Nhân Kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 Anh hùng (20/7/1971 - 20/7/2025)
ĐÁNH CHIẾM BENG VIÊNG
Nguyễn Hoàng (Nguyễn Kim Chúc) CCB F471
.png)
Để thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước. Ta chủ trương nâng cấp tuyến đường Đông Trường Sơn - Từ Tân Kỳ (Nghệ An) về Chơn Thành (Bình Phước) dài 1200km. Với tiêu chuẩn cấp đường, xây dựng cấp bốn miền núi: Nền đường 9m, mặt đường 5.5m, cầu cống vĩnh cửu và bán vĩnh cửu; đảm bảo cho hành quân cơ giới, vận chuyển được cả hai mùa với tốc độ tối đa 60km/h. Nhận nhiệm vụ, các trung đoàn Công binh thuộc Bộ Tư lệnh khu vực (Sư đoàn) 471 Trường Sơn vô cùng lo lắng. Nhất là các đồng chí ở Trung đoàn 10 Công binh vừa mới mở xong đường tránh Đắk Pét dài 30km. Mặt đường đoạn này mới chỉ 4m, rất khó để mở rộng. Đường đã thông nhưng đi lại bằng cơ giới vẫn rất khó khăn. Nhưng cũng từ cung đường này mở ra cơ hội để bộ đội ta tiếp cận chi khu Đắk Pét - Nơi đồn trú của quân Ngụy. Căn cứ này của địch đã gây cho ta nhiều khó khăn và cả sự hi sinh của nhiều đồng chí ta.
Nhận thấy sự cần thiết phải nhổ căn cứ Đắk Pét của Ngụy. Nhằm mục đích giải phóng cho hơn 3000 dân đang bị o ép kìm kẹp và sử dụng chính đường 14 qua đây để thông tuyến Đông Trường Sơn. Bộ đội ta mở mặt trận giải phóng Đắk Pét…
Trước tháng 5 năm 1974, chi khu Đắk Pét với chính quyền cấp Quận của Ngụy ở phía Đông đường 14. Phía Tây đường 14 là nơi chiếm giữ của bọn Ngụy quân. Nhận rõ vị trí quan trọng của Đắk Pét trong việc giữ gìn an toàn cho vùng Bắc Tây Nguyên. Nên ngay từ năm 1916 thực dân Pháp đã lập đồn Đắk Pét. Đến năm 1956 chính quyền Diệm - Nhu thành lập chi khu Đắk Pét. Năm 1965 chúng dồn hết dân 11 làng thuộc các dân tộc Dẻ, Cơ Ho, Mơ Nông, Cơ Tu xung quanh Đắk Pét về lập các Ấp chiến lược. Năm 1966 Thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú tại đây, chúng đã mở rộng căn cứ; có sân bay đường băng dài 700m và các bãi đáp trực thăng. Tháng 11 năm 1970 Mỹ bàn giao lại cho Ngụy và bây giờ là nơi đồn trú của Tiểu đoàn 88 biệt động quân Biên phòng Ngụy.
Quân Giải phóng đã nhiều lần tấn công để giải phóng Đắk Pét. Nhưng chưa lần nào thành công. Về chủ quan ta cũng nhận thấy chưa đủ lực để giải phóng nó. Còn bọn Ngụy trong Đắk Pét dựa vào hệ thống cứ điểm trên những ngọn đồi thấp liên hoàn với hệ thống hầm ngầm, hào giao thông, những bãi chông mìn… Điều quan trọng nhất là chúng lập được vùng trắng mặc sức cho phi pháo oanh tạc. Nhiều đơn vị của ta vừa mới vào vị trí tập kết đã dính B52 đánh trúng đội hình. Bọn Ngụy tự đắc tuyên bố: “Nước sông Pô Kô chảy ngược Việt Cộng mới có thể vào được Đắk Pét”
Giờ thì khác rồi. Con đường tránh Đắk Pét từ Đắk Tùng đi Đắk Tả sẽ là con đường để xe tăng, pháo lớn của bộ đội ta tính sổ với nó. Việc lớn mà chúng tôi - Những cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn đợi chờ cũng đã đến. Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Đắk Pét do Đại tá Phú làm Tư lệnh và Đại tá Hiệp làm chính ủy được thành lập. Các đơn vị tham chiến gồm: Bộ binh, Công binh, Pháo binh, Pháo cao xạ, Tăng thiết giáp… đều được giao nhiệm vụ cụ thể. Hơn 10 cứ điểm, 12 tiền đồn trong căn cứ đều được điều nghiên kỹ càng, thận trọng và giao trực tiếp cho các đơn vị đảm nhận. Riêng điểm cao 910 - Beng Viêng - Tiền đồn xa căn cứ nhất được mặt trận giao cho Bộ Tư lệnh khu vực 471 chúng tôi - Nòng cốt là Đại đội 7 bộ binh đảm tránh đánh chiếm tiền đồn này.
Chúng tôi không hề xa lạ với chốt địch ở Beng Viêng. Gần một năm trước để bảo vệ cho Trung đoàn 10 Công binh thi công đường tránh Đắk Pét. Đại đội 7 bộ binh đã thiết lập trận địa bắn vào Beng Viêng với hỏa lực: Ba khẩu cối 82 li và hai khẩu 12 li 7 - đủ để đè bẹp Beng Viêng nếu chúng phá hoại công việc thi công đường tránh. Đường tránh của ta đi qua sườn đồi bên này thì đỉnh đồi Beng Viêng ở bên kia - chỉ cách nhau một đường phân thủy - trong tầm súng bắn thẳng. Rất may cả quá trình mở đường và sau này thông xe. Bọn chúng không có động tĩnh gì. Cho đến lúc này, nhận lệnh của mặt trận đánh chiếm Beng Viêng. Các trận địa hỏa lực của Đại đội 7 vẫn còn hiện diện và thừa cơ số đạn để khai hỏa.
Chính trị viên Nguyễn Chất Bí thư chi bộ triệu tập chi bộ, họp ra nghị quyết lãnh đạo. Đại đội trưởng Trần Lực báo cáo phương án tác chiến. Chi bộ nhanh chóng thông qua nghị quyết lãnh đạo. Cả Đại đội khẩn trương làm công tác chuẩn bị. Đánh chiếm Beng Viêng được mặt trận phê chuẩn là dùng hỏa lực cối 82 tập kích là chính. Do vậy ở trận địa cối 82 và 12 li 7 tấp nập hơn cả. Hàng trăm quả đạn cối, thùng đạn 12 li 7 được kiểm tra kỹ càng. Các khẩu đội trưởng đôn đốc pháo thủ kiểm tra thiết bị pháo, kiểm tra phần tử bắn. Nhắc nhở các đồng chí chuẩn bị đạn bắn thực hiện đúng lô liều đạn, thao tác thành thạo để có thể đáp ứng bắn cấp tập vào mục tiêu… Tất cả những công việc chuẩn bị này cả Đại đội đã nhiều lần luyện tập. Các phần tử bắn vào điểm cao 910 Beng Viêng do bọn Ngụy chiếm giữ đã được các pháo thủ số 1, số 2 và khẩu đội trưởng kiểm tra kỹ lưỡng. Các Trung đội bộ binh cũng đã vào vị trí xuất phát tiến công. Thông tin liên lạc đi các hướng đều thông suốt. Tất cả chờ lệnh tấn công từ Sở chỉ huy mặt trận.
17 giờ ngày 15 tháng 5 năm 1974: Lệnh từ Sở chỉ huy mặt trận cho bắn thứ pháo tầm xa vào Đắk Pét. Những chớp nhằng và sau đó là những tiếng nổ dậy đất bao trùm căn cứ địch… lệnh ngừng bắn. Cũng là lúc các đơn vị chiếm lĩnh vị trí, xe tăng vào vị trí xuất phát tiến công. Trận địa của Đại đội 7 bộ binh có phần căng thẳng theo dõi động tĩnh trên cao điểm Beng Viêng. Trên nét mặt của cán bộ chiến sĩ thể hiện rõ sự khát khao được cống hiến sức mình cho trận chiến. Màn đêm nhanh chóng buông xuống. Nhưng cả khu vực Đắk Pét - Nơi có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ quân Giải phóng tham gia trận đánh không ngủ. Các phân đội đã ở vị trí xuất phát tiến công. Đạn đã lên nòng chờ lệnh tiến công.
8 giờ sáng ngày 16 tháng 5 năm 1974. Từ trên cao nhìn rõ chi khu Đắk Pét. Ba phát pháo hiệu phát lệnh tấn công vút lên không trung. Lửa đạn trùm lên căn cứ giặc. Trận địa pháo 105 li của địch, cả hai khẩu đều trúng đạn hỏa lực của ta đổ gục. Rồi trận địa cối 106,7 li cũng câm nín. Trên chốt Beng Viêng đạn cối 82 li của Đại đội 7 trùm lên chốt địch. Cả ba khẩu đội nhịp nhàng và thận trọng thả những quả đạn chính xác lên chốt địch. Cả đỉnh đồi Beng Viêng nghiêng ngả theo những loạt đạn cối trùm lên theo từng loạt bắn.
Cả khu vực Đắk Pét rền vang tiếng đại bác của quân ta. Trên trời xuất hiện một tốp ba chiếc máy bay A37 của Ngụy. Chúng mới chỉ lượn vòng tìm mục tiêu bắn phá, đã bị lưới đạn 37 li của ta bao bọc lấy chúng. Một chiếc trúng đạn bốc cháy, lũ còn lại vọt lên cao cắt vội bom đạn rồi chuồn thẳng.
Ở khu vực chốt Beng Viêng. Sau một giờ bắn phá, hệ thống hầm hào đã bị phá hủy. Đại đội trưởng Trần Lực cho dừng bắn. Lệnh cho bộ đội chiếm chốt. Hai khẩu đội 12 li 7 sẵn sàng bắn chi viện cho bộ binh tiến công. Chừng nửa giờ sau, Đại đội phó Lê Hà báo về: Đại đội 7 Bộ binh Bộ Tư lệnh khu vực 471 đã làm chủ chốt Beng Viêng hoàn thành nhiệm vụ mặt trận giao.
Từ điểm cao gần 910 Beng Viêng vừa chiếm được, chúng tôi theo dõi được trận chiến giải phóng Đắk Pét. Trời quang mây tạnh chi khi Đắk Pét nằm gọn trong tầm quan sát. Pháo lớn ngừng bắn. Đã thấy những lá cờ trắng giơ cao trên cứ điểm địch. Xe tăng T54 của ta từ hướng Bắc theo bờ Tây sông Pơ Kô xộc thẳng vào Sở chỉ huy của Tiểu đoàn 88 biệt động quân Ngụy. Quân ta làm chủ Đắk Pét. Hơn 3000 dân trong các ấp chiến lược nổi dậy, dắt díu nhau về bản làng cũ. Bọn Ngụy quân, Ngụy quyền trong căn cứ buông súng đầu hàng quân Giải phóng…
Đắk Pét được giải phóng. Tôi trợ lý tác chiến theo chân Trung tá Đỗ Hữu Tần - Tham mưu phó tác chiến hành quân; Thiếu tá Hồ Mại - Trưởng ban bảo vệ Bộ Tư lệnh khu vực 471 cùng cán bộ các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần vào Đắt Pét lập Sở chỉ huy tiền phương. Đại đội 7 Bộ binh được lệnh vào trung tâm Đắk Pét lập trận địa chốt giữ, cùng với Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 li của Trung đoàn 545 sẵn sàng đánh địch tái chiếm. Trung đoàn 10 Công binh khai thông đường 14 qua Đắk Pét và làm sạch bom mìn vật liệu nổ tuyến Đông Trường Sơn qua đây. Từng đoàn xe hối hả theo đường 14 về Nam. Các Trung đoàn đường ống xăng dầu, Trung đoàn thông tin Trường Sơn mở tuyến qua Đắk Pét thông tuyến về Nam. Tất cả cho nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nguyễn Kim Chúc
BTV Trang TT&BT Trường Sơn
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)