Gặp người con Thủ đô cắm cờ trên núi Nhạn - Bài của Nguyễn Bá Thuyết Phó CT TT Hội Trường Sơn tỉnh Phú Yên

Ngày đăng: 06:10 01/04/2019 Lượt xem: 579
GẶP NGƯỜI CON THỦ ĐÔ CẮM CỜ TRÊN NÚI NHẠN
 
          Ở Hà Nội trong những ngày cuối tháng 3/2019, dưới trời se lạnh, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về Nguyễn Văn Trỗi: “Có những phút làm nên lịch sử…”. Rồi tôi nhớ Phú Yên sắp đến ngày giải phóng 01/4/1975, tôi liên tưởng đến một con người, thế là tôi quyết định đến thăm ông: Nguyễn Sĩ Kỳ người con Thủ đô Hà Nội cắm cờ trên Núi Nhạn trong phút giây thiêng liêng của ngày Phú Yên giải phóng 44 năm về trước.
           Đến nhà người cắm cờ trên Núi Nhạn
         Để tạo bất ngờ, tôi không báo trước, ngay sau khi kết thúc buổi làm việc với Văn phòng Trung ương Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, tôi tìm đến số nhà 25, ngõ 6, thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đón tôi trong ngôi nhà hai tầng khá giản dị bà Nguyễn Thị Nhật, vợ đại tá Nguyễn Sỹ Kỳ cho biết ông đi đón cháu chưa về. Ngồi nói chuyện với bà Nhật được ít phút thì nghe tiếng xe máy, bà Nhật bảo tôi: “Nhà tôi về!”. Đã lâu không gặp, trông ông vẫn còn cường tráng và khỏe mạnh lắm. Trên chiếc xe máy 50 phân khối màu xanh vừa dừng, ông Kỳ ngạc nhiên nhìn tôi, tôi cười và nhanh chóng ra chào và bắt tay ông. Ông ôm lấy tôi thân mật và kéo tôi vào nhà. Ngồi xuống bên cạnh bà Nhật và đứa cháu trai vừa đi học về tôi cảm cảm nhận thấy ông bà đang rất thật hạnh phúc. “Những năm tháng thanh xuân đẹp nhất cũng qua rồi, giờ chỉ về vui với tuổi già và con cháu thôi. Được như thế này là quá hạnh phúc rồi chú nhỉ?..”, ông Kỳ phấn chấn nói. Tôi nhất trí tán thưởng và gợi ý đề nghị ông kể đôi chút những kỷ niệm của chiến trường.
           Chân dung người cắm cờ trên Núi Nhạn trong ngày giải phóng
          Nguyễn Sỹ Kỳ sinh năm 1950, tháng 8/1968, Nguyễn Sỹ Kỳ, đang học lớp 10 Trường cấp III Nguyễn Huệ nhận được giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Gác lại giấc mơ vào đại học, Nguyễn Sỹ Kỳ tạm biệt quê hương lên đường ra mặt trận…
          Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, tháng 12/1968, nhận được lệnh vào Nam chiến đấu, Nguyễn Sỹ Kỳ không kịp về nhà chia tay người thân, nhanh chóng lên đường cùng đồng đội. Sau hơn 4 tháng “Bước chân trên dãy Trường Sơn” trong điều kiện chiến tranh lúc này đã vô cùng ác liệt. Tháng 3/1969, Nguyễn Sỹ Kỳ đến mặt trận Phú Yên, được giao nhiệm vụ chiến đấu trong đội hình Đại đội 22 súng máy cao xạ 12,7 ly (Đại đội 22) của tỉnh đội Phú Yên. Ông Kỳ kể: “Lúc đó thanh niên nhỏ và gầy, mình được giao vác nòng súng 12,7 ly, mới lớn, đã mang vác gì bao giờ đâu, dù đã lót vải mấy tầng, mấy lớp mà hai vai vẫn bầm tím. Tôi phải nghiến răng chịu đựng, không hề kêu ca…”. Đại đội 22 cùng Nguyễn Sỹ Kỳ đặt chân đến tất cả các mặt trận ở Phú Yên, tham gia các trận đánh tại Hòn Lúp, Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), An Ninh (huyện Tuy An)... Đã uy hiếp máy bay địch, chi viện cho bộ binh, đặc công nhiều trận đánh. Đại đội 22 đã bắn hạ 6 máy bay địch, năm 1973 Nguyễn Sỹ Kỳ được tặng thưởng Huân chương “Dũng sỹ bắn máy bay”. Ông say sưa kể cho tôi và con, cháu nghe về trận đánh hồi đầu năm 1972 ở Sông Cầu, nhờ có đại đội 12,7 ly nên bộ binh của ta đã thoát khỏi vòng truy kích của bom, đạn của máy bay và tàu chiến địch. Bất chấp hiểm nguy, Đại đội 22 đã nhanh chóng cơ động chiếm lĩnh trận địa trên đỉnh đồi, rồi nã đạn buộc hai tàu chiến Ngụy phải bỏ chạy.
           Hơn 4 năm chiến đấu ở chiến trường Phú Yên từ chiến sĩ trở thành trở thành Đại đội phó Đại đội 22, với nhiều chiến công xuất sắc.
           Chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng trận tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Bị thất bại ngụy quân, ngụy quyền ở Tây Nguyên buộc phải rút chạy theo đường 7 (nay là đường ĐT645) về Tuy Hòa, bị Sư đoàn 320 và quân dân Phú Yên chặn đánh tan tác, bắt sống hàng vạn tên địch. Được lệnh của cấp trên quân dân ta tiến về giải phóng thị xã Tuy Hòa. Đại đội 22 được giao nhiệm vụ tiêu diệt máy bay máy bay địch, khi cần hạ nòng chi viện cho các mũi tiến công của quân chủ lực. 5h sáng 1/4/1975, quân giải phóng bắt đầu nổ súng tiến công Tuy Hòa bằng nhiều mũi, nhiều hướng. Phía tây, có xe tăng sư đoàn 320 chi viện, quân giải phóng nhanh chóng đánh chiếm cầu Ông Chừ, cầu Đà Rằng, tiến công làm chủ núi Nhạn. Từ hướng Bắc, quân giải phóng tiêu diệt địch ở Gò Đá, núi Chóp Chài rồi theo hướng Ninh Tịnh tấn công Trung đoàn bộ 47, Ty Cảnh sát, Tỉnh đường giải phóng thị xã Tuy Hòa và toàn tỉnh Phú Yên.
           Đại đội 22 được lệnh hành quân cấp tốc lên núi Nhạn xây dựng trận địa phòng không, sẵn sàng đánh trả máy bay địch đến phản kích. Bố trí trận địa phòng thủ xong, Nguyễn Sỹ Kỳ nảy ra ý định trèo lên đỉnh Tháp Nhạn để cắm cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Tôi hỏi: “Sao tự nhiên bác lại nảy ra ý định hay như vậy?”. Ông Kỳ cười: "Tôi nghĩ đơn giản, cắm cờ để động viên quân dân ta và là để khẳng định chúng ta đã hoàn toàn chiến thắng". Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn lúc 10h sáng 1/4/1975. Tôi hỏi: - Làm thế nào mà lúc đó bác lại leo lên trên đó được? Bây giờ thì không thể nào!. Ông Kỳ nói rằng: "Tháp Nhạn khi mới giải phóng bị tróc lở khá nhiều nên có khe hở và vết nham nhở có thể bám tay, bấm chân vào để trèo lên. Bây giờ, sau nhiều lần trùng tu tháp trơn nhẵn, không thể nào trèo lên như trước được nữa đâu". Chính ông Kỳ cũng không ngờ mình có bức ảnh quí giá đứng trên ngọn tháp Nhạn cùng lá Quốc Kỳ. Ông nói rằng, chỉ biết lúc đó phóng viên chiến trường cũng theo chân đơn vị lên núi Nhạn để ghi hình. Kết thúc chiến tranh còn nhiều việc quan trọng phải làm, chẳng ai nghĩ nhiều đến công lao thành tích, khi về Quân khu 5 dự họp mới biết mình có bức hình đó. Sau giải phóng Phú Yên và Khánh Hòa sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh, Nguyễn Sỹ Kỳ được Tỉnh đội Phú Khánh điều động về làm Đại đội phó Đại đội 202 đặc công anh hùng. Năm 1978, Tỉnh đội Phú Khánh thành lập lại Đại đội 22 súng máy cao xạ 12,7 ly đã giao cho ông làm Đại đội trưởng, sau đó đề bạt chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 78 pháo cao xạ 37 ly. Trong những năm 1979-1983, ông được Tỉnh đội cử đi học ở Học viện Lục quân Đà Lạt, đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn. Tháng 6-1983, sau khi tốt nghiệp, ông được điều động về Phòng Quân huấn Quân khu Thủ đô. Năm 1988, Nguyễn Sỹ Kỳ được Quân khu Thủ đô giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Huyện đội Thanh Trì. Từ năm 1991, ông được đề bạt làm Chỉ huy trưởng Huyện đội Thanh Trì cho đến khi về hưu vào năm 2003 với quân hàm Đại tá.
           Bước sang tuổi 70, Đại tá Nguyễn Sỹ Kỳ vẫn giữ được phong độ, đi lại nhanh nhẹn, khỏe khoắn, nói năng to rõ rất quân sự. Ông tham gia làm cấp ủy chi bộ mấy nhiệm kỳ nay. Trong căn nhà hai tầng ấm áp, ông sống bình yên và hạnh phúc bên người vợ là Nguyễn Thị Nhật, ở tuổi gần thất thập, hai ông bà đã có 7 đứa cháu, rất hạnh phúc, hòa thuận. Thời gian trôi qua, tấm ảnh Nguyễn Sỹ Kỳ với lá Quốc Kỳ trên đỉnh Nhạn tháp ngày chiến thắng sẽ phai mờ. Tuy Nhiên, hình ảnh của ông: Giải phóng quân Nguyễn Sỹ Kỳ vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Phú Yên./.
 
Ông Nguyễn Sỹ Kỳ cùng vợ và cháu nội tại nhà riêng ở Hà Nội
 
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2019
Đại tá Nguyễn Bá Thuyết Phó chủ tịch Thường trực
Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên
tin tức liên quan