"Mối tình Trường Sơn" - Truyện ký của Đỗ Ngọc Thứ

Ngày đăng: 10:00 31/05/2024 Lượt xem: 311
MỐI TÌNH TRƯỜNG SƠN
Truyện ký của Đỗ Ngọc Thứ
(Đăng trên Báo QĐND cuối tuần - số 1481 ngày 19/5/2024)

       Giờ thì chị đang nằm bất động trên giường bệnh, vết thương không cho phép chị cử động tự do. Mái tóc buông xoã, phủ kín cả chiếc gối nhỏ làm bằng miếng vải võng gấp lại. Gương mặt chị thanh thản, dịu hiền. Dưới ánh nắng chiều chiếu qua liếp cửa trạm phẫu dã chiến, trông chị thật đẹp, huyền ảo và lung linh. Anh vẫn kiên nhẫn ngồi bên mé giường, chẳng nỡ làm mất đi giấc ngủ khó khăn của chị. Tim anh nhói lên những nhịp đập khác thường. Anh đưa hai tay nắm lấy bàn tay xanh gầy của chị. Như cảm nhận được hơi ấm từ anh, đôi mắt chị từ từ mở ra, làn môi mấp máy, gửi vào gió một từ nhẹ như hơi thở: Anh. Rồi đôi mắt ấy khẽ khàng khép lại, để tràn ra hai giọt nước. Long lanh, long lanh.
* * *
       Cả Lê Thị Phiến và Nguyễn Văn Len cùng lăn lóc lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Chẳng biết tự bao giờ, người dân nơi đây luôn ám ảnh bởi câu ca truyền miệng: “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt, đâu mình chi em”. Cũng may, đến thời anh chị, câu ca ấy chẳng còn linh nghiệm. Chị cũng như những người con gái trong làng thấy vui khi nghe người già kể lại truyền thuyết: Ngày xưa, ở núi Là (quê anh chị) có một tảng đá mang hình một chú voi, đuôi quay về phía làng. Người già bảo, chính cái đuôi lông lá của chú voi kia đã đâm vào mắt các cô gái. Vì vậy, bao nhiêu con gái trong làng đều bị đau mắt. Cho đến một ngày, khí trời trở nên oi bức, mây đen kéo đến tầng tầng, gió gầm rú trên những mái nhà. Chớp chạy từng luồng sáng cả cánh đồng. Rồi mưa. Mưa xối xả. Sáng dậy, dân làng ngạc nhiên khi nhìn về núi Là, thấy chú voi đã quay đầu về làng, đuôi quay về phía ngược lại. Từ đó, dân làng hết bệnh đau mắt. Con gái trong làng xinh đẹp hẳn ra. Chẳng biết truyền thuyết có đúng hay không? Nhưng dường như nó đúng với chị. Thì cứ nhìn chị thì biết, dù suốt ngày phơi mình nơi cánh đồng nắng gió nhưng nước da chị vẫn trắng hồng, mái tóc dài phủ kín cả tấm lưng thon thả, đôi mắt cứ thăm thẳm, xa xăm, đẹp đến nao lòng. Chị mới học lớp 7 mà bao gia đình cứ đánh tiếng muốn xin chị về làm dâu.
       Cùng năm ấy thì anh xuất hiện. Anh được nhóm học sinh ở làng (trong đó có chị) nhờ phù đạo môn toán để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp 2. Mới qua những buổi phụ đạo đầu tiên, chị đã cảm mến trước người thầy trẻ trung, giản dị, nhiệt tình. Còn anh, cũng cảm thấy mến người học sinh thông minh, lanh lợi. Đôi lúc, trái tim anh cũng xao xuyến trước cô thôn nữ có gương mặt phúc hậu, mái tóc dài được kẹp hờ hững bởi chiếc cặp ba lá, cứ chực bung ra bất cứ lúc nào.
Có lần, sau khi chăm chú ghi chép bài giảng, khi ngước lên, chị bắt gặp đôi mắt anh đang nhìn chị. Ánh mắt đó đủ sức để chị phải cúi xuống ngại ngùng. Dù chẳng nói ra, nhưng trái tim người con gái đang độ trăng tròn bắt đầu xôn xao. Và anh, suốt tuần chỉ mong đến ngày Chủ nhật để được đến lớp phù đạo, để được gặp “người em” đã làm trái tim anh thổn thức.
       Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Tình yêu của họ cũng theo năm tháng mà thêm thắm đượm. Họ đã nghĩ tới ngày cưới. Nhưng vào giai đoạn này (1965), lửa chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc. Quê hương Thanh Hoá của anh chị không ngày nào ngớt tiếng bom rung. Cùng giai đoạn đó, Trung ương Đoàn kêu gọi “Ba khoan” (khoan yêu, khoan cưới, khoan có con). Len và Phiến cũng đồng lòng hưởng ứng. Tháng 7 năm 1965, Lê Thị Phiến viết đơn tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP. Cả ngày hôm đó lòng chị như có lửa đốt. Chị hẹn gặp anh, muốn bày tỏ cùng anh những nỗi niềm. Đêm ấy, họ ngồi bên nhau thật lâu. Chị nép vào anh tin cậy. Mái tóc dài để xoã, che kín cả bờ vai vững chãi của anh. Nghe chị nói, anh thấy trong lòng rạo rực. Bất ngờ, anh rút trong túi áo tờ quyết định của Ty Giáo dục Thanh Hoá đưa cho chị xem. Đôi mắt chị bỗng ngời lên niềm vui khi biết anh được điều động làm giáo viên bổ túc văn hóa cho đơn vị TNXP 307, thuộc Công trường 119 tỉnh Thanh Hoá – nơi chị sẽ đến công tác.
* * *
       Thời gian đầu, đơn vị TNXP của Len và Phiến có nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên các tuyến đường thuộc tỉnh Thanh Hoá. Đầu năm 1968, đơn vị được điều động tăng cường cho tuyến lửa tiền phương. Sau gần một tháng hành quân vất vả, Phiến và Len đã mang mối tình của mình đến với Trường Sơn lửa cháy.
        Thời gian này, Len làm giáo viên dạy bổ túc văn hoá tại đại đội 836, đội TNXP 83, đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến đường 12. Còn Phiến làm Đại đội trưởng Đại đội 412, thuộc đội TNXP N-75, đơn vị có nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tuyến đường 15. Cả hai đơn vị đều thuộc Binh trạm 12, Đoàn 559. Dù đơn vị của Len và Phiến cách nhau đến 60-70 km, nhưng thi thoảng anh chị vẫn xin phép đơn vị theo xe ra vào tuyến để đến thăm nhau.
       Một chiều, anh đến thăm chị. Đơn vị đã nghỉ nhưng chị vẫn ở lại trọng điểm để chỉ huy mấy đội viên phá nốt những quả bom nổ chậm còn lại. Đơn vị đứng chân bên một mé rừng, phía trước là con suối nhỏ ngày đêm rì rào ca hát. Thi thoảng, tiếng bom nổ chậm từ phía trọng điểm lại vọng về. Âm thanh đó như một ma lực, kích hoạt sự thấp thỏm lo âu trong anh. Chiều muộn, chị cùng mấy đội viên mới trở về. Trong bộ trang phục TNXP còn vương bụi đất, chị trở nên cương nghị, tự tin và mạnh mẽ. Nhìn chị với nụ cười không mệt mỏi, chiếc áo màu xanh ướt đẫm mồ hôi, chiếc mũ sắt trong tay đung đưa theo nhịp chân vội vã… mới biết chị bận rộn và nhiệt huyết đến nhường nào. Anh lặng lẽ dõi theo, lòng cồn lên một niềm thương vô hạn.
* * *
       Tháng 9 năm 1968, trong lúc cùng đồng đội làm nhiệm vụ trên trọng điểm 468, đường 15 thì máy bay địch đến đánh phá. Cả khu rừng rung lên, đất đá bay rào rào. Khói bụi quện vào mây chơi vơi trên cao. Sau đợt bom, đồng đội tìm thấy chị nằm bất động bên một gốc cây. Chị bị một mảnh bom nhỏ xuyên vào háng phải. Máu ướt đẫm cả chiếc quần lấm lem bụi đất. Những đội viên quây quần bên người nữ chỉ huy xinh đẹp, dũng cảm. Đã có những dòng lệ lặng lẽ rơi. Sau khi sơ cứu, chị được đưa đến đội điều trị 14, Binh trạm 12. Được tin, anh vội đến thăm. Tim anh như thắt lại khi biết vết thương của chị khá nặng. Anh muốn được ở lại bên chị lúc này. Nhưng nhiệm vụ nơi chiến trường không cho phép anh thực hiện theo ý muốn.
       Ở nơi rừng núi bạt ngàn cây, hoàng hôn dường như buông sớm, và bóng đêm như chiếc màn đang từ từ thả xuống, báo hiệu giờ anh phải ra về. Chị vẫn nằm đó với đôi mắt khép hờ. Bên ngoài, gió đại ngàn cứ thổi mênh mang, đem theo chút hương rừng xen lẫn mùi khói bom từ xa thoảng tới. Tâm hồn anh nặng trĩu, cảm thấy thương chị đến nao lòng. Anh nghiêng người, ghé sát đầu vào bầu ngực căng đầy, ấm áp của chị. Chị đưa cả hai tay xoa xoa nơi mái tóc khô cứng của anh. Lời tạm biệt cứ nghẹn lại nơi cổ. Chị ngước nhìn anh. Dường như có giọt nước long lanh nơi khoé mắt.
* * *
       Ít ngày sau, Len nhận được quyết định về học tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh vui, nhưng lòng nặng trĩu. Một nỗi buồn rất khó gọi tên. Ngày ra Bắc, anh ghé đội điều trị 14 thăm chị, nhưng do vết thương khá nặng, chị đã chuyển ra viện Quân khu IV. Kể từ đó, anh chị xa nhau. Tình cảm của họ được gửi vào những lá thư đi, về. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, suốt thời gian dài chị không còn nhận được thư anh. Chị buồn. Bao câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu. Cho đến một đêm… Chị tỉnh dậy trong sự hoảng loạn, mồ hôi túa ra, nhỏ thành giọt. Chị tựa mình vào liếp cửa, thở dốc. Cảm thấy toàn thân tan rữa như que kem mướt mát khi Phương, em gái chị, viết thư báo tin: “Anh Len đã cưới vợ…”. Thế là hết. Chị như trượt từ trên cây cao. Chuỗi tháng ngày qua coi như dừng lại từ ngày hôm ấy. Chị cứ nghĩ miên man, một hồi lâu mới bình tĩnh trở lại. Chao ơi! Đó chỉ là một giấc mơ. Chị ngượng nghịu, lấy hai bàn tay vỗ vỗ vào đầu. Dù biết đấy chỉ là cơn ảo mộng, nhưng đôi dòng lệ từ nơi khoé mắt cứ lặng lẽ ứa ra.
* * *
       Cho đến một ngày, có đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đến làm việc với đơn vị. Chị gặp một bác đứng tuổi, tha thiết: “Cháu nhờ bác khi trở ra Bộ, bác bớt chút thời gian đến trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trực tiếp chuyển giúp cháu lá thư này tới tay anh Nguyễn Văn Len ở khoa…”. Hiểu thấu nỗi niềm người con gái đang yêu nơi chiến trường lửa đạn, vị cán bộ như đoán ra điều gì đang làm cô gái buồn. Đúng như lời hẹn, sau chuyến công tác ở Trường Sơn, vị cán bộ đến trường Đại học Sư phạm, trực tiếp gặp Len để trao thư và không quên chuyển tải những trăn trở, buồn lo của Phiến. Nghe những lời tâm sự của ông, Len lặng lẽ đến bên hục giường, lấy từ chiếc ba lô đã bạc màu một sấp thư mà bưu điện trả lại: “Thưa bác, chưa bao giờ cháu nguôi nhớ người yêu của cháu, cũng như chưa bao giờ cháu nguôi nhớ Trường Sơn. Nhưng chẳng hiểu sao thư cháu gửi cho Phiến toàn bị bưu điện trả lại”?
       Cảm kích trước tình yêu của đôi bạn trẻ, sẵn địa chỉ trong tay, vị cán bộ gửi ngay cho Phiến mấy dòng, vừa kể ngọn ngành sự việc, vừa chúc mừng tình yêu bền chặt của Phiến và Len. Ông còn bảo Len viết thư bỏ chung phong bì. Nhận được thư, Phiến mừng khôn xiết. Chị ép lá thư vào bầu ngực căng đầy. Nước mắt cứ lặng lẽ lăn dài trên đôi má đã nhuốm màu nắng gió.
* * *
       Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Nguyễn Văn Len về nhận công tác tại Phòng Giáo dục huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Đầu năm 1970, Lê Thị Phiến được chuyển ra Bắc. Tình yêu của họ đã nở hoa, kết trái. Ngày 28-5-1971, hai anh chị đã tổ chức lễ cưới và lần lượt cho ra đời ba “hoàng tử”. Mang trong mình lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của người lính Trường Sơn, sau một thời gian công tác, Nguyễn Văn Len đã được đề bạt Phó phòng rồi Trưởng phòng Giáo dục huyện. Còn chị, là một thương binh nên cũng không khó khăn gì khi xin về phòng Giáo dục huyện nhà làm công tác hành chính. Cả hai anh chị cùng công tác ở đây cho đến ngày nghỉ hưu. Hiện hai anh chị đang sống hạnh phúc cùng vợ chồng người con trai thứ hai, ở số nhà 32, ngõ 383 Trần Đại Nghĩa, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
* * *
       Tôi được anh Lê Văn Huấn – một người bạn, người đồng đội có nhiều năm lăn lộn cùng Nguyễn Văn Len và Lê Thị Phiến trên các cung đường từ Thanh Hoá tới Trường Sơn kể cho nghe câu chuyện này. Như để khẳng định độ tin cậy của câu chuyện, anh Huấn nói: “Ở Đại đội TNXP 412, chị Phiến làm Đại đội trưởng, mình là chính trị viên nên chuyện chung, chuyện riêng của Phiến mình đều biết rõ”. Và theo lời giới thiệu của anh, nhân dịp ra Hà Nội tham dự một hội thảo khoa học, tôi ghé thăm vợ chồng anh chị Len, Phiến. Do đã có thông báo trước, anh chị đón tôi với tất cả lòng nhiệt tình và sự thân thiện. Bên ấm trà nóng, một lần nữa, tôi được chính anh chị kể rõ hơn những tình tiết của câu chuyện này.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức hào hùng của một thế hệ vẫn mãi còn đó. Mối tình của hai cựu TNXP Nguyễn Văn Len và Lê Thị Phiến đã đi qua những cung đường Trường Sơn trùng trùng lửa cháy để cập bến hạnh phúc. Mối tình thuỷ chung đó đã thắp lên trong họ ngọn lửa nhiệt tình, thôi thúc họ tiếp tục cống hiến cho đời những gì còn lại. Họ chẳng bao giờ đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình, chỉ canh cánh bên lòng nỗi nhớ đồng đội, những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi nghĩ, năng lượng tích cực toả ra từ mối tình thuỷ chung của hai cựu TNXP này đủ để lấp đi khoảng trống trong lòng bao người.
       Chiều muộn, tôi xin phép anh chị ra về. Hai vợ chồng tiễn tôi trên con phố nhỏ rợp bóng mát. Những tia nắng chiều lọt qua kẽ lá hắt xuống mặt đường lấm chấm như hoa. Bầu trời cao và yên ả. Yên ả như những lúc hiếm hoi anh chị được ngồi cùng nhau bên con suối nhỏ giữa đai ngàn Trường Sơn ngày nào./.

Trong ảnh: Vợ chồng cựu TNXP Nguyễn Văn Len và Lê Thị - Phiến
(ảnh do nhân vật cung cấp).

tin tức liên quan