Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 471 Ở Phù Trường – Keng Nhang

Ngày đăng: 08:31 17/07/2025 Lượt xem: 47

Nhân Kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 Anh hùng (20/7/1971 - 20/7/2025)
 
SỞ CHỈ HUY BTL 471 Ở PHÙ TRƯỜNG- KENG NHANG
Nguyễn Hoàng (Nguyễn Kim Chúc) CCB F471

         
        Ngày 20-7-1971 bộ quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh (BTL) khu vực 471 trong đội hình của binh đoàn Trường Sơn 559. Các đơn vị trực thuộc BTL 471 gồm BT 35, BT36,BT38, BT44 , Trung đoàn 10 công binh… sau thành lập thêm BT46,BT47. Vận chuyển hàng theo tuyến dọc đường 128, đường 22, đường 24, đường 17 phía Bắc tiếp giáp với BT34- BTL 472, phía Nam tiếp giáp với BT37- BTL 470 cung cấp vũ khí đạn dược cho B2,B3. Vận chuyển hàng theo tuyến ngang theo đường B46 cung cấp hàng hóa cho trung trung bộ và Bắc Tây Nguyên. BTL 471 được giao quản lý 1 khu vực rộng lớn bao gồm cả Nam Lào, có những vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng như cao nguyên Bô Lô Ven; vùng đất đai màu mỡ của Nam Lào nằm trên trục đường 13 từ Tha Teng tới A Tô Pư. Các tuyến đường BTL 471 quản lý có tổng chiều dài hơn 2100 km.
          Việc xác định vị trí đặt sở chỉ huy với yêu cầu cao nhất là thuận tiện cho việc chỉ huy vận tải, bảo đảm an toàn, giữ vững liên lạc với cấp trên và thuận tiện cho cấp trên thị sát, kiểm tra giao nhiệm vụ.
          Những ngày đầu thành lập sở chỉ huy BTL 471 ở khu vực suối Nậm Hiêng, dân địa phương còn gọi là Sê Nọi gần bản Hạt Vi. Nậm Hiêng là 1 nhánh của sông Sê Kông. Sông Sê Kông chảy xuôi về hướng nam hợp lưu với sông Mê Kông ở đất Campuchia rồi chảy qua Nam Bộ chảy ra Biển Đông. Vùng Nậm Hiêng gồm những dãy đồi thấp rừng khộp, rừng le và rừng Xăng lẻ xơ xác về mùa khô và thiếu nước. Vùng này thuận lợi cho việc tiếp cận hậu cứ của các binh trạm. Song việc chỉ huy, đảm bảo hậu cần, đảm bảo an toàn cho cơ quan BTL khi được tăng cường quân số là khó. Nên đầu mùa khô 1972 sở chỉ huy được chuyển về khu vực Phù Trường- Keng Nhang nơi có nhánh đường kín đi qua . Đây là vùng rừng nguyên sinh nguồn nước phong phú. Phù trường là 1 dãy núi thấp có độ che phủ kín đáo của rừng già trải khắp từ Phù Kà Tè- Đông Saravan thấp dần sang phía đông -đông nam nơi có dòng sông Sê Kông và các tuyến đường 128,đường 22, đường kín chạy qua Phù Trường nối với đường kín 17 bò lên cao nguyên Bô Lô Ven chạy dài về phía nam qua Chăm pa saek …. Mới đầu sở chỉ huy ở phía Tây đường kín Phù Trường chỉ cách đường hơn trăm mét. Sau có dấu hiệu đường kín đã bị lộ và sau sự hi sinh của phó chính ủy Nguyễn Tam Anh bộ tư lệnh quyết định chuyển dịch vị trí sở chỉ huy.
          Ban tác chiến được giao tìm vị trí mới. Nghiên cứu kĩ trên bản đồ địa hình nhận thấy khu vực Phù Trường vẫn là nơi thích hợp nhất đặt sở chỉ huy, chỉ cần di chuyển sâu vào phía trong 1 chút là an toàn.
Đồng chí Nguyễn Chúc trợ lí tác chiến cùng 1 tiểu đội vệ binh tháp tùng đồng chí Cao Đôn Luân phó tư lệnh thị sát vị trí mới . Sau khi nghe báo cáo về địa hình, nguồn nước, vị trí đặt sở chỉ huy, vị trí các phòng ban bố trí phòng thủ. Đồng chí Cao Đôn Luân báo cáo bộ tư lệnh và bộ tư lệnh chấp thuận phương án di chuyển . Từ tháng 4-1972 cho đến khi ký kết hiệp định Pari sở chỉ huy của BTL khu vực 471 đứng chân an toàn ở đây.Từ sở chỉ huy Phù Trường nhiều cuộc họp bàn chủ trương lớn và những mệnh lệnh của các tướng lĩnh đã được ban bố và những chiến công vang dội của bộ đội 471 cũng được bắt nguồn từ đây.
          Cùng với việc xây dựng sở chỉ huy mới là phải thực hiện thực tốt nhiệm vụ mà tư lệnh 559 giao. Với ý chỉ và quyết tâm cao “ đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” . Lúc này đang là mùa khô, mùa khô đầu tiên các binh trạm 35,36,38,44,46,47… thuộc sự chỉ huy trực tiếp của BTL471.
          Chỉ trong 1 thời gian ngắn với sự nỗ lực vượt bậc của đại đội vệ binh sở chỉ huy Phù Trường đã hình thành. Trên 1 quả đổi thấp, chỉ cách đường kín khoảng 500m dưới tán rừng nguyên sinh xanh ngắt che phủ là cả một công trình kiên cố có các hầm trực chỉ huy, trực ban thông tin tác chiến,vận chuyển, công binh, kỹ thuật, quân y… được khoét sâu vào lòng núi có hào giao thông nối với nhau và nối thông với nhà giao ban nửa chím nửa nổi có thể tránh được các loạt bom đạn sát thương,
          Cũng nên nói kĩ hơn 1 chút về sở chỉ huy mà có người còn gọi là “ Tác chiến thất ở Phù Trường” . Đây là 1 công trình khá kiên cố. Từ lưng chừng đồi được đào 1 hào giao thông xuyên vào lòng núi người đi thoải mái, trần và vách hào được lát gỗ chắc chắn, phía trên được che chắn chống nước thấm.  Ở giữa là hầm trực chỉ huy ( Thường là các đồng trí trưởng phó ban tác chiến hành quân,vận chuyển, công binh… hàng ngày thay nhau đảm trách) . Từ hầm trực chỉ huy có các hầm hào nối với hầm trực ban: Thông tin tác chiến, trực ban vận chuyển, trực ban công binh… do các trợ lí thông tin ,tác chiến, vận chuyển,công binh… đảm trách.Hầm trực được thiết kế rộng rãi có bệ nằm có bàn để máy thông tin,có chỗ để đèn dầu ngày đêm leo lét cháy muội và khói đen xì.
          Hệ thống dây thông tin chằng chịt nối với tổng đài H10 được kết nối với các binh trạm các trung đoàn, tiểu đoàn thuộc BTL; được kết nối với đường dây tải 3 mà quen gọi là dây trần để có thể làm việc với BTL 559 và ngoài Hà Nội. Đây là 1 hệ thống quan trọng nhất dưới sự giám sát của trực ban thông tin mang mật danh 416 mọi cuộc đàm thoại, nắm tình hình, ra lệnh được diễn ra thông suốt được giải quyết tuần tự theo thứ tự yêu tiên đã được qui định từ trước. Các kĩ sư thông tin còn thiết kế cho tư lệnh 1 thiết bị để ông có thể bất kỳ lúc nào cũng có thể nghe được các máy từ sở chỉ huy đang đàm thoại. Các trợ lí trực rất quen thuộc với sự giám sát này đang đàm thoại thấy tai nghe hơi rồ, sột soạt là y như rằng tư lệnh đang nghe mình nói và tự nhủ phải cẩn thận. Có khi tư lệnh nói xen vào cuộc đàm thoại, phê bình hay chất vấn một vấn đề nào đấy. Những thời điểm căng thẳng địch đánh phá gây trở ngại nhiều là những đêm tư lệnh Nguyễn Lạn thường không ngủ, ông nghe và xử lí ngay bằng quyền của tư lệnh trưởng.
          Thời gian này trên toàn tuyến Tây Trường Sơn đã hình thành nhiều tuyến đường, nhiều đường tránh các trọng điểm, nhiều ngầm vượt sông. Hoạt động trên tuyến của ta có sự chỉ huy hợp đồng ăn ý giữa lực lượng công binh đảm bảo cầu đường với lực lượng cao xạ, mặt đất đánh địch đánh phá với lực lượng xe máy vận chuyển hàng và các lực lượng đảm bảo khác. Các đoàn xe nối nhau trở hàng ra tiền tuyến hòa đồng với tin vui quân ta thắng trận trên khắp các chiến trường miền Nam. Mỹ Ngụy thua đau trên các mặt trận. Chúng càng điên cuồng ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của ta và chúng đã gây cho chúng ta nhiều khó khăn, nhiều tổn thất.
          Trên tuyến BTL 471 phụ trách ngày và đêm không lúc nào ngớt tiếng máy bay gầm rú. Ban ngày bọn trinh sát OV10- loại trinh sát 2 thân, lính ta thường mỉa mai gọi là vọng bừa được cải tiến từ OV2 có nhiều tính năng ưu việt chuyên làm nhiệm vụ bay trinh sát, bắn đạn khói chỉ điểm mục tiêu cho lũ phản lực cắt bom, bắn phá, lại vừa có thể bắn đạn cối sát thương và phóng rocket hiệu quả rất cao. Những thiết bị hiện đại trên OV10 giúp bọn giặc lái tìm kiếm mục tiêu rất chính xác, tính cơ động cao và nhanh nhạy giúp bọn giặc lái đôi khi thoát thân 1 cách tài tình trước lưới lửa phòng không dày đặc của ta.
          Bọn trinh sát OV10 thường bay đơn đôi khi tăng hiệu quả chúng bay kép để lúc nào cũng quản lí được mục tiêu. Chúng thay nhau nhóm ngó suốt ngày. Ngoài OV10 chúng còn dùng các loại khác như L19, L20,OV2,RF4… quan sát xác định mục tiêu trực tiếp kết hợp với thả cây nhiệt đới thu tiếng động để xác định mục tiêu.
          Ban đêm bọn AC130 bay tuần tiễu dọc tuyến dùng hỏa lực tự có bắn phá các đoàn xe của ta. Chúng bay rất thấp dùng pháo 20 li nhiều nòng bắn như vãi đạn. Song vấp phải hỏa lực bắn chặn của ta chúng bay cao hơn dùng cỡ nòng 40 li,105 li bắn đạn nổ phá theo hướng dẫn của khí tài nhìn đêm tìm nhiệt gây cho ta nhiều thiệt hại.
          Cứ 7h30 hàng ngày nhà giao ban nửa chìm nửa nổi đủ chỗ ngồi cho hàng chục người- phía trên có bục sân khấu nhỏ treo tấm bản đồ địa hình tỉ lệ 1:100000 cao 4m rộng 3m lại đông đủ các thành phần BTL , các phòng tham mưu, chính trị, hậu cần và kíp trực ngồi theo thứ tự . Để có được tấm bản đồ này thượng sĩ Lê Hồng Quang nhân viên đồ bản thuộc ban tác chiến phải can vẽ từ nhiều mảnh bản đồ 1:100000 . Có mảnh được thể hiện đầy đủ địa hình do được đo vẽ bằng phương pháp hiện đại; có độ chính xác rất cao nhưng có nhiều bản chỉ được thể hiện mang tính mô phỏng địa hình. Do vậy việc hoàn thành bản đồ địa hình khu vực BTL471 quản lí thể hiện đầy đủ tuyến đường, bố trí lực lượng của ta , các địa danh, các trọng điểm là công phu và mất nhiều thời gian.Thể mà tuổi thọ của những tấm bản đồ này rất ngắn. Có khi chỉ chục ngày đã phải thay do ẩm mốc, bong rách.
          Cuộc đấu trí bắt đầu .
          Trực ban tác chiến báo cáo tình hình hoạt động của địch 24h qua. Những khu vực địch tập trung trinh sát trên không, đánh phá hình thành các trọng điểm được khoanh vùng trên bản đồ tác chiến. Hoạt động đánh phá ban đêm của địch gây thiệt hại cho ta ở đâu; khu vực nào địch dội B52; khu nào bị bom tọa độ của B57 thủ đoạn đánh phá của địch; dự đoán khả năng đánh phá ; hoạt động mặt đất: biệt kích,thám báo,nống lấn bằng quân bộ , hoạt động chỉ điểm ban đêm của địch… Sự bố trí lực lượng và hoạt động đánh trả của ta , tổn thất của ta và những việc cần giải quyết tiếp…
          Tư lệnh Nguyễn Lạn chăm chú lắng nghe. Bằng giọng Đô Lương nằng nặng ông thường cắt ngang, đưa ra những nhận xét đánh giá ngay và kèm theo những từ kết “bét” hoặc “ Kém kém” kéo dài nghe cũng bớt phần căng thẳng. Báo cáo tình hình hoạt động đánh phá của địch 24h qua , tổn thất của ta đều được BTL và các thành viên dự giao ban quan tâm.
          Các tham mưu phó phụ trách tác chiến hành quân bắt đầu xem xét. Thường tham mưu phó tác chiến Hoàng THọ Đống phụ trách phòng không bắt đầu lục vấn và đưa ra nhận xét đánh giá. Ông thường đưa ra những nhận xét đánh giá xác đáng về hoạt động không quân địch, thủ đoạn đánh phá, cách phòng tránh đánh trả của ta và dự đoán thủ đoạn mới của địch. Ông thường đưa ra những yêu cầu rất cao khiến các trợ lí trực ban có khi lúng túng . Chả thế mà tháng 4-1972 tư lệnh Nguyễn Lạn ra quyết định: Trưởng phó ban phải báo cáo tình hình. Lệnh ban ra phải chấp hành. Các trưởng phó ban tác chiến từ 3h sáng phải cùng trợ lí trực trong ngày nắm tình hình và chuẩn bị báo cáo giao ban. Nhưng thực tế hoạt động đánh phá của địch liên tục và nhất là khi bọn chúng phát hiên được mục tiêu. Vì vậy có lúc gần đến giờ giao ban, trực ban tác chiến vẫn chưa nắm xong tình hình . Các trưởng phó ban không thể nắm bắt kịp tình hình hoạt động của địch. Đồng nghĩa với việc không thể báo cáo trong giao ban. Qui định được bãi bỏ. Nhưng yêu cầu nắm chắc hoạt động của địch, phán đoán đúng âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch vẫn là yêu cầu cao nhất để BTL có quyết tâm đúng để “ Đánh địch mà đi” . Hoạt động của địch trong ngày phải trả lời chính xác các câu hỏi : “ Có gì mới, mật độ trinh sát, đánh phá; thủ đoạn trinh sát đánh phá, trọng điểm đánh phá, thời gian đánh phá…”
          Hệ thống đài quan sát trải dọc tuyến trên các điểm cao góp phần quan trọng giải đáp những ẩn số này. Các chiến sĩ trinh sát được tập huấn nghiệp vụ có tinh thần trách nhiệm cao thay nhau trực 24/24h ghi chép tỉ mỉ hoạt động của địch và báo cáo kịp thời về trực ban tác chiến.
Từ những phân tích đánh giá phán đoán âm mưu thủ đoạn đánh phá của địch trong hội nghị giao ban, tư lệnh quyết tâm sử dụng lực lượng trong ngày.
          Cơ quan tham mưu tác chiến hành quân ra những chỉ thị hành động. Bắt đầu từ việc tổ chức nắm chắc mọi hoạt động của địch; điều động lực lượng bộ binh lùng sục những khu vực khả nghi có hoạt động chỉ điểm; ra những mệnh lệnh điều chuyển bố trí lực lượng và tổ chức đánh địch, tổ chức nghi binh thu hỏa lực của địch.
          Các sĩ quan tác chiến và đội nghi binh thu hút bom đạn của Mỹ lại rời bản doanh. Lúc này vượt sông Sê Kông ở khu vực Bạc đã có 4 ngầm mà nhiều khi bom Mỹ vẫn gây tắc . Cần thu hút bom đạn của địch về phía ngầm 1 thượng lưu để các ngầm 2,3,4 sửa chữa thông xe. Đội nghi binh lại vác hình nộm: Giống hệt bộ đội công binh cầm cuốc cầm xẻng đặt ở những nơi trống trải dùng cây, bạt ngụy trang thành xe máy. Bọn trinh sát OV10 vè vè trên đầu lính ta cho nổ lượng nổ nhỏ, gây khói… tức thì lũ giặc trời vây tới bắn phá. Những chiến sĩ làm nhiệm vụ nghi binh thật quả cảm. Chiến sĩ Cúc- Đoan Hùng Phú Thọ vừa mới điểm hỏa xong lượng nổ nhỏ đã thấy chớp nhằng trên đầu; chỉ kịp lăn xuống rãnh Ta luy đã nghe bom bi nổ xung quanh, lăn tiếp mấy vòng nữa về được hầm chữ A chắc chắn hàng loạt bom phá đã trút xuống trọng điểm. Định thần lại nhìn xuống thấy chú bọ cạp giơ càng khiêu khích chỉ cách mũi giày gang tấc… Về sau công tác nghi binh thu hút bom đạn địch được nghiên cứu kĩ lưỡng, bài bản có tổ chức chặt chẽ và hiệu quả hơn nhiều. Thời kì AC 130 dùng khí tài tìm nhiệt, lính ta còn đốt nhiều đống lửa kiểu như ủ than bọn AC130 cứ nhè nơi nào phát nhiệt thì bắn. Ta cũng thu hút được vô số bom đạn Mỹ vào chỗ không người.
          Việc đảm bảo giao thông được công binh đảm nhiệm khá tốt. Mạng lưới barie được thiết lập: đủ chỗ cho công binh trực và điều tiết xe vào,xe ra nhất là qua các trọng điểm . Những trọng điểm địch đánh phá đều có lực lượng xe máy, xe phóng từ, lực lượng công binh rà phá bom nổ chậm. Tất cả các biện pháp ấy đều được sở chỉ huy BTL và các phòng ban tham mưu tính toán kỹ tới từng tình huống: tuyến sử dụng điều độ, cung đoạn chạy lấn sáng hoặc lấn chiều, cung dài hay cung ngắn, vị trí tập kết quay đầu xe, bố trí các trận địa cao xạ bảo vệ… đều tùy thuộc vào hoạt động đánh phá của địch. Các mệnh lệnh được ban bố chính là kết quả cuộc đấu trí giữa ta và địch, là trí tuệ của những cán bộ chỉ huy dày dặn kinh nghiệm trận mạc.
          Các phòng tham mưu tác chiến hành quân, tham mưu công binh, tham mưu vận chuyển căn cứ vào kết luận giao ban của BTL được triển khai quyết liệt nhanh nhất và chính xác. Các kíp trực ở sở chỉ huy truyền đạt các mệnh lệnh tới các binh trạm, các đơn vị trực thuộc và theo dõi việc thực hiện của các đơn vị. Các máy 417 trực ban tác chiến ; 418 trực ban công binh; 419 trực ban vận chuyển làm việc liên tục. cả khu vực sở chỉ huy ầm ĩ suốt ngày đêm . Sĩ quan trực bám máy không rời nhiệm sở ngày 4 bữa ăn có nhân viên phục vụ chu đáo . Vấn đề giữ sức khỏe cho kíp trực được đặt ra. Chiến sĩ nuôi quân Cao Thị Tị quê Sầm Sơn- Thanh Hóa được giao nhiệm vụ này.Cô không quản ngại khó khắn gian khổ lặn lội vào rừng sâu kiếm rau rừng, ngâm dã gạo làm bánh làm bún phục vụ kíp trực . Rừng nguyên sinh Phù Trường không 1 bóng người dân có chăng chỉ là biệt kích thám báo và lũ voi rừng quần thảo. Hành động dũng cảm của cô 1 mình 1 súng tìm kiếm rau rừng trong rừng rậm và sự cần mẫn của cô được mọi người nể phục. Tổng kết năm cô được bầu là chiến sĩ quyết thắng nhận huân chương chiến công hạng 3.
        Những ngày này cả khu vực Phù Trường người vào ra tấp nập. Cán bộ thuộc các binh trạm, các đơn vị được điều về cơ quan BTL ngày 1 đông . Và cũng từ đây qua rèn luyện thử thách, sáng lọc đã hình thành 1 lớp cán bộ đủ năng lực đảm bảo tốt các tương công tác từ công tác tham mưu, chính trị, hậu cần,huấn luyện,an dưỡng… Đó là thành công lớn của công tác cán bộ thời chiến tranh. Qua thực tiễn và yêu cầu phục vụ công tác chỉ huy, các kíp trực đã được hình thành hoạt động có hiệu quả . Ở những thời điểm địch đánh phá ác liệt có kíp trực phải trực tới 28 ngày đêm liên tục mới được thay thế.Có vất vả nhưng rất vui vì hoàn thành tốt nhiệm vụ.
          Đứng đầu cơ quan tác chiến hành quân là phó tư lệnh- tham mưu trưởng Phạm Lê Hoàng. Các tham mưu phó: Trịnh Liễu, Hoàng Thọ Đống, Mai Dương cùng các ban tác chiến , ban thông tin, ban quân lực, ban cơ yếu, ban quân giới, ban hành quân giao liên ban 5… với hàng trăm cán bộ chiến sĩ đóng quân bao quanh sở chỉ huy giữ an toàn cho cơ quan bộ tư lệnh. Cách không xa cơ quan tham mưu tác chiến hành quân là các khu vực đóng quân của cơ quan tham mưu vận chuyển, tham mưu công binh, cơ quan chính trị, cơ quan hậu cần.
          Cả khu vực Phù Trường- Keng Nhang khu rừng nguyên sinh chưa được khai phá che dấu cả 1 đội quân lớn làm nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo tác chiến đánh địch, vận chuyển hàng ra tiền tuyến nuôi dưỡng bộ đội. Ban đêm im ắng lạ chỉ còn những tiếng vọng âm vang trong lòng đất từ những máy điện thoại làm nốt những công việc còn tồn đọng trong ngày. Mặc cho bọn giặc trời quần thảo, tìm kiếm những đoàn xe ra trận để trút bom đạn; mặc cho ánh sáng đèn dù và chớp lửa của những màn đạn cao xạ 37 li, 57 li bắn đuổi bọn giặc trời . Cả cơ quan bộ tư lệnh vẫn chìm trong bóng tối, không một ánh đèn lọt ra. Nhưng bên trong lòng đất, từ những căn hầm chỉ huy,từ những máy lẻ của các đồng chí tư lênh,chính ủy,các đồng chí cán bộ tham mưu,chính trị hậu cần vẫn bám sát những vòng bánh xe lăn,từng làn đạn bắn trả, dõi theo tiếng súng báo hiệu trên đường: 3 phát tắc đường,2 phát cấp cứu,1 phát báo động… Cả kíp trực không ngủ, nhiều đêm tư lệnh,chính ủy,các đồng chí tham mưu,chính trị,hậu cần không ngủ để cùng các đoàn xe của ta vượt qua lửa đạn đưa hàng lên phía trước. Mỗi tấn hàng tới mặt trận,mỗi viên đạn tới tay các chiến sĩ đều có công sức trí tuệ của những người con ưu tú ở sở chỉ huy.
          Ban ngày không khí khác hẳn. Cán bộ chiến sĩ từ những căn nhà hầm bước ra làm nhiệm vụ. Người cầm sổ sách đi giao ban,người ba lô gọn gàng đi đơn vị,người mang túi gùi đi gùi gạo,thực phẩm về cho bếp… Chiến sĩ quân y túi thuốc căng phồng lại đi từng lán cấp thuốc cho những đồng chí ốm. Những tiếng nói nhẹ nhàng thân thuộc của các nữ quân y làm phấn chấn hẳn lên. Hầu như lán nào các cô cũng phải ngồi lại mở nhiệt kế, phát thuốc . Bác sĩ Lượng phụ trách quân y cơ quan nhận xét: “ Nam quân y đi kiểm tra quân số ốm đau tại trại bao giờ cũng xong sớm và phát ít thuốc hơn nữ quân y” . Xa nhà xa vợ con lâu ngày giờ có bóng phụ nữ, nghe được tiếng nói phụ nữ ở chiến trường là quá quí rồi. Trách chi chiếc nhiệt kế phải làm việc nhiều và những viên thuốc lẽ ra không cần phải có . Lán nữ quân y ban ngày hầu như lúc nào cũng có khác. Các em đều chưa chồng. Chả thế mà có hôm mấy vị cán bộ binh trạm tập kết ra Bắc chưa kịp lấy vợ lại về lại miền Nam chiến đấu ngay giờ ngấp nghé U50 vẫn chưa vợ được các đồng chí cán bộ chính trị dẫn tới lán các cô y sĩ chơi,nhưng thật chất là để xem xét xem có : “ Thuận lòng nàng hợp ý ta hay không” . Những cuộc viếng thăm như thế thường làm cho các em khó xử và nhiều khi bức xúc vì không được nghỉ trưa, không được chuẩn bị cho những sinh hoạt cá nhân mà chỉ nữ quân nhân mới có. Chính trị hiệp lí viên cơ quan lại phải làm việc. Rồi cũng quen dần với hờn dỗi ghen tuông, quen dần những cuộc hâm hâm dở dở tức cười mà cũng rất thân thương ấy.
          Ban ngày ở cơ quan chính trị thường ầm ĩ hơn cả. Tiếng đàn tiếng hát vang vang. Đội tuyên truyền văn hóa văn nghệ tập luyện chuẩn bị những tiết mục để phục vụ đơn vị. Hội trường lớn được xây dựng chuẩn bị cho những hội nghị lớn. Những lán ở và làm việc của các ban tuyên huấn,tổ chức,bảo vệ, chính sách,cán bộ… thường yên ắng.Các sĩ quan bám số sách làm việc một cách cần mẫn nghiêm túc . Có một nghịch lý là lẽ ra sách báo phải được phát ra từ cơ quan chính trị nhưng những bộ sách hay,sách quí lại được phát ra từ cơ quan hậu cần.Những tập như: “ Hoàng Lê thống nhất chí”, “ Chiến tranh và hòa bình” , “Sông Đông êm đềm” , “Nhớ lại và suy nghĩ” , “Bộ tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh”… đều được lấy ra từ những thùng thuốc quân y và dụng cụ y tế. Miền Bắc có sáng kiến sách gửi kèm thùng thuốc tất đến tay chiến sĩ và cơ quan hậu cần lại có nhiều sách quí cho mọi người mượn.
          Thời gian cứ trôi đi, mùa mưa năm 1972 đã đến. Chân hàng đã được tích lũy,chuẩn bị cho những ngày mưa gió. Không còn cảnh đói cơm lạt muối. Mùa mưa chính là mùa chỉnh quân, tổng kết rút kinh nghiệm để mua khô tới hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
          Sở chỉ huy BTL 471 ở khu vực Phù Trường- Keng Nhang làm tốt công tác phòng tránh. Mặc dù hàng ngày bọn giặc lái vẫn bay lượng lùng sục nhưng rừng già vẫn che kín hoạt động của quân ta. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ, hàng chục đoàn khách do những tướng lĩnh dẫn đầu tới làm việc giao nhiệm vụ cho BTL vẫn an toàn trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt. Không một trường hợp nào thương vong bởi bom đạn của kẻ thù.
          Mùa khô 1972-1973 đã tới. Từ sở chỉ huy Phù Trường mệnh lệnh lại được ban bố. Lực lượng ta đã lớn mạnh. Khu vực BTL 471 đảm trách có mật độ pháo cao xạ gấp 3 gấp 4 lần những năm trước. Bọn giặc trời bị bắn hạ . Ta có nhiều tuyến đường kín và cả đường sông chở hàng ban ngày ra mặt trận. Những binh đoàn lớn, những đoàn xe chở nặng binh khí kĩ thuật đi về phương Nam… Cùng mới 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, Mỹ Ngụy phải ký kết hiệp định Pari. Thực hiện đánh cho Mỹ cút mà Ngụy sắp nhào. Cả sở chỉ huy Phù Trường hò reo chiến thắng. Và địa danh Phù Trường- Keng Nhang đã đi vào lịch sử của BTL 471 binh đoàn Trường Sơn anh hùng.
                                                             
Hà Nội Tháng 11-2014                                                                
Nguyễn Hoàng (Nguyễn Kim Chúc)
CCB Sư đoàn 471
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 
tin tức liên quan