------------------------
NGƯỜI ÔNG CỦA CON TÔI
Hồ Sỹ Hậu
-Quang, chào bà đi con.
Con trai tôi khoanh tay lễ phép: “con chào bà”. Người phụ nữ gương mặt phúc hậu, tóc băt đầu điểm bạc, xoa đầu thằng bé : “Cháu bà ngoan quá!”. Được về thăm vợ sau ngày thống nhất đất nước, việc đầu tiên của vợ chổng tôi là thu xếp đến thăm gia đình người thủ trưởng, ân nhân của chúng tôi. Tôi xin phép bà thắp hương lên ban thờ ông. Nhìn di ảnh của ông sau làn khói, kỷ niệm xưa lại ùa về.
Đó là những ngày tuyến vận tải Trường Sơn chịu những tổn thất hết sức nặng nề bởi “Ác điểu” AC 130. Loại máy bay này được trang bị thiết bị hồng ngoại và khuếch đại ánh sáng mờ, lại bay tuần suốt đêm, nên hầu hết các đoàn xe của ta di chuyển ban đêm đều bị phát hiện và đánh phá ác liệt.
Một buỏi sáng, Binh trạm trưởng Quang gọi tôi lên phòng. Ông chỉ chiếc ghế:
-Dũng đấy à. Ngồi xuống đây, ta bàn một chuyện.
Tôi ngồi xuống, và đoán có việc rất hệ trọng liên quan đến mình nên Binh trạm trưởng mới trực tiếp gọi trợ lý như tôi.
-Trọng điểm Phu Khôn Xông mấy ngày qua bị B52 đánh phá dữ dội, cần chuyển ngay đến đó mười tấn thuốc nổ để khắc phục. Hiện nay đi ban đêm thì bị AC 130 ngăn chặn. Đi ban ngày thì bị máy bay phát hiện. Cậu có sáng kiến gì không?
Vậy là tôi hiểu ngay sắp nhận một nhiệm vụ quan trọng. Binh trạm trưởng đặt niềm tin vào tôi vì tôi vốn là đại đội trưởng xe. Thời điểm này một số lái xe đã xuất hiện tư tưởng ngại ra đường ban đêm, đặc biệt là lái xe chở xăng dầu và thuốc nổ.
-Báo cáo. Nếu chạy đêm và chạy ngày đều không được thì ta chạy lúc giao thời giữa ngày và đêm. Đó là lúc bọn AC130 đã bay về căn cứ, còn bọn phản lực và trinh sát có thể chưa xuất hiện.
-Có lý!- Binh trạm trưởng trầm ngâm- Vẫn chỉ là có thể thôi. Bọn trinh sát OV-10 nhiều khi bay rất sớm. Khi trời sáng nó phát hiện được thì hết sức nguy hiểm, nhất là từ đây đến đó đường nhiều đèo dốc quanh co và trống trải. Do vậy, dù chọn thời điểm này cũng chẳng khác gì cảm tử.
-Vâng. Đúng vậy thủ trưởng ạ. Trọng điểm phải được thông xe. Bởi vậy tôi xin nhận nhiệm vụ chỉ huy ba xe chở thuốc nổ đi ngay trong sáng mai.
-Còn lái xe?
-Tôi sẽ chọn những lái xe giỏi, dũng cảm và tình nguyện. Xin thủ trưởng yên tâm. Tiếng Lào Khôn Xông là Phù thuỷ. Hy vọng sẽ có phép màu giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
-Cậu có yêu cầu gì trước khi lên đường?
-Tôi xin một chai rượu Lúa Mới. Còn anh em lái xe thì mỗi người hai bao thuốc.
-Rượu để làm gì?
-Dạ- Tôi gãi tai- Để tăng khí thế và tỉnh táo mà chỉ huy.
-Được. Tôi sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cậu. Mỗi người trong tổ sẽ được thưởng trước một hộp sữa bột và hai gói thuốc lá.
