Chuyện thầy Văn - Tác giả Chu Công Dâu - Thái Bình - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ
( 27-7-1947 - 27-7-2017 )
CHUYỆN THẦY VĂN
Cứ có dịp rảnh rỗi là bạn bè chúng tôi thường tập trung gặp mặt. Người xa quê, và những người ở lại quê cùng nhau ôn lại một thưở học trò ngộ nghĩnh và lắm ước mơ. Trong những câu chuyện ấy, bao giờ hình ảnh của các thầy cô giáo dạy chúng tôi thưở thiếu thời lại được hiện lên. Đó là những người đã dìu dắt, uốn nắn chúng tôi từng dòng chữ, từng con số, gieo vào lòng chúng tôi bao nhiêu ước vọng sáng đẹp của cuộc đời. Trong các thầy, cô đó hình ảnh thầy giáo Đoàn Thanh Văn- quê xã An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình mãi mãi là tấm gương không phai mờ trong tâm tưởng của chúng tôi.
Năm đó, lớp 3B do thầy Văn làm chủ nhiệm thật là vui. Thầy dạy chúng tôi những bài học mới . Bao giờ tiết sinh hoạt cuối tuần đều có tập hát . Hồi đó, chưa có giờ dạy riêng về hát nhạc. Rồi, chúng tôi vào Đội Thiếu niên Tiền phong, trên vai luôn được đeo khăn quàng đỏ thắm. Thầy Văn chỉ bảo chúng tôi từng ly, từng tí. Thầy khuyên viết chữ cho thật đẹp. Thầy nhắc nhở làm bài tập cho đầy đủ và nhớ học bài trước khi đến lớp. Những câu chuyện cổ tích thầy kể bao giờ cũng làm chúng tôi say mê. Thời gian ấy, sách vở còn thiếu lắm. chúng tôi vớ được cuốn sách nào là đọc nghiến ngấu. Trẻ con ở nông thôn mà. Sáng đi chăn trâu, cắt cỏ hay mò cua bắt ốc. Chiều về đi học, quần áo còn lấm lem bụi đất. Nhưng chúng tôi học rất siêng năng. Lớp chúng tôi luôn là lớp khá nhất của khối. mọi phong trào thi đua thường xuyên dẫn đầu.
Có một lần anh bạn Síu, lớp tôi, đi học sớm, đã liều lĩnh viết lên tường mấy dòng chữ quảng cáo cho bộ phim sẽ chiếu vào tối hôm đó tại sân vận động của xã. Nét chữ nghuệch ngoạc bằng gạch non in trên nền tường vôi trắng toát của lớp. Thầy Duyệt, hiệu trưởng nhà trường phát hiện và nhất định phê bình trước toàn trường. Chính thầy Văn chứ không phải ai khác đã trực tiếp gặp Síu. Thầy nhắc nhở ân cần, và Síu đã xóa ngay dòng chữ ấy bằng vôi trắng trả lại vẻ đẹp cho bức tường. Rồi, cũng là thầy xin lỗi nhà trường về người học trò của mình hứa giúp Síu sửa chữa khuyết điểm. Sau này, học các thầy cô giáo khác mỗi người có một phương pháp giáo dục học sinh, nhưng tôi thấy điều ấm áp đầy tình thương như thầy Văn – thì chẳng phải ai cũng có.
Mùa xuân năm 1964 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc thầy giáo Đoàn Thanh Văn lên đường nhập ngũ. Lớp chúng tôi xao xác. Chúng tôi cũng chẳng hình dung nổi nếu lớp thiếu vắng thầy thì sẽ ra sao? Không phải chúng tôi không quý các thầy cô dạy thay thầy Văn ra mặt trận. Có điều, bao niềm thương mến cứ theo thầy mãi, còn hình ảnh thầy vẫn in đậm trong trí nhớ của chúng tôi.
Tết năm ấy,cái tết trước ngày thầy Văn vào bộ đội. Chúng tôi đến thăm nhà thầy. Trời mùa xuân, mưa phùn bay lất phất. Lũ trò nhỏ đến chúc tết thầy với hai chiếc bánh chưng và một bó hoa. Biết có học trò đến, thầy ra tận cửa đón chúng tôi. Thầy hỏi chuyện từng em, chan hòa như một người anh cả. Nào là, ăn tết có to không ? Và nhớ chăm học bài nhé kẻo giò chả lấp mất chữ. Rồi thầy bóc bánh chưng cho chúng tôi ăn. Thật bất ngờ. Mấy đứa con trai phát hiện ra nhà thầy có một chiếc ghế ( Loại ghế dùng cho xe ô tô) rất êm, khi ngồi lên lò so nhún xuống thật là khoái. Và, thế là Phong , Cương, Bạch bắt đầu những cú nhẩy ngoạn mục từ giường xuống ghế. Đệm ghế nhún rồi bật lên đưa những chú choi choi con xuống đất. Thật là khoái. Thầy mải bóc bánh ở nhà ngang. Còn trò, vui reo với trò chơi đặc biệt. Chỉ một lát mọi lò so của cái ghế cũ đã tung tóe. Cả bọn im lặng không dám nô nữa. Khi thầy bưng lên bốn chiếc bánh chưng đã bóc sẵn trên mâm thì bọn con trai ù té chạy. Lũ con gái lủi thủi chạy theo. Nhà thầy cách đường chính một đoạn dài. Muốn ra đường phải đi trên đoạn đường hai bên là ao. Cái ngõ nhỏ đường đất trơn như đổ mỡ. Thấy chúng tôi chạy ra thầy vội xỏ đôi guốc mộc đi theo, gọi lại. Chẳng ngờ. Bờ ao trơn . Thầy ngã xuống ao , ướt hết. Cả lũ con gái sợ không dám vào. Còn bọn con trai băn khoăn đứng ngoài mà trách móc nhau. Thầy thay quần áo rồi lại gọi chúng tôi vào ăn bánh và kể chuyện rất vui như chẳng có chuyện gì xảy ra cả.
