ĐÊM GIAO THỪA Ở TRƯỜNG SƠN
Tuy đã mấy chục năm qua rồi, nhưng cái đêm giao thừa đó làm sao tôi có thể quên được.Đấy là đêm 30 Tết Quý Sửu - Xuân 1973.
Tháng 10 năm 1971, tôi được biên chế vào C10, D781 Binh trạm 14 Bộ đội Trường Sơn. Khi đó đơn vị tôi đóng quân ở Km 54 đường 20 Quyết Thắng, có nhiệm vụ chở hàng từ Quảng Bình vào Km54 và từ Km54 vượt sông Ta Lê băng qua đèo Phu La nhích vào QZ 25 thuộc đất bạn Lào.
Vào đầu màu khô năm 1972 – 1973, đơn vị tôi được chuyển vào QZ25 có nhiệm vụ chở hàng vào Binh trạm 15 và các Binh trạm phía trong.
Chúng tôi đóng quân dã chiến trong một hang đá. Hôm đó là chiều ngày 30 Tết Quý Sửu. Đơn vị đã phân công cho các chiến sĩ lái xe sẵn sàng cho chiến dịch mùa khô. Tôi được đơn vị cho ở lại hang đá để đón xuân tại đơn vị. Xe của tôi đã bố trí cho đồng chí khác lái. Lúc đó, trời sắp tối, tôi thấy một đồng chí chạy hớt hải vào hang. Nhìn đồng chí này mặt mày xanh tái, áo quần lấm lem. Nhìn mãi, tôi mới nhận ra đó là anh Hóa cùng quê với tôi. Anh run rẩy nói không ra lời. Anh cũng nhận ra tôi. Anh ôm chặt lấy tôi và nói: “Chú Triễu ơi! Anh ở đơn vị tên lửa phòng không bị máy bay Mĩ phát hiện nên đã đánh trúng đơn vị anh. Anh may mắn chạy được tới đây, nhưng tư trang bị cháy hết cả rồi”. Tôi ôm lấy anh mà nước mắt cứ chảy dài không sao cầm được. Tôi liền lấy ba lô tư trang của tôi tặng cho anh và mời anh ở lại đêm nay rồi mai sẽ tìm về đơn vị.
Tôi cứ tưởng rằng đêm giao thừa này sẽ được cùng anh đón xuân trong hang đá ở Trường sơn và hàn huyên tâm sự. Bỗng lúc đó đồng chí Phúc – Chính trị viên đại đội chạy tới gọi tôi: “Triễu ơi! Đơn vị định để cậu nghỉ một đêm đón Tết ở đơn vị nhưng…”. Tôi đoán chắc là lại có nhiệm vụ rồi. Đúng như tôi nghĩ, đồng chí Phúc nói ngập ngừng: “Triễu à, bên Trung đội 2 còn một xe đã lấy hàng rồi, nhưng đồng chí lái xe đột ngột bị sốt rét phải đưa đi cấp cứu... Anh Phúc cũng thấy ái ngại vì tôi đang có khách, nhưng vì nhiệm vụ, vì chiến dịch, vì miền Nam ruột thịt, Chính trị viên vào gặp và hỏi thăm anh Hóa. Anh nói đồng chí thông cảm vì đồng chí Triễu phải lên đường làm nhiệm vụ. Đồng chí cứ yên tâm nghỉ ngơi tại đơn vị, bộ phận hậu cần sẽ chăm sóc đồng chí chu đáo.
Rồi anh Phúc quay sang nói với tôi: “Triễu sang lái chi viện cho trung đội 2 nhé, mọi người đi trước cả rồi chỉ còn 2 xe đi sau cùng thôi”. Tôi vội vàng chia tay với người anh em cùng quê sang Trung đội 2 nhận xe thì gặp mấy đồng chí lính mới biên chế cho đơn vị chiều hôm trước có một đồng chí nhanh nhảu nói anh cho em đi phụ nhé. Tôi gật đầu và nói đồng chí tới hậu cần lĩnh tiêu chuẩn ăn đêm rồi chúng ta lên đường.
Xe của tôi đi trước, xe đồng chí Mai Xuân Hòe đi sau. Trên xe có Chính trị viên đại đội cùng đi để chỉ huy đơn vị. Đồng chí Hòe cùng quê với tôi và cùng nhập ngũ một ngày. Khi xe chúng tôi ra khỏi đơn vị, máy bay Mĩ điên cuồng đánh phá. Chúng quyết tâm ngăn chặn tuyến chi viện cho bằng được vì chúng vừa bị thất bại thảm hại trận 72 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội.
Dọc đường đi, đội hình chúng tôi bị máy bay Mỹ liên tục thả pháo sáng rồi trút xuống đủ các loại bom đạn. Đối với tôi chuyện này đã quá quen rồi. Tôi quay sang hỏi chuyện đồng chí lính mới đi cùng. Tôi mới biết cậu ấy tên Huy quê ở Thái Bình vừa nhập ngũ, học lái xe được 04 tháng thì được biên chế về đại đội tôi. Cậu Huy là một trong số 10 lái mới. Tôi tâm sự: Giờ này ở quê chúng mình mọi nhà chắc đang đón giao thừa rồi. Tiếng pháo mừng xuân hẳn là nổ râm ran cả đêm. Còn ở đây đạn pháo phòng không thay cho pháo hoa, pháo nổ. Cậu nhìn xem có đẹp không, nghe có sướng tai không?
Không thấy đồng chi lính mới nói gì. Qua ánh sáng đèn dù, tôi thấy đồng chí có vẻ rất sợ. Tôi rất hiểu tâm trạng của người lần đầu tiên ra trận mà …
Khi tôi mới vào đơn vị đi chuyến đầu tiên cũng có những tâm trạng như vậy. Huy mặc áo giáp, đội mũ sắt, đột ngột quay sang hỏi tôi: “Sao anh không đội mũ sắt và mặc áo giáp ?” Tôi cười và trả lời: “ Ừ trang bị phòng vệ cũng rất tốt nhưng nặng quá. Khi cần cơ động thì không được thuận tiện lắm. Vì, khi cần nhảy, có lúc cần chạy nhất là khi ngồi lái thì nóng và vướng, còn nặng đầu nữa”. Tôi nói đùa “chết có số mà” và tôi cũng căn dặn Huy nên nhớ một số điều cần thiết. Khi hai xe chúng tôi đang chạy vào một khu rừng còn cách kho trả hàng 10 cây số nữa, thì bỗng một ánh chớp sáng lóa, sau đó là tiếng nổ râm ran choáng cả óc. Đã thành thói quen phản xạ, tôi vừa đạp phanh vừa cúi xuống và biết ngay là máy bay Mĩ lại đánh bom bi rồi. Các lốp xe của tôi từ từ xì hơi. Thùng xăng cũng bị thủng. Rất may trên xe tôi chở toàn hàng quân y, còn nếu chở đạn, xăng hoặc thuốc nổ thì chắc là xong rồi … Tôi liền nhảy xuống khắc phục thùng xăng bị chảy, đề phòng bị cháy. Khi khắc phục xong, tôi mới lên tiếng gọi: “Huy ơi! Tôi nghĩ chắc lại chui xuống hầm rồi. Tôi gọi tiếp vẫn không thấy Huy trả lời, người tôi bỗng dưng lạnh toát. Tôi gọi thất thanh và chạy về phía sau xe cách khoảng 10 m thì thấy đồng chí nằm đó, tôi liền kêu lên: “Trời ơi! Bọn Mĩ đã cướp đi đồng chí của tôi rồi! Huy hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ lại là chuyến đi công tác đầu tiên...”
Tôi quay lại xe lấy súng AK bắn chỉ thiên báo hiệu có đồng chí hy sinh. Cùng lúc xe đồng chí Hòe ở phía sau cũng có tín hiệu bị thương. Đồng chí Hòe bị thương và được đưa đi cấp cứu. Lúc này chính trị viên Phúc chạy tới xe tôi cùng bốn đồng chí thanh niên xung phong trực ở căn phòng gần đó cùng tôi đưa xác đồng chí Huy vào lề rừng để chờ sáng mai sẽ mai táng cho đồng chí. Lúc này khoảng hai giờ sáng ngày Mùng một Tết. Các đồng chí thanh niên xung phong mời tôi xuống hầm nghỉ tạm, kẻo máy bay Mĩ quay lại đánh tiếp nữa thì nguy hiểm. Tôi liền theo các em xuống hầm. Căn hầm chữ A chỉ vừa đủ cho bốn em nằm thôi. Họ nằm co người lại để nhường chỗ cho tôi nằm. Tôi đã thấm mệt, nghĩ bụng thôi thì nằm đại. Năm đứa chúng tôi không ai nói thêm một câu nào nữa. Tôi miên man suy nghĩ, rồi thiếp đi lúc nào không hay. Khi ánh sáng lờ mờ chiếu vào căn hầm, chúng tôi đều mở mắt nhưng lạ thay lúc đêm tôi nằm ở trên đầu các em, sao bây giờ tôi lại nằm cùng chiều mà lại nằm ở giữa nữa chứ? Tất cả đều ngồi bật dậy. Các em ôm nhau rúc rích cười và nhanh chóng tạm biệt tôi để chở về đơn vị thay ca. Tôi cứ ngỡ ngàng mà không kịp hỏi tên tuổi quê quán, nhưng nghe giọng nói tôi biết các em quê ở Thanh Hóa và tuổi đời còn rất trẻ.
Từ đó tới nay chúng tôi không gặp lại nhau nữa, không biết sau chiến tranh cuộc sống của các cô ấy như thế nào? Có còn nhớ cái đêm giao thừa đầy kỷ niệm buồn vui đó không? Cầu mong cho mọi người có cuộc sống thật hạnh phúc.
Lê Đức Triễu
(C10 – D781 – E17 – F571 Trường Sơn)