“Lính Phà” – Ký ức một thời Trường Sơn của Ngô Văn Sơn (Nguyên Chiến sỹ Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn) - (Tiếp theo 1)

Ngày đăng: 07:24 07/05/2024 Lượt xem: 29
 

LÍNH PHÀ
(Ký ức một thời Trường Sơn của Ngô Văn Sơn
Nguyên Chiến sỹ Sư đoàn 470 – Bộ đội Trường Sơn)

 
           (Tiếp theo) 

           Tôi vội hỏi:
           -Phà đâu anh?.
            Anh bảo:
            -Phà phải giấu đi cách đây vài trăm mét cho an toàn.
    Rồi anh dẫn chúng tôi đi men theo ngược bờ sông theo một lối mòn rậm rạp đến đoạn bờ sông có những lùm cây tán lá loà xoà gần sát mép nước, chúng tôi dừng lại nhìn theo cánh tay anh chỉ vào khoảng bụi rậm tôi nhận ra một chiếc thuyền gỗ lớn dài khoảng hơn chục mét đang bập bềnh dưới mặt nước.Chúng tôi cùng anh xuống kiểm tra con phà, anh chỉ cho chúng tôi thấy một số chỗ ván ghép có khả năng bị dò nước do con phà bị ngâm lâu ngày. Sau đó anh tiếp tục dẫn chúng tôi lên phía thượng nguồn cách đó khoảng 50 mét để kiểm tra con phà thứ hai. Chúng tôi quay về bến chính,nghỉ một lát anh Dền bảo:
                -Bây giờ các chú theo anh đi để biết thêm một công việc của người lính phà cũng rất quan trọng.
    Chúng tôi men theo bờ sông phía hạ lưu, băng qua cánh rừng già khoảng nửa cây số rợp bóng những cây cổ thụ, chúng tôi nhồ ra một con đường cũng xuống bến sông. Tôi quan sát: đây rõ ràng là một đường ô tô,nhưng có lẽ đã bỏ lâu nên không còn vết bánh xe, cỏ đã mọc khá cao. Nhưng tôi lại thắc mắc nếu là đường ô tô chạy thường xuyên thì sẽ có vết bánh xe hằn sâu thành hai vệt dài, nhưng ở đây mặt đường vẫn phẳng chỉ có ở hai vệt bánh xe thì cỏ mọc thấp hơn xung quanh. Hơn nữa tôi để ý ở bờ sông không có dây cáp để kéo phà. Biết chúng tôi chưa hiểu anh Dền giải thích:
            -Đây là bến phà để nghi binh khi bến chính đang chở xe có nguy cơ bị địch phát hiện,mình phải tìm cách thu hút sự chú ý của chúng về đây để antoanf cho bến chính.
 Anh chỉ tiếp cho chúng tôi thấy mô hình hai chiếc xe ô tô giả đang nằm ở ven đường.Chiếc xe giả được khéo léo làm bằng những cây gỗ ghép lại chỉ có nắp ca-pô là thật được tận dụng ở xe bị địch bắn cháy,thùng xe được căng bởi tấm bạt cũ rách,trên cũng được nguỵ trang bằng những cành cây đã khô, phía hông xe có treo lủng lẳng một cái can nhựa loại 5 lít trong có chứa chất lỏng. Anh Dền giải thích đó là can xăng để khi xe giả trúng đạn nó sẽ cũng bốc cháy để lừa địch. Sau đó anh anh bảo chúng tôi nghe rõ nhiệm vụ, cách làm nếu như được phân công làm nhiệm vụ ở đây. Đại ý như thế này: Khi bến phà chính chuẩn bị đưa xe qua sông thì một người được phân công trực ở bến nghi binh và có nhiệm vụ, nếu như nghe thấy bốn phát súng ở bến chính thì lập tức kéo các cành cây ở xe giả và dùng đèn bão thắp sáng sẵn cài vào đầu xe để thu hút máy bay,nếu như địch chưa phát hiện có thể châm lửa vào chỗ cành cây khô để sẵn nhằm thu hút  bằng được máy bay địch,sau đó chạy dọc theo đường để tìm hầm trú ẩn cách đó khoảng 50, hoặc 100 m…cho an toàn.Sau khi máy bay địch rút thì trở về bến chính.
          Tối đó cơm xong anh phổ biến nhiệm vụ của tiểu đội ngày hôm sau là đi bảo dưỡng phà. Hôm sau anh bảo chúng tôi mang dao búa, anh vào kho của lán lấy ra một số vật dụng trong đó là bao tải gai và hai  cây gỗ tròn bằng cái tuýt xe đạp đầu có gắn một vật sắt sắc nhọn trông như mũi tên, kèm theo nó là một đoạn tre dài gần bằng cánh tay có một sợi dây thừng buộc vào hai dầu đoạn tre anh giới thiệu đó là hai cái khoan tay tự chế dùng để khoan lỗ cỡ 10 ly, kèm theo đó anh lấy ra một chiếc thùng sắt tây trong đó có chứa một chất lỏng mầu đen trông giống hệt như dầu đi ê zen thải từ ô tô xe máy,sau này chúng tôi được biết đó là nhựa của cây cà boong, nhựa này được lấy bằng cách dùng búa chặt thành một hố lõm sâu vào thân cây rồi dùng lá cây khô hay vật dễ cháy đưa vào hố đó rồi đốt cháy, nhựa cây tươi cũng dễ bén lửa,hốc cây bị cháy nhôm nhoạm,rồi người ta vét sạch vét lõm, những ngày sau nhựa cây tràn ra đầy hố lõm,người ta múc lấy chứa vào các ống bơ, ống nứa, người dân Lào cũng làm như vậy, họ lấy dầu đó trộn lẫn cám cưa cho vào ống tre để làm đuốc thắp sáng. Hôm đó chúng tôi được hướng dẫn làm một công việc lần đầu tiên trong đời, đó là việc “xảm phà”. Anh Dền hướng dẫn chúng tôi lấy nhưng bao tải được làm bằng sợi cây đay, hồi đó không có bao tải “xác rắn” như sau này, chúng tôi gỡ ra từng sợi bao tải bó thành từng bó nhỏ. Sau đó anh bảo chúng tôi tìm những chỗ ván phà được ghép do ngâm nước lâu ngày có những vết nứt có khả năng nước bị dò rỉ chảy vào phà khi có tải trọng lớn,chúng tôi dùng chiếc đục sắt cậy cho vết nứt rộng ra và cào sạch những bám bẩn, rồi lấy những sợi dây bao tải vặn ba bốn sợi lại tuỳ theo vết nứt, trong lúc đó nước nhựa cây dầu được đun sôi trong chiếc nồi được làm từ vỏ phuy xăng máy bay Mỹ, túm sợi được nhúng vào nồi dầu đang sôi rồi vớt ra nhét vào vết nứt rồi người thợ “xảm phà” dùng một mảnh gỗ nhỏ  đầu thon và cái dùi đục lèn cho thật chắc vết nứt, khoảng 2 giờ sau nước dầu nguội lại và rất rắn chắc, thứ này chịu nước rất tốt. Chúng tôi dần làm quen với công việc của lính cầu phà như lắp ghép phà, nghe các hiệu lệnh để điều khiển xe lên xuống phà .
          Tiểu đội chúng tôi lúc đó đang vui với đúng 5 người:2 lính cũ và 3 lính mới đúng bằng số người của tiểu đội trước đó hai năm. Nhưng niềm vui “chưa được tày gang” một biến cố đã ập đến tiểu đội.
          Một ngày cuối tháng 8 năm 1792,tiểu đội tôi nhận được lệnh khẩn cấp chuẩn bị phà để đưa xe chở hàng qua sông ngay đêm hôm đó, cấp trên dự kiến xe sẽ qua sông khoảng từ 19 đến 20 giờ,điện cấp trên còn dặn dò: Đây là 2 xe chở hàng quan trọng phải tuyệt đối an toàn khi xe sang sông. Đại đội lệnh bổ sung thêm  4 nhân lực từ đơn vị bạn ,như vậy chúng tôi có tất cả 8 người. Khác với mọi ngày hôm đó chúng tôi ăn bữa tối khá sớm để 18 giờ chúng tôi có mặt ở bến để đưa phà xuống bến để lắp ghép và kiểm tra lại lần cuối mọi thiết bị sẵn sàng đón đưa xe. 19 giờ chúng tôi đã chuẩn bị xong.Bầu trời đêm bắt đầu hiện ra, mảnh trăng đầu tháng hình lưỡi liềm cong vắt đã hiện rõ, trời trong xanh chỉ lác đác vài gợn mây đang lang thang theo gió lẽo đẽo theo nhau đi về hướng Bắc. Chúng tôi lên bờ uống nước, nghỉ ngơi chờ đợi. Bỗng anh Dền bảo:
       -Ấy! tí nữa quên một nhiệm vụ quan trọng cử người  đi làm nhiệm vụ nghi binh anh phân công luôn Tú và Sơn đi nhé. Tú đã quen việc còn Sơn đi theo để cho quen nay mai  đảm nhận việc của tiểu đội.