Ảnh minh họa
Kể từ mùa xuân năm ấy đến nay đã gần sáu mươi năm, thế mà, mọi chuyện chúng tôi không thể nào quên được.
Hai năm sau, chúng tôi đã là những học sinh cấp 2 ( Trung học cơ sở bây giờ ) thì đau đớn thay chúng tôi nhận được tin thầy Văn đã hy sinh trong một chiến dịch phối hợp chiến đấu giữa quân tình nguyện Việt Nam và Bộ đội Pa thét Lào tiễu phỉ bảo vệ căn cứ cách mạng Lào. Cả gia đình thầy Văn nghẹn ngào, đau đớn. Còn chúng tôi mắt đứa nào đứa ấy đỏ hoe luyến tiếc một thầy giáo trẻ đôn hậu và hết lòng vì học sinh
* *
*
Một buổi chiều tháng bẩy năm 1966. Khi mặt trời đã lặn. Một anh Bộ đội vai khoác ba lô đi vào cái ngõ nhỏ hai bên bờ ao um tùm những khóm tre tím sẫm lẫn vào đêm. Trong nhà đang ăn cơm chiều. Ánh đèn dầu le lói. Thấy bóng người, bà mẹ hỏi: “ Ai đó?” Tiếng đáp lại: “ Con đây, Văn đây! ” Trong tiếng thở đầy kinh ngạc là câu hỏi lại: “Văn nào ?” “Dạ, con là Văn đây, con được về phép”. Nồi canh cua để phía ngoài mặc dù đã nguội cũng bất ngờ bị xô đổ lếnh láng. Mấy đứa trẻ ngơ ngác . Và cả nhà đầy tiếng khóc, mừng vui.
Vợ anh, ôm chầm lấy anh. Sờ vào người anh, vuốt lên mặt, lên trán xem có phải đúng là anh thật không? Nước mắt chan hòa như bị dồn nén từ lâu lắm rồi hôm nay bật òa ra Chị sờ cái ba lô và cả chiếc nón trắng lờ mờ trong đêm. Còn mẹ, mang ngọn đèn dầu soi vào mặt anh như một điều chưa từng thấy bao giờ: “Đúng rồi! Thằng Văn. Bà con ơi! Thằng Văn nhà tôi đã về rồi. Thằng Văn nhà tôi nó sống rồi.” Thế rồi mẹ khóc. Tiếng khóc còn to hơn tiếng khóc trong lễ báo tử anh vài tháng trước. Anh cứ đứng đấy. Ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao.? Còn chị vợ nấc lên, nghẹn trong nước mắt: “ Anh về thật rồi …ư…”Rồi chị chẳng thể nào nói tiếp được nước mắt ướt đẫm vai áo chồng.
Bước vào nhà, anh ngạc nhiên nhìn lên: trên cái tủ đứng ở góc nhà là tấm bằng Tổ quốc ghi công. Tấm hình anh chụp ngày còn là giáo viên, trẻ trung được đưa vào khung kính viền đen. Phía trước là bát hương nén hương còn đang cháy đỏ. Và câu chuyện của anh được bắt đầu:
Tháng Tám năm 1964 trong một trận chiến đấu ác liệt không cân sức giữa Tiểu đội quân tình nguyện Việt nam với một trung đội lính phỉ Vàng Pao trên một ngọn đồi vùng Thượng Lào. Tiểu đội của anh đã tiêu diệt gần hết trung đội giặc nhưng phía Bộ đội ta quân số thương vong quá lớn. Chỉ còn hai người Đoàn Thanh Văn và một chiến sĩ bị thương vào bụng Nhưng điểm cao vẫn được giữ vững. Quân địch biết không chiếm được điểm cao đành rút lui. Một ngày trên chốt ,địch không đánh lên, quân ta chưa kịp chi viện mà Chiến sĩ bị thương máu chảy nhiều. Anh Văn quyết định cõng đồng đội vòng phía sau ngọn đồi tìm đường về đơn vị. Cõng đồng đội trên lưng, vai khoát khẩu súng cứ dò dọc theo con suối cạn mà đi. Hai ngày quần nhau với giặc, toàn thân anh rã rời. Đói và mệt. Bước lê từng bước một nhưng anh càng thấy đau lòng hơn khi biết đồng đội mình cứ lả đi vì mất máu và thiếu nước. Lần dò trong đêm tối. Bước qua những hòn đá rêu trơn…từng bước chắc chắn. Đêm tối trập trùng. Cuối cùng anh chẳng biết mình đi đâu nữa.
