"Tiếng nổ trước bình minh" - Bút ký của CCB Phạm Minh Tâm

Ngày đăng: 03:33 25/03/2025 Lượt xem: 24
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
Đúng ngày này, tháng này của tròn 50 năm trước.

TIẾNG NỔ TRƯỚC BÌNH MINH
Bút ký

       Mùa xuân 1975, cả dân tộc phấn chấn, nhưng có lẽ không ai khát khao, rạo rực bằng chúng tôi - những người lính sau những năm dài chiến đấu trên chiến trường, đang chực chờ đợi lệnh ở các cánh rừng để tiến về giải phóng đồng bằng, thành phố.
       Trung đoàn 6 (Trung đoàn Phú Xuân) Quân khu Trị Thiên Huế, đơn vị đã từng tham gia đánh chiếm và chốt giữ, làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 - lần này lại được trên giao nhiệm vụ trở về trong cánh quân chủ yếu phía Tây Nam, phối hợp với các đơn vị bạn đánh địch, giải phóng tỉnh Thừa Thiên, đánh chiếm sở chỉ huy Quân khu 1 Ngụy, cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ Phu Văn Lâu, thành phố Huế.
       Không như các chiến dịch khác là người lính phải chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ trước giờ vào trận, chúng tôi được lệnh của trên : bỏ lại ba lô cùng tất cả quân tư trang ven rừng (chắc không bao giờ quay trở lại để lấy nữa), chỉ mang theo vũ khí đủ cơ số chiến đấu, tìm cách lách qua những cứ điểm của địch, không nhất thiết phải đối đầu khi địch không đối phó, thần tốc tiến quân về mục tiêu chủ yếu là thành phố Huế càng sớm càng tốt.
Dẫn đầu đội hình Trung đoàn là lực lượng của đại đội trinh sát đi trước nắm tình hình địch, phục vụ bảo đảm an toàn cho Trung đoàn hành quân.
       Khi xuống đến bến Tuần - thượng nguồn sông Hương (cách thành phố Huế non chục cây số về phía tây nam) thì trời cũng đã về đêm, toàn đơn vị tạm dừng trong đội hình sẵn sàng tác chiến, tranh thủ ăn tối ngay trên bãi cát bên mé tây bờ sông.
       Lâu ngày ở rừng, nay xuống đồng bằng, ngồi bên bờ sông Hương thơ mộng, nhìn dòng nước êm đềm xuôi chảy dưới ánh trăng trung tuần vằng vặc, cán bộ chiến sĩ lòng rạo rực, nôn nao xao động, dâng trào tự tin, kiêu hãnh.
       Một tổ trinh sát 3 đồng chí do đồng chí đại đội trưởng trinh sát Vũ Tự Lân trực tiếp chỉ huy cùng hai chiến sĩ là Nguyễn Đình Phúc và Trần Quang Dự có nhiệm vụ bơi sang bờ bên kia kiểm tra hành lang bến vượt, nắm tình hình, bảo đảm cho bộ đội vượt sông.
       Vũ Tự Lân quê Hải Phòng, trưởng thành từ một chiến sỹ trinh sát gan dạ, tháo vát. Trong số cán bộ đại đội bậc trưởng ở trung đoàn này, có lẽ anh là một trong những người được đề bạt sớm nhất. Mặc dù giữa chiến trường ác liệt nhưng dường như đều đặn mỗi năm vài lần, anh đều may mắn nhận được thư của cô bạn gái là giáo viên cấp 2 (đã ăn hỏi). Không biết có phải một phần vì thế không, mà tính tình anh lúc nào cũng cởi mở, vui vẻ. Còn hai chiến sỹ Nguyễn Văn Phúc (Phú Thọ) và Trần Quang Dự (Thái Bình), tuy chỉ mới hai mươi tuổi đời và vài năm tuổi quân nhưng là lính trinh sát vào ra cứ điểm địch như cơm bữa nên cũng khá dạn dày, lì lợm. Ngoài cái dáng nhanh nhẹn, cao ráo, điển trai mà mỗi lần đi nhận quân bổ sung, cán bộ trinh sát thường được ưu tiên tuyển chọn - Phúc và Dự còn có nước da như con gái, trắng mịn nõn nà. Chả thế mà ngày mới nhận quân về, chính trị viên đại đội Trương Khắc Sợi đã dí dỏm cảnh báo: “lính trinh sát mà da dẻ trắng lốp, nõn nà như hai thằng này thì lộ hết, chỉ tổ làm mục tiêu cho địch”.