Đúng 4 giờ sáng, xe lăn bánh. Tôi nhắc các phụ lái sẵn sàng châm thuốc lá khi lái xe yêu cầu. Còn mình thì mở nắp chai rượu, chốc chốc lại tu một ngụm. Khi trời sáng, tôi luôn hướng mắt nhìn lên bầu trời và lắng nghe tiếng máy bay. Rất may trên đường chỉ có ba chiếc xe, nên chúng tôi đi khá nhanh. Nhưng khoảng hơn 7 giờ sáng thì đoàn xe bị phát hiện. Chiếc OV-10 bắn đạn khói. Mấy chiếc phản lực bâu đến trút bom, nhưng nhờ các lái xe đều thuộc địa hình và dũng cảm, khu vực ấy lại có những đám cây kín đáo nên chúng tôi thoát nạn.
Sau khi giao thuốc nổ, tôi vui mừng báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ. Tiếng Binh trạm trưởng như reo:
-Rất tốt. Cho tôi gửi lời biểu dương các đồng chí lái xe. Chuyến đi này có thể mở ra khả năng thí điểm thử nghiệm cho xe chạy ngày để đối phó với AC-130. Cậu về ngay Binh trạm, nhưng không đi ô tô nữa, mà đi đường mòn. Chú ý quy luật đánh phá của địch vì trên đường về có mấy điểm B52 đang đánh chặn, Cậu căn giờ mà đi cho an toàn nhé.
Tôi cảm nhận được sự tin yêu trìu mến trong giọng nói của ông. Ông là người luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất, và luôn quan tâm đến đời sống bộ đội nên được cán bộ chiến sĩ yêu thương như ruột thịt.
Về đến Binh trạm, tôi nhao sang Đội điều trị Binh trạm thăm em. Tôi quen em từ mùa khô năm ngoái trong một lần bị thương vào điều trị. Chúng tôi yêu nhau. Tình yêu như ngọn lửa thiêu đốt cả hai đứa. Mỗi khi lên xe, tôi bao giờ cũng cầu nguyện an toàn để về gặp em. Còn em, mỗi khi nghe tiếng bom trên đường, nhìn pháo sáng rực trời trọng điểm là em lại khóc. Một lần, đại đội xe của tôi bị AC-130 bắn cháy tới một nửa. Về đến đơn vị, tôi chạy ngay sang em, để nguyên quần áo lấm lem bụi đường và khét mùi thuốc đạn. Em ôm tôi khóc nấc: “Anh ơi, em không muốn mất anh. Ác liệt thế này cứ mỗi khi anh lên xe là em lo đến nghẹt thở”. Ôm em trong vòng tay, tôi cảm nhận được sự run rẩy và khát khao. Hôm nay, biết tôi chỉ huy mấy xe “cảm tử”, chắc em lo lắm.
Tôi vừa xuất hiện ở Đội điều trị, em nhào tới, ôm lấy tôi khóc nghẹn:
-Nói rủi. Hôm qua mà anh bị sao thì con em mất bố.
-Em nói vậy là sao?- Tôi vô cùng ngạc nhiên,
-Anh ơi. Em đã mang trong mình giọt máu của anh rồi. Chúng mình chưa cưới xin gì, chắc cả hai sẽ vất vả lắm. Nhưng bằng mọi giá, em sẽ gìn giữ nuôi con khôn lớn.
Tôi ôm em vào lòng, thổn thức. Mình sắp được làm cha. Nhưng giữa Trường Sơn ác liệt này, yêu đương bị coi là điều cấm kỵ. Tôi rùng mình nhớ tới những cuộc kiểm điểm và kỷ luật những đôi nam nữ “trót dại”. Bỗng cảm thấy tương lai chính trị của hai đứa mịt mờ. Tôi nói với em:
-Anh cảm ơn em. Vậy là anh sắp được làm cha. Nhưng chúng mình sẽ phải đối mặt với nhiều nỗi vất vả lắm. Dù thế nào chúng mình cũng bên nhau bảo vệ con, em nhé.
Em khóc, nép vào tôi tin cậy:
-Em cảm ơn anh. Nhưng anh phải cố gắng giữ gìn nhé, vì từ nay phía sau anh còn có em và con.
-Anh hiểu mà. Nhưng anh là một người lính, không thể thoái thác bất kỳ nhiệm cụ nào. Chỉ mong em tin rằng từ nay anh sẽ sống vì cả ba chúng ta.
Trở về hầm, tôi không nguôi nỗi thương em, thương giọt máu của tôi trong em đang lớn dần. Nói dại, lỡ tôi làm sao thì không chỉ con tôi mồ côi mà em sẽ vô cùng khô sở vì búa rìu dư luận. Tôi ngồi viết ngay một la thư gửi cha mẹ: “… Cha mẹ ơi. Trong chiến trường gian khổ ác liệt, con và Vân yêu nhau và Vân đã mang trong mình giọt máu của con. Con không thể đưa Vân về được. Xin cha mẹ hãy đón con dâu và cháu nội. ..”
Hôm sau tôi gói lá thư cùng cuốn nhật ký đưa cho em:
-Em giữ lấy những thứ này, phòng khi trở về hậu phương một mình. Đây là vật làm tin để cha mẹ anh hiểu tình cảm của chúng mình.Trong cuốn nhật ký này, anh đã ghi tình cảm , nỗi nhớ của anh đối với em trong những chuyến đi gian nan nguy hiểm.
Những ngày sau đó, cứ nhìn em ngày càng xanh xao, tôi xót xa nghĩ tới cảnh em sẽ bị đưa ra kiểm điểm với những lời phê bình gay gắt.
Một buổi sáng, trợ lý chính trị cơ quan mời tôi lên phòng làm việc:
-Tôi báo cho anh một tin vui.
-Tin gì vậy anh?- Giữa lúc câu chuyện tôi và em được bàn tán trong cơ quan thế này thì chuyện gì có thể vui được đây.
Trợ lý chính trị kể:
Khi biết sắp có cuộc kiểm điểm cô Vân và anh, Binh trạm trưởng gọi tôi và Bí thư Chi đoàn lên. Ông hỏi Bí thư Chi đoàn:
-Giờ đồng chí định xử lý việc này thế nào?
-Báo cáo. Đây là khuyết điểm rất nặng. Cần kiểm điểm nghiêm khắc. Chiếu theo thông lệ thì anh Dũng sẽ bị cảnh cáo , còn Vân thì cho ra quân – Bí thư trả lời ngay như việc ấy đã được sắp sẵn trong đầu
-Làm vậy chúng ta được gì?
-Dạ. Cần nghiêm minh để làm gương cho các đồng chí khác.
-Dũng là một cán bộ giỏi và dũng cảm. Vân là y tá giỏi, hai năm liền là chiến sĩ thi đua. Giữa kỷ luật để “làm gương” và mất những người ưu tú của đơn vị, anh chọn cách nào?
…
Binh trạm tưởng trầm tư:
-Các bạn thanh niên vào Trường Sơn đều là những người sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc. Trong điều kiện ác liệt này, ta không khuyến khích họ yêu đương. Nhưng tuổi trẻ thì không dễ gì cấm cản. Nếu họ không thể giữ gìn được thì cũng cần cảm thông với họ. Tôi đề nghị ta xác nhận đơn vị đã làm đám cưới cho họ để Vân được danh chính ngôn thuận khi ra hậu phương, cháu bé sinh ra sẽ được hưởng niềm tự hào có cha là chiến sỹ ngoài mặt trân, còn Dũng ở lại đơn vị sẽ yên tâm chiến đấu.
Kể xong câu chuyện, trợ lý Chính trị đưa cho tôi tờ công văn với dấu son đỏ chói. Những dòng chữ như nhảy múa reo vui trước mắt tôi:
…Kính gửi các cơ quan và địa phương tiếp nhận đòng chí Đinh Thị Vân
Đơn vị quân đội 2870 xác nhận đồng chí Đinh thị Vân là chiến sỹ quân y chiến đấu dũng cảm, có chồng là Nguyễn Tiến Dũng cùng đơn vị (đám cưới do đơn vị tổ chức). Nay đồng chí Vân đang mang thai nên đơn vị chuyển đồng chí ra hậu phương để sinh cháu và công tác.
