"Đại tướng giữa đời thường" - Ký ức của Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền
ĐẠI TƯỚNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG
(Những kỉ niệm với Đại tướng Phạm Văn Trà)
Khoảng 3 giờ chiều ngày 19/7 thấy tiếng điện thoại reo, tôi cầm máy nghe, nhận ra ngay tiếng Đại tướng Phạm Văn Trà.
...
Ông đang ở đâu đấy?
Dạ, Em mới đi Quảng Trị nhân dịp 27/7 ra ạ!
Ở quê hay Hà Nội ?
Em ở Hà Nội ạ!
Chiều nay 5 giờ lên ăn cơm với tôi cho vui nhé.
Vâng ạ.
Tháng 9 năm 2014 tôi nghỉ chờ hưu, một hôm nghe Đại tướng gọi điện lên ăn cơm chiều. Tôi nhờ xe của công ty Nguyễn Xuân Hoà, lên tận Quế Võ - Bắc Ninh quê ông, vào nhà thấy im ắng quá, cảm nhận bị nhầm rồi, điện thoại hỏi lại mới biết là thủ trưởng mời lên trạm 66/BQP nơi ông nghỉ mỗi khi về Hà Nội.
Tháng sau nghe điện thoại gọi là có mặt đúng giờ, đúng địa điểm.
Thủ trưởng nói : Về hưu cả rồi, từ nay ông đừng gọi tôi là thủ trưởng nữa, cứ gọi anh em thôi. Mỗi tháng một lần lên ăn cơm với tôi, mấy anh em thân thôi cho vui.
Vâng ạ.
Thế rồi về hưu mà chưa được nghỉ, hội hè đi suốt, thủ trưởng gọi lên ăn cơm cũng vắng mặt nhiều.
NHỮNG CÂU CHUYỆN MỖI KHI GẶP MẶT
1. TẠI CHÙA HỘ QUỐC
Cuối tháng 12/2012, Đại tướng điện thoại gọi tôi ra dự lễ khánh thành Chùa Hộ Quốc, vào dịp giỗ tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Do bận việc chiều tôi mới ra được. Đêm hôm ấy hai thầy trò tâm sự về đạo - đời.
Tôi hỏi:
Thủ trưởng trước đi tu phải không ạ?
Không phải thế, còn bé tôi đi học ba năm ở chùa chứ không phải đi tu.
Thế sao thủ trưởng ra đây xây chùa?
Ông kể:
Khi thủ tướng Võ Văn Kiệt nghỉ hưu, tôi vào thăm, ông ấy tâm sự với tôi rồi dặn rất thân tình. Trà ạ, mày ở Nam Bộ lâu, khi nào về hưu vào trong này xây mấy ngôi chùa. Dân miền Nam cũng từ miền Bắc vào đây lâu đời thôi, thế nhưng miền Bắc chưa để lại dấu ấn văn hoá nào ở Nam Bộ cả. Tao về quê Vĩnh Long nằm suốt đêm không ngủ được, nghe tiếng chuông nhà thờ nó đánh điếc tai. Muốn nghe một tiếng chuông chùa mà không có. Trong này nhà thờ rất nhiều, đạo Thiên chúa, đạo Tin Lành.. các chùa thì toàn của người Hoa và người Khmer thôi, không có cái chùa nào của người Việt cả.
Tôi nghe lời ông Võ Văn Kiệt và hứa sẽ làm.
Khi nghỉ hưu tôi ra Phú Quốc chọn vị trí rồi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thống nhất chủ trương và cấp đất cho xây dựng. Khi hoàn thành, tỉnh Kiên Giang đặt tên là Chùa Việt, không cho sư trụ trì, để cho tham quan... Tôi đề nghị đặt tên là Chùa Hộ Quốc và phải có sư trụ trì, cũng tranh luận mãi mới xong. Tôi lên chùa Trúc Lâm - Đà Lạt đưa chú sư về đây trụ trì, chú ấy là sĩ quan của BTTM ra quân đi tu, thế là cả 3 người gồm bố rồi 2 con trai theo vào đi tu, đang ở đây cả.
Hôm khánh thành trùng với ngày khánh thành sân bay quốc tế Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm tặng tượng ngọc Phật và xá lợi Phật từ Mianma mang về.
Tôi hỏi, sau chùa này thủ trưởng có làm tiếp nữa không ạ?
Hôm khánh thành, lãnh đạo 13 tỉnh miền Tây về dự cả, tỉnh nào cũng đề nghị tôi giúp xây dựng, tôi nói sẽ nghiên cứu làm dần.
Thế thủ trưởng có xin ý kiến Trung ương không ạ?
Có chứ, tôi phải báo cáo Ban bí thư TW, Bộ chính trị, Ban bí thư đồng ý mới làm chứ.
Thế kinh phí ở đâu ạ?
Tôi thông báo, các doanh nghiệp ai có lòng hảo tâm đăng ký, tôi vạch ra qui hoạch, thiết kế. Ai cúng tiến thì nhận gọn từng hạng mục xây dựng rồi bàn giao, không có Ban quản lý, không nhận tiền của ai cả.
Tôi rất vinh dự được Đại tướng cho trồng một cây lưu niệm lưu danh Thiếu tướng Hoàng Kiền tại đây.
Năm 2017 tôi ra thăm Phú Quốc, điện thoại hỏi thăm thủ trưởng, Đại tướng cũng mới ra, ông điện thoại gọi tôi đến ăn cơm. Ăn xong mới hỏi chuyện, thật vui khi đã có 11 tỉnh đã và đang xây dựng chùa, còn Bến Tre và một tỉnh nữa Đại tướng nói để phần cho Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau này chị ấy làm...
2. TẠI QUẾ VÕ QUÊ HƯƠNG ĐẠI TƯỚNG.
Vào ngày 4/1/2016 Đại tướng điện thoại cho tôi lên chơi và tham gia ý kiến về trưng bầy trong nhà lưu niệm tại quê hương ở Quế Võ. Ông nói: Chú cô làm Bảo Tàng Đồng Quê hôm khánh thành có giấy mời nhưng tôi bận không xuống dự được, nghe anh em đi dự về ca ngợi lắm. Hôm nay mời chú lên tham quan và góp ý với tôi về trưng bầy trong nhà lưu niệm của tôi. Xem xong nhà lưu niệm thật ấn tượng. Rất nhiều hiện vật liên quan đến các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta được trưng bầy khoa học, những câu đối, lời văn sâu sắc và ý nghĩa, tượng các tướng lĩnh quân đội các thời kỳ.....
Khi ngồi ăn cơm tôi hỏi: Thủ trưởng đặt tượng 10 đại tướng trong đó một bên là 5 đại tướng quân sự, một bên là 5 đại tướng chính trị. Thế còn những người khác nữa thì sao?
Tôi chỉ đặt những đại tướng trải qua hai cuộc chiến tranh đánh pháp và đánh Mỹ thôi.
Thế về thủ trưởng thì sao?
Tôi đặt ảnh Bác Hồ bên trên, dưới là ảnh Bác Tôn, sau này tôi chết con cháu sẽ đặt tượng tôi dưới ảnh Bác Hồ và Bác Tôn.
Đại tướng nói rất nhiều về Đại tướng Lê Đức Anh. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, địch phản công càn quét, tình hình chiến trường nói chung, Nam Bộ nói riêng vô cùng khó khăn, không bảo đảm được các mặt, trên chỉ đạo tạm thời giải tán các đơn vị chủ lực. Đồng chí Lê Đức Anh - TL QK9 nghiên cứu quyết định không giải tán, trong đó có Trung đoàn do đồng chí Phạm Văn Trà làm Trung đoàn trưởng, chia nhỏ ra ẩn vào dân, vẫn giữ được lực lượng sau nhanh chóng củng cố lại. Với quyết tâm như vậy, năm 1974 Đại tá Lê Đức Anh được thăng quân hàm vượt cấp lên Trung tướng.
Khi chúng ta theo Liên Xô, thực hiện chế độ bỏ đảng uỷ, bỏ chính uỷ chính trị viên mà chỉ có Hội đồng chính trị. ... Đại diện của Bộ quốc phòng sang Campuchia truyền đạt với đồng chí Lê Đức Anh để triển khai. Đồng chí yêu cầu phái viên về ngay, mặt trận CPC không thực hiện, nếu thực hiện như vậy quân đội làm sao chiến đấu được. Đồng chí đã đúng. Sau đó đồng chí được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam , rồi Bộ trưởng Bộ quốc phòng và năm 1992 được bầu làm Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghe kể cong, tôi hiểu thêm rất nhiều vấn đề và thưa:
Em hiểu rồi, đây là nhà lưu niệm của Đại tướng Phạm Văn Trà. Thật trân trọng.
3. TẠI BẢO TÀNG ĐỒNG QUÊ.
Ngày 4/12/2016 Đại tướng về thăm Bảo Tàng Đồng Quê. Mới hơn 7 giờ ông đã đến nơi. Tôi mời các anh đại diện cho lãnh đạo của huyện Giao Thuỷ và xã Giao Thịnh đến chào và cùng tiếp Đại tướng. Sau khi tham quan Bảo tàng, Đại tướng tặng tôi quyển sách hồi ký ĐỜI CHIẾN SĨ của ông rồi tổ chức trồng cây lưu niệm, thật trân trọng.
Đại tướng về thăm Bảo Tàng
Trồng cây lưu niệm giữa làng Bỉnh Di
Tấm lòng CHIẾN SĨ lưu ghi
Đồng Quê mãi mãi diệu kỳ mở mang.
Đại tướng Phạm Văn Trà (Bên trái) Thăm Bảo tàng Đồng quê
Chín giờ là xong, anh em ngồi nghe thủ trưởng nói chuyện hai tiếng liền, cũng xoay quanh chủ đề về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Ông nói:
Năm 1954 đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Trung ương cục miền Nam không đi tập kết mà ở lại Cà Mau hoạt động. Đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư tỉnh uỷ Bạc Liêu cũng không đi tập kết mà về quê ở Vũng Liêm - Vĩnh Long ẩn náu để hoạt đông. Khi nghe tin đồng chí Lê Duẩn vẫn ở Cà Mau, đồng chí Võ Văn Kiệt quyết tâm vào Cà Mau gặp đồng chí Lê Duẩn để bàn về cách mạng Miền Nam. Nếu đi đường bộ vào sẽ bị địch bắt, Ông đã nuôi một đàn vịt lớn, mặc bộ quần áo rách, đội nón lá đánh đàn vịt lội đồng bơi sông từ Vĩnh Long vào tới Cà Mau. Hai người cán bộ cách mạng gặp nhau đều có chung nhận định là không thể chờ tổng tuyển cử được mà phải đấu tranh giành chính quyền. Đồng chí Lê Duẩn đã có báo cáo gửi ra Trung ương Đảng và Bác Hồ, đó cũng là những cơ sở để hình thành lên NQ TW 15 về đường lối của cách mạng miền Nam.
Ông nói: Tôi được biết trong lý lịch của mình, ông Võ Văn Kiệt khai là biết đọc, biết viết thôi chứ chẳng có bằng cấp gì cả. Chúng tôi ngồi nghe đều thật trân trọng, những việc thủ tướng đề xuất như: Đường điện 500kv Bắc - Nam, kênh đào ra biển tây mang tên Võ Văn Kiệt hiện nay để cải tạo vùng đồng bằng tứ giác Long Xuyên, đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá...
Đại tướng Phạm Văn Trà đánh giá rất cao về cá nhân đồng chí Võ Văn Kiệt.
Tiếp theo là nói về Đại tướng Lê Đức Anh, người chỉ huy mà Đại tướng Phạm Văn Trà đã cùng một thời gian gắn bó, chuyện nhiều rất dài với sự khâm phục và ca ngợi.
Sau khi tham quan Bảo Tàng Đồng Quê, lúc nói chuyện, Đại tướng nêu ra vấn đề và động viên tôi. Đại tướng muốn làm một Bảo Tàng Đồng Quê ba miền Bắc - Trung - Nam tại Phú Quốc, đất tỉnh Kiên Giang sẽ cấp, tiền huy động các doanh nghiệp, động viên tôi ra giúp xây dựng. Tôi hơi băn khoăn nhưng cũng nhận lời và sẽ sắp xếp báo cáo thủ trưởng sau.
4. TẠI HÀ NỘI TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN
Sáng 27 tháng 12 âm lịch năm 2018 thượng tá Nguyễn Ngọc Trung, con rể đưa bố đến trạm khách của BQP tại số 266 Thuỵ Khuê - Hà Nội chúc tết Đại tướng Phạm Văn Trà. Bác nói chuyện về đời thường về tình đồng đội, về đạo đời rất hay.
Tôi mới ở miền Tây ra, đến thăm một chú đơn vị cũ gắn bó với nhau nhiều năm trong chống Mỹ, nay về quê nhà nghèo lắm, ở chung với vùng đồng bào Thiên chúa giáo, chú ấy không theo đạo. Không có ruộng toàn đi làm thuê thôi.
Tôi cho tiền mua chục héc ta ruộng, trong này ruộng rẻ lắm. Tôi mua cho một chiếc máy cầy để cày ruộng rồi dặn cụ thể. Cấy lúa mà ăn, mỗi vụ giành cho tôi một tấn thóc để cứu đói cho người nghèo và các đồng đội cũ còn khó khăn, danh sách tôi đưa. Vợ chồng phấn khởi lắm.
Đây là làng theo đạo Thiên chúa giáo, cán bộ ta rất khó vào. Tôi đến thăm nhà thờ, nói chuyện với ông cha xứ. Dân ta theo đạo Thiên chúa hay Đạo Phật, đạo khác nữa cũng đều là người Việt Nam cả. Vừa qua đã cùng nhau đánh đưởi ngoại xâm rồi, bây giờ đất nước hoà bình thống nhất, mọi người tự do làm ăn, tự do tín ngưỡng, cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước, đừng làm việc gì không có lợi, các vị linh mục cũng cần khuyên bảo giáo dân của mình như vậy. Ông ta cứ gọi tôi bằng cụ xưng con, nghe tôi nói là tiếp thu ngay.
Tôi nói cha xứ nên treo cờ Tổ quốc trong khu vực nhà thờ và khuyên bảo giáo dân treo cờ Tổ quốc cùng với cờ của Thiên chúa giáo. Ông ấy đồng ý và rất vui vẻ.
Vừa qua một số khu vực dân theo đạo Thiên chúa xảy ra các vụ việc biểu tình, gây rối rất phức tạp. Cái chính là công tác tuyên truyền, phương pháp giải quyết của ta ở đấy chưa tốt.
5. TẠI HÀ NỘI CHIỀU TRONG BỮA CƠM CHIỀU
Chiều 19/7/2019 đại tướng mời lên ăn cơm. Khách mời có 5 người, vừa tròn một mâm. Vừa ăn vừa nói chuyện, hôm nay Đại tướng nói về hai đề tài.
- Vào Nam chiến đấu.
Mấy người hỏi bác vào Nam năm nào?
Tôi vào Nam năm 1963 gồm 160 sỹ quan của quân khu 3 quân hàm từ thiếu uý đến đại uý. Những ai đại uý thì đi theo đường biển theo đoàn tàu không số vào đến Cà Mau nhanh hơn, nhàn hơn. Còn lại chúng tôi đi theo đường bộ tròn 7 tháng mới đến nơi. Chiến đấu trên chiến trường khu 9 gian nan ác liệt lắm. Đến khi hoà bình rà soát lại còn có 16 người sống, thế là cứ mười người chết mất 9. Sau kháng chiến chống Mỹ tôi còn ở lại tiếp sau 28 năm vào miền Nam mới ra Bắc, nhiều kỉ niệm với Nam Bộ lắm.
- Chuyện về ông Võ Văn Kiệt .
Trước khi mất ba tháng, ông Võ Văn Kiệt ra Bắc lên quê tôi chơi. Ngồi cùng nhau hàn huyên. Ông ấy nói miền Tây Nam Bộ có sáu cái nhất.
Ba cái nhất tốt :
Nhiều lúa gạo nhất
Nhiều trái cây nhất
Nhiều tôm cá nhất.
Ba cái nhất xấu:
Nghèo nhất so với người kinh trong cả nước
Thất học nhiều nhất
Con gái lấy chồng nước ngoài nhiều nhất.
Tao đã nói với Bộ chính trị là phải quan tâm về vấn đề này, mấy chục năm nữa con trai miền Tây sẽ rất nhiều người không lấy được vợ, khi ấy họ sẽ oán trách Đảng và Nhà nước...
Đại tướng nói, những điều cố thủ tướng Võ Văn Kiệt nêu cũng là những vấn đề đáng suy nghĩ.
6. NHỮNG KỶ NIỆM THỜI QUÂN NGŨ
1. Về xây dựng công trình chiến đấu
1.1 Kiểm tra công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa.
Tháng 4/1994 đoàn của Bộ quốc phòng đi kiểm tra quần đảo Trường Sa do Trung tướng Phạm Văn Trà - Phó tổng tham mưu trưởng trưởng đoàn. Dịp ấy tôi đang đi Trường Sa chỉ huy xây dựng công trình, do hành trình khác nhau nên không được gặp thủ trưởng. Khi vào bờ nhận được kết luận của đoàn là : Trung đoàn công binh 83 dùng nước mặn đổ bê tông là sai phạm nghiêm trọng. Bộ tư lệnh Hải quân chỉ thị cho trung đoàn kiểm điểm, báo cáo cụ thể. Anh em đơn vị rất lo, tôi nói cứ bình tĩnh không có việc ấy không lo. Tôi làm báo cáo giải trình với Bộ tư lệnh Hải quân, Trung đoàn 83 chưa bao giờ dùng nước mặn đổ bê tông. Chỉ có các ụ chống sóng bằng bê tông không cốt thép dưới nước là đổ bê tông khô rót xuống nước biển luôn, xi măng chịu mặn do công ty của Tổng cục Hậu cần cung cấp. Tôi trực tiếp xin gặp Trung tướng Phạm Văn Trà báo cáo giải trình là kết luận chưa đúng. Thủ trưởng nói đây là ý kiến của Đại tá Thành nguyên cán bộ công binh lên cơ quan Thanh tra của BQP báo cáo. Tôi nói là anh ấy chưa hiểu thực tế nên báo cáo chưa đúng. Thủ trưởng đồng ý với báo cáo giải trình của tôi. Thế là không bị kỷ luật.
1.2. Chất lượng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa.
Đầu năm 2005 Bộ trưởng điện thoại gọi tôi lên gặp. Ông nói: có người phản ảnh với tôi, Hải quân đem của đổ xuống biển, rất nhiều tiền đầu tư cho công trình mà ra kiểm tra không thấy công trình đâu, chất lượng kém. Từ nay không đầu tư cho xây dựng coing trình Trường Sa nữa.
Nghe xong tôi báo cáo là ai phản ảnh như thê là không đúng, đề nghị Bộ trưởng cho cơ quan ra kiểm tra. Đoàn kiểm tra của Bộ tổng tham mưu do Đại tá Trương Tải - Phó cục trưởng cục tác chiến dẫn đầu cùng các cơ quan liên quan, có Đại tá Nguyễn Hữu Cánh - Trưởng phòng Công trình quốc phòng của BTL Công binh mang súng bắn kiểm tra mác bê tông đi theo. Kết quả kiểm tra đánh giá hiệu quả đầu tư xây dựng rất cao, tất cả mác bê tông đều vượt thiết kế.
2. Giúp Lào.
+ Khảo sát căn cứ Trung ương giúp bạn Lào.
Năm 2001 sau sự kiện Mỹ tấn công I Rắc, Bộ trưởng Phạm Văn Trà sang thăm Lào, lãnh đạo nước bạn đề nghị BQP Việt Nam giúp nghiên cứu lập căn cứ ATK mới, bộ trưởng điện về nước cho TTMT giao nhiệm vụ cho BTL Công binh. Tôi là PTL-TMT được TLCB Trương Quang Khánh phân công đi. Chúng tôi chuẩn bị mọi mặt để lên đường, đại tá Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc TTTV Khảo sát thiết kế của BTL Công binh và một tổ khảo sát đi cùng. Bộ trưởng về nước gọi lên chỉ đạo thêm: Chọn vị trí đối phó được với cả hai tình huống, thuận lợi cơ động sang Việt Nam trong các trường hợp bất trắc xẩy ra. Tôi nhận thức được tầm nhìn chiến lược của Bộ Trưởng. Dự án hoàn thành, Đại tá Phạm Tiến Nhượng - Trưởng phòng công trình quốc phòng lập, tôi được giao nhiệm vụ trực tiếp báo cáo với đồng chí Kèn Khăm - Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào. Hiện nay đang triển khai.
+ Giúp Công binh Lào về công tác Bảo đảm kỹ thuật.
Khi là tư lệnh công binh tôi sang thăm làm việc với Cục công binh Lào, thấy trang bị của bạn bị hư hỏng nghiêm trọng, không có phụ tùng và kinh phí sửa chữa. Tôi về bàn với Đại tá Nguyễn Thành Định - PTL phụ trách kỹ thuật cần quan tâm giúp bạn. Chúng tôi lên báo cáo trực tiếp Bộ trưởng, đồng chí nhất trí chỉ đạo giúp bạn, thế là nhiệm vụ Bảo đảm kỹ thuật cho Công binh QĐND Lào được BTLCB Việt Nam giúp đỡ mọi mặt rất hiệu quả.
Việc bảo đảm kỹ thuật cho Công binh Lào được coi như một quân khu của Việt Nam.
3. Triển khai rà phá bom mìn.
Cuối năm 2005 Bộ trưởng gọi tôi lên nói: Về rà phá bom mìn lộn xộn lắm, tranh giành nhau làm mất uy tín quân đội. Tiêu cực quá lớn, Bên B thối lại cho bên A ba bốn chục phần trăm, ông là tư lệnh Công binh giúp tôi quản lý đừng để mất uy tín Bộ quốc phòng.
Tôi báo cáo, đề nghị Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho công binh làm theo nhiệm vụ đặc thù.
Bộ trưởng nhất trí và nói: Tôi sẽ báo cáo Thủ tướng có chỉ thị cụ thể. Năm 2006 Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký chỉ thị giao nhiệm vụ rà phá bom mìn vật cản tất cả các dự án trong cả nước do lực lượng Công binh thực hiện, làm theo nhiệm vụ, chỉ có bồi dưỡng công lao động. Bộ trưởng giao cho Bộ tổng tham mưu triển khai, Bộ tư lệnh Công binh soạn thảo các văn bản qui định, hướng dẫn cụ thể để trình BQP kí ban hành. Tháng 7/ 2007 tôi chuyển khỏi BTL Công binh nên ý định không được thực hiện đầy đủ, các doanh nghiệp vẫn nhảy vào tham gia, chiếm lĩnh, chỉ thị của thủ tướng không được thực hiện nghiêm túc, công binh bị mất vị thế của mình.
4. Triển khai ngay nhiệm vụ làm đường tuần tra biên giới.
Sau vụ bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên ngày 10 và 11 tháng 4 năm 2004, Bộ chính trị thành lập ban chỉ đạo Tây Nguyên, Đại tướng Phạm Văn Trà - Bộ trưởng / Bộ quốc phòng làm trưởng ban. Bộ trưởng gọi Tư lệnh Công binh - Đại tá Hoàng Kiền lên giao nhiệm vụ khảo sát thiết kế thi công song song ngay hơn bốn chục ki-lô- mét đường tuần tra biên giới tỉnh Bình Phước. Tôi tổ chức triển khai ngay.
Sau đó Bộ tưởng vào Ban Mê Thuật họp ban chỉ đạo Tây Nguyên, tại đây ông giao cho tôi tổ chức lực lương khảo sat lập đề án xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền toàn quốc, Trung tướng Phạm Hồng Lợi - Phó TTMT trực tiếp chỉ đạo. Nhiệm vụ được triển khai ngay. Chúng tôi đã đi dọc tuyến biên giới đất liền để khảo sát rồi tiếp theo là thi công. Được chứng kiến những chương trình mà Đại tướng Phạm Văn Trà đề xuất và chỉ đạo, mang tầm chiến lược:
Khu kinh tế quốc phòng.
Trạm xá quân dân y kết hợp
Đường tuần tra biên giới.
Năm 2012, khi Bộ trưởng đã nghỉ hưu, tôi cùng anh Thành CNCB Quân khu 3 phối hợp mời Đại tướng đi thăm đường Tuần tra biên giới. Đến cột mốc số 0 cửa Tục Lầm, nghe cán bộ đồn biên phòng Tục Lầm báo cáo, ông phê phán việc phân giới cắm mốc do cán bộ của ta không sâu sát để mất toàn bộ cửa sông to, vì điểm sâu nhất của dòng chảy nằm ở nhánh nhỏ về bên Việt Nam. Ông nói về việc mất cột mốc ở tỉnh Quảng Ninh nên ông đã cho làm một số đoạn đường tuần tra biên giới khu vực Quảng Ninh từ trước.
Từ thực tế ông đã đề xuất những chủ trương kết hợp kinh tế với Quốc phòng nơi biên cương Tổ quốc rất thiết thực và hiệu quả.
5. Kỉ niệm 60 năm thành lập Binh chủng Công binh.
Ngày 25/3/2006 BTL Công binh tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống. Chiều hôm đó tôi nhận được điện thoại của đồng chí thư ký mời lên gặp Bộ trưởng ngay.
Vào đến phòng thủ trưởng nói ngay rất gay gắt: Tôi mới ký ban hành văn bản là các đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống không được tổ chức duyệt đội ngũ, sao ông vẫn làm.
Tôi báo cáo: Kế hoạch kỷ niệm BTL đã báo cáo được Bộ phê duyệt trước khi Bộ trưởng ký qui định mới ạ. Công tác chuẩn bị luyện tập đã hoàn tất. Chúng tôi không điều lực lượng ở xa về, chỉ lấy quân của một đơn vị ở gần có biển các đơn vị ở xa thôi, không tốn kém gì cả.
Sao hôm ông lên mời ông không báo cáo tôi?
Báo cáo thủ trưởng, trong BTL cũng có ý kiến với tôi là phải báo cáo Bộ trưởng, em cũng suy nghĩ lắm và quyết định không báo cáo, cứ làm. Nếu báo cáo thủ trưởng quyết đình chỉ ngay, hỏng hết kế hoạch, cán bộ chiến sĩ đã say sưa luyện tập sẽ ngao ngán. Tôi quyết định cứ làm và nhất định sẽ nghe Bộ trưởng khiển trách, hôm nay xin giải trình và nhận khuyết điểm với Thủ trưởng .
Nghe xong thủ trưởng nói, ừ thôi được, nhưng ông không được đưa tôi lên truyền hình.
Tôi báo cáo: Toàn bộ phần duyệt đội ngũ không đưa lên truyền hình ạ.
Bộ trưởng cười bắt tay rồi nói, thôi về đi.
Tôi chào rồi cáo cáo xin phép về.
Còn rất nhiều kỷ niệm khác nữa về đời thường . Thật trân trọng Đại tướng Phạm Văn Trà.
Viêt ngày 20/7 hoàn thành 3 / 8 /2019.
Thiếu tướng Anh hùng LLVTND Hoàng Kiền