------------
Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 – 19.5.2024). Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024). Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07.5.1954 – 07.5.2024) và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát động cuộc thi “Hào khí Trường Sơn”; “ Chiến sỹ Trường Sơn Anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay”. Từ đó tập hợp và tuyển chọn những tác phẩm Văn xuôi tiêu biểu nhất trong 2 cuộc thi để xuất bản cuốn sách mang tên “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”- Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Phát hành vào tháng 5 năm 2024.
“Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”Tựu chung là những trang viết về những con người và sự kiện đã làm lên một huyền thoại Trường Sơn trong cuộc chiến tranh vệ Quốc của dân tộc Việt Nam – Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những Cựu binh Trường Sơn miền quê Quan họ… Không dừng lại ở đó“Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”còn là nén tâm hương nghĩa tình đồng đội, tưởng nhớ và đời đời biết ơn những người con ưu tú của quê hương đất nước đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
Bên thềm Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2024) Từ 132 tác phẩm của gần 100 tác giả đăng trong cuốn sách “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh” của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh. Ban Biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn sẽ "nhóm" một số bài trong cuốn sách này để lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn.
Xin trân trọng!
THƯƠNG NHỚ ĐỒNG ĐỘI ƠI
NGUYỄN KHẮC PHỤNG
Hội Trường Sơn thị xã Quế Võ
(Tác phẩm đạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác viết về kỷ niệm sâu sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và “ hào khí trường Sơn ( 2018-2019) Hội TS tỉnh Bắc Ninh tổ chức).
Vào những năm 1967 - 1968, chiến trường miền Nam rất ác liệt. Mỹ - Ngụy tăng cường lực lượng để phòng thủ mặt trận Bình Trị Thiên. Mỹ tăng cường đổ quân lính vào miền Nam Việt Nam, Ngụy ráo riết bắt lính. Về phía ta hầu hết đóng quân ở rừng núi để tạo thời cơ đánh chiếm đồng bằng và tiến vào thành phố.
Vào một buổi chiều tháng 3 năm 1968, do bọn thám báo địch phát hiện nơi đóng quân của ta, chúng cho các lực lượng không quân, pháo binh bắn phá. Ta chiến đấu với địch suốt một buổi chiều, đến tối được lệnh của trên rút quân. Khi về địa điểm tập kết điểm danh thì thấy một số đồng chí bị thương, một số hy sinh, còn anh Nguyễn Văn Dũng mất tích. Đơn vị cho trinh sát đi tìm tới trận địa chỉ thấy ngổn ngang hố bom và cây cối đổ gẫy, không thấy anh Dũng đâu. Đơn vị cho rằng Dũng đã hy sinh và sau đó báo ra Bắc. Một thời gian sau, Tỉnh đội Hà Bắc báo tử về cho gia đình: Anh Nguyễn Văn Dũng đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở miền Nam. Cả gia đình bàng hoàng sửng sốt. Bố mẹ vợ con khóc thương anh hàng tháng ròng. Thời gian sau nỗi buồn của chị Nguyễn Thị Mạo nguôi đi, mẹ và bố Dũng khuyên Mạo đi lấy chồng. Anh Thường là một thợ mộc ở nơi khác đến đặt vấn đề yêu thương và xin phép hai gia đình kết hôn. Nào ngờ sau ngày thống nhất đất nước, anh Dũng trở về.
Gia tài của anh Giải phóng quân Dũng lúc đó mang về là một chiếc ba lô con cóc. Trên ba lô là một con búp bê cho con gái và mấy múi dù pháo sáng để làm kỷ niệm cho vợ, chiếc khung xe đạp làm quà cho em trai. Khi anh Dũng về tới cổng làng, lũ trẻ con chăn trâu trông thấy chạy ra xem, reo hò ríu rít và theo anh về nhà. Bà con đang làm đồng gần đấy cũng đổ xô ra xem và nhận ra anh Dũng. Mọi người sửng sốt, vì ai cũng nghĩ anh đã hy sinh rồi. Tới nhà, anh nhìn thấy mẹ, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau nức nở. Mọi người đều khóc không ai nói được một lời. Dũng lẳng lặng đi vào buồng cất ba lô đồ đạc. Khi anh vào tới cửa buồng đẩy cửa ra thì thấy chiếc hòm sắm từ ngày cưới năm xưa không còn nữa, thay thế vào đó là một hòm thóc và mấy thúng khoai. Những đồ dùng của hai vợ chồng Dũng năm xưa đều biến mất. Anh nhìn lên nắp hầm thấy một chiếc lược bằng sắt máy bay, anh cầm lấy nhưng chiếc lược đã han gỉ rụng hết cả răng không còn hình thù. Đây là vật kỷ niệm mà ngày cưới anh tặng cho vợ. Dũng cầm lấy nó không cầm được nước mắt vì nỗi niềm chua xót. Bước ra khỏi buồng, anh như một người chết đứng. Trước kẻ thù anh không bao giờ run sợ mềm yếu, nhưng giờ đây Dũng phải khóc. Dũng ra ngồi uống nước. Mẹ Dũng nói: "Vợ con đi lấy chồng rồi. Vì đã có giấy báo con đã hy sinh ở mặt trận phía Nam". Tin này với Dũng như sét đánh ngang tai. Nhưng vì nhìn thấy con gái, Dũng kéo con vào lòng. Hai bố con ôm nhau âu yếm và qua hơi ấm trẻ thơ, giúp Dũng lấy lại tinh thần.Khoảng 1 giờ chiều hôm sau, chị Mạo - người vợ của Dũng nghe tin sang chơi. Khi sang tới nhà, hai người nhìn thấy nhau không ai nói được một lời. Hai người lặng yên, sững sờ. Sau một lúc trấn tĩnh tinh thần, Dũng và Mạo mới nói chuyện được với nhau. Mạo vừa vui vừa buồn. Vui vì Dũng trở về, buồn vì tình cảm bị chia cắt. Suốt buổi chiều hôm ấy, Mạo như một cô dâu mới về nhà chồng, lúc quét nhà lúc nhặt rau, lúc mời nước khách, lúc làm bữa cơm tối cho gia đình. Một cô dâu không chính thức với gia đình Dũng lúc này. Hai người thỉnh thoảng lại nhìn nhau bằng con mắt trìu mến, nhưng không nói nên lời. Thời gian trôi dần về đêm, mọi người đã về vãn chỉ còn bố mẹ, anh em Dũng và Mạo. Dũng bảo Mạo: "Thôi em về đi". Mạo từ chối không về nhưng Dũng bằng một giọng dứt khoát quyết định nhưng như nghẹn lại mới thành lời: “Mạo ơi! Em phải về đi vì hiện nay Mạo là vợ của anh thợ mộc xóm bên, lại có đăng ký kết hôn hẳn hoi, bây giờ Dũng không có quyền nhận Mạo làm vợ nữa rồi!”. Dũng vừa nói xong Mạo ôm mặt khóc nức nở. Biết vậy nhưng nghe Dũng khuyên giải có tình có lý, Dũng bảo em trai đèo Mạo trở về nhà xóm bên.
Sáng hôm sau hai vợ chồng Mạo sang nhà Dũng, anh thợ mộc nói với Dũng: "Tôi xin trả lại vợ anh". Dũng không nhận: "Việc này không có lỗi của ba chúng ta, mà lỗi của chiến tranh, tôi còn phải trở về đơn vị làm nhiệm vụ mới". Mấy hôm sau Dũng về đơn vị trả phép. Mạo thương nhớ anh ngày nào cũng khóc. Câu chuyện của Dũng dần lan khắp xã, khắp huyện, ai nghe cũng thương anh Dũng và chị Mạo, vẫn yêu thương nhau mà phải chia lìa. Chuyện tình éo le có thật mà cứ như trong cổ tích. Một người phụ nữ có hình ảnh hai người đàn ông trong tâm trí, không khác nào chuyện người trinh nữ hai chồng. Khi anh Dũng trở về đơn vị, anh lại tiếp tục hành quân chiến đấu giúp nước bạn Lào. Mấy năm sau trở về anh lấy cô vợ người xóm bên. Vợ chồng anh sinh được ba người con, sống với nhau rất hạnh phúc. Bỗng một hôm con gái anh đi bắt cua, trời mưa to không chạy về kịp bị sét đánh chết. Một nỗi đau đớn nữa với anh. Hạnh phúc của Dũng vừa được gây dựng lại, nay như bị dập tắt. Mọi người trong thôn xóm và đồng đội tới chia buồn, động viên anh. Với bản lĩnh của người lính cách mạng, anh tiếp tục đứng dậy làm chỗ dựa cho vợ con. Nhưng cũng phải một thời gian sau mối ổn định được gia đình. Một sự việc khác lại xảy đến với Dũng. Năm 2009, anh mắc bệnh hiểm nghèo, vợ con và gia đình đưa anh ra Hà Nội khám chữa, nhưng căn bệnh ung thư quái ác này các bác sĩ đều lắc đầu bó tay. Vợ con đưa anh về nhà, một thời gian sau anh qua đời. Được tin anh mất, chúng tôi là đồng đội với anh và làng xóm đến thăm viếng anh. Mọi người rất đau lòng. Khi đưa linh cữu anh ra nơi an nghỉ cuốì cùng, đồng đội, vợ con, gia đình, bà con làng xóm, bạn bè thân hữu của anh thay nhau bám vào xe tang, tất cả đều rơi nước mắt. Hôm ấy trời mưa to, nước mưa và nước mắt hòa trộn lẫn nhau. Khi hạ huyệt, mọi người òa lên tiếng khóc vĩnh biệt anh.Tôi chưa từng thấy một đám tang nào đông người đưa tiễn như đám tang Dũng, dòng người kéo dài đến hơn trăm mét. Dũng đã đi xa nhưng hình ảnh anh vẫn còn in đậm trong lòng chúng tôi. Khi ở chiến trường, anh thương yêu đồng đội, trong chiến đấu dũng cảm, kiên trung bất khuất trước kẻ thù; khi về quê hương anh tận tụy chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình và gương mẫu tham gia xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.
N-K-P