Tham chiến Mậu Thân 1968 - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 09:39 30/01/2018 Lượt xem: 3.364
THAM CHIẾN MẬU THÂN 1968

                                                               Nguyễn Kim Chúc
                                                  Nguyên TLTC Tiểu đoàn 17PB QK5
  
Tròn 50 Năm trôi qua, những chiến công ngày ấy vẫn sống mãi trong lòng những CCB chúng tôi. Hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Bác Hồ vĩ đại, chúng tôi đã lập kỳ tích: Từ Bắc Lào hành quân, kéo pháo đi B và kịp tham chiến góp lửa với miền Nam tổng tiến công quân Mỹ - ngụy mùa xuân Mậu Thân 1968.
*   *
*

                                     


Tháng 12 năm 1967, liên quân Việt - Lào; nòng cốt là Sư đoàn 316 tăng cường hoạt động quân sự nhằm giữ vững vùng giải phóng thượng Lào vây hãm rồi giải phóng Nậm Bạc (Bắc Lào). Tiểu đoàn 11 thuộc Trung đoàn pháo binh 158, Sư đoàn 316 với 18 nòng hỏa tiễn 122 ly (ĐKB) cũng tham chiến giải phóng Nậm Bạc. Ngày 12 tháng 01 năm 1968, Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 11 chúng tôi với 6 nòng hỏa tiễn, bôn tập từ Nậm Bạc về Mường Ngòi tập kích hỏa lực vào quân địch đang nống lấn vùng giải phóng. Mười tám quả đạn rơi trúng đích làm khiếp đảm quân xâm lược. Ngay trưa hôm đó không quân ta ném bom căn cứ rađa Pathí làm đổ xập những dàn rađa Takan hiện đại của Mỹ, chọc “mũ mắt” bọn Mỹ xâm lược đánh phá bằng không quân miền Bắc nước ta.
Mỹ - ngụy la ó, đổ quân tăng cường giữ vùng Bắc Lào. Còn chúng tôi lại trở về tập kết trong những vườn cam chờ lệnh mới và chuẩn bị đón tết Nguyên đán Mậu Thân. Tưởng được đón mừng năm mới dưới những vườn cam chín vàng thì mười hai giờ trưa Ba mươi Tết Mậu Thân được lệnh hành quân về nước. Đêm Ba mươi tối đen, cả đội hình Tiểu đoàn vượt sông Nậm U bằng thuyền độc mộc. Những con thuyền thân gỗ, mỗi chuyến chỉ chở được hai người cùng trang bị đan ngang dòng sông chảy xiết. Nhiều thuyền va vào nhau lật úp. Mãi khuya, đội hình mới thu quân xong, cũng là lúc lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu vang lên: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, Thắng trận tin vui khắp nước nhà, Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”
Cả tiểu đoàn vượt đèo, băng dốc về nước trong sự cổ vũ lớn lao cả miền Nam tổng tiến công và nổi dậy. Tin vui dồn dập vọng về: Ta làm chủ thành phố Huế, đánh thẳng vào Sài Gòn - Gia Định. Về tới Cao nguyên Mộc Châu đã sang ngày Mồng Năm Tết. Núi đồi sắc đào đỏ thắm. Hoa mận trắng rừng chào đón xuân về. Không khí Tết vẫn còn tràn ngập bản làng.
Nhưng không thể nghỉ ngơi ăn Tết, lệnh trên tới: C húng tôi gửi lại những bộ quần áo chiến sỹ Pathét Lào; bỏ lại những ký hiệu số lính tham chiến ở Lào … Gửi lại tất cả, chúng tôi kéo pháo 85 ly cùng với Tiểu đoàn pháo cao xạ 23 ly bốn nòng hối hả về Nam tham chiến.
Mười hai khẩu pháo 85, mười hai khẩu pháo 23 ly bám sát nhau rời Tây Bắc theo đường 15, đường 20 Quyết Thắng về Nam. Chúng tôi hòa cùng với những đoàn quân ra trận và mong mỏi vào nhanh để tham chiến. Không quân Mỹ đánh phá ngăn chặn vô cùng ác liệt. Xe pháo nhanh chóng vượt qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh vào đất Quảng Bình. Những thử thách bắt đầu đến với chúng tôi khi vượt Trường Sơn. Đường Trường Sơn mở ra để xe chở hàng qua được là đạt yêu cầu. Xe chúng tôi kéo pháo nòng dài. “Cái đuôi” dài ngoằng rất khó khi qua các cua “tay áo”, dốc cục bộ, vượt ngầm, băng dốc. Pháo 85 nòng dài này do Liên Xô chế tạo. Ở họ được trang bị cho Sư đoàn bộ binh hoặc đội dự bị chống tăng hoạt động rất hiệu quả trong chiến tranh vệ quốc do tính cơ động cao, uy lực xuyên phá tốt, rất hữu dụng khi ngắm bắn trực tiếp. Địa hình bằng phẳng chỉ cần xe trung xa hai cầu kéo là phù hợp. Khi kéo pháo đi B đường đèo dốc hơn nữa phải chở thêm đạn nên được trang bị xe kéo ba cầu. Vì vậy chiều cao sàn xe (chốt mắc pháo) cao hơn làm sai lệch thăng bằng khi kéo. Đường có độ chênh giữa hai bánh pháo là pháo lật nghiêng phải kích kéo về vị trí hành quân rất vất vả. Vào cua gấp thường phải “cắt pháo” đẩy bằng sức người, chả khác mấy khi kéo pháo vào trận địa …
Chúng tôi bám sát đội hình để còn tập trung sức người sử lý các tình huống. Xe pháo vượt qua các trọng điểm ác liệt nhất của Trường Sơn: Cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Phu Lê Nhích, ngã ba Lùm Bùm, ngầm Tha Mé, ngã ba La Hạp … Mặc cho địch đánh phá ngăn chặn, nhiều khi các chiến sỹ cao xạ phải cắt pháo thiết bị bắn ngay trên đường để sẵn sàng đánh trả địch. Với sự trợ giúp của công binh, của các đơn vị cao xạ 559, chúng tôi vượt qua tất cả. Tới ngã ba La Hạp cả đội hình rẽ trái về đường B45 đi Asầu, Alưới. Chúng tôi đã nghe rõ tiếng súng lớn ở phía đông.
Chỉ còn một chặng hành quân nữa là tới đầu mối B45 thì được lệnh kéo pháo ra. Thế là, cả đoàn 12 khẩu pháo 85; 12 khẩu 23 ly lại qua các trọng điểm ngã ba La Hạp, tiếp tục đi vào phía nam. Chúng tôi vượt qua đèo Bản Long, ngầm sông Bạc, ngã ba Chà Vằn (địa bàn của Binh trạm 35, Binh trạm 36) … vô cùng ác liệt để rẽ về đường B46 vào Quân khu 5. Đường Trường Sơn tuyến ngang B46 hẹp dần, đoạn phía trong xe đi lại một chiều theo sự chỉ dẫn chặt chẽ của các trạm điều tiết giao thông. Địch đánh phá ác liệt. Tốc độ hành quân chậm dần, trong sự sốt ruột của cán bộ chiến sỹ chúng tôi mong được tham chiến. Cả đoàn xe pháo nhích dần về phía đông vượt Trường Sơn về với Quân khu 5 qua đường B46 lúc này đã được nối thông với đường 14 ngay trên đường phân định giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam. Trận tuyến đã ở trước mặt. Cán bộ chỉ huy và trinh sát đã rời đội hình lên đường chuẩn bị cho trận đánh. Rồi một phân đội gồm những cán bộ chiến sỹ am hiểu pháo 105 Mỹ cũng rời đội hình ra trận. Mặt trận vây hãm Khâm Đức đang chờ chúng tôi.
Khâm Đức là một vị trí thuộc huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) nằm ngay trên quốc lộ 14 cách ngã ba đường 14, đường 16 về phía Nam không xa. Nơi đây một lực lượng lớn Mỹ - ngụy chiếm giữ, là một căn cứ lớn, có sân bay giã chiễn cho máy báy cỡ lớn C130 lên xuống, có các vị trí tiền tiêu bao quanh, có trận địa pháo 105, cối 106,7 khống chế một vùng rộng lớn: Phước Sơn, Tiên Phước, Trà Mi. Sư đoàn 2 Quân khu 5 được giao đánh chiếm Khâm Đức. Một ngày cuối tháng 4 năm 1968, quân ta đánh chiếm Ngọc Tà Vát (căn cứ tiền tiêu của Khâm Đức về phía Nam) cũng nằm ngay trên đường 14. Phân đội pháo binh của chúng tôi (lúc này mang phiên hiệu Tiểu đoàn 17 pháo binh Quân khu 5) bám sát bộ binh Sư đoàn 2 đánh chiếm căn cứ, cùng nổ súng, ném lựu đạn vào quân Mỹ. Sau nửa giờ đánh chiếm, ta làm chủ căn cứ. Hai khẩu pháo 105 ly còn nguyên vẹn được chúng tôi quay nòng ngắm bắn Khâm Đức. Sợ bị đánh tiêu diệt, Mỹ lập cầu hàng không rút chạy khỏi Khâm Đức bỏ lại vũ khí nặng. Chúng tôi vào tiếp quản Khâm Đức.
Khâm đức được giải phóng, với sự giúp đỡ của Trung đoàn 10 công binh Bộ Tư lệnh 559, những khẩu pháo 85 ly, cao xạ 23 ly vượt qua Khâm Đức về đường 16 làm dự bị cho những trận đánh lớn sau này. Người và pháo an toàn tuyệt đối đó là một kỳ tích của quân ta.
Trận chiến Mậu Thân vẫn còn tiếp diễn. Không chậm trễ, Tiểu đoàn 17 pháo binh chúng tôi xốc lại đội hình nhận những khẩu pháo cối 120 ly phối thuộc cho Sư đoàn 2 đánh phá Đăkpét. Đăkpét là một chi khu quân sự nằm ngay trên đường 14 là điểm cực bắc của tỉnh Kon Tum. Mỹ tăng quân chiếm giữ lập các cứ điểm bảo vệ vòng ngoài với các ấp chiến lược o ép hàng ngàn dân trong đó. Trận đánh vô cùng ác liệt. B52 rải thảm trúng đội hình đại đội 6. Đại đội trưởng cùng hai chiến sỹ thông tin hy sinh … Không chùn bước, chính trị viên chỉ huy trận đánh. Những khẩu cối 120 ly của chúng tôi trút lửa đạn căm hờn vào các mục tiêu mà bộ binh yêu cầu bắn. Căn cứ Đăkpét chìm trong lửa đạn.
Tháng 7 năm ấy trong những cánh rừng nguyên sinh thuộc miền tây Quảng Nam - chúng tôi, những chiến sỹ pháo binh mấy tháng trước còn là những chiến sỹ của Quân khu Tây Bắc, giờ đây là chiến sỹ pháo binh Tiểu đoàn 17 Quân khu 5 lại về bên những khẩu pháo chúng tôi kéo từ Bắc vào. Chúng tôi tự hào vì đã làm được việc lớn, vui mừng vì đã được tham chiến góp lửa với đồng bào miền Nam trong tổng tiến công Mậu Thân 1968 với tấm huân chương chiến công giải phóng hạng 3 mà chúng tôi vừa giành được …
 
tin tức liên quan