Bất ngờ thay đổi mục tiêu
Để chuẩn bị cho giải phóng Sài Gòn, ngày 25.4.1975, tiểu đoàn D81, Z22, Z23 thuộc Lữ đoàn Đặc công 316, được giao nhiệm vụ đánh chiếm và bảo vệ an toàn cầu Rạch Chiếc (cách trung tâm Sài Gòn khoảng 7km về phía Đông) để đại quân tiến vào.
Từ tháng 3.1975, địch đã xây dựng ở đây một cụm phòng thủ với lực lượng và hỏa lực rất mạnh gồm 3 tiểu đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn xe bọc thép, 2 cụm pháo 105 ly cùng với 400 lính bảo an được trang bị súng M16, súng phóng lựu M79, cối 61 ly, tổng cộng lực lượng địch khoảng 2.000 quân. Cách cầu khoảng 1km về phía Tây, là căn cứ giang thuyền của địch với hàng chục ca-nô chiến đấu thường xuyên tuần tiễu trên sông và sát chân cầu Rạch Chiếc. Đặc biệt, địch còn chôn dưới chân cầu hai quả bom tạ, để phòng khi có biến thì giật sập cầu, ngăn đường tiến công của quân ta từ hướng Đông.
Gần 45 năm trôi qua, nhưng ông Nguyễn Đức Thọ (đặc công nước thuộc Z23, trong trận đánh cầu Rạch Chiếc đêm 27.4.1975) vẫn bồi hồi khi nhớ lại trận đánh cầu Rạch Chiếc: “Mục tiêu ban đầu của D81, Z22, Z23 là chiếm đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy ở Bến Bạch Đằng (nay nằm trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh). Lúc này, các đơn vị đã nhiều lần trinh sát, đắp sa bàn để tập đánh căn cứ Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy tại căn cứ Rừng Sác. Anh em ai cũng háo hức chờ ngày đánh trận cuối cùng. Nhưng đột nhiên có lệnh từ cấp trên thay đổi mục tiêu, đơn vị không đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy nữa mà bằng mọi giá đánh và bảo vệ bằng được cầu Rạch Chiếc, không để cho địch giật sập, để giữ đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn”.
Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang, nguyên Chỉ huy cụm điệp báo H63 với điệp viên huyền thoại Phạm Xuân Ẩn) - Chính ủy của Lữ đoàn đặc công 316 khi đó - nhớ lại: “Ngày được chọn đánh cầu Rạch Chiếc rạng sáng 28.4.1975 vì dự định lực lượng tiên phong quân ta sẽ qua cầu Rạch Chiếc vào giải phóng Sài Gòn trong sáng đó. Tuy nhiên, trong trận quyết chiến tại cầu Sông Buông (một cây cầu nhỏ tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trước đó mấy ngày, địch đã giật sập cây cầu này, khiến đại quân ta phải mất thời gian làm cầu cho xe tăng qua, nên thời gian đến cầu Rạch Chiếc bị chậm hơn so với dự kiến. Cả 3 đơn vị với khoảng hơn 200 cán bộ, chiến sĩ chỉ có hai ngày để tập hợp lực lượng, bàn kế hoạch tấn công, nhiều anh em, đồng đội còn chưa biết hết tên nhau”.
Do mục tiêu thay đổi đột ngột, đêm 26.4.1975, 3 đơn vị đã tổ chức trinh sát trận địa và sáng 27.4.1975, thông qua kế hoạch tác chiến và quyết tâm thư khẳng định: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn D81, Z22, Z23 kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ đánh và giữ cầu Rạch Chiếc, dù phải hi sinh đến người cuối cùng”. Phương án tác chiến được chọn là chiến thuật đánh đặc công kết hợp với cường tập.
Bộ đội ngụy trang, bí mật tiếp cận mục tiêu dùng hỏa lực B40, B41, kết hợp thủ pháo, bộc phá bất ngờ tập kích các ụ hỏa điểm và sở chỉ huy địch, sau đó sử dụng tiểu liên kết hợp với bộ đội xung phong tiêu diệt binh lính ngụy chiếm lĩnh trận địa. Tiểu đoàn D81 được phân công đánh địch tại đầu cầu phía Nam (hướng từ Sài Gòn ra), còn Z22, Z23 được phân công đánh địch tại đầu cầu phía Bắc (hướng từ Biên Hòa vào).
52 cán bộ, chiến sĩ hi sinh
Ông Nguyễn Đức Thọ kể: “Chiều 27.4.1975, chúng tôi bắt tay chuẩn bị chiến đấu. Xác định đây là trận chiến rất ác liệt có thể sẽ hi sinh, nhưng ai cũng bình tĩnh chờ giờ xuất phát. Mỗi người tự gói cho mình 16 quả thủ pháo, 2 lựu đạn, những đồng chí mang B40, B41 mang theo 10 quả đạn; các đồng chí mang AK đều phải mang thêm 3 quả B40, B41 cho đồng đội. Hậu cần chuẩn bị sẵn cho mỗi người 2 nắm cơm, 2 hộp sữa, 2 cuộn bông băng”.
Tri ân những anh hùng đặc công
Cầu Rạch Chiếc đã được xây dựng lại có tuổi thọ thiết kế 100 năm, với chiều dài gồm cả đường dẫn vào cầu là 736m, bề rộng là 48m, tổng vốn đầu tư 1.010 tỉ đồng từ ngân sách TP.Hồ Chí Minh, đang giữ vai trò huyết mạch giao thông ra phía đông của thành phố. Bên phải cây cầu (hướng từ Biên Hòa vào), ngay gần sông, TP.Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng công viên - bia tưởng niệm các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh với tổng diện tích khoảng 12.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 21 tỉ đồng nhằm nhắc nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hi sinh ngay trước giờ giải phóng Sài Gòn.
19 giờ ngày 27.4.1975, các đơn vị bắt đầu rời địa điểm ém quân và đến 23 giờ đã tiếp cận mục tiêu. Giờ nổ súng được ấn định là 3 giờ 30 phút sáng 28.4.1975. Nhưng mới khoảng 3 giờ, bộ đội D81 đã buộc phải nổ súng tấn công địch, vì đột ngột một chiến xa quân sự của địch lao lên cầu, ngay sát nơi ém quân của ta. Đồng loạt hơn 60 khẩu B40, B41 của ta khai hỏa tập kích vào các mục tiêu của địch. Các chiến sĩ trong tay súng AK và thủ pháo dũng mãnh xông lên, đạp rào tấn công các mục tiêu. Cả khu vực phía nam cầu Rạch Chiếc lúc này như biển lửa, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt trong chớp nhoáng. Một bộ phận chiến sĩ được phân công tháo gỡ kíp nổ của hai quả bom tạ mà địch gài dưới chân cầu. Nguy cơ cầu Rách Chiếc bị giật sập đã được tháo bỏ.
Ở đầu cầu phía bắc, súng địch từ các lô cốt vãi như mưa trong lúc vẫn còn một bộ phận bộ đội của Z22, Z23 đang vượt sông khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ thương vong. Lúc này, ông Nguyễn Đức Thọ bắn quả B40 đầu tiên vào tháp canh của địch ở đầu cầu phía bắc, nhưng do nằm dưới sình lầy, ngay trước mặt là hàng rào dây kẽm gai, lại kê súng hơi cao, nên phát B40 này chệch mục tiêu. Ngay lập tức, những tràng đại liên của địch từ tháp canh xối xả đạn xuống.
Bất chấp nguy hiểm, ông Thọ đứng thẳng dạy nhắm bắn quả thứ hai và đã tiêu diệt được lực lượng địch trên tháp canh, tránh được hỏa lực mạnh của địch nã từ trên cao xuống quân ta. Lực lượng của ta lúc này cũng ào ạt xông lên tiêu diệt địch. Mặc dù chống trả quyết liệt, nhưng bị đánh bất ngờ với hỏa lực mạnh, nên quân địch mau chóng tan rã. Sau khoảng 30 chiến đấu, quân ta đã làm chủ trận địa, chiếm lĩnh mặt cầu, nhiệm vụ được giao cơ bản hoàn thành.
Tảng sáng 28.4.1975, quân địch tổ chức phản công từ 3 hướng (thêm hướng từ sông vào), với nhiều lực lượng máy bay, xe tăng, pháo, tàu chiến bắn phá dữ dội vào đội hình quân ta để chiếm lại cầu. Đặc biệt, quân địch đã dùng pháo bắn đạn chụp, nổ từ trên không xuống, gây nhiều thương vong cho quân ta. Nhiều chiến sĩ bị thương nhưng cương quyết không rời trận địa và bám trụ cùng anh em giữ cầu.
Do lực lượng địch gấp khoảng 10 lần và hỏa lực cực mạnh, đến trưa 28.4.1975, lực lượng quân ta được phân công ở lại giữ cầu được lệnh rút quân. Có những chiến sĩ đã tình nguyện chặn hậu chiến đấu hỗ trợ anh em rút quân, đánh địch đến viên đạn cuối cùng và bị địch bắt sống, tra tấn dã man.
Ngày 29.4.1975, quân ta được lệnh tấn công chiếm cầu Rạch Chiếc trở lại và giữ cầu cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đêm 29.4.1975, quân ta lại đồng loạt nổ súng tấn công lực lượng địch bố phòng tại hai đầu cầu. Thêm một trận chiến ác liệt với sự chênh lệch lực lượng cũng như vũ khí. Nhưng trước sự gan dạ, anh dũng của quân ta và sự bạc nhược của địch, các chiến sĩ đặc công một lần nữa nhanh chóng chiếm giữ được cầu. Mặc dù từ đêm 29 đến 30.4.1975, quân địch tổ chức nhiều lần phản công, nhưng quân ta vẫn kiên gan bám trụ, quân địch đành phải tháo lui.
Khoảng 9 giờ 30 phút sáng 30.4.1975, chiếc xe tăng đầu tiên của lữ đoàn 203, Quân đoàn 2, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tiến qua cầu Rạch Chiếc vào giải phóng Sài Gòn. Tổng kết trận đánh, có 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công đã hi sinh anh dũng tại đây.