     Phân công xong Tú và tôi xách súng và bi đông nước và Tú cũng không quên xách theo cái đèn bão tháp bàng dầu đi ê zen đi về phía bến nghi binh phía  hạ lưu sông. Đến bến Tú hướng dẫn tôi châm cái dèn bão rồi treo ngay phía trước Ba- đơ- xốc của mô hình xe giả, ánh sáng của đèn hắt xuống một vệt sáng trước xe vài mét như đèn gầm của xe thật ,nhưng rồi anh vặn thật nhỏ để tiết kiệm dầu khi chưa cần thiết, rồi anh kéo một số cành lá khô thành một đống nhỏ cách đó khoảng 5, 6 mét gần chiếc xe giả thứ hai. Anh còn dặn tôi khi nào bến chính phát tín hiệu ta sẽ vặn to đèn cấp bách ta sẽ đốt lửa để thu hút địch. Xong việc chuẩn bị hai chúng tôi ngồi nghỉ ngơi ,nghe ngóng sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tú vớ lấy cái điếu cành tự chế từ cây le ống điếu chỉ dài chừng hơn gang tay được đánh nhẵn bóng anh còn khéo tay khắc dòng chữ “bazô ca Tú” để khẳng định quyền sở hữu của mình. Tú tranh thủ hút một điếu thuốc lào cho thật đã, anh là một tay “nghiện nặng”. Ở nơi đây thuốc lào,thuốc lá rất hiếm nhất là thuốc của Việt nam, thường là cánh lái xe ở ngoài Bắc vào đem vào họ thường làm quà kỷ niệm mỗi khi xe qua cung đường chúng tôi, bởi vậy nguồn cung cũng thất thường. Có những lúc hết thuốc cánh “lính nghiện” phải vào bản người Lào đem theo ít muối hay mắm kem để đổi lấy thuốc lào, bộ đội ta thường gọi là thuốc “Rê”. Cái thứ thuốc hút của người Lào tự trồng tự chế biến bằng cách trồng cây lấy lá thuốc tươi  về phơi khô rồi thái thành sợi nhỏ, họ lấy lá chuối non phơi khô rồi cắt nhỏ bằng nửa bàn tay, khi hút họ bỏ sợi thuốc vào cuốn thành hình loa kèn đầu nhỏ ngậm vào miệng, đầu to châm lửa hút, khói thuốc rất khét,chỉ cần cách xa vài chục mét đã ngửi thấy mùi thuốc, cánh không nghiện như chúng tôi lần đầu ngửi thấy khói thuốc có người còn ghê cổ muốn nôn, ấy thế mà cánh nghiện hút mãi cũng  quen lại còn khen “đượm và ngon”. Tôi đã chứng kiến có lần hết thuốc Tú phải đi tìm “sái thuốc”- đó là cái thứ bã thuốc đã hút trước đây mỗi khi hút xong họ thường xả xó lán, góc bếp. Tú lục lọi tìm ở gậm giường, xó lán rồi gom lại vê tí một hút dè cho đỡ thèm. Tú đã kể quê anh ở Vũ Thư, Thái bình, người làng anh có truyền thống hút thuốc không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ cũng nghiện thuốc là nhất là tuổi trung niên. Anh thì đã biết hút thuốc từ hồi học lớp 3 đầu tiên chỉ là tò mò do bạn rủ rê,sau đó về nhà hút trộm khi bố đi vắng rồi từ đó thành nghiện đến nỗi không có cơm còn nhịn được chứ không có thuốc lào là không chịu được. Mỗi khi ngồi hút một hơi thuốc sau tiếng điếu rít sòng sọc Tú bỏ điếu xuống hai tay chống ra đằng sau ngả người, ngửa mặt lên trời,môi chúm chữ o phả ra khói thuốc thành những vòng tròn vành khuyên nối tiếp nhau bay ra từ miệng lơ lửng bay theo làn gió nhẹ rồi tan vào không trung,lúc đó tôi biết là cảm giác “phê” nhất của Tú.Sau cảm giác đó Tú với cái bi đông làm một hớp nước ngửa cổ “sòng sọc” mấy cái rồi nuốt ực xuống cổ họng như để “tận dụng hương vị của thứ thuốc “Rê” đó. Chưa hết tiếp theo cái cảm giác “phê”đó với cái giọng hơi “khê khê” anh “lẩy kiều” hai câu thơ phổ biến của dân nghiện:
                                    Nhớ a…a..i..ai như nhớ thuốc lào ,
                         Đã chôn điếu xuống lại đ..a..o..đào điếu lên.
          Ngày mới gặp Tú, tôi thấy anh có vẻ thư sinh: Người cao ráo, trắng trẻo, không có vẻ “sương gió chiến trường”. Tú hơn tôi 2 tuổi lại là lính cựu tôi gọi Tú là anh, nhưng anh cũng rất khiêm tốn  thường không xưng anh mà xưng Tú gọi tôi bằng tên, anh là người cở mở dễ gần. Anh còn có “tài lẻ” là hát ,nhất là hát chèo rất hay. Tú có thể hát được nhiều làn điệu chèo. Anh kể: Thái bình là đất chèo có nhiều “chiếu chèo” nổi tiếng, tuy xã anh không thuộc đất chèo nhưng phong trào hát chèo ở đây cũng không hè kém cỏi,mẹ anh từng là nữ chính trong đoàn chèo của xã, nhiều lần tham gia hội diễn chèo của tỉnh đã đạt giải cao. Ngay từ năm học lớp Một anh đã thường theo mẹ đi tập luyện rồi đi theo biểu diễn, “máu chèo” đã sớm ngấm vào anh. Sau đó Tú tham gia đội văn nghệ của trường, năm lớp 4 Tú đã được tham gia một vai trong đoàn chèo của mẹ  với vai một thiếu niên,với diễn xuất vai đó nhiều cô chú trong đoàn đã nhận xét Tú có tố chất chèo,từ đó đã có lúc Tú ước thi vào trường sân khấu nào đó mơ trở thành diễn viên chèo. Nhưng chiến tranh đã không cho Tú thực hiện mơ ước đó. Năm 1969 khi anh đang học dở lớp 9 hệ phổ thông 10 năm vì nhà chưa có người đi bộ đội nên anh được gọi nhập ngũ. Vào bộ đội giọng hát chèo của anh được cả tiểu đoàn, trung đoàn biết đến. Thậm chí vào chiến trường anh đã tham gia hội diễn văn nghệ của binh trạm Tú kể: Đội văn nghệ của đơn vị có ý định hát bài “Cô gái Sầm nưa” của nhạc sĩ Trần Tiến, Tú sẽ vào  hoá trang thành “cô Gái Sầm nưa” để múa minh hoạ. Đơn vị lúc đó không có nữ giới nên nam phải đóng thế, nhưng nan giải nhất là trang phục phụ nữ Lào.Anh em bàn nhau sẽ vào bản mượn trang phục chị em người Lào. Hôm đó Tú đi cùng với anh Dần, người đã có thâm niên ở Lào từ năm 1967 anh thông thạo tiếng Lào.Trong bản Nà- lua anh có quen với cô gái Lào tên là Bun Sa my. Hôm đó cả gia đình cô gái ở nhà .Sau khi uống nước, thăm hỏi gia đình anh Dần ngỏ ý muốn mượn một bộ quàn áo của Sa-My để về diễn văn nghệ. Sau vài giây suy nghĩ Cô nói:
          -Bộ đội việt nam à! Mình ngại lắm, bội đội là con trai,sợ cho bộ đội mượn sau này nhận lại có hơi con trai nhỡ có thế nào xấu hổ lắm.
 Tú nghe vậy suýt bật cười. Anh Dần thấy thế quay sang hướng khác gạ Sa- My bán hoặc đổi gì đó cũng được. Cô gái đang lưỡng lự thì ông bố bỗng lên tiếng:
           -Sa My à! Con giúp đỡ bộ đội Việt nam đi,được đấy bố đang thích một bộ quần áo bộ đội Việt nam, con đổi cho bộ đội đi.
    Nghe vậy cô gái đồng ý ngay. Tú hẹn hôm sau sẽ mang quần áo vào đổi, cô gái thì hào hứng đứng dậy vào nhà lấy ngay bộ quần áo đẹp còn mới của mình đưa cho Tú cầm về trước. Biết Tú sẽ đóng thành cô gái Lào, SaMy còn  cẩn thận còn hướng dẫn cho Tú cách quấn váy của phụ nữ Lào, Cô mạnh dạn bắt Tú đứng dậy để cô thị phạm không một chút e thẹn, còn Tú thì đỏ mặt ngại ngùng. Không những thế Sa- my còn ngỏ ý hôm sau vào cô sẽ hướng dẫn một số động tác cơ bản của phụ nữ Lào khi múa điệu múa Chăm pa. Hôm sau Tú cũng chọn bộ quần áo mới cứng của mình vẫn để trong đáy ba lô để dưa vào bản cho Sa-my. Đúng như lời hứa Tú đã ở lại nhà SaMy gần hai giờ đồng hồ để cô hướng dẫn cho Tú những động tác cơ bản của điệu múa Lăm vông, biết anh sẽ phải hoá trang thành cô gái Lào lúc ra về cô còn đưa cho anh một bông hoa Chăm pa bằng nhựa mà cô hay cài vào mái tóc và một thỏi son. Cũng thật là may, hôm trước anh em bàn cách hoá trang cho Tú ra dáng con gái,sẵn có nước da trắng anh không cần đến phấn, sẽ lấy  than củi kẻ cho lông mày hình lá liễu, đuôi mắt sẽ được kẻ vuốt ra thành hình lá răm. Nhưng nan giải nhất là má hồng ,môi son đơn vị không có màu đỏ chả lẽ lên trung đoàn xin mực đóng dấu,giờ được cô Sa My cho son khó khăn đã được giải quyết. Hội diễn lần đó khi Tú biểu diễn rất thành công, cánh lính vỗ tay tán thưởng không ngớt.Có anh còn ngỡ đơn vị mượn gái trong bản.Tiết mục đó đạt giải A. Trở về đơn vị Tú cẩn thận giặt sạch sẽ bộ quần áo của Samy gập gọn cho vào đáy ba lô, anh nói sẽ giữ lại làm kỷ niệm chiến tranh sau này về tặng người yêu.
          Chẳng biết sao lần đầu  tôi và Tú đi làm nhiệm vụ cùng nhau nhau, lúc này tự nhiên tôi  nhớ lại những điều biết về Tú. Những suy nghĩ của tôi như những thước phim về anh lính phà người Thái bình hoạt bát,thư sinh ,thanh tú .Bỗng câu nói của Tú làm đứt dòng suy nghĩ của tôi như buổi chiếu bị ngắt bởi đứt phim. Anh bảo:
- Đã hơn 9 giờ đêm rồi ,chắc giờ này xe đã qua phà hết,không có báo động, anh chúng mình nhẹ gánh rồi.
Tôi vui vẻ đế thêm:
- Chắc bọn phi công C130 hôm nay quá chén nên không đi rình mò được.
           Nói đến loại máy bay C130 là gọi tên đầy đủ của nó là AC 130, chính xác đây là loại máy bay vận tải của hãng Bô- inh Mỹ nhưng được giới quân sự đặt hàng cải tiến nhiều lần thành loại máy bay quân sự chuyên đi trinh sát mặt đất đánh phá các mục tiêu của của ta. Đặc biệt AC-130 được lắp đặt thiết bị nhìn đêm bằng tia hồng ngoại độ khuếch đại  tối đa lên tới 4000 lần, nó còn có thiết bị nhìn đêm tạo ảnh nhiệt, có thể phát hiện tia lửa điện khi ô tô chạy,các thiết bị trên máy bay hầu hết phục vụ cho việc đánh đêm.Trên máy bay được trang bị súng máy 200mm và súng phóng lựu.Với thiết bị nhìn đêm tạo ảnh nhiệt, không những chúng phát hiện dễ ràng khi xe ta đang chạy đêm dù có nguỵ trang và không dùng đèn gầm, kể cả khi xe ô tô vừa đỗ lại không di động vẫn bị AC 130 phát hiện và bắn cháy. Lúc đầu cánh lái xe ngơ ngác không hiểu sao cả đoàn xe hàng chục chiếc của mình bị bắn cháy dù đã vào chỗ trú ẩn. Sau này khi được trên phổ biến đặc điểm loại máy bay này anh em mới vỡ lẽ. Còn bộ đội công binh cứ nghe thấy tiếng AC130 và tiếng nổ “ịch..ùng” biết ngay là có xe bị bắn cháy, anh em lại đùa gọi tiếng “ịch ..ùng ” là “xin thùng”. Mỗi lầ nghe thấy tiếng đó anh em lại bào nhau”đấy bọn C130 lại đi xin thùng  xe đấy”.

(Còn nữa)
 
tin tức liên quan