Tản mạn Nghĩa trang Hàng Dương.

Ngày đăng: 06:08 24/07/2017 Lượt xem: 2.923
    Tản mạn chuyện xây dựng Nghĩa trang Hàng Dương.
  
                                                                  Vũ Trình Tường
                                             Viết nhân 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ
 
    Cuối năm 1994, Xí nghiệp xây dựng 4 (Do tôi làm giám đốc) thuộc Viện Khảo sát thiết kế, sau khi hoàn thành xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ A1, lại được Bộ lao động TBXH giao thi công tiếp Nghĩa trang Hàng Dương. Công trình ở xa đất liền gần 100 hải lý, mọi vật tư xây dựng đều phải chở từ đất liền ra đảo. Trong quá trình xây dựng Nghĩa trang đã có nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện mà đến nay tôi vẫn không thể nào quên, nhân dịp 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, tôi chia sẻ một số chuyện tiêu biểu nhất.
 


Đài tưởng niệm trước và sau khi tôn tạo
 
 
   1- Những ngôi mộ lộn xộn
 
      Thông thường, các ngôi mộ trong nghĩa trang khi tôn tạo đều sắp xếp theo hàng thẳng ngang - dọc. Nhưng ở Hàng Dương ý đồ thiết kế quy hoạch không giống ở đâu: Các ngôi mộ cũ nằm lộn xộn ở đâu xây lại đúng vị trí và theo hướng cũ. Những bộ hài cốt mới phát hiện cũng theo nguyên tắc đó. Thực tế số hài cốt phát hiện trong quá trình xây dựng còn nhiều hơn cả số mộ có sẵn. Thậm chí sau một ngày gió chướng, cát bay đi  lộ ra hàng chục bộ hài cốt. Các hài cốt tìm thấy không thể phân chia chính xác từng bộ thì xây dựng chung thành mộ đôi, mộ ba, mộ năm… (gọi là các ngôi mộ tập thể).
 
 
    Hình dạng các ngôi mộ cũng không cần xây vuông vức mà chỉ xây thô bằng đá, gần như một đống đá đổ trên mộ. Trên đầu mỗi mộ có một “trụ bia” bằng bê tông, đầu trụ bia có gắn một khối đá Granít màu đỏ, trên đó khắc tên (nếu xác định được tên) và một ngôi sao. Ban đầu các ngôi sao đúc bằng đồng, nhưng chỉ một thời gian ngắn bị gió mặn làm cho rỉ xanh, phải gỡ bỏ. Qua nhiều lần thay đổi chất liệu, cuối cùng các ngôi sao bằng sứ màu vàng được sử dụng như hiện nay.
     Với ý đồ thiết kế quy hoạch như vậy, các khu mộ trông rất lộn xộn, xung quanh mộ vẫn là cát như khi chưa nâng cấp.
Trong Nghĩa trang tất cả có 25 ngôi mộ tập thể. Phần lớn các mộ đều xác định được danh tính.
Riêng các mộ chuyển từ đảo Hòn Cau, khu Hàng Keo về là được quy hoạch thành lô, thành hàng phía sau Bia tưởng niệm Trung tâm.
 
  2-  Những ngôi mộ Anh hùng.
 
 Trong Nghĩa trang chỉ có năm ngôi mộ đặc biệt, được thiết kế tôn tạo riêng :

 - Mộ Nguyễn An Ninh (1900-1943) là nhà cách mạng ở đầu thế kỷ 20 - một Chí sĩ yêu nước bị Pháp bắt tù và bị chết ở đây. Mộ nằm ở Khu A ( lớp mộ trước năm 1945). Trước khi nâng cấp, ngôi mộ đã được xây khá đẹp bằng gạch vữa. Khi tôn tạo giữ nguyên hình dáng bia mộ cũ với dòng chữ " Liệt sĩ chi mộ), tôn tạo tường rào, sân mộ, cảnh quan xung quanh.

             
 
        

Mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh trước và sau tôn tạo
 
 
-Mộ Ủy viên Quốc tế Cộng sản Lê Hồng Phong nằm xa nhất thuộc khu A. Trước khi nâng cấp mộ đã được xây bằng gạch có bia bằng xi măng. Khi tôn tạo, xây dựng mới hoàn toàn từ thân mộ ốp bằng đá Granít, bia mộ, sân, hàng rào.

                 

   Mộ Lê Hồng Phong trước và sau tôn tạo
 
          

                                                       
-Mộ Anh hùng Cao Văn Ngọc (1897-1962; biệt danh “ ông già chuồng cọp”) nằm ở khu B  (đa số mộ từ 1945-1960) được tôn tạo xây dựng bổ sung năm 1999 sau khi  đươc truy tặng Anh hùng ngày 16/12/1998.
                                                                                                                     
 
-Mộ Anh hùng  Lê Văn Việt (1937-1966).  Lê Văn Việt là một biệt động Sài gòn bị bắt khi tấn công Đại sứ quán Mỹ 1965, đày ra Côn Đảo và hy sinh tại đây. Lê Văn Việt được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT ngày 20/12/1994). Trước khi tôn tạo đã được xây đơn sơ và có bia mộ mang tên Nguyễn Văn Hai. Khi Lê Văn Việt được truy tặng Danh hiệu AH, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị được tôn tạo, nhưng Ban QL Công trình không đồng ý mà chỉ xây dựng theo mẫu của Thiết kế đã được duyệt.

      
Mộ Anh hùng Lê Văn Việt

-Mộ chị Võ Thị Sáu có nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện đáng kể, xin tách thành một chuyên mục riêng.
 
3-Ngôi Mộ linh thiêng nhất Nghĩa trang, mộ Võ Thị Sáu

      Chị Võ Thị Sáu (1933-1952 tham gia vào các hoạt động bí mật ở địa phương từ năm 12 tuổi. Năm 1950, Võ Thị Sáu bị địch bắt.. Tòa án Binh của Pháp kết án tử hình chị vào tháng 4 năm 1951, dù chị lúc này mới 16 tuổi. Chị bị lén lút xử bắn vào 7 giờ sáng ngày 13 thắng 01 năm 1952, tại Côn Đảo. Bọn cai ngục lấp xác chị trong bãi cát ở Hàng Dương.

Truyền thuyết cũ:

      Do "cảm phục" Võ Thị Sáu, ngay tối hôm 23/1, kíp tù làm thợ hồ ở khám 2, banh I đã tìm cách đúc một tấm bia bằng ximăng đề rõ họ tên, quê quán, ngày chết đặt ở đầu mộ. Sáng hôm sau hay tin, sĩ quan chỉ huy ngục Côn Đảo là Jarty đích thân dẫn lính đến đập nát tấm bia, san bằng ngôi mộ. Nhưng những người còn đi làm khổ sai vẫn lén giấu từng nhúm xi măng để dựng lại bia, đắp lại mộ Võ Thị Sáu.
      Năm 1960, Tăng Tư  ra Côn Đảo nhận chức Phó tỉnh trưởng Côn Đảo, vợ ông này đang mắc bệnh nan y. Nghe chuyện về Võ Thị Sáu, ông này âm thầm lập bàn thờ Võ Thị Sáu trong nhà. Năm 1964, Tăng Tư lên chức Tỉnh trưởng, bà vợ khỏi bệnh. Vợ chồng Tăng Tư liền làm lễ tạ và gieo quẻ xin phép được trùng tu ngôi mộ của Sáu. Rồi vợ Tăng Tư về ngay Chợ Lớn đặt tấm bia có khắc rõ là: “Liệt nữ Võ Thị Sáu sinh năm 1933 tại Bà Rịa, mất ngày 23/1/1952”và tổ chức buổi lễ long trọng đặt bia trên mộ Chị. Bia cũ do những người thợ hồ đúc vẫn để nguyên.
      Truyền thuyết lan truyền rằng: “Cô Sáu rất linh thiêng, không ai có thể đập phá được mộ của cô”, và những ai trực tiếp chỉ huy phá mộ thì vài hôm sau đã chết “bất đắc kỳ tử”, hoặc khùng khùng điên điên. Cũng từ đây, người trên đảo khi nhắc tới điều gì đều không thề: “Có trời đất quỷ thần”, mà thề: “Có cô Sáu chứng giám”.
       Truyền thuyết tương tự còn nhiều với những tên tuổi nhân vật cụ thể.


Và câu chuyện của chúng tôi.
 
       Khi tôn tạo mộ Chị  sẽ phải đập bỏ phần vỏ mộ được Chúa đảo Tăng Tư xây dựng từ năm 1964 để xây vỏ mộ mới. Chúng tôi cũng sẽ phải “động” đến mộ Chị. Liệu những truyền thuyết kia có ứng nghiệm với chúng tôi không ?
     Trước khi động thổ, chúng tôi cũng thắp hương báo cáo với Chị :  “Xin phép Chị cho chúng tôi xây lại Chị một ngôi nhà mới khang trang hơn. Mong Chị phù hộ cho chúng tôi”
     Nhóm thợ xây dựng cũng chọn người thợ cao niên nhất đùng búa đập mộ cũ. Tất cả chúng tôi nín thở chờ đợi nhưng không thấy việc gì xảy ra. Việc xây dựng diễn ra thuận lợi. Mặt mộ được ốp bằng một tấm đá Granit đỏ, phía sau Mộ có một chiếc gương đá hình tròn trên cho bức phù điêu chân dung chị. Tấm bia bằng đá Granit được khắc chỉn chu chôn ở đầu mộ.  Những viên đá xây tường, lát nền được thuê đục từ Bà Rịa chở ra.  Hai bia cũ không phá đi mà chỉ dựng cạnh mộ mới. Khách thăm quan thấy mộ Chị hiện có ba tấm bia.
          
   
       Mộ Võ Thị Sáu đang xây dựng và sau khi hoàn thành.
 
    
                                                 
      Chúng tôi cử một người trách nhiệm nhất, mỗi buổi sáng lại thắp hương trên mộ Chị. Tất cả những thuyền bè qua đây, khách qua thăm đảo đều đến thắp hương với hoa quả bánh kẹo. Gần như ngày nào cũng được hưởng lộc của Chị : hoa quả, bánh trái…Chị đã không trừng phạt chúng tôi, mà còn ban lộc.
     Chính những người xây đề xuất  trồng một cây Lêkima lấy giống từ quê Đất Đỏ vào vị trí cây dương đã chết khô, không trồng cây dương mới nữa. Kiến nghị đưa thực thi.
 
4-Quy tập các Liệt sĩ từ Hòn Cau, Hàng Keo.

        Việc quy tập các Mộ từ  đảo Hòn Cau (hầu hết là mộ các Liệt sĩ bị biệt giam) và khu mộ ở Hàng Keo về Hàng Dương đã là một nội dung trong Dự án tôn tạo. Nhưng còn có rất nhiều ý kiến trái chiều quanh việc quy tập này. Người phản đối nói “Các Liệt sĩ đã yên nghỉ nhiều chục năm nay, không nên bắt họ hành quân lần nữa”. Ý kiến đồng thuận: “ Để các anh nằm lẻ loi, ai người hương khói”. Ý kiến đồng thuận đã thắng.
        Để thực hiện chúng tôi phải xây dựng một kế hoạch thật chi tiết đặt ra nhiều tình huống và phương án xử lý. Phương án phải được Chủ đầu tư duyệt.
        Chúng tôi phải thuê tàu chở hài cốt từ Hòn Cau về, không chủ thuyền nào dám cho thuê chở hài cốt. Khó khăn lắm chúng tôi mới thuê được một tàu chắc chắn lớn hơn mức cần thiết để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Mọi việc được tiến hành thuận lợi, không có sự cố gì xẩy ra. Khu D là khu mộ quy tập được sắp xếp thành lô nghiêm chỉnh phía sau Đài Tưởng niệm.
 
5-Di chuyển tượng “Người trao áo”

     Trước khi tôn tạo, Nghĩa trang đã có một sân Hành lễ khá khang trang với sân cỏ, tương đài. Sân hành lễ nằm ở trung tâm nghĩa trang  có một Tượng đài mang tên “Trao áo”. Tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn được khởi dựng ngày 16/7/1980 bằng bê tông. Dưới chân bức tượng có ghi hàng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Tượng đài được tái tạo từ câu chuyện “ Chết còn cởi áo cho nhau”. Người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu, nguyên là bí thư đầu tiên của đặc khu mỏ Hòn Gai (tháng 10/1930). Người nhận áo nguyên là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tác giả của bức tượng là nhà điêu khắc Lưu Thanh Danh. Bức tượng gây ấn tượng mạnh cho bao người đến Hàng Dương bởi một câu chuyện có thật đầy cảm động.
 
                    
Tượng Trao áo cũ (trên) bằng bê tông và tượng Trao áo mới bằng đá Granit
    
 

         Tuy nhiên trong thiết kế mới: khu Hành lễ được xây dựng một cột đá cao đúng tại vị trí tượng “Trao áo”. Như vậy là chúng tôi phải phá bỏ bức tượng cũ để xây dựng Đài Tưởng niệm mới. Khi chúng tôi mang máy đào đến đào xung quanh bức tượng thì dư luận bắt đầu lên tiếng. Chủ đầu tư kêu gọi chúng tôi phá thật nhanh để thành chuyện đã rồi. Nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy tiếc nuối và đồng tình với những ý kiến bảo vệ một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Chúng tôi đã quyết định dựng công việc phá dỡ.
        Khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, buộc Chủ đầu tư phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Một phương án dung hòa được đưa ra : Tượng cũ được phá dỡ để xây dựng Đài tưởng niệm, bức tượng “Trao áo” được dựng lại ở vị trí khác bằng chất liệu đá Granít bền vững nhưng kích thước được thu nhỏ lại như hiện nay.
 
6-Tên Nghĩa trang.
 
       Trong tất cả hồ sơ thiết kế, các tài liệu pháp lý chúng tôi nhận được đều ghi tên công trình là “NGHĨA TRANG LIỆT SĨ HÀNG DƯƠNG”. Cổng chính Nghĩa trang có kiến trúc là một khung hình vuông chiều cao bằng chiều rộng, hai cột đứng và xà ngang đều có tiết diện hình tam giác được ốp bằng đá Granit màu đen. Tên Nghĩa trang được gắn trên xà ngang của cổng chính làm bằng đồng. Khi chúng tôi công phu gắn chữ “Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương” lên cổng Nghĩa trang. Khoảng 1 tuần sau, khi một số ảnh chụp của khách du lịch được đăng tải trên báo chí.
 
                     
       
  Cổng Nghĩa trang khi đang thi công và sau khi hoàn thành
 
                                                                   

                                                                                      
      Dư luận trong cả nước đều nhất loạt phản ứng gay gắt. Theo ý kiến dư luận : “ Nghĩa trang Hàng Dương” có lịch sử cả trăm năm, tù nhân ở Côn Đảo đủ các thành phần : các đối tượng trộm cướp, đĩ điếm, tù chính trị…khi bị hành quyết hoặc ốm yếu chết đều lấp xác ở Nghĩa trang này. Nếu gắn tên “ Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương” thì các đối tượng hinh sự, trộm cướp có mộ ở đây đều trở thành Liệt sĩ  ? Mà việc tách bạch mộ nào là Liệt sĩ, mộ nào không phải liệt sĩ là không thể làm được.
      Sau các cuộc hội thảo, các nhà chức trách thống nhất là bỏ hai chữ “Liệt sĩ” trong tên nghĩa trang đi, chỉ còn là  “NGHIÃ TRANG HÀNG DƯƠNG. Đó là một quyết định hợp lý.
Chúng tôi lại phải dỡ cả đá ốp cũ (vị đã bị khoan thủng nhiều lỗ) và gắn lại tên Nghĩa trang mới thay thế tên cũ.
     Dù không phải nghĩa trang Liệt sĩ, nhưng Nghĩa trang Hàng Dương vẫn trở thành Nghĩa trang Quốc Gia.
 
 
Hà Nội, ngày 24/7/2017
VTT
tin tức liên quan