Kính viếng hương hồn Anh Trần Đức Lương
(1).jpg)
NÚI VÀNG NẮNG HẠ
Trời Quảng Ngãi hôm nay mây như sa xuống thấp bởi cơn mưa bất chợt đầu Hạ. Dường như trời và con người nơi đây đang lặng lẽ thả những giọt buồn, ngậm ngùi tiễn đưa người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi anh hùng về với thế giới người hiền.
Nhìn ngọn núi Vàng trở nên mờ xa, lòng lại bồi hồi nhớ về kỷ niệm thời áo trắng.
Ngày ấy, ngôi trường nổi tiếng có nhiều học sinh giỏi Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi mang tên nhà cách mạng Nguyễn Nghiêm phải tản cư về thôn Thủy Triều gần cửa biển Mỹ A dưới chân núi Vàng. Thôn xóm yên bình bỗng rộn ràng inh ỏi tiếng học trò.
Năm ấy, sau lễ bế giảng, các đội thể thao lớp năm, lớp sáu và lớp bảy chuẩn bị dã ngoại thi leo núi Vàng. Tục lệ thể thao Hướng đạo sinh của trường Trung học đã có từ trước.
Núi Vàng vòi vọi không rõ bao nhiêu mét cao, đỉnh nhọn chấm lưng trời, cây xanh phủ bóng lên ngôi chùa nhỏ.
Theo con đường nhỏ rộng không quá hai bước chân, những đội viên Hướng đạo sinh được chọn, thi nhau bước, chen nhau lên. Đến đỉnh núi nơi có sân hẹp trước ngôi am cổ thờ Sơn thần thì đã thấy đoàn các anh hùng lớp bảy ngự trên các bậc thềm và người ngồi ngất ngưỡng trên bậc cao nhất choàng khăn quàng đỏ chói là hiệu đoàn trưởng Hướng đạo sinh Đức Lương.
Hoan hô!
Cả đoàn ca vang bài ca vừa mới ra đời: “Kết đoàn lại, thanh niên chúng ta cùng nhau đi lên. Giơ nắm tay thề gìn giữ hòa bình độc lập tự do…”.
Tiếng ca át cả gió từ cửa biển thổi vào.
Từ trên đỉnh núi Vàng nhìn về bắc dòng sông Câu, sông Thoa sáng lòa dưới nắng, cánh đồng Phổ Văn xanh màu ngọc xa tít tắp đến Thạch Trụ, ngoài kia An Thổ, Du Quang từng đợt sóng biển bọt trắng dội vào bờ cát mênh mông.
Quê hương đẹp quá.
Ca hát vang lừng hết bài này đến bài khác. Để ghi nhớ ngày hội tan trường, theo yêu cầu, hiệu đoàn trưởng đọc bài thơ bằng tiếng Pháp. Bài này của nhà thơ nổi tiếng của Pháp nói về con ve và con kiến. Người đọc vừa được giải nhất cuộc thi đọc thơ.
Bài ngụ ngôn kể về tính siêng năng loài kiến và tính chơi bời của loài ve. Tiếng đọc vang vang.
Nguyễn Phỉ, người bạn văn giỏi, bình: “Đọc thơ tiếng Pháp của anh Đức Lương hay quá, đứng đọc dõng dạc như ông vua!”
Sang tháng chín, các anh lớp bảy loại học sinh giỏi ra An Ba, Nghĩa Hành nhập trường Lê Khiết. Nơi ấy là nơi kiêu hãnh nhất của học sinh miền Trung Bộ. Trường ấy các thầy Quốc học Huế dạy. Nghe nói, khi Pháp chuẩn bị đánh chiếm kinh đô Huế, các thầy được ngài Phạm Văn Đồng đại diện cụ Hồ Chí Minh mời về Quảng Ngãi lập trường.
Thầy giỏi, trò xuất sắc trường ấy toàn người tài.
Năm sau, trận Điên Biên vang dội địa cầu. Pháp thua, hiệp nghị Giơ-ne-vơ ký kết, quân Pháp rút vào trong vĩ tuyến 17 Vĩnh Linh Quảng Trị, quân ta tập kết ra Bắc. Vùng tự do Nam, Ngãi, Bình, Phú giặc chiếm. Trung ương lệnh đưa con em cán bộ, học sinh giỏi các trường tập kết ra Bắc để đào tạo cho ngày thống nhất đất nước.
Ba lô, túi xách trên vai lập đoàn vào cảng Quy Nhơn xuống tàu Liên Xô, tàu Ba Lan ra Bắc.
Núi Vàng bị Sư đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ lập căn cứ ra đa, trường Nguyễn Nghiêm xưa nằm trong căn cứ quân sự Gò Hội thành trận địa pháo, cột ăng ten tua tủa cắm lên trời.
Người hiệu đoàn trưởng năm xưa không rõ vì lẽ gì không cùng các bạn sang Nga, sang Đức, Ba lan, Tiệp khắc…học kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ mà quyết theo ngành địa chất, bắt đầu học từ sơ cấp đến trung cấp, rồi chuyên tu đại học, vừa học, vừa làm mất năm năm trở thành kỹ sư, nhà lãnh đạo giỏi.
Gặp lại nhau sau bao năm trên vùng than Quảng Ninh, trong cánh rừng Phong Dụ, huyện Tiên Yên mặc bộ đồ xanh đen thợ mỏ anh cười hiền, nói: “Trường ta anh em ra Bắc đi học các nơi đều giỏi giang. Ngày thống nhất mà hội quân ở núi Vàng thì tốt biết mấy. Nhớ nhé!”.
Núi rừng Phong Dụ, bể than Đông Bắc nhớ mãi bóng dáng con người tài ba. Nơi đây cũng là cái nôi trưởng thành của vĩ nhân. Năm mươi năm sau khi đã được nghỉ ngơi việc lớn, người cũ đã tìm về Phong Dụ, miền Tiên Yên tri ân.
Muôn vàn gian khó, người Hướng đạo sinh hiệu đoàn trưởng trở thành ngôi sao sáng trên chính trường.
Sau ngày thống nhất nước nhà, công việc nhiều như núi, học trò của trường xưa tứ tán, chỉ nhắc đến nhau nhưng không thể gặp mặt. Nghe danh mà mừng.
Vui sao, trong cuộc họp bàn về những khúc mắc trong việc làm đường dây 500 ki lô vôn nối từ Bắc vào Nam, anh em trường cũ một vài người là Giáo sư, Tiến sĩ về điện và xây dựng được dự bàn. Hiệu đoàn trưởng, Hướng đạo sinh năm xưa chức cao Phó Thủ tướng ngồi chủ trì nghe ông trưởng ngành điện lực “thao thao bất tuyệt” báo cáo. Khó khăn lớn nhất là thời gian, mùa khô Tây Nguyên chỉ có sáu tháng, nếu không có đường vận chuyển qua đèo Lò Xo giữa Quảng Nam và Kon Tum ngay thì đành chịu, chờ mùa khô sang năm. Mười hai cây cầu lớn và nhỏ.
Lúc hội nghị nghỉ giải lao, ông gọi tôi, hỏi: “Bên cậu T. điện lực nói thế, các cậu tính thế nào? Mười tỷ có đủ không?”
Chao ôi, từ trước đến giờ, Kế hoạch cứ ghi, còn Tài chính khất tiền hết năm này đến năm khác. Ra quân, mấy chục Công ty, hàng ngàn người đói rách, nợ lương, nợ thưởng, quanh năm đi vay Ngân hàng.
-“Báo cáo Phó Thủ tướng, ba tháng kể từ hôm nay, dứt khoát xong”.
-“Ừ! Chiến sĩ Trường sơn phải quyết tâm thế mới được”.
