50 năm gìn giữ thi hài Bác Hồ - kỳ 1: Những chuyện chưa kể
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Năm 2019 - tròn 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, cũng ngần đó năm thi hài của Người được chăm sóc kỹ lưỡng, cẩn thận, chu đáo nhất có thể để đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế có thể tới thăm viếng, học tập, noi gương chiến đấu, hy sinh của Người.
Trong suốt 50 năm được tin tưởng giao phó nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả là gìn giữ, chăm sóc thi hài Bác Hồ, những người lính Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã có rất nhiều câu chuyện bây giờ mới kể. Dân Việt đã ghi lại những câu chuyện này.
Kỳ 1: Tổ công tác mang nhiệm vụ tối mật
Trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn khốc liệt thì sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yếu đi trông thấy. Bộ Chính trị đã nhận định: Phải thành lập một tổ công tác đặc biệt để làm nhiệm vụ chăm sóc thi hài của Bác sau khi Người trút hơi thở cuối cùng, nhưng lại phải bí mật, không để Bác biết…
Tổ công tác đặc biệt
Đây là một việc vô cùng khó khăn lúc bấy giờ, vì một mặt sợ Bác biết sẽ buồn. Nhưng mặt khác, công việc này phải thực hiện được để đáp ứng mong muốn lớn lao của nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân miền Nam là sau này được viếng thăm Người.
Giữa năm 1966, sau khi đi thăm “quê hương 5 tấn” Thái Bình về, Bác đã bị liệt nhẹ nửa người. Đây là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu sức khoẻ của Người không còn ổn định. Đến tháng 5/1967, Bộ Chính trị đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trì.
Cuộc họp bàn bạc về việc chăm sóc sức khoẻ của Người và chuẩn bị giữ gìn thi hài Bác lâu dài sau khi Người qua đời. Mọi việc phải tuyệt đối bí mật nếu không nhân dân sẽ hoang mang lo lắng và Bác biết sẽ phê bình. Nhiệm vụ là phải chọn một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô tiếp thu khoa học gìn giữ thi hài, nhân sự cụ thể giao cho Ban Tổ chức Trung ương lựa chọn.
Tổ công tác đặc biệt làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Cuối tháng 8/1967, thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền - Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu Bệnh viện 108, Trưởng phòng Pháp y Cục Quân y; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn - Chủ nhiệm Khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai; bác sĩ Lê Điều - Chủ nhiệm Khoa Ngoại Bệnh viện Việt – Xô được đồng chí Lê Đức Thọ triệu tập lên Văn phòng Trung ương Đảng nhận lệnh sang Liên Xô học tập, bác sĩ Quyền được phân làm Tổ trưởng.
Đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn: “Đây là một nhiệm vụ tối mật, tất cả chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng riêng việc này tuyệt đối không được để Bác biết. Ngay cả vợ con các đồng chí cũng không được tiết lộ một chi tiết nào về nhiệm vụ của chuyến đi này”.
Vào lúc 6h chiều 2/9/1967, chiếc xe Skoda của Tổng cục Đường sắt chở một tổ công tác đặc biệt ngược về biên giới phía Bắc, bỏ lại sau lưng Thủ đô yêu dấu với những trận địa phòng không đang sẵn sàng chiến đấu, giáng trả những đòn tấn công của không lực Hoa Kỳ.
Tới ga Đồng Đăng, 3 người chuyển sang tàu hoả liên vận tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc rồi đi tiếp Mátxcơva (Liên Xô). Sau 12 ngày di chuyển liên tục, tới ngày 14/9/1967, đoàn đã có mặt ở thủ đô Mátxcơva và bắt tay luôn vào nhiệm vụ học tập, tiếp thu kinh nghiệm giữ gìn thi hài từ những đồng nghiệp anh em tại Viện Nghiên cứu Lăng Lenin.
7 tháng học tập “nước rút”
Ngay sau khi đặt chân xuống thủ đô của nước bạn, tổ công tác được đồng chí Viện phó Romacov dẫn đi viếng Lăng Lenin. Kể từ đây, tổ công tác bắt tay luôn vào giai đoạn học tập nước rút, với 2 phần đọc tài liệu lý thuyết và thực hành, với những tài liệu chuyên về bảo quản thi hài của nhiều nền văn minh trên thế giới như Ai Cập, Trung Hoa và Liên Xô.
Phần thực hành mới là những thử thách. Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Lăng Lenin không tiếc khi truyền dạy những kỹ thuật trong công nghệ bảo quản thi hài lúc ban đầu. Nhưng khó khăn là không thể kiếm đâu ra thi hài để thực hành, lại phải là thi hài đàn ông với độ tuổi trên 60.
Có những hôm trời lạnh, mưa tuyết phủ trắng khắp bầu trời, mặt đất thành phố Mátxcơva, nhưng những học viên của tổ công tác vẫn phải kiên nhẫn bám theo Giáo sư Sarovatov - người trực tiếp tham gia ướp thi hài Dimitrov -vượt hàng trăm cây số tới các bệnh viện khắp trong vùng để tìm tử thi về thực tập.
Biết rằng thời gian học tập không được kéo dài, cả 3 người đã dồn hết tâm lực vào từng đường dao mũi chỉ, từng đường đưa thuốc mà chuyên gia bạn hướng dẫn. Nhiều ngày trời họ phải tự giam mình trong phòng kín cùng với những tử thi và cả mùi hoá chất nồng nặc. Ban đêm về nơi ở, 3 người lại bàn bạc rút kinh nghiệm và đọc thêm tài liệu để sau này phục vụ công việc trọng đại của nước nhà.
Bác sỹ Nguyễn Gia Quyền, Viện trưởng đầu tiên của Viện 69. (Ảnh tư liệu)
Cuối cùng, sau 7 tháng học tập liên tục không một ngày nghỉ, tổ y tế đặc biệt đã trở về Hà Nội với kết quả có thể tự làm chủ công việc ướp thi hài ban đầu trong vòng 20 ngày an toàn. Tiếp theo các chuyên gia nước bạn sẽ trực tiếp sang giúp đỡ.
Sau khi về nước, đoàn công tác được giao một lúc 2 nhiệm vụ: Bác sĩ Lê Ngọc Mẫn thì được phân công có mặt ở bên cạnh Bác để chăm sóc sức khoẻ của Người, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm Tổ trưởng thành lập Tổ y tế đặc biệt để làm nhiệm vụ gìn giữ thi thể Bác lâu dài.
Tháng 6/1968, Tổ y tế đặc biệt được thành lập bao gồm các thành viên: Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm Tổ trưởng; đại uý, bác sĩ Lê Ngọc Mẫn; thượng uý, bác sĩ Lê Điều; thiếu uý, bác sĩ Nguyễn Văn Châu; y sĩ Đỗ Trung Hát và hộ lý Phạm Ngọc Am. Sau khi thành lập, tổ công tác tích cực bắt tay vào công tác chuẩn bị, nhưng tất cả mọi người đều thầm mong mình sẽ không bao giờ phải làm nhiệm vụ cuối cùng đó, mong Bác sẽ sống mãi cho tới khi đất nước thống nhất như mong muốn của Người.
Trước khi lên đường, tổ công tác được đồng chí Lê Đức Thọ căn dặn: “Đây là một nhiệm vụ tối mật, tất cả chúng ta đều làm theo lời Bác, không giấu Bác điều gì, nhưng riêng việc này tuyệt đối không được để Bác biết. Ngay cả vợ con các đồng chí cũng không được tiết lộ một chi tiết nào về nhiệm vụ của chuyến đi này”. |
(Còn nữa)