Hậu Phương - Truyện ký: Phạm Huy Liệu

Ngày đăng: 09:45 19/07/2025 Lượt xem: 4
HẬU PHƯƠNG

        Mới đó mà đã 6 năm quân ngũ. Lang thang hai năm chờ đợi ở đoàn an dưỡng 251 QK3. Đến 12/1970 về tỉnh đội Hải Hưng. Nơi đây tôi đã từng đặt chân đến và nhận quân trang ngày đầu nhập ngũ 29/11/1964. Chính thức làm lính, nhìn chung vẫn chưa có gì thay đổi. Vào quân lực gặp đại uý Trạm. Tôi nghiêm trang, giơ tay chào: 
          - Báo cáo thủ trưởng, em được điều về tỉnh đội ạ. Trưởng ban quân lực xem qua quyết định, rồi bảo:
           - Đồng chí lên tầng hai gặp Ban Binh chủng để nhận nhiệm vụ cụ thể… Tôi chào rồi leo lên tầng hai gặp Ban Binh chủng. Đại uý trưởng ban Vũ Văn Phụng bảo ra gặp đồng chí Tiệm phụ trách thông tin giao nhiệm vụ.
      Tôi được anh Nguyễn Tất Tiệm, trung uý, trợ lí thông tin nói qua về nhiệm vụ rồi bảo: 
     - Đồng chí theo tôi xuống gặp đài trưởng, rồi nhận bàn giao luôn. Có gì vướng mắc thì lên báo cáo ngay.
     Đài trưởng là thượng sĩ Trần Văn Chuyên. Nhập ngũ 1963, trước tôi một năm. Quê Nam Định. Hai anh em chuyện trò tâm sự một lúc. Rồi chuyển sang công việc bàn giao sổ sách, tài liệu, cùng bộ máy thu phát tín 102E. May ở đây có điện lưới, nên không phải dùng máy phát điện quay tay Raguno…
     Tôi cùng anh ký vào biên bản bàn giao xong. Liền hỏi:
     -  Anh chuyển ra cơ quan nào, ở đâu. Anh bảo:
     - Tôi ra làm đài làm trường 15w ở Bãi Cháy Quảng Ninh. Của đường ống xăng dầu tải về Hà Nội.
     Có một đài ở Lai Cách Hải Dương và đài ở Hà Nội. Thế là từ nay tôi chính thức làm đài trưởng đài 15w tỉnh đội Hải Hưng.
     Giờ ngồi bên máy lòng thấy xốn xao đến lạ. Đã hơn hai năm không gõ ma níp, nên thử gõ ma níp khô (tức là không phát ra tín hiệu tịch tà). Vì máy phát chưa cho hoạt động…
     Nghe chừng thấy cổ tay hơi cứng, có phần gượng gạo. Tập một lúc cũng quen dần. Còn phần thu báo, liền mở máy thu, tìm đài nào đang phát tín, thu thử, thì lạ thay, tín hiệu nghe thấy hết. Nhưng thu nước chẩy mà sao không kịp. Thế này thì gay go to rồi.
     Đành tranh thủ tập thu, cho trở lại bình thường. Mấy ngày sau nghe chừng cũng tạm ổn.
      Hôm ấy trời mưa có sấm. Cũng là phiên việc, QK3 có điện cho Hải Hưng. Khi đang thu điện thì bị nhiễu, vì có một đài gần đó phát tín. Làm tôi không thu được. Đợi đài trưởng mạng phát hết, tôi lên máy trả lời là đang bị nhiễu, yêu cầu chuyển dịch sóng ra khỏi vùng nhiễu sóng. Không những anh này không làm theo. Mà dở thái độ với tôi. Vẫn để nguyên sóng chỗ đó. Rồi múa ma níp với tốc độ trên trăm chữ phút…
      Cách xử sự của một chiến sĩ báo vụ như vậy là sai hoàn toàn. Nên tôi không thu điện nữa, mà cũng đang nhiễu, không thể thu tiếp được! Tôi liền đánh chữ tắt báo vụ: HR QRM QRS 80. (Nghĩa là: tôi đang bị nhiễm sóng, yêu cầu phát chậm lại 80 chữ phút). Anh ta lại tỏ thái độ không khiêm tốn, càng kiêu ngạo hơn.
     Thấy vậy nên tôi đã ghi chi tiết toàn bộ phiên việc chuẩn xác đến từng giây, cùng các tín hiệu sai quy ước của một báo vụ viên, cấm không được có thái độ như vậy!… Rồi viết một lá thư gửi ban thông tin QK3, cùng chi tiết nhật biên. Yêu cầu phải xử lý nghiêm báo vụ viên có thái độ và cách làm việc thiếu văn hoá đó. (vì anh ta lần đầu nghe thấy tín hiệu lạ của tôi, cho là lính mới nên trổ tài phát tín). Rồi đưa văn thư gửi theo đường công văn, lên Quân Khu Ba…
     Chắc các anh ở ban thông tin, khi nhận tờ trình có tên Phạm Huy Liệu, đoán biết tôi là học viên xuất sắc lớp báo vụ 1966 và lớp đài trưởng - 1968 của QK3. Nên đã chỉ đạo tổ đài nghiêm khắc kiểm điểm và rút kinh nghiệm cả tuần. Chủ yếu mổ xẻ thái độ làm việc và những chữ tắt không được dùng. Sau vụ này, đài trưởng mạng QK3 nhắn tin hỏi:
      - Ai mới về đài Hải Hưng mà gớm ghê quá!…
     Dù chưa có dịp lên Quân Khu ở thị xã Kiến An Hải Phòng. Nhưng tôi biết báo vụ viên đó thấy sai, nên mấy hôm sau lên máy rất khiêm tốn, mát tính. Còn khen làm việc nhanh tiến bộ thế.
     Khi ấy tổ đài có một báo vụ là Mai Văn Trâm quê Thái Bình. Nhập ngũ tháng 2/1964. Sau đó được bổ sung hai báo vụ mới là Nguyễn Đức Hiệp nhà ở ngay phố Phạm Ngũ Lão, thị xã Hải Dương và Nguyễn Văn Miến, quê An Đức, Ninh Giang. Như vậy tổ đài có bốn người. Thì trung sĩ báo vụ viên Mai Văn Trâm được điều đi phục vụ phái đoàn quân sự bốn bên…
      Ở tỉnh đội một thơi gian mới thấy quân số rất ít. Có Đại tá Lê Thừa Giao làm tỉnh đội trưởng. Đại tá Bùi Quang Tạo làm chính ủy. Thượng tá Nguyễn Thuận phó chính ủy. Trung Tá Nguyễn Cao Thắng tỉnh đội phó. Thiếu tá Phạm Bạt tham mưu trường. Như vậy cả tỉnh đội có 5 cấp tá. Còn lại hai chủ nhiệm  Chính Trị, chủ nhiệm Hậu Cần cũng toàn cấp uý trở xuống. Riêng thượng sĩ như tôi cũng chưa đến 20 người…
       Bộ phận nuôi quân có chị Nhẽ, người Bình Hàn, thị xã Hải Dương, đã trên 40 tuổi nhưng chưa có chồng. Người cao dáo, chỉ to xương lộ cốt nhưng cũng ưa nhìn, không đến nỗi… Chắc mặc cảm với số phận, nên rất khó tính. Nếu ai gọi bằng cô hay em thì rất thích. Còn anh nào gọi bằng bác thì ghét cay, ghét đắng, rồi thể hiện ra mặt ngay!… Tôi kém chị đến hai chục tuổi gọi bằng chị, nên không bị chị ghét như một số lính trẻ khác. Chị rất hay để ý, xoi mói, cằn nhằn bọn nó. Đặc biệt là ăn xong rửa bát đĩa, khi xếp vào giá để phải đặt úp cẩn thận. Đứa nào rửa qua loa còn bẩn chị mắng ngay…
       Chị cũng luôn để ý tôi khi rửa, nhưng tôi rửa khá cẩn thận. Rồi một hôm tôi rửa bát xong, đang úp vào giá để bát đĩa, thì chị đến gần tôi bảo:
       - Từ ngày chị về đây làm nuôi quân, đã hơn chục năm rồi, mới thấy chú là người đầu tiên rửa bát đĩa cả bên trong lẫn bên ngoài cẩn thận, sạch sẽ, mới xếp vào giá để bát đĩa đấy. Thì ra chị khó tính bởi có trách nhiệm. Cũng từ đó chị rất quý tôi. Khi nào tôi xuống chị hay phần cho tôi một miếng cháy, thời đó ăn sao mà ngon nhớ đời, (ngon hơn cả cơm cháy Ninh Bình ngày nay)! Vì chị biết bọn lính trẻ rất thích ăn cháy. (Nhưng toàn bộ cháy khi xúc hết cơm xong liền đổ nước vào ngay, để làm thức ăn cho đàn lợn của đơn vị. Nên không cho mọi người được ăn cháy… Giữa năm 1971, phòng thông tin tổ chức lớp tập huấn cho chủ nhiệm và trợ lý các tỉnh đội. Anh Tiện bảo tôi đi họp thay, vì anh mắc bận. Khi đến phòng thông tin QK3, toàn thấy hàm đại uý thượng uý… có mỗi mình tôi là thượng sỹ. Một anh hỏi:
     - Đồng chí tên gì, tỉnh nào?
     - Báo cáo: em là Phạm Huy Liệu, tỉnh đội Hải Hưng lên họp thay anh Tiệm ạ.
     Nói đến Phạm Huy Liệu, các anh à lên một tiếng. Vui vẻ bảo tôi ngồi nghỉ uống nước, rồi cùng lên hội trường.
     Một anh bàn gần chỗ tôi bảo:
     - Tiệm có bận gì đâu. Chắc lên đây ngại chúng tớ. Vì có biết gì về Vô Tuyến Điện đâu mà họp… cử chú đi thay là đúng rồi.
      Nói chung các anh ở ban thông tin rất quý tôi.
     Hết ba ngày tập huấn. Chuẩn bị chia tay các anh. Tôi đề nghị:
     - Bao cáo các anh: dưới Hải Hưng tổ đài muốn xin thêm mấy thứ có được không ạ?
     Một anh bảo: Chú cần gì cứ gặp thủ kho mà lấy.
     - Vâng ạ…
     Tôi theo thủ kho đi lấy mọi thứ. Nhìn kho đầy ắp, không thiếu thứ gì. Mừng quá, vội nhặt mấy xếp giấy thu báo bằng pô luya màu hồng, về viết thư thì tuyệt. Rồi sổ nhật biên sổ dịch tên sóng… Xếp một bọc đầy gác ba ga xe đạp.
     Thấy tôi xin được nhiều thứ quá. Mà đài của các tỉnh đều thiếu như tôi. Mấy người chạy vào phòng thông tin xin, thì được trả lời:
      - Hải Hưng đã gửi bản dự trù xin từ trước, giờ mới nhận mang về…
     Sau đó phòng thông tin tổ chức lớp tập huấn cho các đài trưởng trong toàn QK3 một tuần. Tôi có thời gian sang chơi đài trưởng mạng. Hỏi thăm thì đồng chí báo vụ đó đã chuyển xuống đơn vị. Mọi người trò chuyện vui vẻ. Đài trưởng là nữ, học báo vụ QK3 khoá (1965). Cô ấy bảo:
     - Đồng chí ấy không biết anh mới ở chiến trường về đài. Làm mọi người chúng em bị các thủ trường cạo cho một trận bê xê lết…
     Tổ đài được chuyển tới ở hành lang nhà hai tầng, của ban chỉ huy tỉnh đội. Nhà của Pháp xây, đầu thế kỷ 20. Xây tường bọc hiên dưới dọc nhà. Phía ngoài là hai cơ anh yếu ở. Phòng chúng tôi đặt máy thu phát trong cùng, rồi mấy giường đấu đầu nhau.
     Tháng 8/1971 trận lũ lịch sử lớn khủng khiếp. Nước dâng ngày càng cao. Những đoạn đê sông Thái Bình, đều mấp mé nước. Nguy cơ dễ vỡ đê trong gang tấc. Tỉnh đã huy động mọi lực lượng, kể cả bộ đội, công an… túc trực suốt ngày đêm. Bằng mọi giá giữ cho nước không được tràn qua mặt đê. Khắp cả vùng quê, trống ngũ liên cứ thùng thùng liên tục không nghỉ. Nỗi lo lắng vỡ đê bất cứ lúc nào. Không thể đoán được nơi nào đê sẽ bị vỡ!…
     Trời vẫn tầm tã mưa! Lúc ấy gần 5 giờ  chiều. Thì bỗng nghe thông báo: đê Nhất Trai, Cẩm Giàng vỡ!… Mọi người khẩn trương chuyển đồ dùng, lương thực lên trên cao. Tổ đài vội đưa máy thu phát tín lên tầng hai thì đã nghe tiếng réo ào ào của nước, từ đầu thị xã, ngay nhà máy sứ. Khi mọi người xuống chuyến thứ hai thì nước tràn chớm be giường rồi. Vội chuyển nốt chăn màn ba lô lên hiên tầng hai. Nơi các thủ trưởng tỉnh đội đang ở.
     Chỉ tiếng đồng hồ sau, thị xã Hải Dương đã mênh mông nước. Đi lại phải dùng thuyền. Người thì lấy vạc nấu cơm ngồi vào, rồi có người kết mấy cây chuối làm bè, hay lấy hai thùng phi ghép vào nhau, lấy sào đẩy đi cứ loạn cả lên. Nào mấy người đã bao giờ biết chèo lái đâu. Nên nhiều lúc cứ quay tròn đến buồn cười. Cốt là di chuyển được…
      Đường nhựa cổng tỉnh đội ngập sâu đến một mét. Đó đây ý ới tiếng gọi nhau cứ nháo nhào cả lên. May sao bờ đê phía Nam thị xã, ngay sau tỉnh đội, cao nên không bị vỡ. Như vậy là từ cầu Phú Lương đến cầu Cất vòng ra cảng cồng Câu vẫn an toàn. Thật quá hạnh phúc. Nhà cửa, cây cối, mọi thứ còn nguyên. Không phải chịu khổ như những khu vực đang bị ngập nước.
     Gia đình tôi ở cuối huyện Gia Lộc, cách thị  xã 19 km. Lũ cũng tràn về, toàn nhà tranh vách đất. Nên nước dâng làm đổ tưởng, rồi đổ nhà luôn. Gần như trên 80% bị đổ. Tôi xin phép về thăm nhà. May đi nhờ thuyền ra gần Phú Tảo. Lên đường đi bộ tiếp 15 km thì đến nhà. Mọi người trong xóm tôi đều chạy ra bờ đê 20. May cao không bị ngập.
     Nghe mọi người kể, hôm lũ tràn về. Các ao nuôi cá của hợp tác xã bị nước tràn ngập bờ.  Cá thấy nước chẩy ào ào, thì mừng quýnh cả lên. Vừa bơi, vừa nhẩy theo dòng nước. Cả làng thi nhau đuổi vồ cá cứ ỏm tỏi... Nhưng không có dụng cụ bắt cá như nơm, dậm… thì chẳng bắt nổi con nào. Vì chúng to và giẫy khỏe. Có người ngã dúi ngã nhào vì cá.
     Ngay giữa ngã tư trạm Bóng, khi nước tràn qua. Có người đặt vó đón lõng. Thấy cả đàn cá phóng ào ào vào vó. Vội cất vó lên. Cá nhẩy ào ào. Phải hạ thấp diềm vó xuống cho cá nhẩy bớt ra, chứ không sẽ rách tan vó như chơi…
     Rồi các trại chăn nuôi lợn cũng vậy. Nước dâng ngập chuồng. Chúng thi nhau phóng ra ngoài rồi bơi theo dòng nước. Các dân quân, các ông bà xã viên chăn nuôi, cứ gào mọi người chặn hộ đầu này, đầu kia, loạn xạ. Có những con to khỏe, không kịp vây bắt. Nên phóng theo dòng nước ra sông. Thì một lúc sẽ chìm, chẳng còn biết tăm tích đâu mà đưa về nữa. Hôm sau mới nổi, thì đã chết trương lên rồi.
     Gà thì cục ta cục tác inh ỏi. Lúc đầu còn đậu trên mái bếp mái nhà. Nhưng khi tưởng nhà đổ kéo nhà đổ theo mái rạ chìm dần. Chỉ còn chóp mái. Nước dâng cao trôi theo dòng nước . Nên nhà nào cũng phải nhanh tay bắt ngay. Nói chung cứ loạn hết cả vùng…
     Do đê 20 cao vượt lũ, nên dân xóm Trạn kịp ra nhận. Xếp cả đống, đủ mọi thứ như thóc gạo, giường chiếu, hòm xiểng. Nồi niêu bát đĩa… kịp thời nên không bị nước cuốn trôi.
     Bố mẹ tôi dựng tạm túp lều để chứa thóc gạo và đồ dùng của gia đình. Như vậy cũng tạm ổn. Còn bà xã về quê ngoại ở Nam Sách chơi nên không bị lũ.
     Một tháng sau nước mới rút. Lúa đồng thối nhũn. Nhà đổ la liệt hết. Vì đều là nhà tranh vách đất. Sau lũ không còn nhà ở. Bà xã về quê ngoại xin được mấy cây que. Dựng tạm túp lều rộng 4 mét vuông. Mái thì xin những mảnh giấy dầu rách, đụp lên làm mái. Bà xã bụng to, ì ạch, trộn đất đắp tường. Rồi lấy thân cây lau (mà quê tôi  gọi là cây sậy) dóc lá, cắm làm nhứng, trát vách, để có chỗ chui ra chui vào. Đủ cho bà bầu vài tháng nữa sinh đứa con đầu lòng...!

        Phạm Huy Liệu
Hội viên HVHNT Trường Sơn

tin tức liên quan