Tầm nhìn đại học hóa sĩ quan

         Bắc Ninh, những ngày đầu mùa thu năm 1994, một mùa tuyển sinh quân sự lại bắt đầu. Dạo cuối tháng 7, đầu tháng 8, những lớp ôn thi đã được mở. Học trò đèn sách về tề tựu. Học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông có, bóng áo lính quân phục K82 bạc màu cũng có… Xen lẫn không khí ôn thi là lớp học viên sắp ra trường miệt mài đèn sách. Và cả những doanh trại ngổn ngang gạch mộc vừa đóng phơi trong nắng cuối hè. Đất nước còn nghèo, chưa thoát ra khủng hoảng. Quân đội phải gồng mình dựng xây. Học viên sĩ quan vừa học, vừa tăng gia sản xuất cũng là lẽ thường…

         Khi chúng tôi “khăn gói quả mướp” đến trường trong khung cảnh ấy, chưa ai nghĩ đến những lý tưởng cao siêu. Chọn vào học sĩ quan, với nhiều người là theo lý tưởng của bản thân, gia đình, nhưng cũng không ít người là sự ngẫu nhiên. Tôi nằm trong số đó.

Những cánh chim từ một “mùa xuân đầu tiên”

Học viên Tiểu đoàn 5 những ngày đầu học chiến thuật ở đơn vị tạo nguồn dự bị sĩ quan.

         Một buổi sáng mùa thu tháng 9 năm 1994, những chàng trai trẻ vừa trúng tuyển kỳ thi đại học quân sự tề tựu trước sân Tiểu đoàn 5 trong bộ quân phục K82 màu cỏ úa mới tinh, rộng thùng thình trong dáng vóc những thư sinh quê mùa gầy guộc. Trung tá Nguyễn Hữu An (sau là Đại tá, chỉ huy tiểu đoàn) nói rằng: Tất cả tập trung để nghe Hiệu trưởng nhà trường “huấn thị”.

         “Huấn thị” – một cụm từ lạ hoắc, trang nghiêm mà xa lạ làm sao, nhưng cuối cùng chỉ là một cuộc sinh hoạt. Hơn 100 học viên trẻ tề tựu đứng trước sân tiểu đoàn. Xuất hiện trước mắt chúng tôi, một ông già người xương xương, mái tóc bạc trắng, trong bộ quân phục bạc màu, ve áo ông lung linh quân hàm đỏ thắm viền vàng và hai ngôi sao. Ông là Trung tướng, Phó Giáo sư Văn Cương – Hiệu trưởng nhà trường.

         Bài phát biểu của ông thật dung dị. Ông nhắc đến đất nước đã đi qua bao cuộc chiến tranh, đến sứ mệnh người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc; công việc của những học viên sĩ quan chính trị tương lai. Trách nhiệm thì nhiều lắm, nhưng gói lại trong mấy chữ thôi:“Sách bên hoa, đàn bên súng, nghiệp trăm năm theo bước Bác Hồ”.  Ông cũng cho chúng tôi biết sóng gió thời cuộc chao đảo khắp toàn cầu, nhưng với tầm nhìn chiến lược, Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định phải kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đó là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Ông nhận định, kinh tế đất nước vô cùng khó khăn, thiếu thốn, khủng hoảng chưa qua, nhưng Đảng, Nhà nước ta vẫn dành sự quan tâm to lớn xây dựng quân đội với mục tiêu xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trước hết là tinh nhuệ về chính trị, đại học hóa đội ngũ sĩ quan. Và đúng như ông nói, khóa học của chúng tôi chỉ  sau khi nhập học đã được nâng cấp từ bậc học cao đẳng lên đại học. Sau này, trong một công trình khoa học về đại học hóa đội ngũ sĩ quan, Trung tướng Văn Cương đã trình bày rất chi tiết về chủ trương lớn này. Ít lâu sau, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã có các Nghị quyết số 93, 94 đề cập các vấn đề trên.

         Muốn thành sĩ quan, cần là người lính vững vàng

        Mô hình đào tạo sĩ quan cấp phân đội khi đó là học viên sẽ phải trải qua 10 tháng tạo nguồn dự bị sĩ quan, nói nôm na là phải tập làm người lính, tập mọi thứ lăn lê bò toài đến điều lệnh để trở thành một người tiểu đội trưởng thực thụ trước khi về học. Ngày đó, học viên các khóa trước thường được đào tạo tại Trung đoàn 66, Quân đoàn 2. Nhưng riêng khóa học chúng tôi lại được điều về Trung đoàn 88 Tu Vũ, Sư đoàn 308 để học tập, cùng với khóa học viên của Học viện Phòng không – Không quân. Những mảnh đất Lương Sơn, Xuân Mai đã trở thành nơi khai tâm, rèn trí những người lính trẻ.

Những cánh chim từ một “mùa xuân đầu tiên”

Học viên Tiểu đoàn 5 tham gia làm công tác dân vận tại Bắc Ninh.

         Được rèn luyện ở một sư đoàn thép anh hùng nổi tiếng của quân đội có lẽ là một cơ hội lớn để những học viên sĩ quan tương lai thêm cứng cáp. Chúng tôi còn nhớ mãi những người thầy được nhà trường cử theo bám nắm học viên khi ấy như các anh Nguyễn Khắc Thăng, Đoàn Xuân Hiệp, Nguyễn Duy Hiển, Nguyễn Việt Yên… Bài học đầu tiên là những bước chân đội ngũ, những động tác chào, những bài học bắn súng. Đó cũng là 10 tháng trời đằng đẵng gắn với những bài tập chiến thuật bên đập Đồng Chanh; những bài bắn súng bên núi Voi, xuyên qua những mùa hoa mua, hoa sim, hoa đào. Mười tháng ngắn ngủi, nhưng đã tôi luyện phẩm chất người lính. Muốn trở thành sĩ quan, trước hết phải là người lính tốt.

         Mười tháng trời đầu tiên của cuộc đời quân ngũ là biết bao kỷ niệm. Đó là nỗi nhớ nhà da diết. Đó là những cơn đói cồn cào. Định mức suất ăn bộ binh thời đất nước còn gian khó với 3.153 đồng mỗi ngày dường như không đủ tráng men cái dạ dày của những chàng lính trẻ đang ở tuổi ăn, tuổi ngủ. Đó là những ngày vắt chân lên cổ làm quen với 10 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần. Đó là những buổi trưa không ngủ cả trung đội ra sân nắng gấp chăn vì quá nhiều anh chàng gấp chăn xấu như…bánh mì. Đó là những đợt báo động đột xuất giữa đêm khuya khi có một ai đó bỏ gác…Đó là những ngày chồn chân, mỏi gối vì tập điều lệnh ra rả trước sân trung đoàn trong tiếng hô “mốt, hai” đến khản cả tiếng của anh Duy Hiển.

         Kết thúc 10 tháng tạo nguồn, một nhiệm vụ mới lại đến khi cả khóa học không được nghỉ hè, phải tham gia cuộc diễu duyệt A95 phục vụ kỷ niệm 50 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Lại những ngày ăn trực nằm chờ, xiết bao vất vả vì nhiệm vụ chung.

         Tháng 10-1995, chúng tôi trở về Tiểu đoàn 12 Trường Sĩ quan Lục quân 1, bắt đầu chương trình đào tạo Đại học đại cương kéo dài 18 tháng. Ngày đó, để đáp ứng yêu cầu đại học hóa đội ngũ sĩ quan quân đội, trong khi mô hình, mục tiêu, yêu cầu đào tạo đang từng bước được hoàn thiện, đào tạo đại học được chia làm hai giai đoạn: Đại học đại cương và đại học chuyên ngành. Học viên đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội được chia vào một nhóm ngành chung mà nội dung học hành rất dàn trải: Ngoài các kiến thức cứng về văn hóa, lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, còn có tới 4 học phần về Toán cao cấp, 1 học phần toán xác xuất và thống kê, 2 học phần về Lý – Hóa cao cấp.

         “Nắng Sơn Tây thiêu đốt đời trai trẻ/ Núi Ba Vì che lấp đỉnh tương lai”...- đúng là một thời trẻ trâu, có chàng học viên sĩ quan lục quân nào đó đã nghịch ngợm viêt như vậy vào cuốn giáo trình chiến thuật để sau này lớp đàn em chúng tôi theo học, mở ra đọc phải mà giật mình. Trường Sĩ quan Lục quân 1 nổi tiếng là nơi rèn quân nghiêm khắc nên anh em lính tráng gọi chệch đi là “Luộc quân”. Chả thế mà các chàng học viên sĩ quan ngoài câu trên còn có câu: “5 năm học, 9 mùa thi/ Hai vòng tổng hợp còn gì là xuân”. Khi ấy, tâm trạng chúng tôi khi phải trải qua khóa học này rất nặng nề. Đại học đại cương gì mà học lắm lăn lê bò trườn, kỹ chiến thuật nhiều thế? Đại học gì mà hằng ngày phải đi lấy phân trồng rau tăng gia? Đại học gì phải leo núi đào hào? Đại học gì mà ban đêm phải đeo ba lô đất đi rèn luyện ? Tâm lý bồng bột và non nớt của tuổi trẻ khiến không ít bạn có lúc dao động, nản chí.

         Cô Kim Anh, giảng viên thỉnh giảng đến từ Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ dạy môn Tiếng Anh ngày đó rất yêu mến những học viên quân sự. Nhìn cánh lính trẻ vất vả học rèn, nhiều thầy cô đến giảng còn mang bánh kẹo cho. Nhìn thấy học viên giữa trưa hè như đổ lửa vẫn mặc bộ quân phục K82 màu cỏ úa có cái thắt lưng to bản thắt giữa bụng nhìn như “tốt đỏ”, cô tỏ ra ái ngại: “Các em cứ bỏ ra cho khỏi vướng víu, đeo làm gì?”. Cô đâu biết đã là điều lệnh, thì dù không thích, người lính vẫn phải mang mặc đúng qui định.

         “Năm tháng đắng cay hơn năm tháng ngọt ngào hơn. Em mới hiểu bây giờ, anh có lý”. Câu thơ của On-ga Béc-gôn khiến chúng tôi hiểu khi đi qua những năm tháng lục quân. Sau này, ra trường, nhiều bạn ở cương vị những người chỉ huy cầm quân, quản lý hàng trăm, hàng nghìn bộ đội càng hiểu ra rằng, những mái trường quân sự cần phải “luộc” như thế để lửa thử vàng. Lòng trung thành, bản lĩnh, ý chí cách mạng không tự nhiên mà có. Nó được hun đúc, tôi luyện từ những điều nhỏ nhất, từ những môi trường gian khổ nhất. Thượng tá Lê Huy, nay là Phó chính ủy Vùng 1 Cảnh sát biển Việt Nam, là người từng có mặt trong những ngày đầu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trên vùng biển Trường Sa tâm sự: Chính nhờ phương trời “Luộc quân” mà sau này, dù phải trải qua nhiều tình huống cam go, nhiều sự thiếu khổ về vật chất, chúng tôi đã có đủ bản lĩnh vượt qua.

Những cánh chim từ một “mùa xuân đầu tiên”

Tiểu đoàn 5 là đơn vị nhiều năm nhận cờ thi đua trong khóa học.

         Lò đào tạo những bí thư tuổi đôi mươi

         Tháng 2-1997, sau khi tốt nghiệp khóa học đại học đại cương, chúng tôi được trở về tổ ấm Tiểu đoàn 5 – Thành cổ Bắc Ninh, khi đó thuộc cơ sở 2 Học viện Chính trị - Quân sự (nay là Trường Sĩ quan Chính trị). Được trở về cái nôi đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội trên vùng quê quan họ ngàn năm văn hiến, đó là một thuận lợi rất lớn. Nhưng đó là về lý thuyết, trên thực tế, những khó khăn, vất vả trong quá trình học tập vẫn rất lớn. Đất nước sau 3 năm đổi mới, kinh tế đã có bước tiến dài. Các lò gạch, phong trào học viên vừa học, vừa đóng gạch trong trường đã bị “xóa sổ”. Nhưng môi trường học – rèn vẫn đầy rẫy khó khăn, đúng như một cựu học viên đã viết:

          “Mái trường trong tôi là những ngày gian khó

          Nhà để xe thành nhà ở học viên

         Cơm rau muống, mà đầy hoài bão

         Từng ngày lớn dần nhân cách chính trị viên…”

         Những năm tháng học tập ở cơ sở 2 Học viện Chính trị - Quân sự, do là giai đoạn “giao thời” nên nhà trường không được đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất. Nhà ở học viên, hội trường học tập nhiều nơi chỉ là những nhà để xe, nhà kho cải tạo lại. Có vị chỉ huy tiểu đoàn đã phải thốt lên rằng: “Phải phong anh hùng cho những nhà để xe cũ kỹ này, vì nó đã đào tạo nên lớp lớp thế hệ chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị cho toàn quân!”.

         Cũng hiếm có nhà trường nào dạy chữ, dạy người toàn diện, nghiêm cẩn như nơi đây. Học ăn, học nói, học gói, học mở, học để làm người, làm cán bộ. Những năm gần đây, đọc thông tin trên báo chí nói về những tiêu cực trong giáo dục và đào tạo, về nạn chạy điểm, mua điểm, tôi lại nghĩ về môi trường học – rèn ở sĩ quan chính trị. Trong khi ở nhiều nơi người ta ngại học, ngại đọc lý luận Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì ở nơi đây, với mỗi môn học, học viên say mê học, đọc, thảo luận. Những buổi tối khuya, hàng trăm học viên vẫn không ngủ, tranh thủ ánh sáng từ bóng điện bảo vệ để ôn bài. Ngoài sân vận động, những ánh nến, ánh đèn khuya thao thức suốt canh thâu ôn bài… Những nguyên lý, những phạm trù, những nguyên tắc của Đảng đi vào bữa ăn, giấc ngủ… Ở mái trường này, dường như học chữ, học kiến thức mới chỉ chiếm được 50% của mục tiêu đào tạo, chuyện học làm người, học để trở thành người đảng viên, người cán bộ của Đảng được coi trọng từ lời nói đến việc làm của người học mỗi ngày. Ở nơi ấy, vai trò của những cán bộ quản lý học viên – những người thầy tại chỗ quan trọng không kém, thậm chí có nhiều việc còn trực tiếp quan trọng hơn cả những người thầy trên bục giảng. Cách đây 2 năm, chúng tôi tổ chức một cuộc họp mặt các cựu học viên Tiểu đoàn 5 ở Hà Nội. Có một hình ảnh khiến mọi người đều rất xúc động. Đại tá Vũ Huấn, nguyên Tiểu đoàn trưởng năm xưa, người thầy, người anh cả của tiểu đoàn đã mang đến cuộc gặp mặt một “bảo bối”. Đó là chiếc bảng treo trong phòng làm việc của ông ngày nào, trên đó có ảnh chân dung và các dữ liệu về từng học viên ông quản lý, từ ngày tháng năm sinh, quê quán, bố mẹ, gia cảnh đến kết quả học – rèn từng năm.

         Có thể nói không ngoa rằng, thành cổ Bắc Ninh chính là một địa chỉ đỏ đặc biệt của Đảng, của quân đội, đó chính là “lò đào tạo những bí thư chi bộ tuổi hai mươi”!

Những cánh chim từ một “mùa xuân đầu tiên”
 
Những cánh chim từ một “mùa xuân đầu tiên”

Học viên Tiểu đoàn 5 học tập nội dung quân sự.

          Những cánh chim từ Thành Cổ

         Ai đó đã nói rằng, thực tiễn luôn là thước đo chân lý. Thực tiễn luôn sinh động và phức tạp. 5 năm học rồi cũng qua nhanh. Đón chúng tôi là những chân trời mới. Khóa học đầu tiên của mô hình đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội kết thúc trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động sâu sắc. Hơn 170 học viên tốt nghiệp như những cánh chim được tung về mọi phương trời Tổ quốc.

         Ngày đó, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, có tới hàng chục học viên được điều động tăng cường về các đơn vị Hải quân, Cảnh sát biển mới thành lập. Họ đã có mặt trên tất cả cả vùng biển của “đất nước hơn 3.000 hòn đảo”. Nhiều người đã có những năm dài gắn bó với Trường Sa, với những nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Là nhà báo quân đội, tôi may mắn đã được đến tận nơi, tận mắt thấy những đồng đội, đồng khóa của mình nơi đầu sóng ngọn gió. Có lúc thấy thật nghẹn lòng nhưng cũng xiết bao cảm phục khi gặp anh Đồng Xuân La ở Trường Sa Lớn, chẳng những hoàn thành xuất sắc vai trò người chính trị viên mà còn được mệnh danh là “người nuôi mèo nhiều nhất Trường Sa”, đưa những con vật gần gũi với người nông dân vào cuộc sống quân trường của người lính. Tôi cũng từng đến vùng ngã ba biên giới giáp Cam-pu-chia, nơi người bạn học Nguyễn Văn Trà – một người lính quê quan họ đã vì nhiệm vụ gắn bó với mảnh đất chín Rồng, gắn bó đến mức người dân vùng biên coi anh như con cái, anh em và khi tôi đến tác nghiệp, cũng được coi như những người trong nhà, những đứa con của nhân dân.

         Ngày đó, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội, các đơn vị như Quân khu 9, Quân khu 7, Quân đoàn 3, Binh đoàn 16, các vùng biên cương xa xôi vất vả rất cần người. Đã là người lính, chúng tôi luôn sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì, đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Đúng như một nhà thơ đã viết: “Thế hệ chúng tôi đi như gió thổi/ Quân phục xanh đồng sắc với chân trời”. Gió, ngọn gió của tuổi trẻ, của khát vọng cống hiến, của yêu cầu nhiệm vụ Tổ quốc đã cuốn chúng tôi đi không tính toán thiệt hơn. Có nhiều bạn bè của chúng tôi khi khoác ba lô về đơn vị mới phải bắt tay dựng xây doanh trại từ nhà tranh vách đất, nuôi lợn, câu cá, trồng rau như những người nông dân. Nhưng họ đã không ngần ngại, không tính toán thiệt hơn. Có những người đã 20 năm gắn bó với các vùng biên cương, với đồng bào như máu thịt của mình như Vũ Văn Định, Trịnh Hoài Đức ở Binh đoàn 16, Nguyễn Văn Hưng ở núi rừng Tây Nguyên...

         Ngày đó, trước yêu cầu nhiệm vụ, không ít bạn bè của chúng tôi đã được điều động về những đơn vị đặc biệt. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho những công việc thầm lặng vì sự bình yên, vững bền của an ninh quốc gia, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ đã làm được rất nhiều việc lớn lao, hữu ích, nhưng không ai biết về họ, những chiến công, thành tích cũng không thể tuyên dương.

         Trước yêu cầu nhiệm vụ, không ít người được phân công về các đơn vị kinh tế, những đơn vị công nghiệp quốc phòng, kỹ thuật. Có những người, bằng sự nhạy bén, năng động và được sự tin tưởng của tổ chức, từ cán bộ chính trị lại được phân công phụ trách sản xuất kinh doanh, đứng mũi chịu sào cả một cơ quan, doanh nghiệp như Bùi Văn Lương, Phạm Văn Dưỡng... Họ luôn học hỏi, lắng nghe, tiến về phía trước với tinh thần người lính. Nay có những bạn là lãnh đạo, chỉ huy, làm công tác tại các doanh nghiệp quân đội vẫn đang nỗ lực vượt khó, góp phần thực hiện chủ trương chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng trong tình hình mới.

         Trong số những cánh chim tung bay về mọi miền Tổ quốc, có không ít người gắn bó với sự nghiệp trồng người, trở thành giảng viên, cán bộ quản lý ở các học viện, nhà trường quân đội. Họ lại cần mẫn với việc đào luyện các thế hệ cán bộ chính trị mới, phát huy những bài học được hun đúc từ Thành Cổ năm xưa.

         Sau 20 năm ra trường, các học viên Tiểu đoàn 5 như những cánh chim tung bay về mọi miền Tổ quốc, từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến miền biên cương,  hải đảo; từ cơ quan Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu đến các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, các học viện, nhà trường, nhà máy, xí nghiệp….

Những cánh chim từ một “mùa xuân đầu tiên”

Cô Kim Anh và các học viên Tiểu đoàn 5.

         Lớp học viên khóa 1 đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội năm xưa, giờ đây hầu hết đã trưởng thành, trở thành sĩ quan cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam, phần đông mang quân hàm thượng tá; có đồng chí được phong quân hàm đại tá. Nhiều đồng chí đã học tập phấn đấu trở thành tiến sĩ, thạc sĩ ở các học viện, nhà trường; nhiều bạn đã giữ cương vị chính ủy, phó chính ủy, chủ nhiệm chính trị cấp trung, sư đoàn ở các đơn vị; giám đốc, trưởng các cơ quan ... Nhưng dù ở cương vị nào, mỗi người đều phát huy tốt những phẩm chất, nhân cách được tôi luyện Thành Cổ Bắc Ninh, một môi trường mẫu mực, môi trường văn hóa sư phạm quân sự tiêu biểu.

         Hai mươi năm nhìn lại, có thể thấy mô hình đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội bậc đại học là một chủ trương đúng, đã góp phần đại học hóa, hiện đại hóa đội ngũ sĩ quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, đó là mô hình mới, được thực hiện trong bối cảnh vừa tìm tòi, thể nghiệm, vừa bổ sung hoàn thiện nên ban đầu còn có bất cập. Việc phân kỳ hai giai đoạn đại học đại cương và đại học chuyên ngành trong đó đại học đại cương ở cơ sở đào tạo khác quá dài, nội dung còn dàn trải ban đầu sau này đã được rút kinh nghiệm, thay bằng phương thức phù hợp hơn. Quá trình đào tạo chuyên ngành, với những kinh nghiệm và biện pháp đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, kết hợp giữa đào tạo học vấn và đào tạo chức danh, giữa đào tạo cán bộ và xây dựng đội ngũ đảng viên… đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý.

         Là một cựu học viên, cựu cán bộ quản lý đã có nhiều năm công tác tại Học viện Chính trị - Quân sự (nay là Học viện Chính trị), nhân kỷ niệm 20 năm ngày tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội bậc đại học đầu tiên, tôi viết một số dòng cảm tưởng, nghĩ suy về chặng đường đầy gian khổ, tìm tòi ấy. Chúng tôi luôn tin tưởng, tự hào mái trường năm xưa, nay là Trường Sĩ quan Chính trị (Đại học Chính trị) sẽ luôn phát huy truyền thống của một nhà trường mẫu mực trong đào luyện cán bộ chính trị cấp phân đội, góp phần xây dựng những thế hệ cán bộ chính trị tương lai ngày càng chính quy, tinh nhuệ, trước hết là tinh nhuệ về chính trị, thật sự là những đại biểu ưu tú của Đảng trong quân đội!

Đại tá NGUYỄN VĂN MINH

(Phó trưởng Phòng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Điện tử  - nguyên học viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 5, Học viện Chính trị - quân sự)

PS st Theo QĐND Online