“Trường Sơn nhớ mãi một thời” - Tùy bút của Lê Trung Khiên

Ngày đăng: 09:46 09/04/2025 Lượt xem: 51
 
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
TRƯỜNG SƠN NHỚ MÃI MỘT THỜI
 Tùy bút – Lê Trung Khiên

        Trong các tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, đường 20 Quyết Thắng phía Tây là một trong tuyến đường vượt khẩu ác liệt nhất, với những trọng điểm được mệnh danh “ Tọa độ lửa”, “ Cửa tử”, “ xa mạc lửa” như: Bến phà Xuân Sơn, Trạ Ang, dốc Ba Thang, A Ky, Cà Roòng, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích ( A-T-P) v.v…  Con đường dài 125 km từ điểm đầu Phong Nha ( huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đến điểm cuối là Ngã ba Lùm Bùm nối với đường 128A ( nước bạn Lào). Từ khi mở đường 20 đã là một “ huyền thoại”, chỉ trong 3 tháng, sau tiếng nổ mìn phát lệnh ngày 01 tết năm Bính Ngọ 1966 với trên  một vạn Bộ đội, Thanh niên xung phong tham gia chủ yếu bằng  thủ công từ hai mũi “ trong ra”, “ ngoài vào” đã nối thông  tại biên giới km 68 vào ngày 01/4/1966. Sau ngày thông đường, Binh trạm 14 thành lập (ngày 06/4/1966) được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông đến km 82 đèo Phu La Nhích và vận tải giao hàng cho Binh trạm 32 phía trong. Sau Hiệp định Paris, Binh trạm 14 chuyển sang nhiệm vụ mở đường phục vụ giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Những cán bộ, chiến sỹ có mặt trên con đường này tự hào với những gì đã đóng góp cho tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.
        Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, trong niềm vui ngày non sông thu về một mối, những người lính của Binh trạm bộ 14 năm xưa trở về gặp nhau trong xúc động tự hào. Trời Hà Nội sáng nay trong tiết Thanh minh bổng mưa nặng hạt, có lẽ đây là “ nước mắt trời” thay cho những giọt lệ tưởng nhớ hơn 20 nghìn chiến sỹ đã hy sinh ở Trường Sơn, trong đó trên 2.500 người đã ngã xuống trên đường 20 Quyết Thắng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.  Nữa thế kỷ trôi qua, thời gian đủ để đất nước ta làm nên những kỳ tích trong công cuộc đổi mới; thời gian đó cũng đánh dấu hai phần ba đời người, hôm nay gặp lại ai còn, ai mất. Gặp nhau tay bắt, mặt mừng xen lẫn ngậm ngùi, xúc động dâng trào. Những mái đầu bạc trắng, nhiều người mắt mờ không kịp nhận ra động đội, có người đã phải chống gậy, song trên nét mặt ai cũng vui tươi, tràn ngập hạnh phúc … Trong số đó, tôi khắc sâu hình ảnh những người đã từng lăn lộn “ vào sống ra chết” cùng tôi trong bom đạn: Anh Nguyễn Văn Cận, tròn 90 tuổi, anh Phạm Ngọc Vũ, Nguyễn Trọng Lư, Lưu Minh Xuân … nguyên cán bộ Ban Cầu đường; các anh: Tuyến, Quảng Ban Chính trị; các cô Hải Yến, Thúy Vinh, Hồng Thắm, Minh Phúc… đã từng có mặt trên trọng điểm A-T-P,  sau này về Binh trạm bộ làm công tác hành chính; những anh, chị “ trẻ hơn” cũng đã thuộc lứa tuổi “ xưa nay hiếm”.  Ban Tham mưu vận chuyển của tôi không có ai góp mặt, các anh: Trần Thiết, Nguyễn Tuy nguyên Tham mưu trưởng, Nguyễn Văn Mạch, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Tiến Bội, Lương Cao Phồn, Phùng Văn Kiến, Phạm Quang Lịch … nguyên là Sỹ quan điều độ. Đến nay tuổi cao cả rồi có thể không đến được do sức khỏe, hoặc  có người đã đi xa, tôi nghĩ vậy.
      Không gian hội trường như lắng đọng khi nghe Đại tá Nguyễn Trọng Lư, trung tá Hồ Hữu Thược, Cô Từ Liên thay mặt Ban liên lạc ôn lại truyền thống Binh trạm. Một “sự kiện” làm mỗi người cảm động khi con gái của Binh trạm trưởng Hoàng Trá, cô Hoàng Thị Kim Thoa thay mặt gia đình nói lên cảm tưởng về bố. Ông đã đi xa, song hình ảnh Binh trạm trường vẫn in sâu trong những năm tháng trên đường 20 bom đạn. Một việc làm tri ân đồng đội tràn đầy ý nghĩa nhân văn khi con trai Liệt sỹ, Bác sĩ Nguyễn Lân nhận Kỷ niệm chương Trường Sơn thay bố ( ông hy sinh khi máy bay Mỹ đánh vào Trạm xá năm 1968). Với tôi là người đã đi chặng đường trọn vẹn từ ngày đầu thành lập Binh trạm đến lúc chấm dứt bom đạn, đã từng chứng kiến bao nhiêu sự kiện diễn ra trên tuyến đường này, trong ký ức nhớ lại hình ảnh những chiến sỹ đã mãi mãi ghi vào trang sử truyền thống đường Trường Sơn. Tôi nhắc lại kỷ niệm tháng 3 năm 1967, Binh trạm bộ đóng tại làng Cổ Giang bị bom đánh trúng vào ban đêm, hơn chục người hy sinh, trong đó có những nữ chiến sỹ tuổi còn trẻ.  Đọc bài thơ: “ Nhịp sống con đường” viết về sự hy sinh tại Trạ Ang khi các chiến sỹ kéo 30 phuy xăng vượt suối đã có 29 người hy sinh: “ Những người lính kéo xăng vượt cửa tử/ Bất chấp hiểm nguy bom đạn, nắng mưa/ Xăng chuyển qua hỏi em đã về chưa/ Nước suối Trạ Ang lẫn xăng và máu” và bài thơ: “ “ Những linh hồn trong trắng” về sự hy sinh bi hùng của 13 chiến sỹ tại “ hang 8 cô”:  “ Hôm nay các em không về nũa/ Sau trận bom Mỹ trút xuống buổi chiều/ Những phiến đá nghiệt oan lấp kín cửa/ Văng vẳng hang sâu tiếng các em kêu”.Còn biết bao những tấm gương đã “ sống chung” cùng bom đạn như: nữ anh hùng Liệt sỹ Nguyễn Thị Vân Liệu phá bom nổ chậm, anh hùng LLVTND lái máy ủi C100 Vũ Tiến Đề tại cua chữ A; chiến sỹ lái ca nô rà phá bom từ trường Võ Thế Chơn trên bến phà Xuân Sơn, trước khi lên ca nô xuất phát đã làm lễ “ truy điệu sống”; các chiến sỹ lái xe KhúcVăn Lượng, Kim Ngọc Quản vượt qua mưa bom, bão đạn và được tuyên dương anh hùng LLVTND; Binh trạm 14 và hàng chục đơn vị trên tuyến đường 20 sau này được tuyên dương danh hiệu anh hung LLVTND.  
      Những bài ca “đi cùng năm tháng” vang lên như đưa mỗi người trở về quá khứ xa xăm của thời lửa đạn do đội văn nghệ thuộc Hội Trường Sơn thành phố Hà Nội biểu diễn. Những lời ca, tiếng hát đã từng ngân vang trên các tuyến đường Trường Sơn, vẫn con người đó, vẫn bài hát đó, song hôm nay thật hào hùng, sống động và duyên dáng. “Đường Trương Sơn xe anh qua”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Đường tôi đi dài theo đất nước”…
       Anh Hồ Bá Thược thay mặt Ban Liên lạc Binh trạm 14 nói về kế hoạch gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Binh trạm (06/4/1966- 06/4/ 2026) vào năm sau; ai cũng vui mừng phấn khởi vào dịp đó sẽ đông đủ hơn và mong có sức khỏe để gặp lại đồng đội. Buổi liên hoan ẩm thực thật ấm cúng, mỗi người nâng cốc chúc mừng, chúc nhau trăm tuổi để có nhiều lần gặp nhau. Lúc chia tay ai cũng bịn rịn, nghẹn ngào trong lời chào tạm biệt./.


Đại tá Nguyễn Trọng Lư báo cáo truyền thống

.

Một số tiết mục trong chương trình Văn nghệ chào mừng (3 ảnh trên)


Hình ảnh lưu lại để mỗi người nhớ mãi...

Lê Trung Khiên
Chủ tịch Chi Hội VHNT Trường Sơn Thanh Hóa
tin tức liên quan