Bổn phận - Truyện ký: Nguyễn Trọng Tạo

Ngày đăng: 04:32 12/07/2024 Lượt xem: 458
BỔN PHẬN
Truyện ký

        Nghe tin ông Hưng vừa bị ốm, tôi nói với “bà xã”: Em mua giúp anh túi hoa quả để chiều nay anh đi thăm ông Hưng…Là đôi bạn tri kỷ, đã một thời là lính đặc công chiến đấu ở chiến trường miền Nam bom đạn; trải qua hàng trăm trận chiến giáp mặt với quân Mỹ, Nguỵ…Đơn vị của chúng tôi làm quân thù khiếp vía, kinh hoàng khi nghe thấy sự xuất hiện của “Mũi tên Xanh”! Đó là biệt danh của chúng tôi…ngày ấy, chúng tôi những người lính từ miền Bắc, sau khi  được huấn luyện kỹ càng rồi qua “thi cử” nghiêm túc, đạt loại khá giỏi…Chí ít cũng phải đạt yêu cầu thì mới được lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam; còn chưa đạt yêu cầu, thì ở lại “đúp” học khoá sau.
Vào thời điểm miền Nam vẫy gọi, miền Bắc trả lời: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!”. Nhưng không phải người nào cũng được dễ dàng xếp vào đội hình chi viện, mà phải có tiêu chuẩn, tiêu chí; trước hết là tinh thần, không sợ chết. Sức khoẻ phải đảm bảo, có kiến thức theo yêu cầu của Quân, binh chủng, loại hình chiến đấu, công tác…Thì mới được xếp vào hàng ngũ các đơn vị chi viện chiến trường, không chỉ lực lượng đặc thù của Quân đội, mà cả lực lượng Công an nhân dân cũng vậy, có phần còn kỹ càng hơn. Sau đó vượt giới tuyến, vượt Trường Sơn, có khi phải đi đường vòng, qua cả nước bạn Lào, Căm Pu Chia mới tới được mặt trận. Người lính đã vào tới chiến trường là “quý hơn vàng!
       Thấm thoắt thế mà đã gần 50 năm, kể từ khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có những bí mật, những câu chuyện, những kỷ niệm một thời về cuộc chiến tranh chống Mỹ đã được công khai hoá; nhưng có vấn đề thuộc về bí mật quân sự, bí mật quốc gia thì cứ chôn sâu mãi trong lòng của những người lính ở những loại hình chiến đấu đó. Vì những bài học, những lý luận như tình báo, quân báo, điệp báo vẫn còn nguyên giá trị. Bởi trên trái đất này, Châu lục này, Châu lục kia, nước này, nước kia vẫn luôn có sự rình rập; có những sự xấu xa, đen tối, tuy là người với người đấy. Nhưng có lúc lại là thú giữ đối với nhau, tất cả đều vì lợi ích ích kỷ; tư tưởng “cá lớn, nuốt cá bé!”; “tư tưởng bá quyền, bá chủ!”… chưa kể “vật chất nó quyết định tinh thần”. Và rồi có những quốc gia, dân tộc vì vật chất mà họ đã đánh mất quyền độc lập, tự do; để làm nô lệ cho những ngoại bang. Thậm chí, chính bởi vì vật chất mà họ tranh ăn, tranh uống, tranh giành quyền lực… Dẫn đến suy thoái, sụp đổ mà kẻ thù không cần súng đạn.
       Ngồi trên xe taxi chạy êm ru trên con đường thảm nhựa óng mượt, qua quan sát cảnh sắc hai bên đường mà thấy lâng lâng về sự đổi thay của đất nước. Song cũng thoảng nghĩ về những tiêu cực đang diễn ra… Rồi ước, giá như: Không có những tiêu cực ấy? Mọi người từ dân đến cán bộ, đảng viên đều một lòng, một dạ vì tổ quốc, vì nhân dân; như thời kháng chiến… Được hưởng hoà bình, ấm no, hạnh phúc là sướng lắm rồi!... Chứ đừng nặng chủ nghĩa cá nhân, để rồi tham ô, tham nhũng!... Ngắt mạch suy tư, chú lái xe nói:
       Ông ơi, đến gần nhà bạn ông rồi đấy!        
       Ôi sao nhanh thế!...Tôi thốt lên.
        Xe đỗ xịch trước cửa nhà ông Hưng, nơi thị trấn yên tĩnh của vùng Trung Du, không cần phải hỏi thăm, tôi chỉ cậu lái xe:
        Cháu cứ tiến thẳng đến nhà kia kìa. Tôi chỉ ngôi nhà 3 tầng, qua cổng tới cái sân rộng; dưới sân là các chậu cây cảnh, trên giàn là phong lan lơ lửng, có lồng chim gáy cất tiếng gù gù…
         Nghe tiếng xe, bà Hưng chạy ra
        Ôi ông Tâm! Đó là lúc tôi vừa mở cửa xe và đặt chân xuống mặt sân. Tôi tiến vào nhà, trong nhà có tiếng ho; đúng là tiếng ho của ông Hưng rồi! nhớ cả tới tiếng ho, chứ đâu cần tiếng nói!
        Thế đã đưa ông ấy đi viện chưa?
         Tôi hỏi bà Hưng.
         Dạ, bác sỹ bệnh viện huyện đã tới tận nhà. Bà Hưng đáp.
         May quá, được các ông bà ở Hội Cựu chiến binh, Hội Trường Sơn và  Hội Cựu Công an quan tâm.
         Tôi nắm tay ông Hưng, hơi ấm truyền cảm, vậy là không nguy kịch?
          Ông ấy bị một tuần nay rồi, cái mảnh đạn quái ác ở cạnh cột sống lưng nó quậy, sau khi ông ấy bị ngã, bà Hưng rãi bày…
         Giá như hồi hoà bình, ông ấy cứ mổ phắt đi cho xong! Bà Hưng đay đi, đay lại.
         Ông Hưng thổ lộ: Cũng tại tôi ông ạ, giá như tôi cẩn thận thì đâu đến nỗi, ông thều thào:
        Thấy mấy ngày trời không mưa, tôi bật máy bơm phun cho cây cối và giàn phong lan, công việc xong rồi, tôi quên phắt là người đang nóng đừng tắm vội. Nhưng già rồi, lúc nhớ, lúc quên…Cứ nghĩ dội ào một cái cho nó mát đã “mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”. Ai ngờ “mát” chẳng thấy đâu, hoa cả mắt; rồi ngã quỵ xuống nền nhà tắm.
         Trao ơi! Không có bà ấy vào kịp thì có khi toi rồi, ông Hưng rãi bày.
        Ông Hưng từ từ ngồi dậy. Hình như có bạn đến thăm ông khoẻ ra, đúng vậy.  Ông bảo tôi: Ta ra phòng khách uống nước.
          Thôi, ông cứ ở đây, để tôi ra mang nước vào cùng uống, tôi nói vậy.
        Không! Tôi gượng đi được, hôm nay ra phòng khách, rồi tôi chỉ cho ông biết mấy giò phong lan cánh ông Ần, ông Khéo, ông Sinh…Hôm ở Hà Nam lên thăm tôi, cho đấy! Đúng là nước chảy ngược, miền xuôi chi viện cho miền ngược. Ông Hưng nói.
        Quả thật, tinh thần có sức mạnh ghê ghớm. Ông Hưng bám vào vai tôi rồi bước ra phòng khách, ấm nước chè xanh bà Hưng đã ủ sẵn trong dành tích; uống ngụm nước chè xanh vùng Trung Du mát tới tận gan ruột...
`       Bữa cơm thịnh soạn do tay bà Hưng nấu sao ngon thế, toàn những món của vùng núi…chỉ tiếc chẳng ai đụng một giọt rượu bia nào. Vừa ăn cơm, vừa chuyện trò, ông Hưng nhắc đi nhắc lại:
        Tôi nhớ mãi ngày ấy, trước khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, ông chuyển từ bộ đội sang Công an…Và về làm cán bộ Trại giam, quân hàm chỉ thiếu uý. Thế mà cán bộ, chiến sỹ ai cũng “sếp Hưng”. Khổ quá! Sếp gì đâu, Phó đội trưởng Đội quản lý phạm nhân tự giác; suốt ngày đội nắng, đội mưa cùng anh em “chăm lo cho phạm!”, thời tiết vùng núi lại khắc nghiệt. Sau trên cho đi chuyên tu đại học, “Tu” nghiệp xong; lại về coi tù, cho đến ngày nghỉ hưu.
       Cách đây hơn một tuần, đúng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7; lãnh đạo và anh em xuống thăm, rồi đón vào đơn vị chơi. Cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị tổ chức cho anh em nghe mình kể chuyện “Một thời để nhớ”. Ôn lại thời chiến tranh chống Mỹ. Sau buổi nói chuyện, nhiều cán bộ chiến sỹ chỉ mong định kỳ được sinh hoạt truyền thống như vậy; hoặc có điều kiện thì được đi thăm các bảo tàng, hoặc quý hơn là tới các chiến trường xưa. Thật thương cho anh em, nhiệm vụ ngày càng nặng nề; phạm nhân bây giờ nó đa dạng lắm. Đúng là nghề “cháu tù, ông tội”; ông Hưng nói vậy…Ngừng một lát ông nói tiếp:
         Nhiều kẻ nó nước mắt cá sấu, khóc khóc, mếu mếu trước quản giáo. Tại sao trước lúc phạm tội họ không tự hỏi lòng mình?
        Quả thật, qua câu chuyện giữa hai người, một thời là lính. Toàn là sự thật, của những con người thật từ hai phía “Người ngay, kẻ gian”.
        Tôi động viên ông, bây giờ mình nghỉ hưu rồi, may mắn lại được sinh hoạt ở các Hội: Hội Cựu chiến binh; Hội Cựu chiến sỹ Trường Sơn; Hội cựu Công an…cứ lấy niềm vui của Hội là vui như “hội”.
         Nhanh thế! Thoáng một cái đã hết một ngày, ông bà Hưng nói:
        Ông ở chơi, vài ngày rồi hãy về. Mấy khi chúng ta gặp được nhau.
        Cám ơn ông bà, tôi về còn làm “sếp!” của một lũ trẻ…
        Không phải chiến tranh, rõ ràng là thời bình; mà khi chia tay, hai người lính già cứ ôm nhau rưng rưng nước mắt!
       Về tới nhà, tôi tá hoả dùng điện thoại nhắn tin cho đồng ngũ, đồng đội một thời; về chuyến thăm ông Hưng. Lúc này đây, tuổi đã cao, sức đã yếu, đến thăm hỏi trực tiếp nhau đâu có dễ... Nhiều khi chỉ còn biết “nương tựa” vào khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại văn minh: “A lô”, “zalo!”…
          Tôi nhớ mãi lúc nắm tay ông Hưng, ông nói: Giờ đây, chúng mình thanh thản mà sống, vì đã làm tròn “Bổn phận”. Còn tương lai, thuộc về lớp trẻ và những “Nhà” đương nhiệm; bởi chúng mình đã đi qua chặng đường máu lửa, đầy hiểm nguy và cũng đầy vẻ vang. Và may mắn chỉ mang thương tích, còn biết bao đồng chí, đồng đội đã ngã xuống; thậm chí nhiều người cho đến giờ phút này vẫn chưa tìm thấy hài cốt...
           Đúng vậy, những người như chúng ta cùng rất nhiều đồng chí, đồng đội ở khắp mọi miền đất nước đã trở về sau trận mạc…Là đáng tự hào! Vì đã hoàn thành nhiệm vụ của những người lính. Và giờ đây, tuy đã nghỉ hưu; nhưng đừng cho rằng “hưu là hết!”. Còn đấy! Còn sống thì vẫn phải giữ gìn phẩm giá, giữ gìn những gì mình đã cống hiến, hy sinh; để cho con, cháu mình nó noi theo. Và luôn nhớ gia đình mình cũng phải giữ gìn, đừng làm gì mất đi thanh danh của gia đình có những người là “Cựu”. Bởi ở đời:
           Danh dự mới là thứ thiêng liêng, cao quý  nhất!
                                                                       Tháng 7-2024
        Nguyễn Trọng Tạo
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan