"Đôi dép Trường Sơn" - Đặng Kim Âu

Ngày đăng: 03:40 10/03/2020 Lượt xem: 1.480
ĐÔI DÉP TRƯỜNG SƠN
Đặng Kim Âu

 
         Những vật dụng đi cùng người lính trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam đều có thể thay đổi theo thời gian và cương vị công tác. Riêng chỉ có đôi dép cao su là gắn với đôi chân vạn dặm của người lính lâu hơn cả. Trong tất cả các loại dép được xử dụng trong chiến trường, dép Trường Sơn của chúng tôi là ưu việt hơn cả. Chả là thế này:
       Tháng 7 năm 1970, Sư đoàn 2 hành quân từ chiến trường Quân khu 5 ra đường 9 Nam Lào chuẩn bị cho đánh lớn. Đại đội tôi (Đại đội 9- Tiểu đoàn 3- Trung đoàn 1 đóng quân cạnh Trạm 32 thuộc Binh trạm 32 Bộ đội Trường Sơn. Trong lần đi thực địa để lập phương án tác chiến tại chỗ, trên đường về, dừng chân nghỉ giải lao tại Tram sửa chữa cơ giới của Binh trạm. Đồng chí Nguyễn Xuân Nguyên liên lạc Đại đội nói với tôi:
      -Lốp ô tô cũ ở đây bỏ nhiều quá, chính trị viên liên hệ xin một chiếc đi;
      -Để làm gì?
      -Về em cắt ra làm dép. Thay cho mấy đôi dép của anh em mình từ chiến trường Quảng Ngãi ra đã tã quá rồi ;
Chúng tôi thay nhau, lúc lăn, lúc khênh chiếc lốp trên đoạn đường gần 2km về vị trí đóng quân.
         Chỉ với một con dao găm quân dụng, một ít nước xà phòng, chiếc lốp đã được cắt bỏ phần má lốp hai bên chỉ giữ lại phần giữa rồi lột bỏ phần dây gai chụi lực, giữ lại một lớp mỏng. Rồi sau đó những đôi dép mới toanh bằng lốp ô tô cũ lần lượt ra đời. Những đôi dép xinh xắn, vừa chân vì được đo trực tiếp với từng người. Dép dày, mỏng tùy theo ý thích của cá nhân, phía trước thường thấp hơn phía sau rất hợp khi vận động. Đế dép dày có độ cong vừa phải ( theo độ cong của lốp xe) nên rất bám chân và tạo độ nảy khi vận động. Lỗ ruôn quai dép có độ vát cao nên rất ít khi tuột quai. So với dép đúc của Trung Quốc trang bị cho Bộ đội thời đó thì ưu việt hơn nhiều. Dép đúc mỏng, nhẹ nhưng mặt dép phẳng đi đường trơn chân dễ bị trôi ra ngoài dép. Đặc biệt do mỏng và cao xu đúc ít tính đàn hồi, độ nghiêng của lỗ ruôn quai thấp nên chỉ xử dụng dăm ba tháng là rất hay bị tuột quai. Nhiều khi phải chêm, thậm chí phải gấp quai dép lại để chêm mới vừa với lỗ quai đã rỗng hoác. Tuột quai dép là một điều tối kị đối với người lính chiến. Trong hành quân, trong khi đi công tác, khi tập luyện trên thao trường, tuột dép đã là khổ. Phải dừng lại xâu quai dép mất thời gian và ảnh hưởng tới người khác. Trong vận động tiến công mà tuột quai dép thì hậu quả khôn lường. Nhẹ thì mất thời cơ diệt địch, nặng còn có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Chính vì vậy mà trong hành trang của người lính nào cũng phải có một chiếc rút dép tự chế bằng sắt tây hoặc inox để đề phòng khi cần thiết. Tuy vậy cũng chỉ hạn chế được một phần. Nay có những đôi dép tự chế xinh xắn lại ưu việt ai cũng thích.

 
         Phong trào làm dép lốp lan tỏa dần ra nhiều đơn vị. Những người lính Sư đoàn 2 chúng tôi gọi đó là DÉP TRƯỜNG SƠN(vì được làm tại Trường Sơn). Nhìn nốt dép in rõ hai hàng hình quả trám trên nền đất ai cũng tự hào vui sướng. Những đôi dép ấy theo chân người lính, chúng vượt qua mọi địa hình lập chiến công xuất sắc ở điểm cao 723 và 660 góp phần cùng toàn mặt trận làm nên chiến thắng Đường 9 Nam Lào ( mùa Xuân năm 1971); Cao nguyên Bô Lô Ven; Đắc Tô Tân Cảnh; Kom tum ; Bình Định ;Quảng Ngãi rồi Quảng Nam Đà Nẵng đến ngày thắng lợi hoàn toàn (30/4/1975)
        Cá nhân tôi đã xử dụng đôi dép từ ngày đó trong suốt quá trình chiến đấu và cả xây dựng doanh trại sau hòa bình. Mãi đến tháng 9/1975 được trang bị dầy da và dép rọ, tôi mới cho gia đình mà tôi trọ trong thời gian làm doanh trại (thôn 1 xã Bình Trị huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam).,.
       Ngày nay chân đi trên những đôi giầy, đôi dép thời thượng, tôi vẫn không thể nào quyên được đôi dép Trường Sơn ngày ấy.,.                                                                                                                                                

 
ĐẶNG KIM ÂU
SDT:0917366836

tin tức liên quan