Chiều hôm sau, tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trong một chòi nhỏ trên nương sắn của đồng bào Lào. Cạnh anh là một bà mẹ Lào đang đun cháo. Thấy anh tỉnh, bà mẹ nói tiếng Lào thứ tiếng mà anh nghe và hiểu lõm bõm qua vài câu học được của anh Trung đội trưởng người đã từng sống trên đất Lào năm năm.
Anh lờ mờ hiểu rằng người bạn mình đã hy sinh vì mất nhiều máu và kiệt sức. Mộ anh đã được dân bản chôn cất chu đáo phía sau đồi, gần bản .
Bẩy tháng mất tin tưc và cũng không có cách gì báo về đơn vị vì chính bản thân anh đã bị thương vào cánh tay và kiệt sức. Đơn vị đã hành quân về phía trung Lào. Anh Văn ở lại với bản. Anh học tiếng Lào rất chăm chỉ. Và cả chữ Lào nữa. Ngày đi làm rẫy cùng bà con, tối về anh dạy chữ cho các em nhỏ. Bởi có kinh nghiệm dạy chữ cho học sinh Việt Nam từ hồi còn là giáo viên nay anh dạy chữ cho các em nhỏ người Lào các em rất nhanh thuộc bài. Còn anh đã trở thành một người con của bản. Anh am hiểu phong tục, làm rẫy thông thạo như việc cấy lúa trên quê hương mình vậy. Dân bản tin anh làm theo anh như việc nuôi trâu bò xa nhà ở có rào chắn để tránh thú dữ. Anh nói chuyện với mọi người để dân bản hiểu hơn về Bộ đội Việt Nam và thông qua trưởng bản anh tìm cách móc nối về đơn vị Bản nhỏ, nơi anh ở đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Chính nơi này là cơ sở rất tin cậy của quân tình nguyện những năm sau này. Và nhiều người ở bản từ chỗ chưa hiểu gì về Việt Nam cũng học được một số từ tiếng Việt , mà người thầy dạy hai thứ tiếng Lào – Việt đó chính là thầy giáo Đoàn Thanh Văn. Cuối cùng, anh cũng bắt được liên lạc và trở lại đơn vị trong niềm vui ngỡ ngàng của anh em đồng đội. Vì những thành tích xuất sắc ấy Đoàn Thanh Văn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Anh cũng trở thành Chiến sĩ tiêu biểu được về Hà Nội dự Đại hội Thanh niên Quyết thắng toàn quân năm 1966 và vinh dự được gặp Bác Hồ kính yêu.
Cái ngày anh mất tích trên đồi chốt ấy, đơn vị đã cho người trở lại tìm anh nhưng không thấy. Sau một thời gian xác định anh đã hy sinh đơn vị làm thủ tục báo tử về địa phương.
Chuyện của thầy Văn là như thế.
Biết được tin thầy Văn đã trở về chúng tôi kéo nhau đến thăm thầy. Được nghe thầy kể chuyện chiến trường những chiến thắng to lớn của Bộ đội ta đứa nào, đứa ấy chăm chú đến lạ lùng. Chúng tôi còn hỏi thăm thầy về sức khỏe của Bác Hồ. Chính tôi còn được thầy cho xem chiếc huy hiệu của Đại hội Thanh niên Quyết thắng toàn quân được thầy cho trong chiếc hộp bìa cứng, rất đẹp. Thầy còn căn dặn chúng tôi học thật tốt và chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ.
Thầy Văn đã trở lại đơn vị. Lần này , đơn vị thầy chuyển đi xa . Chúng tôi cứ dõi theo thầy, biết rằng cũng chẳng dõi theo mãi được. Bởi sau này chúng tôi cũng trở thành những chiến sĩ đi khắp miền đất nước và mỗi khi gặp lại một người bạn cũ đều hỏi thăm những tin tức về thầy.
Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng về thăm lại nhà thầy chúng tôi thật sự xúc động. tấm bằng Tổ quốc ghi công được đặt lên chỗ cũ - nơi thờ thầy giáo Đoàn Thanh Văn năm xưa . Chỉ có ngày hy sinh và bức ảnh là khác. Bức ảnh thầy chụp sau đại hội Thanh niên Quyết thắng toàn quân với nụ cười rất tươi và trên ngực lấp lánh huy hiệu Bác Hồ trao.
CHU CÔNG DÂU
Hội Trường Sơn Thái Bình
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn