Thầy tôi lên thăm - Nguyễn Văn Xuân

Ngày đăng: 04:51 19/04/2020 Lượt xem: 318
  Thầy tôi lên thăm.
                            Hồi ức
 

     Thế là 46 năm trôi qua, cả một khoảng thời gian dài dằng dặc, cuộc đời có biết bao biến đổi  thăng trầm, hỉ hả, ái ố, buồn vui, gian khổ, vất vả đều nếm trải. Nhưng tôi không thể quên được ngày đầu tôi mới xa gia đình, nhập ngũ huấn luyện tân binh tại xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
    Đang trong mùa huấn luyện, thầy tôi lên thăm. Ông đạp xe từ nhà lên đơn vị quãng đường trên 60km. Khi đó cũng tầm 10 giờ trưa, mồ hôi nhễ nhại, mệt mỏi, ông dắt xe vào trạm gác của đơn vị hỏi thăm tên tôi. Khi đó lính gác là tân binh mới nhập ngũ cùng đợt chúng  tôi, chưa có kinh nghiệm khi cất tiếng hỏi: ông thăm ai? Có giấy tờ gì không? Đang lúc mệt mỏi, gặp phải người gác hỏi đúng tác phong quân sự có phần hơi gắt và nguyên tắc…khiến  ông bực mình và trả lời: con tôi là Nguyên Văn… con tôi đi bội đội chứ có phải đi tù đâu mà đi thăm các anh yều cầu phải có giấy tờ? Thấy ngoài  trạm gác to tiếng và có tiếng ồn ào, anh  sĩ quan trực ban vội chạy ra. Thấy tình hình như thế vội mời thầy tôi vào phòng trực ban, rót nước mời uống. Anh hỏi thăm tình hình đi đường và gia đình ở quê… Vì thế đã làm ông phần nào  dịu đi cơn bực bội của người nông dân chưa quen với tác phong quân sự. Lúc này sĩ quan trực ban mới hỏi tên người ông tới thăm và cho gọi tôi ngoài thao trường về phòng trực ban để gặp người nhà.
     Tôi chạy vội từ thao trường vào phòng trực ban. Thấy thầy tôi đang ngồi đó, dáng vẻ mệt mỏi và sốt ruột. Mới chưa đầy một tháng trời, gặp nhau mừng mừng tủi tủi, ông vội lau hai dòng nước mắt đang lăn dài trên khóe mắt. Nhìn gương mặt khắc khổ của thầy – một nông dân hàng ngày dãi dầu ngoài đồng với “hai sương một nắng” làm tôi cũng nghẹn ngào chỉ cất lên được một tiếng gọi thầy! (ở nhà chúng tôi thường gọi bố mẹ đẻ là thầy u). Ông nhớ và thương tôi lắm. Khi tôi đi bộ đội hàng tháng trời ông ăn ngủ không yên, khóc hoài và cứ đi lang thang cho khuây khỏa, chẳng làm ăn được gì. Nhiều người nói thầy tôi bị trầm cảm và có người còn cho là thấy tôi bị điên nữa. Có thể thầy tôi sợ tôi lại đi xa biền biệt như anh trai đầu của tôi.  Thời gian đó anh cả còn đang chiến đấu ở chiến trường B2 không biết sống chết ra sao? Nay thêm tôi người con trai lớn thứ hai lại đi bộ đội nữa…
Sau này tôi mới biết vì sao thời gian đó thầy tôi lại đạp xe hơn 60km lên đơn vị thăm và  mang theo mấy cân  gạo nếp, một đôi gà, có cả  tiền mặt và bánh chè lam… Khi xa gia đình  tôi thường viết thư về nhà hỏi thăm tình hình, nhưng không bao giờ nói đến chuyện vất vả, gian khổ, ăn đói trong huấn luyện… Ở gần nhà tôi có ông bạn Chí cùng nhập ngũ và huấn luyện, chỉ khác Đại đội. Chí viết thư về trình bày hoàn cảnh và kể lể với gia đình, nào là huấn luyện vất vả, nào là đêm thì báo động thường xuyên, rèn luyện gian khổ và đói lắm. Thế là mẹ Chí nói với thầy tôi. Ông nghe được tin như thế bèn tức tốc lên thăm tôi ngay.
     Cha con gặp được nhau. Tôi xin phép trực ban đơn vị đưa thầy tôi ra nhà dân nghỉ nhờ rồi trở lại thao trường tiếp tục buổi huấn luyện. Tối hôm đó tôi mời mấy anh em trong tiểu đội ra nhà dân nơi thầy tôi đang ở. Mấy anh em nấu cơm nếp và làm thịt gà ăn liên hoan.  Thầy  tôi còn cho tôi thêm tiền để tiêu và dặn tôi khi nào đói thì con cứ  mua gì mà ăn thêm. Tôi không nhớ lúc đó thầy tôi cho là bao nhiêu tiền. Dường như thời kỳ đó nước ta đang tiêu tiền với mệnh giá một hai xu đến tiền hào và cả tiền đồng, chưa tiêu đến tiền nghìn như bây giờ. Số tiền Thầy tôi cho chắc cũng mấy trăm ngàn như mệnh giá tiền hiện nay.
     Tôi cảm ơn thầy tôi, nhưng không nhận tiền của thầy cho nữa. Một phần vì tôi vẫn còn tiền trước khi đi bội đội, gia đình, họ hàng, anh chị em, bạn bè, bà con hàng xóm ủng hộ, tặng quà khi tiễn tôi lên đường nhập ngũ. Ngoài ra hàng tháng tôi còn có phụ cấp của tân binh nữa. Tôi thương thầy u  và các em ở nhà còn vất vả lắm. Thầy u tôi tuổi ngày càng cao. Anh em tôi ai lớn lên lần lượt đi bộ đội, không biết bao giờ mới  được trở về giúp đỡ gia đình… Tôi không nhận tiền, thế là thầy tôi lại sụt sùi với hai hàng nước mắt lưng tròng trước lúc ra về.
    Thế rồi thời gian huấn luyện cũng trôi qua. Đơn vị nhận nhiệm vụ hành quân đi chiến trường B2. Cả đơn vị chúng tôi được trang bị toàn đồ nhẹ, quân tư trang đều do Trung Quốc viện trợ. Chúng tôi hành quân bộ từ Nho Quan đến Ga Ghềnh. Không biết ai cung cấp thông tin mà u tôi biết tôi hành quân đi chiến trường, bà đã lên đơn vị và cùng tiễn tôi lên tầu hỏa. Lúc đó u tôi mới ra về với hai hàng nước mắt nhìn theo đòan tầu rời ga. Hết đoạn đường đi tầu, chuyển sang hành quân bằng xe cơ giới. Tới mảnh đất Vĩnh Linh, đơn vị lại nhận được mệnh lệnh hành quân sang hướng tây, bổ xung cho mặt trận chiến trường C phía tây Trường Sơn trên đất bạn Lào. Tôi và một số anh em được điều động và tăng cường về Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 39 Sư đoàn 968, đóng quân tại bản Thà Teng, trên Cao nguyên BOLOVEN. Được về đơn vị mới thay cho lớp đàn anh nhập ngũ 1972 đợt Vĩnh Phú, một số anh do bệnh tật, sốt rét nhiều lần sức khỏe yếu ra quân về đia phương. Lúc này lính mới như tôi ở chiến trường nhu cầu tiêu tiền Việt không cần thiết nữa. Tiền mà mọi người cho khi lên đường nhập ngũ và phụ cấp hàng tháng tiết kiệm được cũng còn khoảng 30 ngàn đồng tiền Việt Nam. Tôi lấy ra biếu  các anh  được về nước…
    Tháng 4 năm nay, cả thế giới đang chống chọi với đại dịch COVID-19. Sau 46 năm nhớ lại những kỷ niệm một thời đã qua buổi đầu nhập ngũ, thầy u tôi nay trở thành người thiên cổ đã  mấy chục năm rồi, nhưng trong tâm tưởng tôi vẫn hiển hiện như mới ngày hôm qua. Nhân dịp “Thanh Minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” tôi viết những dòng chữ  này, thay những nén hương lòng tưởng nhớ tới thầy u tôi trong ngày giỗ thường niên. Vì đại dịch COVID-19, tôi không thể về quê để thắp hương cho thầy u được. Đất nước lại một lần nữa cùng đồng lòng vào trận tuyến mới diệt giặc covid-19. Hàng ngày hàng giờ, tôi thầm cầu mong cho đất nước sớm hết được lũ giặc covid-19 trở lại cuộc sống thanh bình, người người nhà nhà  lại vui vẻ làm ăn, cùng nhau xây dựng quê hương đất nước.
                                              
              Nguyễn Văn Xuân
 
             Hội viên Hội  VHNT TS
            Phòng8.04CT2 VIMECO
  Nguyễn Chánh, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
 
 
 
 
 
 
 
 

 

tin tức liên quan