Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN
Bút ký: Lê Trung Khiên
“ Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”
Những câu thơ của Tố Hữu đã khắc họa con đường vận tải chiến lược Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại và cũng là niềm tự hào của mỗi cựu chiến sỹ Trường Sơn ngày nay. Trong những năm tháng của cuộc chiến tranh ác liệt mỗi người lính Trường Sơn tham gia chiến trường ở phía Đông hoặc Tây, ít người được có mặt cả hai phía. Suy nghĩ đó cứ thôi thúc chúng tôi, làm sao để tổ chức một chuyến đi về nguồn để tìm lại những ký ức xa xưa. Vậy là vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, Hội Trường Sơn thành phố Thanh Hóa và Chi hội VHNT Trường Sơn Thanh Hóa tổ chức chuyến hành trình về nguồn xuyên Trường Sơn để được chiêm nghiệm lại cảnh núi non hùng vĩ với những con đường “ xẻ dọc, rọc ngang”.
Xe đưa chúng tôi bon bon trên cao tốc Bắc Nam mới cảm nhận vẻ đẹp của đất nước với những cánh đồng lúa xanh mướt, những làng mạc, phố phường, núi đồi trùng điệp. Từ cao tốc rẽ sang Quốc lộ 1A, qua Đèo Ngang ngắm phong cảnh Đảo Yến – Vũng Chùa, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi chúng tôi vào thắp nén nhang tưởng nhớ công lao to lớn của vị Đại tướng huyền thoại đã nhiều lần vào thăm bộ đội Trường Sơn khi còn chiến tranh. Chiều muộn, trời bổng mưa nặng hạt đoàn chúng tôi vào thăm viếng tại nhà tưởng niệm Đại tướng vừa khánh thành ( xã Lộc Thủy, Lệ Thủy).
Dải đất Quảng Bình tươi đẹp là nơi xuất phát của nhiều tuyến đường Trường Sơn; xe dừng bên cầu Long Đại, một “ địa chỉ đỏ” của nhánh Tây đường Hồ Chí Minh. Đứng trên đồi cao nơi tọa lạc ngôi Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn, chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hữu tình, ngả ba sông Kiến Giang và sông Long Đại gặp nhau rồi đổ ra dòng Nhật Lệ về xuôi. Tại trọng điểm này biết bao chiến sỹ công binh, TNXP, pháo cao xạ …đã ngã xuống trong cuộc đối đầu với không quân và pháo hạm Mỹ để nối đôi bờ đưa hàng ra tiền tuyến.
Theo nhánh Tây Trường Sơn vào đường 16 dẫn đến Làng Ho ( huyện Lệ Thủy), trên cung đường này nhiều địa danh gắn liền với chiến sỹ Trường Sơn. Tại nghĩa trang liệt sỹ TNXP xã Vạn Ninh, vào thắp hương tưởng nhớ đồng đội; anh Hoàng Mạnh Hùng trưởng Ban liên lạc N237 Thanh Hóa có kế hoạch trồng vài chục cây dừa hai bên lối vào dịp kỷ niệm ngày 27/7năm 2025. Làng Ho, nơi đây là một trong địa điểm quan trọng nhất trên đường Trường Sơn phía Tây, một địa danh đã đi vào lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là chỉ huy sở tiền phương của Đoàn 559 từ ngày đầu thành lập và là nơi tập kết vũ khí, đạn dược vận chuyển bộ vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, chúng tôi gặp gỡ tặng quà, quần áo, sách vở cho bà con dân bản và học sinh trường Tiểu học & THCS 2 Kim Thủy. Làng Ho nay đổi tên là Bản “Trung Đoàn”, đời sống bà con Vân Kiều đã nhiều đổi thay, phát triển.
Rời Làng Ho, xe vượt dốc Khỉ ( đường 16) đến Ngả ba Dân Chủ, điểm cuối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây trên đất Quảng Bình ( nơi tiếp giáp đường 16 và đường 10), anh Hoàng Mạnh Hùng Chánh văn phòng Hội Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa, PCT Hội Trường Sơn thành phố Thanh Hóa, người đã giành tuổi thanh xuân cống hiến trên tuyến đường này trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Sau này chính anh là người phụ trách, chỉ huy xây dựng nhà bia tưởng niệm 34 liệt sỹ TNXP quê Thanh Hóa hy sinh trên tuyến đường suốt ba tháng mùa hè năm 2011. Đứng bên nhà bia, anh Hùng xúc động nói với mọi người: “ Nơi đây, đơn vị TNXP N237 Thanh Hóa đã từng sống, chiến đấu, lao động và hy sinh anh dũng để bảo đảm mạch máu giao thông trên tuyến đường dài 90 km từ ngả ba Thạch Bàn, qua Làng Ho, dốc Khỉ, ngả ba Dân Chủ, Chà Lỳ, Sê Păng Hiêng từ tháng 4/1969 đến tháng 12/1972. Đã có 67 chiến sỹ TNXP hy sinh, trong đó có 34 liệt sỹ quê Thanh Hóa”. Mỗi người trong đoàn thắp nén nhang tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống mảnh đất này, đứng trong đoàn, nhiều nữ chiến sỹ mái tóc hoa râm, đôi mắt ứa lệ. Vào thăm tặng quà tại xã Hướng Lập, Hường Hóa, Quảng Trị và đồn biên phòng Cù Bai, tối hôm đó đoàn chúng tôi cùng lãnh đạo xã và cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng giao lưu văn hóa, văn nghệ, ẩm thực ấm cúng nghĩa tình.
Những ngày đầu tháng 3 xuân Ất Tỵ, phía Đông Trường Sơn thời tiết ẩm ướt, trời lúc mưa, lúc nắng; những đỉnh núi phủ một làn sương trắng đục , có nhiều đoạn sương mù không nhìn rõ dường. Trên đường trở ra đến ngả ba Tăng Ký, xe rẽ vào đường nối Đông sang Tây Trường Sơn, theo đường Hồ Chí Minh về Phong Nha- Kẻ Bàng, nơi từng là “ tọa độ lưa” trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ. Đường 20 Quyết Thắng, điểm đầu từ làng Phong Nha vào Lùm Bùm nước bạn Lào dài 125 km; tuyến đường này do Binh trạm 14 và Binh trạm 32 đảm nhận trong thời kỳ chiến tranh từ 1966- 1975. Đường 20 là một trong tuyến đường địch đánh ác liệt nhất, với những trọng điểm như: Bến phà Xuân Sơn, Trạ Ang, A Ky, ngầm Cà Roòng, dốc 68, cua chữ A, Ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích ( A-T-P) v.v. …Tại di tích lịch sử quốc gia “ hang tám cô” bên trọng điểm Trạ Ang ( km 14), đoàn chúng tôi vào viếng tại đền thờ các liệt sỹ, đứng trước cửa hang, anh Lê Trung Khiên, Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn Thanh Hóa, người đã từng có mặt trên tuyến đường từ tháng 4/1966- 12/1974 và chứng kiến sự hy sinh bi hùng của 13 chiến sỹ vào tháng 11/1972, xúc động đọc bài thơ do chính anh sang tác“ Những linh hồn trong trắng” như một lời tưởng niệm gửi gắm đến linh hồn các liệt sỹ, tất cả chúng tôi đều bùi ngùi, thương nhớ đồng đội, trong đó có 5 nữ TNXP quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa. “ Từng ca nước gửi vào qua kẽ đá/ Đã mấy ngày em chịu khát, không ăn/Những tiếng rên yếu dần nghe không rõ/Hang sâu tham thẳm các em nằm”…
Đường 20 rừng núi đã trở lại màu xanh và một phần nằm trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng. Mới trung tuần tháng 3, mà đã cảm nhận được cái nóng của cuối mùa khô Tây Trường Sơn. Qua Ngầm Cà Roòng đã sang chiều, trời nắng rát, trèo hàng trăm bậc lên đỉnh đồi nơi “ Đền thờ liệt sỹ Cà Roòng” ghi danh hàng nghìn liệt sỹ ngã xuống trên tuyến đường này. Nhìn dưới chân đồi con đường hiện rõ, tôi nhớ lại những ký ức một thời bom đạn nơi đây. Tháng 4 năm 1966, tôi cùng 3 chiến sỹ được phân công lập trạm trạm Barie Nam Cà Roòng cùng đơn vị nữ TNXP Ninh Bình đảm bảo giao thông tại trọng điểm này và chứng kiến sự khốc liệt của bom đạn, sự hy sinh dũng cảm của các chàng trai, cô gái tuổi đời mười tám, đôi mươi. Từ Cà Roòng đến biên giới trên chục cây số, rất tiếc do đường phía nước bạn chưa khôi phục nên không thể đến thăm trọng điểm A-T-P “ xa mạc lửa” từ km 72- 82, nơi đã ghi danh những chiến công bất tử của hai chiến sỹ được phong tặng, truy tặng danh anh hùng LLVTND là Vũ Tiến Đề lái máy C100 và Nguyễn Thị Vân Liệu phá bom nổ chậm. Vào thăm đồn biên phòng Cà Roòng, gặp gỡ giao lưu với cán bộ chiến sỹ; anh Hoàng Mạnh Hùng thay mặt Hội Trường Sơn tỉnh tặng “ Kỷ niệm chương Trường Sơn” cho trưởng đồn và anh Lê Trung Khiên thay mặt Chi hội VHNT Thanh Hóa tặng sách của Hội VHNT Trường Sơn cho cán bộ, chiến sỹ.
Trở lại Phong Nha- Kẻ Bàng- di sản thiên nhiên thế giới, dòng sông Son nước xanh ngọc, nhìn những con thuyền xuôi ngược vào động Phong Nha, tôi nhớ lại những năm tháng chiến tranh, phà Xuân Sơn mệnh danh là “ cửa tử”. Những năm tháng đó, các chiến sỹ C16 cầu phà Binh trạm 14 đã bất chấp bom đạn nối đôi bờ sông Son liền một dải; hình ảnh người chiến sỹ lái ca nô Võ Thành Chơn phá bom từ trường được làm lễ truy điệu sống như hiện lên trước mắt.
Vượt cầu Xuân Sơn trên đường Hồ Chí Minh ( Đường 15 cũ), những địa danh quen thuộc đã gắn bó một thời trong bom đạn: Làng Troóc, đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh… từ ngả ba Khe Ve vào đường 12, nơi đây Binh trạm 12 thời chống Mỹ đảm nhận vận chuyển trên tuyến đường này; những chuyến xe băng qua bom đạn vượt “ Cổng Trời”, đèo Mụ Gịa giao hàng cho Binh trạm 31 tại Lùm Bùm. Đến với đèo Mụ Gịa không thể quên trận địa pháo của tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân với tiếng hô của anh khi bị thương nặng : “ Nhằm thẳng quân thù mà bắn” . Đường 12 ngày nay trở thành con đường quốc tế, từng đoàn xe nối dài vượt cửa Khẩu Cha Lo. Theo đường 15 cũ về với ngả ba Đồng Lộc, bên tượng đài và 10 ngôi mộ của các nữ liệt sỹ TNXP, chúng tôi thành kính dâng hương và đặt những bông hoa cúc trắng tưởng nhớ các cô gái hy sinh khi tuổi đời còn trong trắng.
Cuộc hành trình từ Đông sang Tây Trường Sơn, đến với những địa danh đã đi vào lịch sử không chỉ thực hiện ước mơ trở lại “ chiến trường xưa” mà còn mang lại cho mỗi chúng tôi niềm tự hào về ngườii lính Trường Sơn đã một thời tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hơn nữa thế kỷ trôi qua, sau ngày giải phóng miền Nam, hình ảnh con đường ra trận năm xưa mãi mãi trong ký ức chúng tôi không phai mờ./.

Bên nhà lưu niệm Đại Tướng Võ Nguyên Giáp ( Xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, QB)

Tác giả bên Đền thờ Liệt sỹ phà Long Đại ( huyện Quảng Ninh, Quảng Bình)

Ông Hoàng Mạnh Hùng, PCT Hội Trường Sơn TP Thanh Hóa
tặng quà cho trưởng bản Làng Ho ( xã Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình)

Ông Lê Trung Khiên Chi hội VHNT Thanh Hóa
tặng sách tại trường TH&THCS Kim Thủy. Làng Ho, Quảng Bình

Đoàn gặp gỡ, giao lưu, tặng quà tai xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Q Trị

Đoàn cùng CBCS đồn BP Cà Roòng ( đường 20)

Đoàn chụp ảnh tại Cổng Trời ( đường 12)
Lê Trung Khiên
Chủ tịch Chi hội VHNT Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa
(CTV Trang TT&BT Trường Sơn)