Ký ức – Cao Bằng tháng 2/1979 còn mãi không quên - Bút ký của Phạm Huy Chương
Ngày đăng:
04:07 16/02/2024
Lượt xem:
230
45 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979- 17/2/2024)
KÝ ỨC - CAO BẰNG THÁNG 2/1979 CÒN MÃI KHÔNG QUÊN.
Bút ký Phạm Huy Chương
Lên quê hương cách mạng Cao Bằng vào những ngày tháng 2 này, đã 7 giờ sáng mà các bản làng, nằm trên các vách núi vẫn chìm trong những đợt sương mù. Những tiếng mõ trâu reo “lốc, cốc” trên đường, tiếng người gọi nhau í ới, tưởng đến sát người mà vẫn chưa nhận rõ … Khung cảnh miền biên viễn này khiến người ta nhớ đến những ngày tháng 2/1979. Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới đã đi qua tròn 45 năm, nhưng những người dân Cao Bằng vẫn kể lại cho nhau nghe về những ký ức kinh hoàng không thể nào quên ấy.
Bà con các dân tộc, già làng ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An bảo: Từ xa xưa, bao đời nay rồi bản làng, bà con dân tộc hai nước Việt – Trung sống yên bình đôi bên dòng suối, tình hữu nghị việt –Trung anh em tưởng mãi dài lâu. Thế mà không ngờ, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã “đổi trắng thay đen” như bàn tay.
Ở hướng Cao Bằng. Khi bản làng trên vùng cao biên giới này vẫn còn chìm trong màn sương. Hai quân đoàn lính Trung Quốc, hình thành hai cánh quân lớn từ phía Tây Bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía Đông Bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên, nhằm hợp điểm tại thị xã Cao Bằng.
Ông Lý Văn Dư ở bản Bung, xã Danh Sĩ, huyện Thạch An nhớ lại: Lúc đó chỉ khoảng 5h sáng ngày 17/2/1979, ông và mọi người trong bản cùng choàng tỉnh dậy, bởi khắp nơi từ các xóm, bản vang tiếng thất thanh hô hoán: “Tàu nó đánh rồi, Tàu đánh rồi”Thế rồi tất cả bản làng, già trẻ, gái trai chẳng ai kịp gói ghém đồ đạc, cứ mạnh ai nấy chạy, tìm đường sống bằng cách chui vào hang hốc, chạy vào rừng tránh ẩn…và chỉ vài chục phút đã nghe thấy tiếng gầm rú của của hang chục chiến xe tăng, xe bọc thép hung dữ như những con quái vật chạy bằng bánh xích chở đầy quân lính, băng băng nghiền nát cây màu, nhà cửa bên đường tiến vào sâu đát liền, chúng vừa đi vừa điên cuồng nhả đạn bất kể vào đâu? 9 giờ sáng 17/2, xe tăng , quân lính đã tràn ngập thị trấn Đông khê.Thấy bà con dân tộc mình hớt hải, gồng gánh tất tả chạy loạn. Lúc đầu chúng vẫn còn ra giọng mị dân, trấn an với mọi người rằng: “bà con dân tộc mình không phải chạy đâu cả, quân đội Trung Quốc chỉ sang dạy cho Việt Nam 1 bài học, chứ không làm bất cứ hành động gì gây phiền hà, nhũng nhiễu tới bà con..” thậm chí chúng còn đòi cung cấp gạo, thuốc men… cho người dân. Tuy nhiên sau khi gặp phải những sự phản kháng mạnh mẽ của quân dân ta trên đất Cao Bằng, bọn chúng cay cú, lộ nguyên hình quân xâm lược. Đi đến đâu chúng đốt phá, cướp đoạt gia súc, xả súng bắn giết người dân vô tội đến đó. Chúng táo tợn, bạo ngược, hung hăng chẳng khác nào một đám thổ phỉ, quân phiệt tanh.
Bà Lương Thị Bắc xã Hưng Đạo huyện Hà Quảng, Cao Bằng kể lại: sáng 17/2 thấy quân bành trướng tràn vào làng bản, bà cùng mọi người trong bản chỉ biết cắm đầu cắm cổ chạy. Nhưng chúng đâu có tha, cả trăm tên lính, chúng cản đường, lùa dân lại và cứ thế xả súng vào giữã đám đông, mà phần lớn là người già, trẻ em và phụ nữ. được tận mắt nhìn cảnh chết chóc của người dân thật là tang tương, căm thù quân xâm lược.
(Ảnh minh họa)
Những người sống sót cố chạy thẳng , bám suối, vào tận rừng sâu ẩn tránh. Đến khi biết tin quân Trung Quốc xâm lược đã rút hết qua bên kia biên giới, người dân mới run rẩy trở về, thì ôi thôi! chả còn bất cứ cái gì nguyên vẹn, tất cả: Bệnh viện, trường học, nhà cửa, làng bản, cầu cống… đều bị chúng đốt phá, giật mìn đổ nát, cùng với những xác người vương vãi, cháy đen, mùi tử khí bốc lên khắp nơi. Nhiều gia đình trong cảnh ly tán, người mất người còn.
Bà Ngọc Thị Thuộc ở Trùng Khánh, Cao Bằng kể: Sau cuộc càn quét vào bản của quân Bành trướng Trung Quốc. Cả gia đình gồng gánh chạy loạn, duy còn mẹ già tuổi đã 90 bảo với con cháu, mẹ già rồi ở lại trông nhà, chắc chẳng ai bắt bớ người già yếu “gần đất xa trời” nữa. Thế mà không ai ngờ tới, hôm nghe tin giặc Trung Quốc đã rút chạy về nước. Bà cùng con cháu quay về tìm mẹ già. Nhưng tìm gọi suốt hồi lâu chỉ nghe thấy tiếng chó sủa và tiếng lợn hộc. Thì ra chó và lợn đang giành nhau ăn thịt người mẹ khốn khổ của bà Thuộc. Cụ bị lính Trung Quốc chặt ra làm 4 khúc, đầu văng một nơi, thân rời làm 2 khúc nằm sau vườn, chân bị quẳng ra ngoài cổng cạnh đường trâu bò đi. Cạnh xác cụ, dân quân tìm thấy một thanh mã tấu còn vết máu khô đen sẫm. Nhìn cảnh tang tóc mà oán hờn quân xâm lược.
Người dân cao Bằng còn nhớ mãi tội ác đến rợn người khi bà con dân bản xã Hưng Đạo huyện Hòa An (Cao Bằng) ngày trở về nhà sau khi quân Trung Quốc rút về nước đã phát hiện ra 43 người dân địa phương, phần lớn là công nhân, người già và trẻ em ở trại lợn Đức Chính, bị quân Trung Quốc bắt khi trên đường di tản, đã đưa mọi người về thôn Tổng Chúp (Hòa An) nhốt và sau đó chúng đã ra tay hành hạ tàn nhẫn, giết hại một cách dã man rồi quăng toàn bộ số thi thể xuống giếng nước.
Ông Đoàn Ngọc Sỹ, người dân của Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An (nay là xóm 1 Ngọc Quyến, xã Hưng Đạo), là nhân chứng còn sống kể lại: Ông nguyên là cựu binh Công an Vũ trang. Năm 1978, ông được xuất ngũ trở về Tổng Chúp thì sáng sớm ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc tràn sang xâm chiếm quê hương. Ông Sỹ khi ấy là trung đội phó dân quân của xã Hưng Đạo, đã cùng lực lượng dân quân xã phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu anh dũng đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược. Ông Sỹ là người đầu tiên phát hiện ra những nạn nhân bị quân Trung Quốc sát hại ở Tổng Chúp. Đó là: vào buổi sáng, trong một lần đi tuần cùng bộ đội ở gần bụi tre trong xóm, thấy ruồi nhặng bu đầy, mùi hôi thối bốc lên đến khó chịu, ông cùng các đồng đội đi vào thì hỡi ôi! Toàn là xác người, cả già, cả trẻ bị sát hại nằm la liệt dưới giếng nước. Lúc ấy chưa biết bao nhiêu người bị giết, vì xác người chồng chất, lớp lớp lên nhau, các tử thi đã bắt đầu phân hủy.
Ông Đào Nguyên An, nguyên là Giám đốc nông trường chăn nuôi lợn tỉnh Cao Bằng xúc động khi nhắc lại sự kiện đau thương diễn ra ở Tổng Chúp: Trại lợn giống Đức Chính là một trong những thành viên của nông trường, 43 đồng bào bị chúng giết hại trong số đó phần lớn là công nhân thuộc trại lợn Đức Chính. Không ai biết chính xác ngày quân Trung Quốc xâm lược giết hại đồng bào vô tội là ngày nào. Nhưng ngày ông và một số người dân trong bản phát hiện những thi thể ở dưới giếng nước là ngày 9-3-1979, nên có thể mọi người lấy ngày đó để làm ngày giỗ cho các nạn nhân. Giếng nước có đường kính khoảng 3 m, sâu 7 m. Nhìn xuống dưới, thấy xác người nằm chồng chất lên nhau. Có người nằm sấp, có người nằm ngửa, có người nằm nghiêng, các thi thể đã bắt đầu phân hủy, khó mà còn nhận dạng được nữa.
Ngày vớt thi thể bà con cùng các công nhân trại lợn Đức Chính, ông An là người trực tiếp chỉ huy. “ Khi vớt các thi thể lên, thật không thể tưởng tượng nổi bọn chúng lại tàn bạo đến thế: Không có xác người nào chết còn nguyên vẹn, có người bị chặt chân, người bị chặt tay; có người bị đâm nhiều nhát lê, đâm gậy tre vào ngực, vào bụng; có chị còn bị khoét vú, rạch cả "cửa mình". Vợ của anh Nông Văn Ất, trưởng trại lợn Đức Chính, đang mang bầu cùng với 4 người con và 1 mẹ già, cũng bị giết hại dã man rồi quăng cả xuống giếng.” - ông An xúc động vừa kể vừa ôm mặt khóc: “ Tôi nhìn bà con và những công nhân, người thân của họ bị sát hại dã man, là người lãnh đạo nông trường, tôi vô cùng đau xót. Lúc ấy làm gì đã kịp đóng quan tài. Vớt thi thể lên, ít người còn nguyên vẹn,hầu hết đã bị phân huỷ, phải gọi người nhà đến nhận dạng qua các trang phục, vật dụng mang trong người... Sau đó cử lực lượng dân quân đi chặt tre, rồi chẻ ra đan thành từng phên. Thi thể vớt lên, quấn vào nilon rồi đặt lên phên tre quấn lại rồi đem đi chôn ở một ngọn đồi cạnh ngã ba Cao Bình"
Ông An kể: sau cái ngày đó, ông ốm đúng 3 tháng dòng vì ám ảnh và bị viêm gan cấp. Những người may mắn còn sống, có thân nhân bị quân Trung Quốc sát hại, dường như họ cũng cố quên đi và không muốn trở lại nơi này, bởi nó quá đau thương. ..Và cho đến tận bây giờ ai có dịp qua thôn Tổng Chúp xã Hưng Đạo huyện Hòa An trên bia căm thù vẫn còn rõ nguyênBa mươi lăm chữ “Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo huyện Hòa An. Quân Trung Quốc xâm lược dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước”.
Dù không thể nói hết, kể hết tội ác và sự bạo tàn của quân Trung Quốc đối với nhân dân nơi đây, nhưng nó cho chúng ta hôm nay biết phần nào về những đau thương mất mát đã xảy ra ở Tổng Chúp Hòa An( Cao Bằng) nói riêng và các tỉnh biên giới nói chung trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc tháng 2/1979 năm xưa. Đó là những chứng tích nhắc nhở mỗi người dân đất Việt chúng ta: Không bao giờ được lãng quên những đau thương đó. Hãy luôn nâng cao cảnh giác, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh và phát triển.
PHẠM HUY CHƯƠNG.
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
tin tức liên quan