CHUYỆN VỀ NGƯỜI GÁNH BA LÔ VƯỢT TRƯỜNG SƠN RA TRẬN

Ngày đăng: 09:56 17/04/2020 Lượt xem: 461
CHUYỆN VỀ NGƯỜI GÁNH BA LÔ
  VƯỢT TRƯỜNG SƠN RA TRẬN

                                        TRẦN HỮU ĐẠO

     Trong buổi giao ban Bộ Tư lệnh Đoàn 559 hàng tuần và dịp cuối năm 1965, khi đó tôi là sĩ quan tham mưu thông tin được tham dự. Báo cáo của đồng chí Trưởng ban giao liên có nêu một việc làm cho cả hội nghị ai cũng phải để tâm, ấy là: Có 1 chiến sĩ của đoàn Bắc Hà (nay là tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang) tăng cường cho B3. Trên đường hành quân bộ qua các trạm giao liên từ Quảng Bình vào Đường 9 Quảng Trị không đeo mà toàn gánh ba lô, quân dụng vẫn bảo đảm hành quân trong đội hình, không tụt lại sau.
      Sau chiến thắng 30/4/1975, đất nước hòa bình thống nhất, tôi may mắn an toàn, sức khỏe vẫn đảm bảo, được tiếp tục phục vụ trong quân đội, đến năm 1997 nghỉ hưu. Khi về quê, trong câu chuyện về hành quân vượt đỉnh Trường Sơn với đồng đội cũ, tình cờ tôi gặp lại người chiến sĩ ấy. Đó là cựu chiến binh Đào Xuân Hựu quê ở khu phố Xuân Thụ, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, năm nay đã ở tuổi 80. Anh có thời gian 8 năm chiến đấu tại mặt trận Tây Nguyên ở đơn vị C31, công binh thuộc Phòng hậu cần B3.
      Đồng chí kể lại rằng: Suốt chặng đường hành quân từ miền Bắc vào đến tận B3 quê hương anh hùng Núp. Đơn vị của anh phải đi hành quân bộ dòng dã trong hơn 3 tháng trời, vượt hàng nghìn cây số qua đại ngàn Trường Sơn vào tận chiến trường Tây Nguyên chiến đấu. Do cấu tạo của bộ xương sống, xương sườn của mình khác người, giữa sống lưng bị lồi lên như chiếc bát úp, đeo ba lô cọ sát rất đau không thể đi được. Khi đi khám tuyển tôi đã được các y, bác sỹ cho miễn nghĩa vụ quân sự vì không đảm bảo sức khỏe. Nhưng tôi kiên quyết xin các bác sỹ cho đi bằng được, rằng: Tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của tuổi trẻ khi đất nước lâm nguy. Trên đường hành quân tôi đã đẽo 1 chiếc đòn gánh. Tôi treo ba lô một đầu, một đầu kia là nồi quân dụng 20 để thêm gạo + bi đông, lựu đạn, cuốc xẻng, gánh thay đeo. Cứ thế hành quân bộ trên đường. 2 trạm đầu có đồng chí cán bộ lo cho tôi không theo kịp đội hình, và cho rằng lẽo đẽo thế này, đường còn xa có khi bịt tụt lại. Song tôi khẳng định với chỉ huy, tôi sẽ theo kịp đội hình để vào chiến trường! Quả thật, chiếc đòn gánh đã trên vai tôi dong duổi dọc Trường Sơn từ Quảng Bình vào Tây Nguyên, khi đơn vị nhận quân ra đón chúng tôi lúc đó mới từ giã nó.
      Chiếc gậy chống đi đường với hàng vạn chiến sĩ hành quân bộ vượt Trường Sơn thì ai cũng phải có, nhưng đòn gánh để gánh ba lô, đồ quân dụng, vượt Trường Sơn thì thật là có một không hai.
 
                       T.H.Đ                                                             
 Phường Đồng Nguyên, TX Từ Sơn, Bắc Ninh
 

tin tức liên quan