Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC ĐỒNG CHÍ KHAMTAY SIPHANDONE
Đại tướng Khamtay Siphandone sinh ngày 8/2/1924; nguyên Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã từ trần hồi 10h30 ngày 02/4/2025, hưởng thọ 101 tuổi.
Đồng chí Khamtai Siphandone là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của cách mạng Lào. Đồng chí đã cùng các bậc tiền bối khác tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng và giành được những thắng lợi liên tiếp, đưa cách mạng Lào đến ngày toàn thắng, từng bước đưa đất nước Lào vững bước tiến lên mục tiêu Chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là người bạn vô cùng gần gũi, thân thiết của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và lực lượng quân tình nguyện Việt nam. Ông luôn quan tâm và có nhiều công lao to lớn, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong suốt thời gian qua.
Để tỏ lòng thương tiếc đồng chí, Nhà nước Việt Nam đã quyết định để Quốc tang 2 ngày (4 & 5/4/2025). Những người lính Sư đoàn bộ binh 968 Trường Sơn - Quân tình nguyện Nam Lào có nhiều dịp được gặp gỡ Đại tướng Khamtai Siphandone trong 17 năm khi Sư đoàn làm nghĩa vụ quốc tế cả trong những năm tháng chống Mỹ cũng như sau năm 1975. Dưới đây là hồi ức của Cựu chiến binh Nguyễn An Khánh, nguyên chiến sĩ tiểu đoàn 14 Cao xạ (Sư đoàn 968) về kỷ niệm với Đại tướng (Bài đã đăng trong cuốn sách “Nam Lào - một thời để nhớ” tập 3 do NXB Hà Nội xuất bản năm 2018).
Đồng chí Khamtai Siphandone
KÝ ỨC VỀ CHUYẾN THĂM CỦA VỊ TỔNG CHỈ HUY
Mặc dù đã trở về đời thường, song ký ức về lần đồng chí Khamtai Siphandone trên cương vị Tổng chỉ huy Quân giải phóng Nhân dân Lào, sau này là Chủ tịch nước CHDCND Lào, ghé thăm trận địa chúng tôi, vẫn vẹn nguyên trong tâm trí như một may mắn hiếm có trong đời tôi.
Đầu năm 1974, Đại đội pháo cao xạ 23mm của chúng tôi làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tiền duyên Paksoong - trung tâm Cao nguyên chiến lược Boloven. Là Khẩu đội trưởng nên ngoài việc chỉ huy Khẩu đội, tôi còn đảm nhiệm trực ban luân phiên. Gần trưa hôm đó, trong phiên trực ban, khi được biết có hai cán bộ Pathet Lào vào khu vực trận địa liên hệ được tạm nghỉ chân, chúng tôi đã từ chối với lý do đây là khu vực có thể xảy ra tác chiến bất thường, khó bảo đảm an toàn cho phía bạn. Tuy vậy, Ban Chỉ huy Đại đội cũng báo cáo để xin ý kiến cấp trên. Sau đó, chúng tôi được cấp trên thông báo rằng đoàn cán bộ cao cấp Quân giải phóng Nhân dân Lào do đồng chí Tổng Chỉ huy dẫn đầu, hiện đang đi thăm và kiểm tra các đơn vị bộ đội Pathet Lào trên Cao nguyên Boloven. Cấp trên yêu cầu đơn vị phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đoàn bạn hoàn thành nhiệm vụ. Chấp hành mệnh lệnh, đồng chí Chính trị viên Lê Khắc Mong cùng Đại đội trưởng Phan Văn Hải và tôi ra khu vực cầu nhỏ bắc qua suối, cách trận địa khoảng 300m, là nơi có 3 xe GAZ69A của bạn dừng đỗ. Khi đồng chí chính trị viên xin phép báo cáo với vị chỉ huy - một người đàn ông khoảng 50 tuổi, dáng người cao, tác phong "rất quân sự", thì ông mỉm cười hóm hỉnh: "Ban nãy, anh em cảnh vệ có liên hệ cho bọn mình tạm nghỉ chân thì bị từ chối. Như vậy, các cậu đã làm đúng quy định. Giờ các cậu mời thì mình sẽ vào nhưng chỉ thăm anh em một lát rồi ra ngay để còn kịp tiếp tục chuyến công tác".
Không chỉ đến thăm từng Khẩu đội, ông còn ghé thăm tủ sách mà chi đoàn Thanh niên Đại đội đã xây dựng được. Khi thấy những cuốn hồi ký quân sự, như "Bộ Tổng tham mưu Xô-viết trong chiến tranh" của Đại tướng S.Stemenco và "Sự nghiệp cả cuộc đời" của Nguyên soái A.Vasilevsky, ông hơi ngạc nhiên và hỏi vui: "Lính pháo cũng thích đọc sách khoa học quân sự à?".
Sau khi nghe Chỉ huy Đại đội báo cáo công tác sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, đồng chí nói chuyện thân mật với chúng tôi bên mâm pháo của khẩu đội 2. Ông nói chuyện bằng tiếng Việt và chúng tôi - những chiến sỹ trẻ chỉ bằng tuổi con ông, đã hết sức xúc động khi nghe những lời chỉ bảo ân cần của ông. Ông nói đại ý rằng, mặc dù mới sinh ra và lớn lên trên đất Nam Lào được vài năm nhưng đơn vị đã cùng với quân và dân Hạ Lào tham gia nhiều chiến dịch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, bảo vệ được cuộc sống yên lành cho nhân dân để các cháu học sinh được cắp sách tới trường. Ông còn đặc biệt đánh giá cao tinh thần Quốc tế vô sản của các lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam trong việc đáp ứng yêu cầu tác chiến của phía bạn Lào, là "ưu tiên mở rộng vùng giải phóng, hạn chế tiêu diệt sinh lực địch". Lý do là vì nước Lào dân số ít, cho nên dù nay ở hai bên chiến tuyến thì vẫn cần đến họ để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.
Có một chi tiết tuy nhỏ nhưng đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Đó là một chiến sĩ trẻ, quê Ninh Bình mới được bổ sung vào Đại đội khi thấy ông đeo bên thắt lưng khẩu súng hơi khác lạ đã rụt rè ngỏ ý muốn biết rõ hơn về khẩu súng này. Bất ngờ ông không chỉ vui vẻ đáp ứng đề nghị của người chiến sĩ trẻ mà còn cho chúng tôi hiểu rõ hơn xuất xứ của một kỷ vật quý. Đó là sau khi tốt nghiệp Học viện M.V.Frunze ở Liên Xô và chuẩn bị lên đường về nước, lãnh đạo Học viện đã tặng ông khẩu súng để làm kỷ niệm và từ đó ông luôn mang theo bên mình kỷ vật quý giá đó.
TTƯT - BS Lê Lợi
CCB Sư đoàn bộ binh 968 Trường Sơn - Quân tình nguyện Nam Lào
Phó Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn