Kỷ niệm sâu sắc khi là nữ quân y Trường Sơn
Vào cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, cuộc chiến tranh phá hoại trên Miền Bắc của không quân Mỹ ngày càng ác liệt! Cầu Long Biên và vùng ven Thủ đô Hà Nội đã bị đánh phá. Từ Hàm Rồng – Thanh Hóa trở vào tới Quảng Bình – Vĩnh Linh suốt ngày đêm không mấy lúc vắng tiếng gầm rít của máy bay và bom đạn của giặc Mỹ xâm lược.
Trong khi đó cuộc chiến đấu của Quân – Dân Miền Nam, đã bước sang giai đoạn phát triển mới kể từ sau tết Mậu Thân năm 1968 ! Do đó yêu cầu chi viện sức người, sức của cho cách mạng Miền Nam đòi hỏi càng lớn. Ngày ấy phong trào thi đua sản xuất, tòng quân chi viện cho cuộc chiến đấu giải phóng Miền Nam vô cùng sôi động trên toàn Miền Bắc; Với khẩu hiệu: “ Tất cả cho Miền Nam; tất cả cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” Đã là thanh niên ai ai cũng nô nức xung phong ra chiến trường, để góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc chống Mỹ cứu nước. Lớp lớp thanh niên nam – nữ đua nhau ra mặt trận.
Hòa chung trong không khí lên đường giết giặc lập công ấy, chúng tôi những sinh viên Trường cán bộ y tế Hà Bắc ( nay là tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ) lúc bấy giờ đều quyết tâm học song là xung phong nhập ngũ đi chiến đấu.
Thế là ước mơ trở thành sự thật ! Một ngày mùa thu đẹp trời, biết tin có đoàn cán bộ Cục Quân y – Bộ Quốc Phòng về trường tuyển quân ! Nhưng số lượng chỉ cho tuyển 50 người ! Trong khi đó khóa y 17 chúng tôi có tới gần 200. Tiêu chuẩn đặt ra cũng rất cao ! Ngoài phần lý lịch chính trị trong sạch, phải có đủ sức khỏe; Học lực tốt nghiệp loại khá trở lên vv…
Tin vào học lực, sức khỏe và chính trị gia đình; Tôi quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ xin vào chiến trường công tác. Đúng nửa tháng sau tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào bộ đội. Cầm tờ quyết định trong tay tôi vô cùng vui sướng ! và về khoe ngay với gia đình; Bố tôi là người ủng hộ đầu tiền! Còn mẹ tôi tuy không phản đối! nhưng mẹ tỏ ra buồn và lo lắng cho con gái mẹ, có chịu được gian khổ không ! rồi bao nỗi lo khác mẹ cứ thủ thỉ bên tai tôi. Nhưng quyết tâm của tôi không đổi; Trước lúc lên đường mẹ nói “ Con cố lên nhé!”
Tháng 8/1968 Tôi cùng một số bạn sinh viên nữa được điều về Viện Q.Y 110 ở Đáp cầu – Bắc Ninh tham gia huấn luyện 3 tháng, những bài học đầu tiên làm người lính như;10 lời thề, đội ngũ và bắn súng vv,,,
Đầu tháng 12/1968 chúng tôi hành quân về 63 Phố Lý Nam Đế - Hà Nội. Năm ấy tôi chưa tròn 19 tuổi, được vinh dự là một quân y sĩ, khóac trên mình bộ quân phục thật từ hào, Sau mấy ngày lưu lại Phố Lý Nam Đế làm công tác chuẩn bị. Đoàn chúng tôi gồm 50 Bác sĩ, 50 y sĩ và 30 dược sĩ, được bổ xung vào công tác tại BTL 559.
Được phổ biến Đoàn bộ 559 lúc đó đóng quân tại ngã 3 Đường 9 trên đất bạn Lào.
Hành quân vào nhận nhiệm vụ đã là những ngày gần Tết năm 1968 -1969 rồi. Vào đến Đoàn bộ ngay lập tức một số đồng chí được bổ sung vào sâu hơn như Binh trạm 35-36.42.44. Còn một số lại quay ra Binh trạm 31,32 nhưng đều dừng chân trên đất bạn Lào. Tôi và 5 đồng chí nữa được bổ sung về Binh trạm 32. Về tới Sở chỉ huy Binh trạm thì 4 đồng chí lại được điều về 3 đơn vị cơ sở, chỉ còn tôi và chị Sáu ở lại ban Quân y. ( Chị Sáu người trắng trẻo xinh đẹp, đặc biệt tóc chị rất dài và óng mượt, chị quê ở Làng Chè xã Liên Mão, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh ). Ngày đó đã là 28 Tết. , hai chị em tôi ở lại ăn Tết cùng Ban Quân y Binh Trạm. Cái Tết đầu tiền xa nhà, ở giữa chiến trường đang thời kỳ ác liệt, chẳng quen biết ai ngoài hai chị em; Ôi sao buồn đến thế ! Lúc nào cũng muốn khóc ! Trong mấy ngày Tết hai chị em chỉ ở trong hầm chữ A vừa cho 2 người, được anh em công binh đào cho từ trước. Vừa nhớ nhà, nhớ những gì đã diễn ra trong ngày này tại quê hương! Nỗi nhớ nó cồn cào, da diết làm sao! Còn trên bầu trời dù ngày hay đêm không lúc nào ngớt tiếng gầm rú của máy bay và tiếng bom – đạn nổ ùng oàng, mỗi khi có loạt bom nổ gần thì căn hầm nhỏ bé của chị em tôi lại rung lên bần bật !
Qua mấy ngày tết, hai chị em tôi được điều động xuống nhận công tác tại đội điều trị của Binh trạm.
Là Đội Điều trị duy nhất của Binh trạm, nên công việc cấp cứu, cứu chữa thương bệnh binh luôn bận rộn không kể giờ giấc ngày hay đêm. Do công việc cuốn hút nên thoáng cái đã đến mùa mưa; và mùa mưa năm ấy tôi được ra hậu phương an dưỡng nghỉ ngơi do sức khỏe yếu ( mới vào chưa quen tôi hay bị sốt rét ). Nghĩ an dưỡng tại Nga Sơn – tỉnh Thanh Hóa vừa tròn 3 tháng. Mùa khô lại sắp bắt đầu! Chúng tôi lại lên đường hành quân trở lại chiến trường chiến đấu !Lại cứu chữa thương binh, và những ca trực thức trắng đêm với chúng tôi là chuyện bình thường ! Cứ sáu tiếng bom nổ ít khì không có thương binh. đây là anh lái xe đang lái xe vượt trọng điểm ! Kia là đồng chí công binh bám giữ mặt đường vv,,, . Cuộc sống nơi chiến trận là như thế đó, luôn chân, luôn tay không lúc nào ngơi, nhất là đêm hoặc ngày nào gặp vài ca nặng phải phẩu thuật thì có khi quên cả ăn lẫn ngủ luôn !
Năm 1970 Ban quân y cử Tôi và y sĩ Độ ra Viện 59 đóng quân tại Bố Trạch – Quảng Bình để học bộ môn “châm cứu – Bấm huyệt.”
Học xong đã tới mùa khô; Chúng tôi lại trở vào chiến trường ! Về tới đơn vị, với kiến thức học được tôi bắt tay ngay vào công việc điều trị cho bệnh nhân. Với những triệu chứng đau đầu, đau thần kinh tọa, ù tai hay bệnh nấc vv,,,chuyển vào khoa tôi, điều trị:“Đông – Tây y” kết hợp là khỏi.
Tôi làm việc miệt mài vì đồng đội, nên hàng quý, hàng năm sơ kết, tổng kết công tác điều trị. Tôi luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Giải quyết được những ca khó, chữa khỏi nhiều bệnh nhân trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.
Ngoài nhiệm vụ điều trị thương bệnh binh. Tôi thường xuyên tham gia các hoạt động của đợn vị như đi lấy củi, lấy măng; Chỉ tiêu mỗi tháng một người phải có 10kg măng, 5 bó củi khô nộp cho nhà bếp do chi đoàn thanh niên phát động. Vào rừng lấy măng con gái chúng tôi sợ nhất là vắt ! mỗi khi bị bám vào người chúng tôi kêu ầm ĩ.
Khi có những thương binh nặng, chúng tôi phải cáng ra Trạm giao liên 12 để đưa các anh về tuyến sau cứu chữa. Khiêng cáng đưa các anh đi,dù phải chèo đèo,lội suối , dù vất vả đến đâu, chúng tôi cũng quyết tâm đưa các anh đi thật nhanh, an toàn về được tới tuyến sau điều trị.
Còn trong điều trị tôi nhờ nhất ca bệnh nhân bị “nấc”. Ở đơn vị anh đã bị 3 ngày rồi, khi đưa đến khoa tôi, do mất ăn, mất ngủ người anh phờ phạc, mệt mỏi và mỗi ngày cơn nấc dầy lên. Tên anh là Nguyễn Đức Hoàn người huyện Việt Yên – Bắc Giang.
Ngày đầu tôi châm 5 huyệt rồi 7 huyệt, sau 2 ngày bệnh nấc của anh thưa hơn và ngủ được. Đến ngày thứ 4, thứ 5 nấc khỏi dần, ngày thứ 7 anh trở lại bình thường không còn nấc nữa. Anh được xuất viện và về đơn vị.
Sau ngày giải phóng miền Nam, anh Hoàn được về quê. Vì có địa chỉ của tôi, anh lên thăm tôi; Nhắc lại chuyện ngày xưa ở Trường Sơn, bệnh nấc hành hạ anh ! Anh nói: nếu không có tôi châm cứu chữa cho anh, thì hồi đó anh nấc đến bao giờ mới khỏi? Anh cảm ơn tôi rối rít, chúng tôi kể cho nhau nghe bao chuyện ở Trường Sơn ngày ấy. Khi ra về anh bắt tay tôi xúc động như những ngày nào ở Đội Điều trị - Binh trạm 32 trên Trường Sơn ngày ấy.
Năm 1971 Tôi ở lại mùa mưa ! Lần đầu tiên được nếm trải thế nào là mưa Trường Sơn. Mưa ào ào, mưa liên tiếp suốt ngày, suốt đêm, mưa ngày này sang ngày khác, mưa hàng tháng không một ngày ngớt. Chỉ sau đêm mưa các con suối đang cạn khô đáy đã mênh mông nước, nước chảy cuồn cuộn hung dữ, cuốn phăng đi tất cả bất kể vật gì trong lòng nó.
Tôi nhớ một lần đi lấy măng rừng, có 3 anh em ( 2 nữ 1 nam ). Khi ở nhà ra đi con suốt còn cạn lội qua được rễ dàng. Lúc lấy măng quay về. Do mưa ở thượng nguồn,con suối đã mênh mông đầy nước! Chẳng ai bảo ai đều có suy nghĩ “ Thôi đành ngủ lại chờ cho nước rút” Vì 2 chị em chẳng ai biết bơi, mà có biết bơi nếu có vượt dòng nước lũ này chắc có an toàn? Nhưng không thể không về. đơn vị không thấy chúng tôi về sẽ lo lắng.
Là nam giới lại cao to khỏe mạnh. Anh Mão quyết định để từng người chị em tôi ngồi lên vai anh, anh đưa qua suối ! Nước cứ dâng lên, vì nước thượng nguồn vẫn đồ về; mỗi lúc một mạnh lên !Anh dò từng bước đến khi bám được bờ bên kia mới biết mình đã thoát.
Về đến đơn vị đã gần 23.00 giờ. Từ các anh chỉ huy đến anh em đồng đội đều vui mừng. Vì từ lúc có mưa ai cũng lo lắng cho 3 anh em chúng tôi. Kết quả này công đầu là của anh Mão. Một người tổ trưởng hiền lành, trách nhiệm hết lòng vì đồng đội. Anh Mão quê ở huyện Bá Thước – Thanh Hóa. Sau năm 1975 anh xuất ngũ về quê và đã đi xa vì căn bệnh ung thư gan. Anh Mão là hình ảnh “ Đặc biệt” mà tôi nhớ mãi lần đi lấy măng ngày ấy ở Trường Sơn.
Mùa mưa 1971-1972 Binh trạm mở lớp đào tạo y tá, học viên là người của các đơn vị trong Binh trạm cử về học, Tôi được giao nhiệm vụ giảng về môn “ châm cứu – bấm huyệt”. Hàng ngày buổi sáng lên lớp giảng lý thuyết và hướng dẫn thực hành 2 giờ. Chiều tôi lại về tiếp tục điều trị cho bệnh nhân do tôi phụ trách. Công việc tuy vất vả nhưng rất vui, vì ngoài nhiệm vụ cứu chữa cho bệnh binh, tôi còn truyền thụ kiến thức của mình cho nhiều đồng đội ngay ở chiến trường.
Mùa mưa nhanh chóng qua đi. Một mùa khô, mùa chiến đấu ác liệt lại đến. Những ca trực cấp cứu thương binh dồn dập diễn ra bất kể ngày đêm. Lạ thay cứ mỗi khi đến ca trực của tôi là thương binh ngoài các trận địa chuyển vào nhiều, đêm đó chúng tôi lại phải thức trắng.
Ca trực của tôi thường có y tá Ngọc, y tá Lập, y tá Hanh, anh chị em y tá, hộ lý ở Đội Điều trị rất muốn trực cùng tôi. Mọi người nói trực với tôi tuy vất vả, nhưng vết thương mau lành, ca mổ ít !Đặc biệt đa phần ca chúng tôi trực thường không hoặc ít đồng đội tử vong. nên đến ca tôi trực họ rất yên tâm.
Một kỷ niệm cho đến nay đã gần 50 năm, mỗi khi nhớ lại tôi cứ bồi hồi xúc động, không cầm nổi lòng mình:
Vào trung tuần tháng 2/1971 đúng ca tôi trực, toàn khu vực đơn vị đứng chân bầu trời thật yên tĩnh, không khí trong lành mát mẻ quá. Nhưng kinh nghiệm nhiều năm ở chiến trường, ai cũng nghĩ “ sau cái yên tĩnh này kẻ địch sẽ có hành động ác liệt đây”, cần cảnh giác chuẩn bị.
Đúng như dự kiến khoảng 24.00 giờ một tốp B52 dội 3 loạt bom xuống khu vực “Phù Kiều – Bắc Đường 9”. Tiếng bom nổ rền như sấm tới 20 phút không ngớt, cả bom phá, bom bi ! Chúng đánh về hướng kho tổng hợp của Binh trạm. Chuông điện thoại đổ, tiếng người trực ban tác chiến thông báo. B52 đánh trúng kho Đ1 cháy kho. Bộ đội thương vong nhiều. Yêu cầu Đội Điều trị chuẩn bị cấp cứu.
Đêm cuối tháng trời tối đen như mực, ca trực chỉ có tôi và 2 y tá. Chưa đầy nửa giờ sau các cáng thương binh, tử sỹ ùn ùn đưa vào. Ba người chúng tôi tập trung phân loại thương binh. đưa vào khu cấp cứu, băng bó. Còn lại hơn mười đồng chí tử sỹ cả nam và nữ. Chúng tôi yêu cầu đưa anh chị em vào nằm trong một cái lán dã chiến, chờ ngày mai có hòm ván khâm niệm, mai táng.Hoàn thành công việc bàn giao thương binh , tử sỹ ! Anh em công binh ra về, chỉ còn lại ba người ca trực chúng tôi. Đây là lần đầu tiên tôi được trực ca “đặc biệt”!Bình thường tôi ít khi đến gần các tử sỹ. nhưng không hiểu sao đêm nay tôi lại bình tĩnh lạ thường. Tôi phân công việc cho từng người,lúc này trong tay chúng tôi không còn là cái “panh, cái kéo hay bông băng nữa, mà mỗi người một khẩu súng, sẵn sàng nhả đạn khi cần.
Một đêm thức trắng làm nhiệm vụ bảo vệ các anh được an toàn trong bất kể tình huống nào. Đặc biệt không để thú rừng đánh cắp các anh. Trên Trường Sơn có nhiều thú dữ và đã có vụ tử sỹ bị hổ cắp đi, đơn vị phải tìm mới thấy.
Giữa Trường Sơn đại ngàn các anh các chị xếp thành hàng nằm đó. Chúng tôi không thấy sợ, mặc dù chỉ có 3 chúng tôi ( ca trực ), mà chỉ thấy thương. Thương các anh, các chị vì nhiệm vụ các anh các chị sẵn sàng hy sinh; các anh các chị vĩnh viễn ra đi và nằm lại đây không một ai ruột thịt, thân thích. Chúng tôi xin các anh – chị hãy coi chúng tôi là người ruột thịt, thân thích của các anh – chị và đang đứng đây để canh gác cho các anh – chị ngon giấc ngàn thu.
Sau này mỗi lần nghĩ lại tôi không thể cầm nổi lòng mình. Đây là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời là quân y Trường Sơn của Tôi.
Cuối năm 1971 Tôi được giao nhiệm vụ lên Binh trạm bộ, điều trị bằng châm cứu cho một cán bộ của cơ quan Binh trạm bộ. Ông là Nguyễn Văn Sỹ quê Nam bộ. Từ Đội điều trị lên cơ quan đi nhanh cũng phải mất 1 giờ, toàn đường rừng, qua nương, qua Bản của người dân Lào.
Bây giờ nghĩ lại mới thấy sợ, không biết sao ngày ấy tôi lại gan dạ, dũng cảm và liều đến thế. Một mình chỉ với khẩu súng trong tay và túi thuốc.
Hàng ngày sáng sớm đã đi và đến trưa lại về. Trong khi đó đơn vị cho người đưa đi, có lần đồng chí Hợp là phó chính ủy Binh trạm cử người đưa tôi về tôi cũng không nhận và bảo “tôi đi một mình được”. Nhưng trong thâm tâm có lúc nghĩ đi một mình giữa rừng không một bóng người chiến sĩ Việt Nam cũng sợ thật. Nên ra khỏi cổng gác của Binh trạm là tôi cứ vừa đi vừa chạy, cho mau chóng về tới đơn vị.
Sau hơn một tuần điều trị bệnh tình của Thủ trưởng Sỹ khỏi dần, rồi hết hẳn. Tôi không phải lên châm cứu nữa.
Sau đợt điều trị cho Thủ trưởng Sỹ , tình cảm của tôi và ông “xã” Tôi bây giờ càng thêm gắn bó và hiểu nhau hơn!. Dù biết và quen anh từ những năm 1970, khi đó tôi vừa học song khóa đào tạo châm cứu tại viện QY 59 trở về khu hậu cứ Binh trạm để trở lại chiến trường.
Biết anh chưa có gia đình, lại là đồng hương với tôi. Nên các anh ở cơ quan Binh trạm muốn gán ghép tôi với anh. Đặc biệt anh Dũng là Trưởng ban xăng dầu của Binh trạm, quê anh ở Từ Sơn – Đình Bảng, anh là đồng hương thân tôi, quý tôi lắm và chính anh là người nhiệt tình với chúng tôi nhất.
Còn ông “xã” tôi tuy tuổi 30 nhưng là một Tiểu đoàn Trưởng trẻ của bộ đội Trường Sơn lúc bấy giờ. Từ các cán bộ trên BộTư Lệnh Trường Sơn đến cơ quan Binh trạm 32 và các cán bộ chiến sỹ trên tuyến đường đơn vị anh hoạt động. đều quý mến, khâm phục người chỉ huy gan dạ, dũng cảm, mưu trí.Là Tiểu đoàn trưởng một Tiểu đoàn, tả xung hữu đột. được BộTư Lệnh Trường Sơn tặng danh hiệu “Tuấn mã Trường Sơn”.
Vì nhiệm vụ chỉ huy đơn vị, nên trong những ngày ở Bố Trạch – Quảng Bình chúng tôi ít có dịp gặp tìm hiểu nhau, ngoài những lần các anh ở cơ quan bố trí đưa tôi xuống đơn vị anh chơi, có lần ăn trưa cùng anh. Mặc dù tôi rất muốn gặp riêng anh, nhưng lại ngại không giám chủ động.
Thế rồi ngày trở lại chiến trường đã đến. Tôi trở về Đội Điều Trị. Đơn vị anh tiếp tục những chuyền hàng vũ khí – đạn dược vào chiến trường và lại hứng chịu những trận bom, đạn của không quân Mỹ. Còn tôi cũng bị cuốn hút vào những ca trực cấp cứu hàng đêm. Tuy vậy cứ có ca cấp cứu nào là lái xe của đơn vị anh, tâm trí tôi lại rộn lên nỗi lo khó tả! và khi biết anh vẫn an toàn tôi mới yên tâm.
Mùa khô 1970 qua đi. đầu năm 1971 anh được bổ nhiệm giữ chúc Phó TMT, TMT, Binh trạm phó – quyền Binh trạm Trưởng rồi Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 32 ô tô, Vận tải Sư đoàn 471, BTL Trường Sơn vào cuối năm 1972. Với cương vị mới anh phải thường xuyên đi kiểm tra các đơn vị, chúng tôi có dịp gặp gỡ nhau nhiều hơn. Qua những buổi trò chuyện anh biết quê tôi chính là nơi trước khi vào bộ đội, anh đã ở để học văn hóa cấp II và hai từ “Đồng hương” có từ đó.Từ “Đồng hương” ở chiến trường nó thiêng liêng và thân thiết lắm.
Những lần gặp anh tuy vội vã , tôi thấy càng quý mến anh. Cái cảm giác lâu lâu không gặp nhau, trong lòng tôi cứ bần thần khó tả.Và dần dần tôi thấy mình không thể sống thiếu anh.Ôi tình yêu ở Trường Sơn nó đẹp đẽ và thơ mộng quá; Tuy không có hẹn hò, tâm sự thường xuyên, vì ở xa nhau hàng 2-3 giờ vượt rừng, lội suối; cả những trận bom tọa độ của kẻ thù. Chúng tôi chỉ có niềm tin son sắt trong tim người lính thủy chung giành cho nhau. Rồi mỗi lần Thủ trưởng đơn vị lên họp, anh lại gửi cho tôi những dòng thư yêu thương ngắn ngủi.
Còn tôi mỗi khi biết tin anh đi chỉ huy đội hình đơn vị đưa hàng vào chiến trường là cảm thấy lo lắng, cho đến khi anh trở về anh toàn tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Thấm thoát đã ba năm ( 1970-1971-1972 ) chúng tôi biết và yêu nhau trên chiến trường, yêu nhau trong ác liệt của bom đạn kẻ thù. Tình yêu ấy nó thiêng liêng và thắm thiết biết bao.
Tháng 2/1973 Đại hội mừng công của Bộ đội Trường Sơn được tổ chức tại huyện Quảng Bình – Tỉnh Quảng Bình.Binh trạm 32 có đoàn đại biểu ra dự.Tôi được cử đi cùng đoàn, với nhiệm vụ quân y bảo vệ sức khỏe cho đoàn. Thế là 6 lần tôi đi bộ vượt Trường Sơn vừa vào, vừa ra thật gian nan vất vả. Ai đã từng vai đeo ba lô vài chục cân, chân đất dép “râu” đi bộ chèo đèo, lội suối, vượt qua những trọng điểm máy bay địch đánh phá, sự sống và cái chết cách nhau tích tắc; mới thấu hiểu sự nguy hiểm, gian nan vất vả ấy.
Đại hội mừng công song, vì trước đó chúng tôi đã báo cáo với tổ chức ý định của chúng tôi, dịp ra hậu phương lần này.Nên Cục Chính trị BTL Trường Sơn khuyên chúng tôi, nhân dịp này thì tổ chức cưới đi và Cục sẽ đứng ra tổ chức cho. Thật là dịp may có một không hai.
Biết đâu sau mừng công có nhiệm vụ.Anh lại phải trở lại chiến trường.Thế là chỉ sau hai ngày chuẩn bị, từ vật chất, rồi ra UBHC xã Hiền Ninh đăng ký kết hôn hoàn tất. Đám cưới của chúng tôi đã diễn ra rất tốt đẹp.
Vì điều kiện chiến tranh, nên đám cưới cũng gọn nhẹ, không cỗ bàn linh đình, cô dâu không mặc váy ba,bốn tầng lòe loẹt như bây giờ. Nhưng rất vui, vì có đầy đủ bạn bè trong, ngoài đơn vị,những người cùng chúng tôi trải qua mưa bom, bão đạn. Chủ hôn của chúng tôi là đồng chí Tham mưu trưởng vận chuyển BTL Trường Sơn. Đặc biệt trong bạn bè đến dự còn có đại biểu của Đoàn văn công Nam Hà, nhân dịp vào phục vụ Đại hội mừng công của Bộ đội Trường Sơn. Tôi nhớ mãi và cảm động khi Nghệ sỹ Kim Liên hát bài “ Em là cô gái quân y”, vì tôi là nữ quân y mà.
Trong ảnh: Bên trái tôi là những người đồng đội thân thiết một thời cùng khoác Ba lô vào Trường Sơn ( Ảnh chụp tại Tiển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Nhân Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn)
Thấm thoát đã gần 50 năm trôi qua, giờ đây các con tôi đã trưởng thành, chúng đi theo con đường binh nghiệp của Bố - Mẹ và là các sỹ quan trong quân đội với hàm cấp tá ( 2 còn trai có bằng thạc sỹ, 1 con gái đại học thương mại ). Vợ chồng tôi vẫn luôn bên nhau, cùng trân trọng giữ mãi trong tim những kỷ niệm vô giá ở Trường Sơn ngày ấy. Tôi vẫn tham gia mọi công tác xã hội, luôn luôn mang theo bản chất người lính Trường Sơn năm nào, nhiệt tình trong mọi công việc và là tấm gương tiêu biểu của Khu dân cư. Phường, Quận, hàng năm đều được các cấp Hội khen thưởng, mọi người quý mến.
Năm 2017 tôi vinh dự được nhận huy hiệu 45 tuổi Đảng. Chắc chắn tôi phấn đấu để nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng vào năm 2022. Những câu chuyện về Trường Sơn mỗi khi kể lại cho các con cháu tôi nghe, chúng đều ngạc nhiên khâm phục coi như “huyền thoại”của mẹ. Là quân y sỹ vóc người nhỏ nhắn, lại gan dạ đã từng vượt qua muôn vàn gian khổ hiểm nguy.Để cho chúng có được ngày xung sướng hôm nay. Còn tôi nguyện mãi mãi là nữ chiến sỹ Quân y Trường Sơn Anh Hùng. 5/2020
Nguyễn Thị Chung
Quân y sĩ E32, F 471, Bộ Tư lệnh Trường Sơn