"29-3-1975 - Chiến thắng chiến dịch giải phóng Đà Nẵng" - Ký sự của Phạm Huy Chương.

Ngày đăng: 09:43 28/03/2025 Lượt xem: 60
 
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
29/3/1975 CHIẾN THẮNG CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG ĐÀ NẴNG.
Ký sự của Phạm Huy Chương.
 
       Sau chiến dịch giải phóng Quảng Nam, Quảng Ngãi 24/3/ và chiến thắng giải phóng Huế 26/3/1975 khí thế tiến công địch của ta ‘ào ào như thác đổ” “ta thắng như chẻ tre”, đánh đến đâu địch tan vỡ từng mảng đến đó. Ngụy quân ngụy quyền đầu hàng, chính quyền cách mạng về tay nhân dân, các vùng giải phóng của ta rợp trời cờ đỏ, cờ MTDTGP từ Bắc tràn ngập xuôi thẳng về Nam… thành phố Đà Nẵng 29/3/1975 hoàn toàn giải phóng.
       Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai của miền Nam Việt Nam với dân số gần một triệu người. Đây không chỉ là trung tâm kinh tế - chính trị của vùng I (Quân khu I QLVNCH) mà còn là căn cứ quân sự liên hợp Hải - Lục - Không quân lớn nhất miền Nam với 4 cảng lớn trong đó có cảng Sơn Trà là cảng nước sâu hiện đại; các sân bay Đà Nẵng và Nước Mặn, trong đó, Đà Nẵng là sân bay cấp quốc tế; hệ thống kho tàng có sức chứa hàng chục vạn tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh, quân trang quân dụng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, còn có căn cứ ra da, đa chức năng đặt tại Sơn Trà do quân đoàn 3 của Hoa Kỳ quản lý trước đây, nay bàn giao lại cho QLVNCH quản lý sau Hiệp định Paris 1973.
       Sau khi mất Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã điện khẩn  cho các tư lệnh quân khu bức công điện số 015/TT/CĐ ngày 25 tháng 3 năm 1975 yêu cầu: "Tất cả những tỉnh, những phần đất còn lại của Việt Nam Cộng hoà hiện còn đến ngày 25-3-1975 phải được tử thủ và bảo vệ đến cùng, chỉ huy các cấp phải vận dụng mọi sáng kiến và phương tiện để phản công”. Lúc này Tướng Ngô Quang Trưởng vẫn còn trong tay 12 tiểu đoàn pháo binh các loại (trong đó có 4 tiểu đoàn được tái trang bị) và sư đoàn 1 không quân bố trí tại các sân bay Đà Nẵng và Nước Mặn là những đơn vị hầu như chưa bị tổn thất để yểm hộ cho các tuyến phòng thủ. Với quân số thu gom các đơn vị tổng số tren 75.000 quân.
       Về phía ta. Ngay từ khi các chiến dịch Trị Thiên 1975 và Nam-Ngãi chưa kết thúc, Quân ủy trung ương  đã thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch Đà Nẵng và cử trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN từ Hà Nội vào trực tiếp chỉ huy chiến dịch này. Ngày 25 tháng 3, Bộ tư lệnh chiến dịch Đà Nãng đã có ngay kế hoạch tác chiến tấn công thành phố từ bốn hướng. Hướng Bắc sử dụng sư đoàn 325, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh đánh dọc theo đường số 1, chiếm sở chỉ huy quân đoàn I, sư đoàn 1 không quân QLVNCH tại sân bay Đà Nẵng và phát triển đến bán đảo Sơn Trà. Hướng Tây Bắc: sử dụng trung đoàn 9 bộ binh (sư đoàn 304), và 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cao xạ theo trục đường 14B đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 3 QLVNCH ở Phước Tường, phát triển đến sân bay Đà Nẵng. Hướng Nam và Đông Nam: dùng sư đoàn 2 (Quân khu 5), Trung đoàn bộ binh 36, 1 tiểu đoàn xe tăng - thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 đại đội tên lửa chống tăng B-72 theo trục quốc lộ 1 đánh sân bay Đà Nẵng và Bộ tư lệnh Quân đoàn I, phát triển vào nội đô thành phố. Các trung đoàn bộ binh 3 và 68 làm lực lượng dự bị. Hướng Tây Nam: Quân đoàn 2 điều động Sư đoàn 304 tấn công các vị trí của lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến (QLVNCH) trên tuyến Thựợng Đức - Ái Nghĩa - Hiếu Đức, phát triển đến sân bay nước mặn; chia một cánh quân (Trung đoàn 24) đánh vào căn cứ Hòa Cầm, phát triển đến Tòa thị chính Đà Nẵng.
       Trước khi kế hoạch tấn công Đà Nẵng của Bộ tư lệnh chiến dịch ra đời. Ngày 24 tháng 3, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2 QĐNDVN) đã tấn công lữ đoàn 258 thủy quân lục chiến và liên đoàn bảo an 914 (QLVNCH) tại Bắc Hải Vân, đánh chiếm đèo Phước Tượng, các cứ điểm Nước Ngọt, Thổ Sơn và ga Thừa Lưu. Trận địa pháo binh của QLVNCH tại Phước Tượng rơi vào tay QĐNDVN và được sử dụng ngay cho trận đánh tiếp theo. Ngày 27 tháng 3, đến lượt các cứ điểm Phú Gia, Hải Vân bị tấn công. Sau 5 giờ chống cự với sự yểm hộ của các máy bay A-37 từ sân bay Đà Nẵng và pháo binh từ trận địa Lăng Cô, liên đoàn 258 thủy quân lục chiến và liên đoàn bảo an 914 tan vỡ phần lớn quân số. Sư đoàn 325 của ta thừa thắng đánh thốc qua các Sơ Hải, Loan Lý, An Bảo và Lăng Cô. Hơn 30 khẩu pháo các cỡ của các trung đoàn pháo binh 84 và 164 QĐNDVN được triển khai cấp tốc tại các trận địa Sơn Thạch, Sơn Khánh, đèo Mũi Trâu đã bắn trực tiếp vào các căn cứ của QLVNCH tại thành phố Đà Nẵng từ 5 giờ 30 phút sáng ngày 28 tháng 3.
       Trên hướng Tây Nam Sư đoàn 304 QĐNDVN đảm trách, khi phát hiện lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến bỏ núi Sơn Gà về giữ tuyến trong. Ngày 28 tháng 3, Trung đoàn 66, sư đoàn 304 QĐNDVN nhanh chóng tấn công đánh chiếm quận lỵ Ái Nghĩa và sân bay Nước Mặn, Trung đoàn 24 cũng của sư đoàn này tấn công căn cứ Hòa Cầm và Tòa thị chính thành phố bắt buộc Lữ đoàn 369 thủy quân lục chiến QLVNCH phải lùi về An Đông, Mỹ Khê và bị Sư đoàn 2 (Quân khu 5) hợp vây đã làm cho quân địch hoảng sợ về tinh thần, hơn 3.000 tân binh QLVNCH tại trại Hòa Cầm nổi loạn, bắn giết các sĩ quan chỉ huy, phá doanh trại, ra hàng QĐNDVN hoặc bỏ chạy về quê quán. 6 giờ 30 phút sáng ngày 29 tháng 3, các cụm chốt trên đỉnh đèo Hải Vân của QLVNCH bị tràn ngập. Các đơn vị thuộc Sư đoàn 325 QĐNDVN đánh thốc xuống chiếm kho xăng Liên Chiểu, cầu Nam Ô, cầu Trịnh Minh Thế, mở đường cho xe tăng của ta tiến ra giải phóng bán đảo Sơn Trà và quân cảng. Trên hướng Tây Bắc, lúc 12 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3, trung đoàn 9, Sư đoàn 304 QĐNDVN có 1 tiểu đoàn xe tăng đi cùng đánh chiếm sở chỉ huy sư đoàn 3 QLVNCH và toàn bộ khu vực Phước Tường, Hòa Khánh. Ở hướng Nam, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng và 1 tiểu đoàn pháo binh đã đánh chiếm khu vực Bà Rén lúc 9 giờ sáng ngày 28 tháng 3. Tướng Ngô Quang Trưởng lệnh cho tướng Khánh (tư lệnh sư đoàn 1 không quân) dùng 4 phi đội A-37 đánh sập cầu Bà Rén và cầu Câu Lâu nhưng không cản được sư đoàn 2 QĐNDVN đã vượt sông bằng xuồng, ghe, bè, mảng ào ào như thác đổ truy đuổi giặc.

       Vào hồi 5 giờ 55 phút sáng 29 tháng 3, Vĩnh Điện, cứ điểm phòng thủ vòng ngoài cuối cùng của QLVNCH tại phía Nam Đà Nẵng bị QĐNDVN đánh chiếm. 12 giờ sáng ngày 29 tháng 3, Sở chỉ huy Quân đoàn I QLVNCH cũng bị ta đánh chiếm nốt. Trung tướng Ngô Quang Trưởng và các chỉ huy cao cấp của QLVNCH tại Quân khu I đã được trực thăng bốc ra tàu HQ-404 từ 9 giờ 30 sáng. 12 giờ 30 phút trưa ngày 29 tháng 3, tất cả các mục tiêu quan trọng như Tòa thị chính, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, Đài phát thanh, Ty Cảnh sát, Ngân hàng quốc gia, Trụ sở quân tiếp vụ... đều đã bị QĐNDVN đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn. Đến chiều 29 tháng 3, các đơn vị thuộc các Sư đoàn 2, Sư đoàn 304, 324, 325, Lữ đoàn thiết giáp 203 của ta lần lượt tiến vào giải phóng Đà Nẵng và trật tự trong thành phố được lập lại. Gần 9 vạn sĩ quan, binh lính QLVNCH và nhân viên dân sự của VNCH không kịp lên tàu biển và máy bay để di tản lần lượt ra trình diện. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng đã kết thúc. Đà nẵng đã hoàn toàn giải phóng.
      Phát huy truyền thống của một thành phố anh hùng trong chiến đấu và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Hôm nay hơn 1 triệu cán bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng lại đang đoàn kết xiết chặt tay bên nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố đang bằng nội lực của chính mình, vươn lên với một quyết tâm sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức xây dựng quê hương Đà Nẵng anh hùng trở thành một thành phố văn minh, giàu đẹp hiện đại đi đầu của cả nước, trở thành: “Thành phố đáng sống hôm nay”./.
Phạm Huy Chương
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

---------------------------------------
  * Nguồn TL tham khảo: - Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (NXB tổng hợp TPHCM 2005).
 

 
tin tức liên quan