Cung đường được giao khoảng 450km từ Sê Sụ, tỉnh Attapeu, Lào vào giao hàng cho hậu cần Bộ tư lệnh Miền theo tuyến Đông Trường Sơn qua Tây Nguyên, với nhiều đoạn mới mở, qua nhiều đèo dốc, nhiều ngầm nước sâu. Khó nhất là đoạn vượt đèo Ampum (ngã ba biên giới) và vượt ngầm Sêrêpôk.

Đầu tháng 12, đoàn về lại Sê Sụ lập sở chỉ huy tiền phương, cũng là lúc cả 4 trung đoàn xe: 17, 32, 33, 536 vào Sê Sụ với gần 3.000 xe, nhận vị trí đóng quân. Cả khu rừng nguyên sinh rộng lớn, tương đối bằng phẳng có nhiều nguồn nước, đầy ắp kho hàng. Các trạm giao liên cơ giới, bãi khách nhộn nhịp người vào ra…

Tình hình đã thay đổi. Lúc này Đông Trường Sơn vẫn còn mưa, trơn, lầy lội thì ở tuyến Tây Trường Sơn đã là mùa khô. Trung tuần tháng 12-1974, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật sư đoàn đã vào hết Sê Sụ. Sê Sụ trở thành sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn 471.

Tác giả và chiếc đài hiệu National vẫn hoạt động tốt sau gần nửa thế kỷ. Ảnh: TUẤN TÚ

Những năm trước, Bộ tư lệnh Khu vực 471 ở Phù Trường-Keng Nhang cách Sê Sụ chỉ hơn 100km với 6 binh trạm và 3 trung đoàn trực thuộc phải bí mật vị trí trú quân với hầm hố, công sự vững chắc. Giờ đây, sở chỉ huy Sư đoàn 471 ở Sê Sụ với 4 trung đoàn ô tô và các đơn vị trực thuộc, nhà ở chỉ là những nhà bạt. Đêm đến tại bãi chiếu bóng luôn sáng đèn, chiếu những bộ phim lính thích. Từ chỉ huy binh chủng hợp thành chuyển sang chỉ huy sư đoàn ô tô vận tải, Bộ tư lệnh sư đoàn được tăng cường cán bộ chỉ huy, kỹ thuật phù hợp với công việc. Cơ quan tham mưu được tinh giản, đáng chú ý là các cơ quan tác chiến-thông tin. Ban Tác chiến trước đây có 24 sĩ quan, giờ chỉ còn 7 đồng chí. Do vậy, khi tình huống mới xảy ra không khỏi lo lắng. Cũng chính tinh giản biên chế nên Ban Tác chiến và Ban Thông tin sư đoàn phải ghép thành một chi bộ do Phó trưởng ban thông tin Nguyễn Mầm làm Bí thư-một người rất nguyên tắc-người sau này đã quyết định đề nghị kỷ luật tôi, mà tôi sẽ kể sau đây.

Chiều 13-1-1975, một tốp A-37 của địch tới bắn phá ngầm Sê Sụ. Cao xạ 37mm bắn trả mãnh liệt. Bom rơi tản mát. Đường, ngầm và xe máy của sư đoàn không hề hấn gì. Cuộc ném bom này của địch đánh dấu sự đánh phá trở lại tuyến vận tải chiến lược của ta. Tin này được báo cáo ra trực ban tác chiến Bộ tư lệnh Trường Sơn. Chừng mươi phút sau, máy trực ban tác chiến sư đoàn rung lên. Lần này, ngoài bộ yêu cầu báo cáo. Chúng tôi cung cấp đầy đủ những gì thu thập được và khẳng định A-37 ném bom bắn phá ngầm Sê Sụ.

Thời gian này, Sê Sụ là một khu vực nhộn nhịp, đông người nhất trên tuyến chiến lược. Hằng ngày có gần 1.000 xe của Sư đoàn 571 Ô tô vận tải trả hàng. Cũng từ đây, gần 1.000 xe của Sư đoàn 471 Ô tô vận tải Trường Sơn hằng ngày đưa hàng vào Nam. Với cung đường 450km xác định 4 ngày đêm/chuyến đội hình tiểu đoàn. Mỗi ngày có tới 4 tiểu đoàn với gần 1.000 xe xuất kích. Do vậy phải có kế hoạch hiệp đồng chu đáo mới bảo đảm được đúng nhịp độ tiến công. Các trạm giao liên cơ giới, đường ống xăng dầu, thông tin cũng lập trạm trực điều tiết. Chưa kể các đoàn xe đi thẳng của Trung ương chi viện cho các chiến trường. Những vụ lộn xộn ở khu vực, Sư đoàn 471 Trường Sơn phải đứng ra dàn xếp. Công việc thực sự quá tải với cơ quan tham mưu sư đoàn. Mệnh lệnh phải chuẩn bị xe tốt để chuyển quân. Đây là công việc không mới đối với sư đoàn. Năm trước, Trung đoàn 536 cũng đã chuyển nhiều trung đoàn tham gia các chiến dịch ở Đông Trường Sơn, nhưng lần này được cấp trên nhắc nhở kỹ hơn. Điều đó buộc sư đoàn phải có kế hoạch gia cố thùng bệ tất cả các xe. Các máy xẻ gỗ hoạt động hết công suất. Cả khu vực Sê Sụ âm vang tiếng máy xẻ gỗ, tiếng búa đóng đinh gia cố thùng bệ.

Thế rồi chuyện lớn xảy ra với sư đoàn. Tiểu đoàn 62 thuộc Trung đoàn 32 bị không quân ngụy không kích ở đèo 88 vùng ngã ba biên giới, 5 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Tuấn, hàng chục xe bị cháy và hỏng hóc. Tình hình mới buộc ta phải có cách đối phó. Một hôm, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn gọi tôi tới chỗ ông. Với giọng hài hước, nằng nặng của người xứ Nghệ, ông hỏi:

- Thế nào ông giáo, pháo nòng dài ổn chứ?

- Thưa thủ trưởng, tôi ổn.

Không để tôi nói thêm, giọng chùng xuống, ông tiếp:

- Làm cách gì để nắm được hoạt động của không quân địch trên tuyến nhỉ?

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì ông nói tiếp:

- Cần phải nắm hoạt động của địch qua truyền thông của chúng, cậu hiểu không?

Rồi ông hướng dẫn tôi nghe đài địch tổng hợp lại tình hình để báo cáo ông.

Tôi về làm trợ lý tác chiến Bộ tư lệnh Khu vực 471 từ khi thành lập. Gần một năm sau ông mới về nắm quyền Tư lệnh Bộ tư lệnh Khu vực 471. Tư lệnh Nguyễn Lạn nổi tiếng với những ý kiến phản biện của mình với tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Tôi nhớ hồi Bộ tư lệnh Khu vực 471 ở Phù Trường, khi mới chuyển từ Hạt Vi về thấm nhuần chỉ thị của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên: Các sở chỉ huy phải bám mặt đường để chỉ huy bộ đội. Cơ quan tham mưu bố trí sở chỉ huy chỉ cách đường kín Phù Trường hơn trăm mét. Cổng gác của đại đội cảnh vệ ngay mặt đường. Khi xe hoạt động đường kín rồi cũng hở từng đoạn. Bọn OV-10 nhòm ngó bắn chỉ điểm ngay vọng gác cảnh vệ. Đêm đêm, AC-130 bay trên đầu bắn phá tuyến, vỏ đạn rơi rào rào ngay nóc hầm trực chỉ huy, dây điện hữu tuyến đứt liên tục. Tư lệnh Nguyễn Lạn chỉ thị cho rời sở chỉ huy vào sâu hơn để bảo đảm an toàn… Lần thứ hai tôi chứng kiến phản biện của ông với tướng Đồng Sỹ Nguyên là chuyện mở đường tránh Đắc Pét. Khảo sát thiết kế, tướng Đồng Sỹ Nguyên phê duyệt mặt đường mở 6m. Khi đi thị sát thi công, Tư lệnh Nguyễn Lạn thấy không cần thiết như thế mà chỉ nên mở mặt đường rộng 4m. Với lập luận của ông, tướng Đồng Sỹ Nguyên chấp thuận. Chúng tôi biết rất ít người dám đề xuất với Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên như vậy.

Giờ đây, ông lại giao cho tôi nghe đài địch để nắm hoạt động của chúng rồi báo cáo ông. Khi tôi chuẩn bị về lán, ông còn bảo: “Đài ta có mục dự báo thời tiết. Đài địch cũng có mục dự báo thời tiết, cố gắng nghe rồi báo cáo”.

Nghe đài địch là vi phạm kỷ luật, cố tình nghe đài địch là bị kỷ luật Đảng, tôi phải làm sao đây? Nhưng thủ trưởng đã giao, tôi nghiêm túc thực hiện. Mà quả thực, nghe đầy đủ bản tin chiến sự trong ngày của địch, rồi phân tích đánh giá, ta cũng rút ra được nhiều điểm quý giá. Cũng từ đó mà củng cố thêm lòng tin và quyết tâm của mình. Đồng chí Nguyễn Lạn nhận định:

- Lúc này địch không đủ sức ngăn chặn ta như những năm trước. Hỏa lực phòng không của ta đủ sức ngăn chặn đánh phá của địch. Khó có khả năng địch gây ra các trọng điểm gây tắc đường.

- Khả năng đánh phá các đoàn xe của ta hoạt động ban ngày trên tuyến có thể xảy ra, nhưng mức độ hạn chế. Do địch phải đối phó với ta trên nhiều hướng, nhiều mặt trận.

- Đội hình tiểu đoàn là phù hợp. Cần có kế hoạch tỉ mỉ, chỉ huy chặt chẽ, linh hoạt, quyết tâm cao…

Từ những nhận định như thế nên việc tổ chức cơ động toàn bộ các Sư đoàn 316, 968… vào vị trí chiến đấu an toàn tuyệt đối nhanh, gọn. Hoạt động của Sư đoàn 471 Ô tô vận tải Trường Sơn được cấp trên đánh giá rất tốt.

Nhưng tôi lại gặp xui xẻo. Nhận việc Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn giao, tôi không bỏ chương trình tin chiến sự nào của đài Sài Gòn, ghi chép tổng hợp đầy đủ báo cáo sư đoàn trưởng. Do mê mải quá mà tôi quên mất buổi họp sinh hoạt chi bộ. Bí thư chi bộ Nguyễn Mầm không thấy tôi tới họp nên đi tìm, bắt quả tang tôi đang nghe đài địch. Không thanh minh được, tôi bị kỷ luật khiển trách. Khi làm quyết định khen thưởng năm và đề nghị thăng quân hàm, tôi không có tên mặc dù các tiêu chuẩn đủ cả. Biết chuyện, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn trách tôi: “Sao không báo cáo để tôi can thiệp?”. Tôi chỉ biết cười vì sự ngô nghê của mình đâu hiểu hậu quả lại như vậy.

Nhưng cũng có cái hay và tôi càng yêu quý chiếc đài bán dẫn hiệu National tôi vẫn luôn mang bên mình gần 50 năm nay. Mỗi lần mở đài nghe, tôi lại nhớ mình từng bị kỷ luật vì nghe đài địch và câu an ủi của Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn kính mến: “Cậu bị kỷ luật thế là oan!”.

                                                           NGUYỄN KIM CHÚC