Dự định nói chuyện nhiều về trường cũ, bạn xưa nhưng thời gian họp rất gấp. Đường dây “Năm trăm Kí lô vôn” vận mệnh, sự sống nhân dân cả nước đâu được chần chừ.
Vừa thông đường điện, Mỹ chán, thôi cấm vận, công cuộc làm ăn lên hương. Thành phố hàng hóa đầy kho, đồng bằng lúa được mùa liên tục. Nông thôn đã khá lên nhưng miền núi, nơi căn cứ cách mạng ngày nào nay đói nghèo còn đeo bám. Mưa nhỏ không đi đâu được, mưa lớn ngập làng, ngập xóm. Ốm đau không có thuốc, có cũng không đưa đến được. Ơn xưa phải trả, cũng là chiến lược giữ nước, giữ nhà.
Trên dưới đồng lòng, khôi phục nâng cấp đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh dọc theo chiều dài đất nước.
Gạo tích từng đấu, tiền tích từng xu chuẩn bị ra quân. Đùng một cái bên kia đại dương ngân hàng “Anh em Lehman” của Huê Kỳ sập đổ. Xứ Thái theo dây chuyền, ngân hàng lớn nhỏ đổ theo. Tiền bạc châu Á lao đao. Ta phải phòng vệ ngay. Công trình lớn tốn nhiều tiền phải dừng, chờ xem.
Đã quen với khó khăn của đất nước trong bao nhiêu năm, chiến sĩ, đồng bào đồng tâm chuẩn bị, không nao núng.
Hết giặc dã nay thiên tai lại thử thách lòng người. Trận mưa lũ kéo dài hai tháng năm 1998 cắt đứt đường Quốc Lộ 1A, con đường nối liền đất nước. Đèo Hải Vân con đèo nổi tiếng quanh co nằm giữa Huế và Đà Nẵng sập đổ hàng chục điểm. Lưu thông ách tắc.
Năm ngày, năm đêm từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam muốn đi chỉ đi bằng máy bay.
Trung ương họp. Người hiệu đoàn trưởng Hướng đạo sinh năm xưa nay là Chủ tịch nước cùng Trung ương hạ quyết tâm mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn.
Ngày xưa “Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cho trận chiến hai mươi năm giành độc lập, thống nhất đất nước.
Nay “Tiền không thiếu một đồng” cho Đại công trường Đường Hồ Chí Minh.
Cả nước hướng về Đường Hồ Chí Minh. Dù bận, mỗi lần nghe nơi nào trên công trường có khó khăn ông liền có mặt.
Ông Trần Đức Lương với công nhân làm đường Hồ Chí Minh
Khi ấy, từ Hòa Bình điểm tây Hà Nội vào, đường đã thông đến bắc núi A Roàng thuộc Trị Thiên; trong Nam ra, xe đã có thể chạy từ Kon Tum đến nam A Roàng thuộc Quảng Nam. Núi A Roàng cao hơn nghìn mét có lắm phương án vượt qua, chờ ý kiến nhiều cấp. Bàn, tính nhiều cuộc họp, ông Thứ trưởng P.Q.T, được cấp cao nhất phân công phụ trách chưa thể quyết, làm đường dốc vượt núi hay làm hầm rộng cho hai làn xe? Loại này, kỹ sư, công nhân ta chưa từng thi công.
Đoàn xe Chính phủ từ Kon Tum hướng ra Hiên bỗng dừng giữa đường, ông xuống xe đến bên con suối lớn có tên A.V. bụm một vốc đất đen hỏi chúng tôi: “Các anh có biết thứ này là gì không?”.
Loại đất đen như cám, hôi nồng nặc.
Ông giải thích: “Đó là quăng uranium, khắp Đông Nam Á có lẽ chỉ ta có”
Cả đoàn ngạc nhiên. Nhà Địa chất tài ba trỗi dậy trong Nhà Chính trị. Thì ra nơi này khi chưa có đường ô tô, ông đã đến, đã xem, đã biết.
Đứng dưới chân núi A Roàng nghe Thứ trưởng P.Q.T. báo cáo, nghe các Kỹ sư trình bày, ông nói: “Núi này là thuộc khối đá hoa cương Trường Sơn nên nghiên cứu phương án tốt nhất, Chưa bao giờ làm thì học mà làm”.
Ông không quyết phương án, chỉ gợi ý:
“Thế là đã rõ. Hầm Hải Vân có đội quân của Tổng công ty Sông Đà đang thi công theo công nghệ Nhật. Ở đây, một công ty Sông Đà chủ công A Roàng, điều người lên làm”.
Anh kỹ sư trẻ, người của thiết kế nghe đồ án hầm của mình sắp được đưa ra thi công, vui quá báo cáo thêm: “Thưa Chủ tịch, địa chất khu vực nầy nơi hầm xuyên qua là đá “gờ ra nai” nguyên khối…”.
Ông nhướn mày, cười: “Nên gọi nó cho đúng tên, đọc theo quốc tế là “gơ ra nít”.
Một anh trong đoàn nói: “Bây giờ cái gì cũng đọc theo Anh hóa, Mỹ hóa, không chừng vài hôm nữa nước VIỆT NAM sẽ đọc: “VAI-IT NEM”.
Cả đoàn cười vang. Ai đó nhắc lại “Vay it nem”!
Ông, Nhà Khoa học, Nhà Chính trị, Nhà Văn hóa cười theo.
Ngày 19 tháng 5 năm 2005. Đường Hồ chí Minh giai đoạn I hoàn thành, xe chạy thông từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh.
Đường Trường Sơn huyền thọai một thời được mở lại, nhân dân các dân tộc miền núi thấy bóng dáng các đoàn xe xưa ra trận. Bây giờ không chở đạn mà chở lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng cho dân.
Ông ký hàng loạt Giấy khen, Bằng khen, Huy chương, Huân chương tặng Công nhân, Kỹ sư, các Nhà Khoa học và Nhân dân miền núi đã có công đóng góp cho việc xây dựng Đường Hồ Chí Minh giai đoạn I.
Năm ấy, ông nghĩ hưu sau năm mươi năm cống hiến sức lực cho đất nước. Được tin ông về thăm quê, những học sinh cũ Trường cấp hai Đức Phổ khóa 1952,1953,1954 họp lại đón ông.
Bồi hồi xúc động vẫn là người anh hiệu đoàn trưởng Hướng đạo sinh năm xưa.
Nguyễn Phỉ tuyên huấn tỉnh, nay đã nghỉ hưu trình bày lý do cuộc họp mặt, giới thiệu ông.
Ông chặn lại bảo: “Không nên kể chức vụ dài dòng. Anh em học sinh trường cũ, gọi tên nhau để nhớ là được rồi”.
Ông, thì cả nước ai cũng biết, còn anh em những Tổng này, Giáo sư Tiến sĩ kia, Chủ tịch nọ … muốn khoe danh, tưng hửng. Dù vậy từng người ông đều hỏi cặn kẻ chức danh, gia đình, con cái.
Vui quá, năm mươi hai năm gặp lại nhau trong ngôi trường khang trang dưới chân núi Vàng. Trường xưa, trò cũ, thầy cô giáo năm ấy đã già, nhiều người đã ra đi,
Cô giao Yến Thanh dạy Pháp văn giờ nơi đâu?
Vẫn nhớ bài thơ của La Fontain về “Con ve và con kiến”.
Và đỉnh cao núi Vàng sáng rực trong nắng hè chờ đón người Anh người hiệu đoàn trưởng Hướng đạo sinh về đây.
Những mong đây là nén tâm nhang tôi dâng lên anh, người bạn lớn, người con ưu Tú của quê hương Quảng Ngãi anh hùng anh Lương nhé./.
Bùi Công Định
Hội viên Chi Hội VHNT TS Đà Nẵng