Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
NGÀY XƯA ƠI…
“Ngày xưa...” đó gần như là câu cửa miệng của một lớp người cỡ trên dưới “lục tuần”. Bọn trẻ đi qua, ngấm nguýt: “Các cụ lại ca bài ca ngày trước”.
- Chúng tao không nói chuyên ngày xưa thì còn biết nói cái gì nữa.- Thím Đào nhà ngay sát nhà tôi, cách nhau chỉ một rặng dâm bụt nói. À, nhà văn (Thím vẫn gọi tôi như thế, dù chả ai công nhận cái danh hiệu ấy). “Sao không viết cái “ngày xưa”, để cho lũ trẻ bây giờ biết chúng tao đã sống như thế nào.”
- Ừ nhỉ! Tại sao không. Cái ngày xưa ấy có nhiều điều đang nói, đáng viết lắm chứ. Nếu không nhắc, không khéo chuyện Tây, chuyện Tàu, chuyện ma, chuyện quỷ, chuyện cướp, hiếp, giết ở tận đẩu tận đâu, cái gì cũng thông làu nhưng chuyện chúng ta đã từng ăn rau rừng, uống nước suối, đánh thắng Đế quốc nọ, Thực dân kia thì ngu ngơ như chuyện trên sao Hỏa. Mà chẳng phải đi đâu xa, cứ nói ngay cái chuyện “ngày xưa” của thím Đào cũng nhiều chuyện đáng để viết...
***
Nhà thím Đào có nghề làm bánh đúc gia truyền. Bánh đúc nhà thím ngon có tiếng. Nồi bánh đúc sôi lục bục dẻo sánh, cho lạc nhân, hàn the (Hàn the lúc ấy chưa cấm) đổ vào đĩa hoặc bát “chiết yêu” để nguội rồi úp xuống mảnh lá chuối. Dùng dao xắt ra từng lát, cầm miếng bánh như miếng giò lụa, chấm mắm tôm, giòn sật, cảm giác ngon đến tận bây giờ. Có thời kì bị cấm vì liên quan đến chính sách lương thực, nhà thím chuyển sang làm bánh đúc bằng cám gạo, tuy không ngon bằng nhưng vẫn là món chống đói tuyệt vời.
Thím tình nguyện đi bộ đội. Thật ra, cũng không hẳn như thế, thời ấy, tình nguyện hay nghĩa vụ cũng na ná nhau. Thanh niên ai cũng đăng kí “Ba sẵn sàng”, các đoàn thể đến từng nhà động viên, được nêu gương dù chỉ qua cái loa bằng mo cau, ngày ngày anh thông tin viên trèo lên trạc ba cây đa đầu làng thông báo. Có lớp có lang đàng hoàng... Tóm lại, mọi người được tạo điều kiện hết mức để tình nguyện. Cũng có đôi ba người trốn tránh, nhưng phần lớn lớp lớp lên đường như một sự tự nhiên. Bọn choai choai chúng tôi cũng mong lớn thật nhanh để được tham gia. Đơn vị nhận quân là Trung đoàn 19 tỉnh đội Nam Hà- chẵn một đại đội cả nam và nữ, toàn bạn bè, hàng xóm, liên xã, liên thôn, vui như tết. Ba tháng huấn luyện qua rất mau, lên xe vào chiến trường vẫn vui như hội.
Từ Cự Nẫm ngược lên Tây Trường Sơn, thêm một ngày đường leo đèo lội suối, thím về đơn vị. Đó là một kho mới được dựng lên, chứa đầy các loại hàng hóa chuẩn bị cho chiến dịch sắp mở ra ở một hướng nào đó mà cỡ như thím hoặc cấp trên sát sạt của thím cũng không được phép biết. Nghiêm lệnh: “Giữ gìn bảo quản thật tốt. Cấm vi phạm”. Năm chị em, trừ chị Hiên còn lại sàn sàn tuổi nhau, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải gánh vác một trọng trách mà hồi còn ở nhà nằm mơ cũng chả thấy. Giữa rừng núi hoang vu, không có gì ngoài tiếng gió rít, mưa rơi, tiếng chim kêu, vượn hú nhưng không cảm thấy cô đơn, buồn nản. Cũng chả có thời gian để nghĩ ngợi, hàng ngày phải vần đảo hàng tấn hàng, mệt phờ, lăn ra ngủ như chết. Chỉ lúc gác mới thấy nhớ nhà, nhớ người thân, khóc dấm dứt một hồi, hết ca, về lăn ra ngủ. Là kho phục vụ cho chiến dịch không được phép mảy may động chạm nên lương thực thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho cả tổ, tháng tháng phải phân công nhau ra Binh trạm cách nửa ngày đường “cõng” về. Công việc đó tuy vất vả nhưng ai cũng muốn đi vì có cơ hội tiếp xúc với mọi người, vui nhất là nhận được thư nhà, nhưng cũng buồn nhất cũng từ những bức thư đó. Hà- đứa vừa “cưới chui” trước khi vào đây, lâm vào hoàn cảnh đó. Nó yêu bạn cùng lớp, một anh con trai yếu đuối, phụ thuộc. Tất tần tật, từ tỏ tình, ôm hôn và làm chuyện vợ chồng đều một tay Hà lo hết. Sở dĩ phải cưới chui vì anh ta chưa tròn 18. Có giấy báo thực hiện Nghĩa vụ Quân sự, anh ta sợ hết hồn, khóc rưng rức.
- Này, cưới đi.- Hà nói khi hai đứa dẫn nhau đi trên triền đê.
- Cái, cái gì... Cưới... Ai cưới.- Gã lắp bắp.
- Còn ai vào đây nữa. Tôi với ông cưới nhau. Cưới xong tôi đi bộ đội thay ông, được chưa?- Hà nói chậm, rành mạch từng tiếng.
Đám cưới diễn ra sau đó ít ngày mà không có đăng kí kết hôn. Hà lên xã rồi lên huyện nằng nặc đòi đi bộ đội. Hà lên đường, anh “chồng” cũng vào học Trung cấp Sư phạm. Vài ngày làm vợ khiến Hà khao khát, nhiều đêm trằn trọc, vật lên vật xuống dù công việc ban ngày rất vất vả nặng nhọc. Trong lá thư Hà nhận được ban chiều, thông báo: “Nó đã có người khác, một đứa cùng lớp...” Hà quằn quại, bỏ ăn, mấy lần định bỏ về để “Làm cho ra nhẽ”. Chị Hiên phải khuyên nhủ mãi nó mới nguôi nguôi. Nhưng nó mắc phải chứng bệnh lạ. Lúc khóc, khi cười, đau bụng, co giật hoặc lơ mơ cả ngày, ngủ mà không nhắm mắt. Thời gian sau tỉnh dậy, mọi việc lại bình thường, không hề nhớ những việc đã xảy ra. Chị Hiên báo về binh trạm nhưng đang bước vào đợt cao điểm nên chưa có người thay thế...
***
- Con Đào chửa hoang, bị đơn vị đuổi về.- Tin ấy “đi” trước thím cả tháng.
Ngày về. Thím phải tạt vào cái lều vịt bỏ hoang chờ chạng vạng tối mới dám bước vào làng. Cái bóng xiêu xiêu, cái nón xùm xụp, cái bụng lùm lùm, cái ba lô xẹp lép không thoát khỏi các cặp mắt lấp ló sau bụi cây, bờ ngõ. Căn nhà bỏ không từ ngày mẹ thím ra ở với con trai trên thị xã. Mẹ tôi thỉnh thoảng sang quét dọn.
- Thím về, tốt quá, nhà đỡ hoang vắng hiu quạnh. Đừng để ý làm gì nhưng cũng khó khăn đấy.- Mẹ tôi ái ngại, khi đưa chìa khóa cho thím.
Hôm sau, tôi vọt sang, bà nội ngăn lại: “Tao cấm... Ngày xưa ngữ ấy phải gọt đầu bôi vôi, thả bè trôi sông”.
Mẹ thì thào:
- Thỉnh thoảng con sang, có gì giúp được thì đỡ cho thím. Khổ thân, một mình thui thủi. Con mang sang cho thím ít tã, chắc cũng sắp đến ngày rồi.
Những chiếc tã hình vuông, hình tam giác, đủ các loại, nâu có, xanh có, trắng có, “cháo lòng” có. Nhưng thế cũng còn tốt chán. Một năm mỗi người được 2 mét phiếu vải mà cũng không dễ để mua nên một miếng vải lành cũng quý, nhất là thím lần đầu lại vừa ở chiến trường ra, bà con họ hàng đều xa lắc.
- Anh “bố cu” sang không sợ bà mắng à? Nói rồi xoa xoa bụng: “Nếu là con gái thím gả cho bố cu nhé”.- Thím cười mãn nguyện.
- Cháu ứ sợ, cháu có lối đi riêng, không ai biết.
Lối đi của tôi là lỗ hổng ở cuối hàng rào, nơi con Vàng vẫn đi qua.
Thím sinh con trai. “Thế là không gả cho bố cu được rồi, bố cu cho cu tý nhận làm anh nhé”. Chưa được làm xã viên hợp tác, không còn ruộng 5%, phiếu gạo được cấp khi xuất ngũ cũng sắp hết. Thím quay lại nghề làm bánh đúc. Lúc đầu vay tạm thóc bên nhà tôi nhưng nhà tôi cũng chả dư dả gì, bà nội lại hay hấm hứ. Thím chuyển sang đi “mót”. Chờ mọi người đi làm về, thím ra cánh đồng vừa gặt, nhặt những bông thóc rơi, những cây lúa xã viên gặt còn sót lại. Không nhiều nhưng cũng đủ nguyên liệu làm bánh. “Mẹ “bố cu” hay để lại cho thím lắm”.- Thím nói với tôi. Mẹ tôi thường “vô tình” bỏ quên có khi cả gồi lúa ngoài ruộng. Không hiểu sao thím lại biết.
Rồi mọi chuyện cũng dần trôi vào dĩ vãng, không mấy người nhắc lại những chuyện từ tám hoánh ấy nữa. Sài Gòn giải phóng, mọi người đón nhận đó với tâm trạng khác nhau, người vui, kẻ buồn, người mong đợi. Thím Đào hình như có cả ba. Chiều chiều, ngồi tựa lưng vào cột hiên, mắt ngóng về con đường xa hun hút, vẻ bồn chồn mong ngóng. Có lúc lại nhẩm nhẩm hát một điều chèo nói về sự sum họp, khi lại thẫn thờ nằm đắp chiếu bỏ cả buổi chợ. Chừng như không thể kìm nén được nữa thím sang nhờ mẹ tôi.
- Trông giúp em thằng cu tý, em đi mấy ngày rồi về, biết đâu có thể...
Vài ngày sau thím về, phờ phạc, buồn, thất vọng. “Thế là thằng cu tý không có ba rồi, anh bố cu ạ”. Tôi không hiểu lắm nhưng không hỏi vì gần như biết chắc lúc nào đó thím sẽ tự kể...
- Thế này anh bố cu ạ.- Thím bao giờ cũng mở đầu câu chuyện bằng một câu như thế. Bố thằng cu tý có vợ rồi, mà cũng chả trách được, đã hò hẹn thề nguyện gì đâu.
- Bố thằng cu tý là ai? Sao thím bảo người đó chết rồi.
- Tao phải nói thế để giữ cho bố cu tý “phấn đấu” chứ.- Thím cười, nước mắt rân rấn.
Chuyện thế này:
Bố thằng cu tý “đổ bộ” bất ngờ vào nhóm 5 chị em chúng tao khi bệnh tình của con Hà có vẻ ngày càng nặng. Đêm đêm nó bỏ ra rừng, lang thang, sáng mới về, có khi muộn hơn. Chúng tao phải cử một người luôn đi theo sợ có cái gì đó xảy ra. Công việc trong kho chỉ còn ba người đảm nhiệm. Hôm ấy, tao được phân công đi theo, lúc đầu nó còn lững thững, mắt nhìn ngơ ngác nhưng đột nhiên nó chạy vùn vụt. Leo thoăn thoắt lên ngọn cây, ngồi giữa trạc ba, nó thong thả cởi mọi trang phục thả xuống. Hết cách. Tao ngồi bệt, dựa lưng vào thân cây khóc tấm tức. Lúc ngẩng lên, tao giật mình, trước mặt là một người đàn ông, trên người độc một chiếc quần bộ đội rách te tua. Gã nhìn tao, đôi mắt lờ đờ, ra hiệu như muốn hỏi. Tao chỉ lên cây. Gã gật gật rồi leo tót lên, có thể gã tưởng tao nhờ đưa con Hà xuống. Kì lạ, lúc sau con Hà xuống, cuống quýt vơ áo quần, chạy khuất sau bụi cây.
- Anh là ai? Ở đâu đến?- Tao hỏi.
Dường như gã không hiểu tao nói gì và hình như lão cũng không biết nói. Con Hà “đánh đu” với gã trên suốt đường về. Một cuộc “họp” khẩn cấp của tổ chỗ hòn đá mồ côi giữa suối. Đa số muốn người đàn ông đó phải ra đi. Con Hà nhất quyết không chịu: “Nếu đuổi anh ấy đi, em cũng bỏ đơn vị”. Năm chúng tao như chị em một nhà, chỉ vì chuyện ấy mà một người bị kỉ luật, chả ai nỡ lòng nào.
- Thôi được, cho nó ở lại.- Chị Hiên nói, cố kìm tiếng thở dài.
Gã có vẻ vô hại. Ngày ngày, cùng chúng tao bốc xếp hàng hóa. Tối leo lên hốc cao nhất của hang nằm khoanh tròn. Gã chưa bao giờ để mắt đến một ai trong số chúng tao và chưa bao giờ thốt ra lời nào. Có điều cái quần duy nhất của gã ngày một te tua hơn, nhiều khi làm chúng tao khó xử. Con Hà xin đi nửa ngày, khi về có đầy đủ quần áo quân phục cùng những vật dụng đàn ông. Có khó gì đâu, trên cung đường hành quân vào Nam, những người lính bỏ lại vô số những thứ mà không lâu trước đó còn là vật bất li thân. Quyển truyện “gối đầu giường” bị xé dần, đầu tiên là cái bìa, đến những trang không có chữ rồi đến chương đã thuộc. Hàng cúc áo cũng bị bỏ cắt quãng “Vẫn cài được, cần gì phải đầy đủ”. Chiếc lược bẻ làm đôi, khăn rửa mặt cắt một nửa. Tóm lại, bằng mọi cách giảm trọng lượng mang vác. Chịu khó, có thể nhặt được nhiều thứ đủ cho sinh hoạt hàng ngày. Nhìn gã trong bộ quân phục, không ai nghĩ gã không thuộc biên chế của kho. Dần dần, chúng tao quen với sự có mặt của gã như “vật nuôi” trong nhà. Con Hà từ ngày có gã hết hẳn căn bệnh oái oăm mà chúng tao cũng chẳng biết đó là bệnh quái quỷ gì.
Bởi coi gã như con chó, con mèo nên mọi đề phòng lúc đầu bị buông lơi nhiều. Bọn tao “tắm tiên” ngay trước mắt gã, khi gã đang lúi húi giặt giũ. Con Hà thỉnh thoảng còn trêu ngươi, xoa xoa lên ngực: “Ê, người rừng, thích không?” Rồi cười rũ rượi. Gã cũng chẳng hé mắt nhìn, quay người lững thững trèo lên cái “tổ” của gã. Một mùa khô qua đi, hàng hóa trong kho vẫn chưa có người đến nhận. Như vậy chắc phải chờ đến mùa khô năm tới. Không cái gì buồn bằng mưa rừng, rả rích, ầm ào, ẩm ướt. Chúng tao phải làm lại lán, kê lại hàng đề phòng ngấm dột, ngập lụt. Có “người rừng” nên cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, lượng lương thực, thực phẩm cấp cho tổ phải gánh thêm phần của gã. Đúng vào dịp khó khăn vì địch tập trung đánh phá quyết liệt, hàng hóa không vào sâu được. Khẩu phần ăn đã giảm hai phần ba. Gạo chỉ đủ ăn một bữa chính còn lại nấu cháo. Con Hà bàn: “Vay tạm chút gạo trong kho”.
- Không được, dù có chết đói cũng không được động vào.- Chị Hiên cương quyết.
Trong kho đúng là không thiếu một thứ gì từ cái kim, cúc áo, đến quân phục, vải vóc, lương khô, mì chính, bột trứng và rất nhiều gạo. Có rút ra cũng không ai biết nhưng đó là hàng dự trữ cho chiến dịch sẽ mở ra nay mai. Chúng tao phải bù lượng thiếu hụt bằng củ mài, bằng rau rừng, môn thục. Chủ lực việc này lại là gã “người rừng”. Thông thường, sau buổi sáng xếp lại hàng hóa, gã lại xách xẻng vào rừng.
