"Đói cơm nhạt muối không sờn" - TG: Hoàng Tuấn, Bắc Ninh

Ngày đăng: 09:55 13/07/2024 Lượt xem: 95
------------
       Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 – 19.5.2024). Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024). Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07.5.1954 – 07.5.2024) và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát động cuộc thi “Hào khí Trường Sơn”; “ Chiến sỹ Trường Sơn Anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay”. Từ đó tập hợp và tuyển chọn những tác phẩm Văn xuôi tiêu biểu nhất trong 2 cuộc thi để xuất bản cuốn sách mang tên “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”- Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Phát hành vào tháng 5 năm 2024.
       “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”Tựu chung là những trang viết về những con người và sự kiện đã làm lên một huyền thoại Trường Sơn trong cuộc chiến tranh vệ Quốc của dân tộc Việt Nam – Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những Cựu binh Trường Sơn miền quê Quan họ… Không dừng lại ở đó“Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”còn là nén tâm hương nghĩa tình đồng đội, tưởng nhớ và đời đời biết ơn những người con ưu tú của quê hương đất nước đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
       Bên thềm Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2024) Từ 132 tác phẩm của gần 100 tác giả đăng trong cuốn sách “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh” của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh. Ban Biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn sẽ "nhóm" một số bài trong cuốn sách này để lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn.
       Xin trân trọng!

 
ĐÓI CƠM NHẠT MUỐI KHÔNG SỜN
Hoàng Tuân
C/S Trường Sơn - Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự Hà Bắc.
                                                                                                                                                                       
         Sau Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường lực lượng ra mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên. Quân ta do mùa mưa đến, lương thực, vũ khí, khí tài đều thiếu thốn. Để bảo toàn lực lượng, ta tạm rút một phần lên miền núi phía tây Thừa Thiên – một dải núi rừng Trường Sơn điệp trùng, sâu thẳm. Để tiêu diệt lực lượng ta, địch tăng cường đánh phá bằng máy bay, pháo kích. Chúng đổ quân chiếm giữ những địa bàn quan trọng nhằm cắt đứt và cô lập Quân giải phóng với dân, với đồng bằng, thành phố.
         Khoảng tháng 9-1968, ba trung đoàn lính ngụy vây chốt tại khu vực A Sầu, A Lưới. Đơn vị chúng tôi bị cô lập, thiếu gạo, muối, vũ khí, thuốc men. Đói triền miên, hết gạo, đến sắn cũng chẳng đủ ăn. Hàng ngày thay nhau ra suối kiếm rau, cua ốc. Kiếm thứ gì ăn được là mang về cho mọi người cùng ăn. Thậm chí con cá cóc cũng bắt đem về nấu với rau tàu bay. Đặc biệt là có  thời gian hơn ba tháng bị thiếu muối. Qua tiếp xúc với người dân tộc Pa Kô được biết dân đã dùng than nứa tươi ngâm vào nước, bóp nhỏ gạn lấy nước để ăn thay muối. Bằng cách đó đồng bào vẫn sống khỏe mạnh bình thường. Tôi đã phổ biến kinh nghiệm đó cho anh em đơn vị, mọi người đã làm và nạn thiếu muối tạm thời được khắc phục. Các đơn vị bạn cũng làm theo khi biết tin. Anh em trong đơn vị đã coi sáng kiến đó của tôi như một "phát minh" giúp mọi người sống để chiến đấu.
          Thiếu và đói nhưng đơn vị chúng tôi vẫn liên tục phải bám, nắm để đánh địch. Vào khoảng 3 giờ chiều của một ngày tháng 11-1968, trung đội tôi được phân công bám địch ở quả đồi A3 cách thung lũng A Lưới khoảng 15km về phía tây. Căn cứ đó địch nhằm trấn cứ sân bay Tà Lương và đường xuống đồng bằng.
          Gần 3 giờ hành quân bám địch, chúng tôi đã tới sát được quả đồi A3. Quan sát thấy địch đã đổ xuống đó 3 chiếc máy ủi, đã san phẳng được một bãi khá rộng, khoảng 4.000 đến 5.000m2. Chúng đã dùng máy bay trực thăng hai chong chóng, cẩu đến 2 chiếc lô cốt di động bố trí vòng quanh khu vực mới san. Để nắm chắc tình hình địch, bảo đảm cho phương án đánh, tiêu diệt cứ điểm này được chuẩn xác, tôi quyết định chia trung đội thành 3 mũi, tiếp tục bám, nắm địch. Mũi phía Tây do tôi trực tiếp chỉ huy. Mũi phía Bắc do đồng chí Tưởng chỉ huy. Mũi phía Nam do đồng chí Văn chỉ huy.
          Chúng tôi chia nhau về các hướng. Được một lúc, hướng đồng chí Tưởng vấp phải mìn hỏa lực, địch thấy động bắn ra như mưa. Đồng chí Nguyễn Văn Tưởng bị thương. Địch lao xuống bắt sống đồng chí Tưởng mang lên đồi tra khảo. Ngày hôm sau khoảng 2 giờ chiều, đồng chí Sách - Tiểu đoàn trưởng xuống dẫn đại đội tôi lên đồi A3 để đánh địch giải cứu đồng đội. Khoảng 5 giờ chiều hôm đó chúng tôi bám sát quả đồi A3. Tôi và anh Sách trèo lên một cây cao quan sát địch. Chúng tôi nhìn thấy đồng chí Tưởng bị địch trói vào gốc cây, người bị lột trần còn mỗi quần đùi, chân quấn băng trắng, hai thằng ngụy cầm gậy thay nhau đập vào người đồng chí, nhưng không thấy kêu la. Sau khoảng 20 phút im lặng quan sát, đồng chí Sách gạt nước mắt bảo tôi xuống. Đồng chí đã ra lệnh cho đơn vị, đêm nay phải cứu bằng được đồng chí Tưởng. Sau khi đã thống nhất phương án, khoảng 10 giờ đêm chúng tôi bắt đầu tiến đánh địch.
          Đêm trời tối, địch lại phòng thủ rất kỹ càng và xảo quyệt. Chúng cài đủ các loại mìn trên các hướng từ chân đồi kéo lên đê ngăn chặn ta đánh. Chúng tôi đang áp sát, đồng chí Ái quê ở Thái Bình vấp vào một quả mìn. Mìn nổ, đồng chí Ái hy sinh. Chúng tôi phải chuyển sang đánh theo phương án cường tập. Hỏa lực B40, B41, trung liên bắn cấp tập vào trận địa địch. Dưới sự yểm trợ của hỏa lực toàn đơn vị, chúng tôi xông thẳng vào khu vực địch đóng quân, dùng AK, thủ pháo tiêu diệt.
          Địch bị tấn công bất ngờ, lực lượng chính bị tiêu diệt, số còn lại chạy tán loạn sang đồi bên. Ta hoàn toàn làm chủ trận địa. 62 tên địch bị tiêu diệt  tại chỗ, ta thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân dụng. Về phía ta hy sinh và bị thương 7 đồng chí.
          Sáng hôm sau chúng tôi thấy một người bị cháy đen do địch tưới xăng vào người và đốt. Nhìn thấy một chiếc răng vàng ở bên phải chồi ra, tôi nhận ra đó là đồng chí Nguyễn Văn Tưởng, quê ở xã Cảnh Hưng huyện Tiên Du, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh), bị chúng giết một cách dã man. Tôi đứng lặng người vì thương tiếc anh. Anh đã sống và chiến đấu dũng cảm, chết vẻ vang.
          Chúng tôi 165 anh em, đồng đội trong Đại đội Giáo dục Ngô Gia Tự (Hà Bắc) nay là Bắc Ninh, Bắc Giang, theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường cầm súng vào Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thống nhất chỉ còn 66 đồng chí trở về hậu phương. 99 đồng đội của chúng tôi đã để lại xương máu và hy sinh như thế ở  chiến trường Trường Sơn thuộc mặt trận Trị - Thiên - Huế.
 
H-T

 
tin tức liên quan