"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phần VII
-----------------------------------------------------------
Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
PHẦN VII
BẢO TÀNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, một kho lịch sử bằng các hiện vật, tranh ảnh, mô hình nhằm tái hiện lại đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại để lại muôn đời cho các thế hệ mai sau, nhằm giới thiệu cho khách tham quan trong nước và quốc tế hiểu về con đường đã làm nên kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc ta.
Bảo tàng được đặt tại khu vực Yên Nghĩa trên quốc lộ 6 cách trung tâm Hà Nội khoảng 16 km (đi qua quận Hà Đông). Công trình được khởi công xây dựng ngày 25/12/1996, khánh thành ngày 10/4/1999 nhân dịp chào mừng 40 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, sự giúp đỡ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng được đầu tư kinh phí để cải tạo nâng cấp, xây mới nhiều hạng mục, dấu ấn nhất là: Xây dựng hệ thống bia đá khắc tên hơn 20.000 liệt sĩ Trường Sơn, đã hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019).
Xây dựng Bảo tàng là sự chủ động, tích cực, quyết tâm của lãnh đạo, chỉ huy Binh đoàn 12, Cơ quan Chính trị, cán bộ, nhân viên làm công tác tuyên huấn, bảo tàng trong suốt quá trình phấn đấu liên tục không ngừng trong hơn hai thập kỷ vừa qua.
1. Bộ phận Bảo tồn, Bảo tàng.
Ngay từ những ngày khói lửa trên chiến trường Trường Sơn, trong quá trình chiến đấu, vận chuyển chi viện cho chiến trường, một số cán bộ chiến sĩ làm công tác tuyên huấn đã sưu tầm hiện vật ở các binh trạm, đơn vị về làm triển lãm, phục vụ cho công tác thi đua tuyên truyền, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ trên toàn chiến trường Trường Sơn. Dần dần hiện vật sưu tầm nhiều lên, đã có người chuyên môn phụ trách, tiến tới thành lập Tổ Bảo tàng nằm trong Phòng Tuyên huấn.
2. Nhà truyền thống Trường Sơn.
Sau khi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Tư lệnh Trường Sơn kết thúc nhiệm vụ...Sau đó Binh đoàn 12 được thành lập, kế thừa truyền thống của Bộ đội Trường Sơn. Binh đoàn 12 chỉ được tiếp nhận và quản lý một phần hiện vật của Trường Sơn, còn lại do Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Tổng cục Hậu cần quản lý.
Với sự cố gắng và trách nhiệm cao, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã xây dựng Nhà Truyền thống Trường Sơn hai tầng với diện tích gần 400 m2 để trưng bầy hiện vật và hơn 200 m2 trưng bầy ngoài trời, do Phòng Tuyên huấn quản lý, có cán bộ nhân viên kiêm nhiệm.
3. Nhận hiện vật và thành lập Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, ngày 6/5/1984, Binh đoàn 12 phối hợp với Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Tổng cục Hậu cần tổ chức triển lãm về "Đường Hồ Chí Minh" nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/1984) tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 200 hiện vật, nhóm hiện vật, hơn 200 hình ảnh, sơ đồ, bản đồ, sa bàn...được trưng bày thể hiện một phần cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt trên chiến trường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc triển lãm đã gây được ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, khách nước ngoài khi đến tham quan.
Ngày 16/11/1993, Bộ trưởng Bộ quốc phòng ra quyết định số 718/ QĐ - QP "Công nhận ngày 19/5 là Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn - Ngày truyền thống của Binh đoàn 12 ". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng xác nhận Binh đoàn 12 là đơn vị kế thừa truyền thống của Bộ đội Trường Sơn. Sau một thời gian tích cực đề nghị, được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị ủng hộ, ngày 13/7/1994, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Trần Hoàn đã ký công văn số 1876/TB - BT thông báo kết luận Hệ thống Bảo tàng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam trong đó có Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh là bảo tàng chuyên ngành trong 25 bảo tàng toàn quân. Một niềm vui mừng phấn khởi với những người làm công tác tuyên huấn, chính trị và toàn thể cán bộ chiến sĩ các thế hệ Trường Sơn năm xưa và Binh đoàn 12 hiện nay. Quyết định còn thể hiện đúng tầm vóc của Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại cần được lưu giữ những gì quý giá nhất. Ngày 13/7/1994, là ngày chính thức ra đời Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Từ ngày 10 đến ngày 12/8/1994, diễn ra Hội nghị Bảo tồn, Bảo tàng toàn quân tại thành phố Đà Nẵng. Đại biểu của Binh đoàn 12 phát biểu về hoạt động của Nhà truyền thống Trường Sơn, và đề nghị Tổng cục Chính trị, Bộ Văn hoá Thông tin cho Binh đoàn 12 được xây dựng Bảo tàng Trường Sơn và đề nghị tỉnh Quảng Trị trả lại số hiện vật sau khi triển lãm ở Huế năm 1984 đã chuyển về Quảng Trị lưu giữ. Ý kiến đã được Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và đồng chí Trần Hoàn - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin ghi nhận. Các bước tiếp theo được triển khai. Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh được phép triển khai xây dựng và Binh đoàn 12 được tiếp nhận lại các hiện vật về đường Trường Sơn từ Bảo tàng tỉnh Quảng Trị.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, sự tích cực chủ động của cơ quan Chính trị, nhiều phương án về địa điểm xây dựng, về qui hoạch thiết kế được hội thảo kỹ lưỡng.
Ngày 10/7/1995, Bộ Tư lệnh Binh đoàn tổ chức hội nghị xây dựng bảo tàng do Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn - Tư lệnh chủ trì. Có đại diện các Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Quân đội cùng nhiều cơ quan có liên quan tham dự. Hội nghị đã nhất trí địa điểm tại Yên Nghĩa. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tổng cục Chính trị và các cơ quan cấp trên đã tạo nên những nhân tố thuận lợi trong quá trình triển khai.
Ngày 3 / 8 / 1995, Bộ Tổng Tham mưu có Quyết định số 473 về biên chế quân số Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
Ngày 11/10/1996, BTL Binh đoàn đã thông qua điều chỉnh thiết kế kiến trúc và trưng bầy. Sáng 25/12/1996, Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng được tiến hành. Các bước xây dựng được tiến hành tích cực, khẩn trương để khánh thành đưa vào hoạt động.
BẢO TÀNG ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN THU NHỎ
Sau khi được nâng cấp, bổ sung hoàn thiện, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đã trưng bày khá đầy đủ các hiện vật quý báu về chiến trường Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, về hoạt động của Bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hoả tuyến trên Tuyến chi viện chiến lược. Bằng sức lao động sáng tạo, lòng quả cảm, họ đã vượt qua bão đạn mưa bom của quân thù để chi viện sức người sức của cho cách mạng Miền Nam và giúp đỡ cách mạng hai nước bạn Lào và Campuchia. Trên khuôn viên diện tích 30.000 m2 triển khai khu trưng bầy ngoài trời và trong nhà. Ngôi nhà 3 tầng với diện tích 2.000 m2 trưng bầy các hiện vật tái hiện quá trình hình thành và phát triển của Đường Trường Sơn. Từ lúc làm đường giao liên, vận tải bằng gùi thồ cho đến phát triển đường ô tô cùng các loại đường khác phối hợp. Thể hiện những sáng tạo độc đáo, những chiến công và sự hy sinh anh dũng của các lực lượng trên chiến trường Trường Sơn. Ấn tượng nhất đối với người xem là được thấy, gặp lại những địa danh đã trở thành trọng điểm một thời vô cùng ác liệt như ATP, Chà Là, Mụ Giạ được thể hiện trên sa bàn điện tử hiện đại. Đặc biệt Bảo tàng xây dựng mô phỏng một đoạn đường kín còn gọi là đường K để chuyển phương thức xe chạy từ ban đêm sang ban ngày đối phó với máy bay AC130 vô cùng nguy hiểm của Mỹ. Tuy chưa thật đầy đủ nhưng người xem nhìn qua các hình ảnh thu nhỏ cũng phần nào hình dung ra mạng đường Trường Sơn trải trên một không gian rộng lớn, sự đánh phá bằng không quân của Mỹ với qui mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Bộ đội Trường Sơn đã đánh thắng cuộc chiến ngăn chặn của địch trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ, ác liệt. Qua tham quan sẽ tạo cho người xem sự trân trọng những chiến công và sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp những người con thân yêu của Tổ quốc một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" để thống nhất non sông, giành độc lập cho dân tộc.
Hiện nay Bảo tàng có 20.000 hiện vật, mới chỉ trưng bầy được khoảng 2.000 hiện vật. Số còn lại trong kho bảo quản phục vụ cho nghiên cứu và trưng bầy triển lãm cơ động nhằm giới thiệu được hết các hiện vật Trường Sơn đến với công chúng.
Khu trưng bầy ngoài trời cũng khá phong phú và hấp dẫn. Có pháo, xe ô tô, xe bọc thép phá bom từ trường, trạm bơm xăng, cầu phà vượt sông...Dấu ấn đặc biệt là ở phía sau nhà Bảo tàng có hầm chỉ huy (mô phỏng) của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Đài tưởng niệm và bia đá khắc tên hơn 20 nghìn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa. Là nơi dâng hương, hoa và cử hành lễ tưởng niệm tri ân... khi các thế hệ bộ đội Trường Sơn và khách trong, ngoài nước đến tham quan Bảo tàng.
Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh thường có lượng khách đến tham quan đứng thứ ba trong hệ thống bảo tàng toàn quốc. Mỗi năm Bảo tàng đón hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, học tập, nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ nhân viên Bảo tàng hiện nay cơ bản có trình độ đại học, đúng chuyên ngành, có nhiệt tình và trách nhiệm cao. Luôn luôn học hỏi, tìm hiểu để giới thiệu với khách tham quan về lịch sử oai hùng của Trường Sơn huyền thoại đi vào lòng người. Qua đó làm hài lòng các đối tượng khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu với sự khâm phục những người chiến sĩ Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại, mãi mãi đi vào sử sách của Quân đội Nhân dân Việt Nam của dân tộc Việt Nam Anh hùng. Khi tham quan Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết vào sổ cảm tưởng "Không thể cho một dãy núi vào trong một ngôi nhà. Nhưng ngôi nhà này đã chứa đựng tất cả kim cương và quặng quí giá nhất của dãy núi ấy".
Từ khi mở cửa đến nay, Bảo tàng đã đón hàng chục vạn khách trong và ngoài nước tới tham quan. Đây là một “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam. Đồng thời cũng là điểm văn hoá hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa )