Cháy ngọn lửa - Nơi “Một thời không thể nào quên” – Phạm Sinh

Ngày đăng: 09:02 24/07/2025 Lượt xem: 267
---------------------
CHÁY NGỌN LỬA - NƠI MỘT THỜI KHÔNG THỂ NÀO QUÊN
 
       Thành lập ngày 20 tháng 7 năm 1971 trên cơ sở thu nạp một số đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt trong đội hình các đơn vị trên chiến trường Trường Sơn. Sau tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 03 tháng 6 năm 1976 Sư đoàn 471 đã vinh dự được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam) trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Đây được coi là một trong số hiếm hoi – một đơn vị mới chỉ thành lập với khoảng thời gian ngắn (chưa đầy 5 năm) đã trở thành một đơn vị Anh hùng. Bên cạnh việc cả một tập thể Sư đoàn được đón nhận danh hiệu cao quý này – Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Sư đoàn 471 còn có 12 đơn vị trực thuộc và 07 cá nhân vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
       Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua gần một năm tổ chức và ổn định lại lực lượng, tháng 3 năm 1976 Sư đoàn 471 chuyển thành Sư đoàn làm kinh tế Lâm nghiệp trực thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng. Nơi đứng chân mới của Sư đoàn là huyện Đăk Nông, tỉnh Đăk Lăk với một thời gian dài (trên 5 năm 1976-1981) Sư đoàn vừa đảm nhận nhiệm vụ chính – Làm Lâm nghiệp, vừa kết hợp truy quét, tiêu diệt bọn tàn quân FULRO đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội và cuộc sống yên bình cho đồng bào các dân tộc nơi địa bàn đóng quân, cùng với đó Sư đoàn còn tham gia trực tiếp làm nhiệm vụ Bảo vệ Biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
       Trên 5 năm gắn bó với vùng đất Tây Nguyên - Đăk Nông rồi Buôn Hồ tỉnh Đăk Lăk. Với một quãng thời gian không gọi là dài. Làm nhiệm vụ trong hoàn cảnh thời bình nhưng Thực tế với hàng ngàn cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 471 ngày ấy, sự gian khổ và hy sinh của họ không khác nhiều so với những năm tháng chiến tranh – Họ cũng nếm trải đầy khó khăn gian khổ, cũng đói cơm, cũng thiếu muối, cũng sốt rét rụng cả tóc đầu, cũng ngủ rừng, cũng ùng oàng tiếng súng… mặc dù về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của Sư đoàn có nhiều biến động, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Sư đoàn vẫn hoàn thành xứ mạng lịch sử một cách vẻ vang. Và Truyền thống Sư đoàn anh hùng trên đại ngàn Trường Sơn vẫn được các thế hệ cán bộ chiến sỹ Sư đoàn phát huy và tỏa sáng. Nghĩa tình đồng đội ngày thêm keo sơn; tình cảm quân dân ngày thêm gắn bó. Để rồi cho tới hôm nay đã trải qua gần nửa thế kỷ nhưng tất cả những gì kể trên luôn canh cánh trong lòng và không bao giờ lãng quên trong dòng ký ức đẹp về một thời Tây Nguyên của mỗi cán bộ chiến sỹ Sư đoàn.
       Ghi nhận thành tích mà cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 471 đạt được trong thời kỳ Sư đoàn đứng chân làm nhiệm vụ ở Tây Nguyên (Trước khi Sư đoàn chuyển sang làm nhiệm vụ Quốc tế - Chiến đấu và phục vụ chiến đấu giúp nước bạn Cam Pu Chia). Nhà nước CH XHCN Việt Nam đã trao tặng Sư đoàn 471 Huân chương Lao động hạng ba.
       Yêu Đăk Nông, yêu Buôn Hồ - Đăk Lăk và yêu Tây Nguyên. Trong đội ngũ cán bộ chiến sỹ của Sư đoàn 471 có tới trên một ngàn anh chị em sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong Quân đội họ đã dũng cảm tự nguyện ở lại xây dựng mảnh đất này và Tây Nguyên đã trở thành quê hương thứ hai của họ. Họ là những người từng góp phần “làm xanh lại một vùng Tây Nguyên”… Thật đúng vậy – Về Đăk Nông, về Buôn Hồ - Đăk Lăk hôm nay cái nhìn đầu tiên chúng ta thấy đó là những miệt rừng cây xanh ngát, phần không nhỏ nó là thành quả lao động của những người lính Sư đoàn 471 từ gần nửa thế kỷ trước. Và đây nữa sự đổi thay đến không tưởng của bức tranh toàn cảnh nơi này cũng phải khẳng định rằng có sự đóng góp không nhỏ của những người lính Sư đoàn mà ngày ấy họ đã dũng cảm tự nguyện ở lại xây dựng mảnh đất này… Chúng ta trân trọng và ghi nhận điều vinh quang ấy. Minh chứng cho lập luận này – chúng ta có thể dẫn một câu trong bài phát biểu chúc mừng của đồng chí Đỗ Tấn Sương, Tỉnh Ủy viên, Phó Bí thư thành Ủy, Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa tại Lễ Kỷ niệm 51 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 anh hùng và 46 năm ngày Sư đoàn chuyển sang làm kinh tế Lâm nghiệp tại Gia Nghĩa tỉnh Đăk Nông do Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471 miền Trung Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đăk Nông ngày 16 tháng 10 năm 2022. Đồng chí Đỗ Tấn Sương nói: “ Sư đoàn 471 có rất nhiều đóng góp cho địa phương… Sư đoàn được coi là “người” đặt viên gạch đầu tiên để Gia Nghĩa và Đăk Nông có được diện mạo như ngày hôm nay…”. 
       Hôm nay Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471 Miền Trung Tây Nguyên – Một tổ chức của những người đang sống nơi quê hương thứ hai này long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh và tròn 54 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 Anh hùng tại Buôn Hồ - Đăk Lăk. Kịch bản của chương trình Lễ kỷ niệm có sự phối hợp của Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471 TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông, Tây Nam bộ, từ sáng kiến của 2 đồng chí Nguyễn Văn Thiệu và Bùi Thị Lụa. Một “Tua hành quân” thăm chiến trường xưa với điểm xuất phát là TP Hồ Chí Minh và điểm đến là Buôn Hồ - Đăk Lăk đã được hình thành. Tham gia “Tua hành quân” có trên 200 hội viên, trong đó có tới 150 hội viện đến từ các tỉnh phía Bắc họ chẳng ngại dặm trường đã di chuyển vào TP Hồ Chí minh để tham dự “Tua hành quân”... Điểm dừng chân đầu tiên (ngày 19-7) của “Tua hành quân” là Nhà hàng Sài Gòn 6 tại số 346, đường Phạm Ngọc Thạch, Khu phố 7, phường Phú Lợi, TP Hồ Chí Minh (Cơ sở của gia đình cặp hội viên Vũ Ngọc Toản và Bùi Thị Lụa). Tại đây với sự hỗ trợ nhiệt tình của gia đình hội viên Vũ Ngọc Toản – Một chương trình giao lưu Văn Nghệ hoành tráng đầy bản sắc Trường Sơn được diễn ra, cùng với đó là bữa tiệc – bữa cơm ấm áp nghĩa tình đồng đội được Nhà hàng Sài Gòn 6 tổ chức chu đáo.

 

Giao lưu Văn nghệ nơi chặng 1 – Tại Bình Dương của đoàn Ban LL TS
Sư đoàn 471 TP Hồ Chí Minh và một số đoàn đến từ các tỉnh phía Bắc (2 ảnh trên)

(Ảnh: Lê Hồng Huân)
       Điểm dừng chân thứ hai (ngày 20-7) của “Tua hành quân” là Gia Nghĩa, Đăk Nông – Nơi Sư đoàn 471 đứng chân 5 năm liền thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng… Tại đây diễn ra một sự kiện lớn và đầy ý nghĩa – Một cuộc Lửa trại khéo dài suốt 3 giờ đồng hồ, tham dự cuộc Lửa trại này, ngoài trên 200 hội viên Trường Sơn Sư đoàn 471 còn có sự hiện diện của đồng chí Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471 toàn quốc. Đặc biệt có sự hiện diện của lãnh đạo Đảng, Chính quyền và các Ban ngành đoàn thể địa phương; có tiết mục biểu diễn Cồng Chiêng, uống rượu cần và tái hiện hình ảnh “Gạo giã chày đôi” của đồng bào Dân tộc thiểu số trên địa bàn với sự tham gia của 12 Thanh niên (6 nam, 6 nữ) theo sự điều hành của vị Trưởng bản. Một chương trình tái hiện nét văn hóa đậm đà bản sắc Dân tộc Tây Nguyên, tái hiện sự gắn kết thắm tình quân dân như ngày nào cách đây gần nửa thế kỷ khi Sư đoàn 471 đứng chân trên mảnh đất này. Cũng tại đây, một chương trình giao lưu Văn nghệ quân dân với những bài ca, điệu múa nói về Trường Sơn, về người lính và nói về mảnh đất Tây Nguyên một thời đạn bom đầy nắng gió năm xưa và cuộc sống thanh bình ngày nay. 
       Hình ảnh bên đốm Lửa trại mang bóng hình “ngọn lửa Cao Nguyên” và xung quanh nó là sự quây quần của hàng chục nam nữ mang sắc phục áo lính cùng với các đại biểu địa phương và ông Trưởng bản dẫn dắt tốp Thanh niêm bản – Tất cả đã tạo thành một vòng tròn “nối vòng tay lớn”… Ý nghĩa vô cùng và đẹp đến vô cùng từ hình ảnh này – Cảm nhận về “cái ý nghĩa” và “cái đẹp” ấy đã mang đến cho một hội viên ẩn danh đến từ phương Bắc cảm xúc để ngay tại cuộc Lửa trại này anh họa một áng thơ mang tựa đề “Hát cùng em gái Tây Nguyên”:
 
Hát cùng em, cô gái Ê Đê
Lửa bập bùng tiếng cồng chiêng náo nức
Rượu cần say hay tình em rạo rực
Gió Cao nguyên mang tiếng hát bay xa
 
Hát cho lúa nương, bắp rẫy trổ hoa
Bạt ngàn Cà phê mùa về chín đỏ
Ngày ấy rời xa anh mang nỗi nhớ
Mảnh đất nơi em thân thiện hiền hoà
 
Mảnh đất một thời những người lính xông pha
Mở những đường cầy cho mùa hoa kết trái
Chắc súng ngăn thù cho Bản làng yên mãi
Tình nghĩa quân dân như thể một nhà…
 
Nay rực đỏ rồi ngọn lửa bên ta
Những thiếu nữ váy áo đen, môi thắm
Những đốm sao trời lung linh say đắm
Núi rừng ơi, huyền bí – chốn bình yên
 
Để một đời anh da diết mãi - Tây Nguyên…




 
Một số hình ảnh trong Chương trình Lửa trại của đoàn Ban LL TS Sư đoàn 471 TP Hồ Chí Minh
và một số đoàn đến từ các tỉnh phía Bắc được tổ chức tại Gia Nghĩa – Đăk Nông (cũ) (5 ảnh trên)
 (Ảnh: Lê Hồng Huân)
         Kéo dài đã quá 3 giờ đồng hồ nhưng cuộc Lửa trại hình như không thể sớm đến đoạn kết. Cái âm ngân của giai điệu Cồng chiêng; tiếng thậm thình của nhịp “chày đôi giã gạo” cùng với những điệu múa, những lời ca quyện trong hương men tỏa ra từ những chóe rượu cần và cái ấm áp từ đốm lửa Trại giữa làn mưa rắc nhẹ chiều Tây Nguyên đã làm cho những cái nắm tay trong vòng tay lớn xiết chặt hơn và cũng khó buông hơn… Thế nhưng cái quy luật không thể cưỡng ắt đến – “Cuộc vui nào cũng đến hồi kết” cùng với đó chặng đường của “Tua hành quân” đến với sự kiện đặc biệt tại Buôn Hồ cũng sát thời gian... Trong phút giây chia tay rộ lên bao lời hẹn nhưng có lẽ trên cả cái “rộ lên” là lời hẹn của những bàn tay vừa mới buông ra nơi “Một thời không thể nào quên” này…
 
Phạm Sinh

 
tin tức liên quan