       Đêm nay, dưới trăng sương, cho tôi cảm giác lạnh lẽo khi các anh bắt đầu đầm mình xuống nước, (lúc bấy giờ tôi là cán bộ ban Trinh sát trung đoàn). Chúng tôi ai cũng nóng lòng mong mỏi nhanh chóng vượt sông để sớm được tiến về Cố đô Huế trong bồn chồn háo hức.
       Bỗng từ bờ sông bên kia, bầu trời loé lên ánh chớp sáng lóa và một tiếng nổ xé rách màn đêm yên tĩnh, rồi im bặt. Biết là chuyện chẳng lành, tất cả dường như không ai bảo ai, bỏ dở bữa ăn lương khô lót dạ buổi tối, chờ lệnh sẵn sàng chiến đấu.
       Cả không gian chết lặng. Năm phút, bảy phút rồi mười phút trôi qua, vẫn không có động tĩnh gì tiếp theo. Tổ trinh sát thứ hai được lệnh tiếp tục sang sông.
       Gần nửa giờ sau, một đồng chí trinh sát bơi trở lại báo cáo : - Có dấu hiệu của địch tổ chức phục kích ở bờ bên kia trước đó nhưng chúng đã rút chạy. Ba đồng chí tổ trinh sát đi đầu dính mìn định hướng của chúng cài lại và đã hi sinh ngay tại mép nước bến sông.
       Chiến đấu, hy sinh là lẽ thường với người lính trận mạc chúng tôi. Nhưng quả thực tin này ai nghe cũng choáng váng, khi tiếng chuông báo giờ của ngày toàn thắng đang gióng điểm những phút sau cùng.
       Cả đại đội trinh sát được lệnh vượt sông dẫn đội hình trung đoàn hành tiến, chỉ cử một tổ ở lại phối hợp với một tổ của đại đội vận tải (C25) khâm liệm chôn cất ba đồng chí trinh sát vừa hi sinh, rồi hành quân sau. Trời đêm, lại chưa rành địa hình, anh em đã gói gắm mai táng ba liệt sĩ ngay trong vườn chuối của một nhà dân mà chủ đã bỏ chạy giặc, cạnh đó.
       Vậy là Lân, Phúc, Dự - ba đồng đội của tôi đã không đi đến được giấc mơ về Huế sau bao năm mong đợi, mà chỉ mới lúc chập tối đây thôi khi vừa ăn chung bánh lương khô, uống chung ngụm nước cuối cùng trong đáy bi đông, vừa khát khao hi vọng. Kẻ thù dù đã đến lúc tàn hơi vẫn nham hiểm cướp mất nụ cười mãn nguyện của các anh trước giờ toàn thắng. Cái giá của hòa bình, cái giá của chiến tranh mà các anh đánh đổi để đi đến giờ phút thiêng liêng ấy đắt đỏ biết chừng nào.
       Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa - ngày mai cả Cố đô Huế sẽ ngập đỏ cờ hoa và xanh màu binh phục. Trong giờ phút vui sướng hân hoan đến tột cùng và thiêng liêng ấy, đường phố Huế không còn bóng các anh. Cuộc hành trình không về tới đích của các anh thật trớ trêu, nghiệt ngã.
       Thiết nghĩ, trong những thời khắc lịch sử ấy, có biết bao người con của bà mẹ Việt Nam đã ngã xuống khi tuổi đời chỉ mới 18 đôi mươi, ôm theo những khát khao cháy bỏng - hòa bình.
       Chúng tôi - những người trong cuộc còn xót xa đau đớn là thế, hỏi lòng những người mẹ người vợ liệt sĩ ấy quặn thắt, thương xót, thất vọng đến nhường nào, khi nghe tin chồng con mình ngã xuống trong tiếng nổ sau cùng của cuộc chiến tranh, trước bình minh của toàn dân tộc.

 

Quân giải phóng tiến vào cổng Ngọ Môn sáng 26/3/1975, giải phóng thành phố Huế. Ảnh: Tư liệu

CCB Phạm Minh Tâm
tin tức liên quan