chặt em hơn không nỡ rời xa. Em khẽ đẩy tôi ra rồi lại úp mặt vào ngực tôi nước mắt em thấm ướt áo tôi.
- Cầu mong cho hòn tên mũi đạn tránh xa anh. Nhớ tìm em ở thành phố Tam Kỳ.
Em bước về chỗ nghỉ mà lòng tôi xốn xang thương nhớ. Tôi nằm vào võng mà hình bóng em vẫn vây quanh. Đêm nay ở đầu nguồn sông Trường thuộc Nam Trà My tôi gặp lại Hồng Cẩm sau hai năm xa cách. Đồng đội tôi không hề biết Hồng Cẩm là ai. Cũng như đồng đội em cũng không hề biết tôi là ai. Chúng tôi đã ở bên nhau trong đêm thanh vắng và thần núi, thần sông đầu nguồn sông Trường này biết chúng tôi bên nhau và giành cho nhau chỉ người trong cuộc mới biết được.
Hai năm trước cô dược sĩ Hồng Cẩm với balô con cóc căng phồng, bộ quần áo simili màu quả cọ bó sát duyên dáng, đẹp đẽ trên đường giao liên. Thì giờ đây chiếc gùi bằng vải thô lép kẹp sau lưng và bộ quần áo bà ba rộng dài so với em. Tôi cũng vậy mà, cũng “quần vợ, mũ con” cũng chiếc gùi sau lưng. Không còn quần áo Tô Châu, dép cao su đúc, mũ cối, dây lưng Trung Quốc, balô căng phồng khi gặp em. Cũng may tôi còn chiếc vỏ chăn mang từ Bắc vào nhờ may được bộ Bà ba tươm tất chỉ mặc khi cần. Quần nhau với bọn Mỹ ở Chu Lai phải thế. Đổi lại cả tôi và em tự nhận thấy trưởng thành hơn nhiều, rắn giỏi và chắc tin vào ngày toàn thắng. Tôi cố dẹp những cảm xúc và những gì vừa xảy ra để ngủ lấy sức mai hành quân mà sao giấc ngủ không về. Tôi lại nghĩ đến em. Em đến với tôi trong đêm tối, đồng đội em phải gọi về. Liệu họ có làm khó cho em không. Em trẻ đẹp thế liệu có ở Tam Kỳ chờ tôi trong ngày chiến thắng hay tình thế lại bắt em ngã rẽ cuộc đời… Mãi rất khuya tôi mới chập chờn suy tư theo vần thơ của nhà thơ Quang Dũng: “ Bao giờ tôi gặp em lần nữa – Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca - Đã hết sắc màu chinh chiến cũ…” và bỏ lửng câu cuối: “Còn có bao giờ em nhớ ta”. Tôi sẽ không bao giờ quên đêm nay đêm ở thượng nguồn Sông Trường. Cuộc sống và chiến đấu đã giành cho tôi được gặp lại em đêm nay. Tôi tin ngày toàn thắng chúng tôi sẽ lại gặp nhau…
Cái câu: “ Còn có có bao giờ em nhớ ta” mà tôi bỏ lửng sau này lại khiến tôi cảm thấy mình không may mắn. Chiến tranh là thế, mọi việc không theo ý mình. Tôi cứ tưởng trở về cứ chống trận càn tháng 7 là vẫn ở đất Quảng Nam; cùng lắm là mấy tỉnh khu 5. Ngày chiến thắng tôi dễ dàng trở về Tam Kỳ tìm em. Nhưng không, ngay sau ngày gặp lại em tôi được điều động trở thành lính Trường Sơn đóng quân ở Nam Lào.
Là lính Bộ Tư lệnh Khu vực 471 Trường Sơn. Chúng tôi hết tháng này đến tháng khác, hết năm này đến năm khác chiến đấu với Không quân Mỹ và bọn Ngụy Lào để giữ đường, giữ kho, đêm ngày trông theo bánh xe lăn. Có thời gian ở với công binh: Sống bám đường, bám trọng điểm, chết kiên cường dũng cảm. Chỗ đứng hàng ngày ở trên mặt đường và bên những hố bom. Lại có những đêm nằm hầm thức trắng bám máy nắm tình hình, truyền lệnh nổ súng. Gian lao vất vả như thế nhưng với tôi hình bóng cô dược sĩ Hồng Cẩm đang ở Đất Quảng vẫn luôn trong tôi và thực sự mong ngày toàn thắng để tìm em ở Thành phố Tam Kỳ.
Mong mỏi, đợi chờ cái ngày chiến thắng cũng đã đến. Ngày 29 tháng 3 năm 1975 Quảng Nam – Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Nhưng chính ngày ấy tôi lại đang đứng trong đội hình Sư đoàn Ô tô Vận tải 471 Trường Sơn; đang cùng các binh đoàn chủ lực giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung. Rồi mệnh lệnh: “ Thần tốc! Thần tốc hơn nữa – Táo bạo! Táo bạo hơn nữa…” của Tổng Tư lệnh gửi tới toàn quân. Hơn 2.600 xe của Sư đoàn chúng tôi lại cõng trên lưng các binh đoàn chủ lực về miền Đông Nam bộ. Những phút ngả lưng trên võng lại nhớ đến em đang ở Tam Kỳ. Và cái ngày vui nhất của dân tộc Việt Nam cũng đã đến. Ngay chiều 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi đã có mặt ở Sài Gòn rợp trời cở đỏ. Lại mong sao được gặp em ở đất Sài Thành. Thế rồi cuộc chiến tưởng chấm dứt lại không chấm dứt. Lính Trường Sơn chúng tôi lại vào cuộc chiến mới. Do vậy tôi cũng không có được ngày nào qua được Tam Kỳ tìm em. Thành thử cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn nợ em một lời hứa.
Nguyễn Kim Chúc
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn