NHỚ BINH TRẠM TRƯỜNG SƠN
Hồi ức của Lê Đức Đồng
-
Tôi nhập ngũ vào giữa năm 1974. Sau gần 6 tháng lăn, lê, bò, toài trên thao trường khét nắng. Tháng 12/1974, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân (hồi ấy gọi là đi B) vào chiến trường. Lúc này đã có xe chở quân, không cón cảnh đi bộ, lội rừng, lội suối như những năm 60 của lớp đàn anh. Những chiếc Zin 3 cầu được sơn màu xanh lá cây; chở được khoảng 20-25 người và quân trang, quân dụng.
Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến đi xa. Nào ba lô, quân phục, giày dép, lương khô, thịt hộp, võng bạt, tấm tăng, bông băng cá nhân, súng đạn, … Trên lưng mỗi người là chiếc ba lô tròn căng, khoảng chừng 40-45 kg. Tôi còn tranh thủ mang cuốn thơ “Thơ tuổi hai mươi” để đọc đỡ buồn …
Tuy chưa biết ngày giờ đi chính xác, nhưng đã râm ran trước đó một tuần. Nghe nói tiền miền Bắc đưa vào không sử dụng được nên chúng tôi hùn lại; mua gà nấu cháo liên hoan chung với các nhà dân quanh doanh trại. Hoặc om trái tro (trái cọ, vùng Hương Sơn – Hà Tĩnh rất nhiều) ăn vừa bùi vừa béo, hương vị dân dã khó quên …
Rồi lệnh lên đường hành quân ban ra vào lúc 0 giờ của một ngày gần cuối năm. Chúng tôi rời doanh trại, lên xe theo từng trung đội, chờ lệnh xuất phát. Đoàn xe lao nhanh trong màn đêm. Tạm biệt nhé miền quê trung du đầy ắp kỷ niệm. Người dân nghe tiếng xe rầm rập, biết là đơn vị vào Nam chiến đấu; họ thức dậy, đứng hai bên đường vẫy tay chào. Có người quay đi giấu giọt nước mắt chực trào. Bao kỷ niệm với miền quê trung du Hương Sơn khiến lòng người ra đi lâng lâng khó tả …
Xe qua địa phận Hà Tĩnh, tiến vào Quảng Bình đất lửa một thời. Hố bom vẫn còn hai bên đường như những dãy ao. Rồi xe đến Vĩnh Linh, miền đất thép kiên cường nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thị trấn Hồ Xá bị bom đạn Mỹ san bằng, ngổn ngang gạch vụn và những bức tường cháy đen nham nhở. Đơn vị dừng chân nghỉ ngơi, chuẩn bị vượt cầu Bến Hải vào Quảng Trị. Chúng tôi tranh thủ ra Bưu điện Hồ Xá, viết thư gửi về cho gia đình, bè bạn trước lúc rời miền đất Vĩnh Linh.
-
Xe qua miền Tây Quảng Trị, hướng theo đường số 9 để vào đường Trường Sơn. Dọc hai bên đường là bạt ngàn cây rừng khô cháy đen, lửa cháy phừng phừng trên những cành cây khô, khói bay mù mịt :
“Cây khô chết chẳng nghiêng đầu/Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh”. (Tố Hữu)
Mở ra trước mắt chúng tôi là đường Trường Sơn huyền thoại. Thời điểm này đường đã có hai làn đường cho xe ra vào tránh nhau. Bụi đường màu đỏ, ngập gần đến đầu gối. Mọi người mang khẩu trang để chống bụi. Bụi đường Trường Sơn quả là một nỗi ám ảnh không thể nào quên!
“Bụi bay đỏ kín đường hầm/ Thương con bướm trắng quạt ngầm suối khô”. (Tố Hữu)
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi khi qua Trường Sơn đã viết nên bài thơ “Lá đỏ”:
“Gặp em trên cao lộng gió/ Đường Trường Sơn ào ào lá đỏ…/(…)Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa”.
Bụi đỏ Trường Sơn bám vào trang phục, bám đầy đầu tóc nên khi đến các binh trạm, công việc đầu tiên của chúng tôi là ra suối tắm giặt.
Binh trạm là những điểm dừng chân trên suốt chiều dài của đường Trường Sơn. Binh trạm được tổ chức hết sức chặt chẽ và có một kỷ luật nghiêm ngặt. Nơi này có kho bảo quản lương thực, thực phẩm. Những dãy lán dài, lợp bằng ni lông màu xanh thấp thoáng dưới tán lá rừng. Nào thịt hộp, ruốc thịt; lương khô, gạo, đậu xanh… xếp tầng tầng lớp lớp. Chúng tôi càng cảm động hơn khi qua kho bảo quản thực phẩm. Đó là những bọc rau muống được phơi khô, bảo quản trong bọc ni lông từ hậu phương được đưa vào tận Trường Sơn. Quý giá lắm vì Trường Sơn, ngoài rau rừng thì không có rau xanh để ăn…
Mỗi đợt vài ba ngày, binh trạm đón cả ngàn cán bộ chiến sĩ bổ sung lương thực, thực phẩm để đi tiếp vào trong.
Từng đoạn suối được quy định rõ ràng: nơi này lấy nước nấu cơm, nơi kia tắm giặt. Những tấm bảng “Hãy giữ gìn vệ sinh chung” như nhắc nhở mọi người. Mọi người tự giác tuân theo quy định của binh trạm.
Khu đi vệ sinh cũng là cả một cách làm hết sức khoa học. Quy định mỗi chiến sĩ khi cần đi vệ sinh, tới khu vực quy định, dùng xẻng cá nhân đào một hố nhỏ và “đi” vào đấy, xong lấp lại. Vì thế, cả ngàn con người sinh hoạt mà môi trường không bao giờ bị ô nhiễm, hôi hám. Chỗ nghỉ được chia thành từng khu vực. Nơi đó có cây rừng san sát, mắc võng lên và mắc tăng, mắc mùng là yên tâm ngủ…
Những đêm trăng sáng, thấp thoáng cả ngàn chiếc võng xanh đu đưa. Tiếng trò chuyện, tâm tình tưởng chừng vô tận. Những đêm trăng sáng, tôi mang sách ra đọc. Trăng ở Trường Sơn rất sáng bởi bầu trời xanh trong nên đọc sách khá dễ dàng.
“Trường Sơn đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. (Tố Hữu)
Chúng tôi hành quân qua phía Trường Sơn Tây, qua đất bạn Lào, qua cao nguyên A Tô Pơ. Bởi dãy Trường Sơn như mái nhà, nếu bên đông mưa thì bên tây nắng ráo. Vì thế, suốt hai mùa mưa nắng, lúc nào tuyến đường Trường Sơn vẫn tấp nập xe ra vào không ngơi nghỉ…
Cơm Trường Sơn chỉ có thịt hộp, ruốc bông là món chủ lực. Chúng tôi tìm lá bứa nấu canh chua. Cây bứa có cành mọc ngang, trái giống hệt trái măng cụt của vùng quê Nam Bộ nhưng chua lòm lòm, ăn vào chảy cả nước mắt. Lá bứa nấu canh cùng môn thục, rau dớn rừng để có chất xơ. Lan rừng nhiều vô kể. Những giò lan dài hơn cả thước, tỏa hương ngào ngạt, đu lủng lẳng trên những thân cổ thụ…
Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp những cây chè rừng mọc hoang, cao chừng bảy, tám thước, cành lá sum suê. Lá chè rừng nấu lên với nước suối, có màu vàng sóng sánh và thơm đậm, uống vào tỉnh táo cả người.
Đến binh trạm như gặp làng ở nông thôn quê nhà. Nhà cửa ngay ngắn, hầm hào chắc chắn, sạch sẽ và mọi người hối hả theo công việc của mình. Cũng có tiếng gà trống gáy, tiếng gà mái nhảy ổ, tiếng chó sủa đêm đêm…
Tất cả bổng trở nên bình yên đến lạ. Lặng lẽ dưới tán rừng Trường Sơn là dòng người, dòng xe ngày đêm không ngừng tuôn về phía trước.
-
Chúng tôi nhận gạo, lương khô, thịt hộp cùng nhiều thứ thực phẩm khác, chuẩn bị vào binh trạm tiếp theo. Từng đoàn xe hướng về phía Nam tiếp tục chặng đường hành quân đánh giặc.
Binh trạm mới là rừng khộp bạt ngàn, lá khộp to bằng hai bàn tay, rụng đầy những lối đi trong rừng. Rừng le xen kẽ cùng rừng khộp, tạo nên thảm thực vật xanh tươi suốt mùa. Nghe mấy người lính binh trạm kể: ngày xưa đi bộ qua rừng le, nghe rào rào quanh mình, rào rào cả trên đầu ngỡ là mưa rơi. Nhưng nhìn kỹ thì cả ngàn con vắt xanh phát hiện được hơi người đang búng tanh tách trên lá. Vắt chui vào lưng áo, chui vào lỗ tai hút máu no tròn rồi tự rơi xuống đất. Cây le thuộc họ hàng tre, nứa nhưng nhỏ hơn và đặc ruột. Măng le mọc vào mùa mưa, xào cùng thịt hộp khá ngon. Mắc võng dưới rừng le lúp xúp, mát rượi nhưng muỗi, vắt nhiều.
Lại qua một binh trạm khác. Cả một rừng cây lá nón hiện ra dưới tán cây rừng, cây lá nón dùng để làm nón lá, không biết tự bao giờ đã mọc thành rừng… Đã nghe tiếng máy bay đối phương gầm rú trên đầu. Chiến trường đã cận kề với chúng tôi. Đêm đêm nghe cả tiếng pháo đì đùng. Lúc này hành quân ban đêm, qua ngầm gặp nhiều thanh niên xung phong đứng làm “cọc tiêu” dẫn xe qua ngầm. Những chiếc rọ thép đầy đá được sắp xếp thành một con đường ngầm qua suối. Xe chạy qua được nhưng máy bay không thể phát hiện được con đường ngầm dưới suối chảy. Sự sáng tạo, năng động của những người lính Trường Sơn, của thanh niên xung phong đã bộc lộ ý chí ngoan cường của dân tộc ta được thể hiện ở các binh trạm Trường Sơn khói lửa…
Mỗi binh trạm cách nhau từ ba đến bốn ngày hành quân. Lương thực, thực phẩm nhận đủ ăn uống trong ba, bốn ngày đó. Qua binh trạm khác lại bổ sung để hành quân tiếp vào phía trong.
-
Binh trạm cuối cùng thuộc vùng Lò Gò, xóm Giữa (tỉnh Tây Ninh). Từ đây, bạn về miền Đông thì ở lại chờ bổ sung; bạn về miền Tây tiếp tục hành quân qua đất bạn (Campuchia) để vào sâu hơn nữa.
Từ đây, chúng tôi đi bộ theo đường giao liên; vượt qua cánh đồng “Chó ngáp” để vào tận biên giới Việt Nam-Campuchia…
Sau hơn ba tháng hành quân bằng xe và đi bộ; chúng tôi được bổ sung vào Trung đoàn U Minh, Trung đoàn Sông Hương chuyên hoạt động chiến đấu thuộc Miền Tây Nam Bộ.
Nói sao hết được những gian khổ, thử thách trên đường hành quân vùng sông nước. Những đêm “vượt sông băng lộ” dưới trăng mờ, lội qua sông và băng qua lộ bốn. Có giao liên trải sẵn những tấm ni lông trên đường, chạy lên đó để băng qua đường. Xong xuôi, giao liên thu gom lại, không để lại dấu vết trên đường, dề phòng địch tuần tra phát hiện.
Nhớ hoài những kỷ niệm khó quên về binh trạm Trường Sơn; binh trạm của ý chí, của lòng quyết tâm với tinh thần “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Binh trạm Trường Sơn, binh trạm của những tấm lòng; của tinh thần sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật cao, tự giác từ người chiến sĩ đến người cán bộ chỉ huy… Đó chính là sức mạnh của quân đội ta; sức mạnh của dân tộc ta. Đó không phải là sức mạnh của súng to súng nhỏ, mà đó là sức mạnh tinh thần; sức mạnh của ý chí quật cường, sức mạnh của tình người, tình đời, có một nền văn hiến ngàn năm…
Đúng như lời Nguyễn Trãi, khi mở đầu “Bình Ngô đại cáo” đã viết rằng:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu…”
Trường Sơn, cuối 12/1974
Sóc Trăng, đầu tháng 10/2019
LÊ ĐỨC ĐỒNG
……………………………………………………………………………
Lê Đức Đồng- Số 27- Đường Ung Công Uẩn- Thị trấn Kế Sách-
H. Kế Sách-T. Sóc Trăng- ĐT: 091 3848734
……………………………………………………………………….