- Gạo sắp hết rồi, ngày hôm nay tạnh ráo, Đào đi cùng với “người rừng”.- Chị Hiên phân công.
Ngày nắng hiếm hoi giữa mùa mưa thật tuyệt, cây cối xanh mướt, chim hót líu lo, ánh ban mai rực rỡ. Bọn tao gặp may, một cây Đoác mọc treo leo trên triền núi. Gã ra hiệu cho tao đứng dưới đợi. Hì hục cả tiếng đồng hồ, cuối cùng cây cũng được hạ, gã chặt khúc lăn xuống. Gã bóc vỏ đưa cho tao một khúc ruột trắng nõn, ngọt như đường phổi. Hai chiếc gùi nèn chặt, chúng tao vội ra về vì trời bắt đầu đen lại. Đúng là thất thường như thời tiết, mới đấy còn tươi rói giờ đã sập sùi. Con suối lúc sáng vừa đi qua nước chỉ ngang bắp chân giờ cuồn cuộn ngang bụng. Tao lo lắng nhìn. Gã đeo một chiếc gùi đàng trước, một cái đàng sau lội ào ào. Thấy tao mon men, gã ra hiệu bắt tao dừng lại. Gã quay lại bế xốc tao, dò dẫm lội qua suối. Một cái trượt chân khiến tao quàng vội hai tay lên cổ gã. Khuôn mặt góc cạnh rám nắng. Chưa khi nào tao thấy gã đẹp, đàn ông đến thế. Tao những muốn dòng suối rộng ra mãi mãi...
Lâu lắm lại mới có ngày nắng, tao ra suối mò cua, bắt cá. Hôm ấy nhiều cá lắm, những con cá cứ nhao đầu vào bờ, nép chặt vào các hốc. Tao chưa đủ kinh nghiệm để biết đó là dấu hiệu lũ sắp tràn về. Mải mê, không để ý đến dòng nước đục quẩn về ngày một nhiều. Tiếng ầm ầm từ sâu trong rừng vọng lại. Phút chốc, dòng nước ào xuống, vượt qua hòn đá giữa dòng cuốn phăng mọi thứ. Tao chưa kịp kêu thì đã văng đi một đoạn khá xa. Tao vùng vẫy, bám níu tất cả những gì có thể nhưng tất cả đều trôi tuột. Bất giác, nước mắt tràn ra, lẽ nào lại chết lãng nhách thế này. Lúc ấy, hình ảnh anh Bách người xã bên hiện về. Anh ấy cùng làm ở đội thủy lợi. Chúng tao “phải lòng” nhau. Trước ngày anh nhập ngũ, chúng tao rủ nhau ra phố huyện ăn kem. Những chiếc kem toàn nước đá, ngon tuyệt. Anh rủ tao vào hiệu ảnh, mỗi người chụp một kiểu có tô màu bằng bút lông. Anh đòi chụp chung nhưng tao không đồng ý “Vợ chồng đâu mà chụp chung”. Anh đi một năm thì có giấy báo tử về. Nhìn tấm ảnh trên bàn thờ cuộn khói hương, tim tao như có người bóp. Anh “cười” độ lượng mà như oán trách, tao lẩn ra khóe đình ngồi khóc: “Giá ngày ấy tao “chiều”, thì anh đã biết “mùi” đàn bà. Giờ đây, lâm vào hoàn cảnh tương tự, tao lại tiếc: “Giá ngày ấy...” tao đã biết vị mặn ngọt của nụ hôn. Nhưng giờ hối cũng chẳng kịp nữa. Nước mắt tao hòa vào dòng nước hung hãn đang quăng quật cái hình hài đang tướp ra vì bất lực và thất vọng. Đang lúc buông xuôi, tao cảm nhận được một cánh tay rắn chắc đang kéo vào bờ. Trước lúc ngất đi, còn thoáng thấy gương mặt rám nắng của “người rừng”. Tỉnh dậy, thấy gã ngồi bó gối nhìn đăm đăm vào đống lửa đang cháy rừng rực.
- Anh cứu tôi à?
Gã không gật cũng không lắc. Bộ quần áo ướt trên người bó sát nhơm nhớp khó chịu vô cùng.
- Này anh, quay đi cho tôi hơ quần áo.
Gã vẫn không nói, mắt cũng chẳng thèm nhìn sang tao một cái lấy lệ. Từ lâu chúng tao vẫn coi gã như vô tri, nên cũng chẳng cần giữ ý. Lột phăng bộ quân phục ngấm nước giơ ra trước ngọn lửa. Gã vẫn chăm chú cời những củ sắn bọc trong lá rừng vùi trong đống than hồng. Mùi sắn nướng quyến rũ vô cùng. Tao nhớ ra là từ hôm qua chưa được ăn gì. Gã đẩy củ sắn đã làm sạch sang, ánh mắt dài dại khi nhìn thấy thân thể tròn lẳn, eo thắt của tao. “Thích không?” Tao đùa như con Hà đã nhiều lần đùa gã. Nhưng lần này gã không bỏ đi như những lần trước mà khe khẽ gật đầu. Cái gật đầu rất nhẹ, nếu không tinh không phát hiện ra. Tao cũng vậy không tin đó là cái gật đầu nên trêu tiếp: “Thích thì làm đi”. Gã run rẩy nhích lại gần chạm tay vào đôi vai tròn của tao. Tao khẽ rùng mình cảm nhận cái chạm đầu tiên. Theo bản năng tạo vụt đứng dậy. Thân thể không mảnh vải che, hồng lên trong ánh lửa ở hang đá giữa rừng. Đôi mắt gã lạ lắm, nửa như hoang dại, nửa như cầu xin nửa như chiếm đoạt, nửa như hối lỗi. Tao bủn rủn vì ánh mắt đó. Lạ lắm, bố cu ạ. Trước đó không lâu còn mong muốn được một lần làm đàn bà, giờ có điều kiện để làm việc đó lại sợ hãi. Con người sao khốn khổ thế bố cu? Không bao giờ được làm theo ý muốn của mình, cứ phải tuân theo một cái gì đó vô hình mang danh luân lí đạo đức, phong tục tập quán. Chỉ thoáng cái gã lại ngồi xuống chỗ cũ, tỷ mẩn tách dần lớp vỏ cháy xém, đưa cho tao củ sắn bở tơi như không có chuyện gì xảy ra. Tự nhiên tao thấy thương mình, thương gã. Tao vòng tay ôm, kéo đầu gã vào ngực mình. Cặp vú thanh xuân nóng rực trước đôi môi tham lam của gã...
Ba ngày sau nước rút. Gã chỉ cho tao đường về đơn vị. Cả tổ ùa ra ôm lấy tao vừa cười vừa khóc. Bát cơm cúng tao, để đầu giường đã khô cứng.
- Thằng người rừng bị nước cuốn đi rồi.- Chị Hiên nói.
Tao không dám hé ra việc tao và gã đã có những ngày hạnh phúc. Gã không nói được nhưng bằng cử chỉ, tao biết gã yêu tao. Những ngày sau đó lòng tao như lửa đốt. Không biết gã đi đâu, làm gì. Sao gã không về với chúng tao. Chúng tao đã quen có mặt của gã giữa chốn rừng xanh núi đỏ này rồi. Cứ khi chiều buông, tao lại đi ngược về nơi chúng tao từng ở. Gã gần như biến khỏi trái đất này. Đúng lúc tưởng như vô vọng thì gã xuất hiện dúi vào tay tao phong thư. Vội vàng ôm tao, hôn tao rồi quay đầu chạy biến vào rừng. Hôm ấy bầu trời lạ lắm, tím ngăn ngắt, không một gợn mây.