Đề nghị các đơn vị và địa phương tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ đồng chí Vân…
Thủ trưởng đơn vị
Trung tá Mạc Văn Quang
-Ít ngày nữa Vân ra hậu phương rồi. Mai anh lại đi công tác, tôi muốn chính anh đưa công văn này cho cô ấy để hai người chia vui trước khi cô ấy lên đường-
Tôi nghẹn ngào cảm ơn anh, rồi lao sang Đội điều trị.
Em đọc công văn, rồi nói trong nước mắt: “Anh ơi. Thủ trưởng Quang đã cứu chúng mình qua cơn đại nạn. Em muốn con sinh ra dù là trai hay gái cũng đặt tên là Quang để tri ân thủ trưởng”.
Dịp tết là thời kỳ cao điểm của mùa vận chuyển trên tuyến chi viện chiến lược ở tây Trường Sơn. Chiều ba mươi tết, Binh trạm trưởng tổ chức một chuyến xe đi xuống các trọng điểm giao thông, các tiểu đoàn xe để giúp họ giải quyết khó khăn, kết hợp chúc tết đơn vị. Chiếc gaz69 đít vuông đủ cho một đoàn công tác nhỏ gọn. Binh trạm trưởng ngồi ghế trước, cạnh người lái. Ông chỉ chỗ ngồi ngay sau lưng, nói với tôi:
-Dũng ngồi đây. Trên đường anh em mình nói chuyện cho vui.
Khoảng bảy giờ tối, xe rời binh trạm bộ. Qua mấy tháng mùa khô thắng lợi, tết đến, chuyện trên xe nổ như ngô rang. Binh trạm trưởng hóm hỉnh:
-Đố các cậu, tết năm nay cơ quan mình ai vui nhất?
-Binh trạm giành nhiều thắng lợi, chắc chắn thủ trưởng là người vui nhất- Ai đó trả lời.
-Không phải đâu. Người vui nhất là cậu Dũng. Chẳng về phép mà sang năm vẫn được làm bố, bố của một đứa con sinh ra trong lửa đạn Trường Sơn- Nói rồi, ông giơ tay ra phía sau bắt tay tôi- Chẳng phải xấu hổ đâu. Thanh niên yêu đương là lẽ thường mà. Chỉ tiếc giá như cô chú về quê làm đám cưới thì trọn vẹn hơn- Rồi ông cười- Nói vậy thôi, các chàng trai trẻ. Ở chiến trường ác liệt này có yêu thì cũng phải cố gắng giữ gìn, không thì khổ cả mình, khổ cả người yêu đấy.
Câu chuyện trở nên đầm ấm giữa người chỉ huy đã đứng tuổi với mấy chàng sỹ quan trẻ.
Bỗng nhiên tiếng bom nổ bốn bề, trời đất chao đảo, tôi cảm thấy có một lực rất mạnh quật xuống.
Chúng tôi đã rơi đúng giữa vệt bom B52. Tất cả xe bị sức ép. Khi tỉnh lại, tôi nhận ra Binh trạm trưởng đang gục xuống ghế. Một mảnh bom xuyên vào trán khiến ông hy sinh tại chỗ, Tôi hiểu rằng nếu không có ông, mảnh bom ấy sẽ găm vào đầu tôi. Cái vị trí tôi ngồi cũng chính là theo sự phân công của Binh trạm trưởng. Tôi ôm lấy ông nghẹn ngào: “Thủ trưởng đã cứu vợ chồng tôi. Giờ thủ trưởng lại nhường sự sống cho tôi. Rồi cuộc đời tôi lấy gì báo đáp đây. Thủ trưởng ơi!”.
Nhìn di ảnh của ông, tôi nghẹn ngào: “Anh đã cứu cả sinh mạng chính trị, cả mạng sống cho em. Anh đã sinh ra chúng em một lần nữa. Xin anh coi cháu Quang, đứa con của Trường Sơn, là ông. Rồi tôi gọi con trai lại: “Con hãy lạy ông nội đi con!”
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu
Phó CT Hội Trường Sơn Việt Nam
Chủ tịch Hội Đường ống Xăng dầu Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
(0983427776)