Chờ mọi người ngủ tao len lén mở thư: “Đào ơi, tha lỗi cho tôi vì bỏ đi đường đột như thế này. Tôi ra đi vì không thể ở lại. Chiến tranh vốn tàn khốc, còn hơn thế: man rợ đối với đàn bà con gái. Những ngày ở cùng mọi người tôi cảm phục Hiên, người con gái mỏng manh phải gồng mình lên gánh vác công việc mà quên mất tuổi tthanh xuân, quên mất mình chưa tròn 20 tuổi. Tôi thương bé Hà vì yêu mà sẵn sàng lao mình vào trong lửa đạn thay cho người chồng hèn nhát, thiếu thủy chung, để rồi mắc căn bệnh chỉ có ở những người phụ nữ mạnh mẽ, cô đơn thiếu tình thương yêu của người khác giới. Tôi thương em vì sự kìm nén, cố lấy công việc để quên đi. Tối tối, thấy em ngồi rất lâu trên bờ suối, nhặt từng hòn sỏi nhỏ ném xuống dòng suối như vô thức, tôi muốn xuống ôm lấy em, xua đi nỗi buồn đọng trong đôi mắt rất đẹp của em. Và cuối cùng tôi thương tôi, phải kìm nén bản năng của người đàn ông trong cái vỏ của người khuyết tật. Mọi người trêu chọc tôi, coi tôi như vật dụng, không cảm xúc. Tôi biết Hà “thèm” tôi như thèm được giải thoát. Còn tôi, tôi thèm tất cả những người đàn bà trong tổ. Những đêm giá lạnh nằm co tròn trên cái hốc trong cùng của hang, mắt tôi không bỏ sót bất cứ cái gì đang xảy ra phía dưới. Bộ ngực tròn trịa, trắng bóc của em, chiếc bụng phẳng phiu, eo thắt của Hà, đôi mắt rừng rực của chị Hiên được giấu dưới hàng mi rợp. Tôi “khai tử” cho bản năng đàn ông trong vai của kẻ vừa câm vừa lẩn thẩn. Chỉ vì tôi hèn nhát, đã bỏ chạy khi trận đánh chưa bắt đầu. Nhiều ngày lang thang trong rừng, tôi phát hiện ra cái kho này. Tôi hoàn toàn có đủ trình độ đột nhập để lấy những gì tôi muốn nhưng nhìn mọi người tôi không nỡ. May mắn đến với tôi khi được ở lại. Tôi định sống “kí sinh” mãi cùng chị em trong tổ. Biến cố xảy ra khi em bị nước cuốn. Tôi lao mình hết cỡ bất chấp gai cào, dây cuốn. Em vẫn không mảy may biết tôi là người đàn ông bình thường, đã trêu chọc tôi. Tôi cay đắng khi em giật phắt, đứng dậy khi tôi chạm vào em. Tôi đau, đau lắm, đau vô cùng. Giá tôi có thể chết đi cho bớt nhục. Em bao dung độ lượng biết bao khi kéo tôi sát lại, dâng hiến tất cả, chúng ta có ba ngày hạnh phúc. Nhưng tôi không còn mặt mũi nào để nhìn chị em trong tổ được nữa. Tôi phải đi, đi để tìm lại chính tôi... Chiến tranh kết thúc, nếu còn sống tôi sẽ đi tìm em, sẽ đứng trước em mà không hề hổ thẹn. Nếu em trở về hãy đến nhà tôi ở xóm Múc Hòa Bình...”
Tao không dám nói với ai về người đàn ông chưa biết tên ấy. Một điều làm tao băn khoăn là chưa cho gã biết địa chỉ của mình. Mọi người cũng dần quên. Bắt đầu vào mùa khô, kho được cấp hết hàng hóa, chúng tao về binh trạm. Lúc ấy cái bụng của tao đã lùm lùm. Chị em trong tổ tin đó là kết quả của tao cùng một người đàn ông nào đó- người đã cứu tao khỏi dòng nước lũ. Nhưng cán bộ binh trạm thì không. Những buổi kiểm điểm của chi đoàn, của đại đội chỉ quanh quẩn: “Tác phẩm” ấy của ai?
- Của quái ai chả được, trong bụng tôi là của tôi. Họ đành chịu cái lí sự cùn ấy. Tao bị khai trừ đoàn và trả về địa phương...
- Vừa rồi thím đi Hòa Bình phải không?
- Người đàn ông ấy trở về sau khi bỏ lại ở chiến trường đôi chân. Một người phụ nữ ở trại thương binh, thương yêu chăm sóc anh ấy. Họ có một căn nhà nhỏ và những đứa con xinh xắn. Tao không nỡ xen vào cuộc sống vốn đã quá nhiều bất hạnh của họ... Dừng lại một lúc lâu, thím ngẩng lên mắt nhòe nước: “Bố cu này, có nên cho cu tý biết chuyện này không nhỉ?”
Trương Ngọc Hùng
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Nam Định