"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phần VIII)

Ngày đăng: 07:44 22/05/2020 Lượt xem: 560
-----------------------------------------------------------

Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
 
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
 
 
PHẦN VIII

HAI VỊ CHỈ HUY

         Trải qua 16 năm hoạt đồng, nhiều lớp cán bộ chỉ huy của đoàn 559 - Bộ tư lệnh 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tài giỏi đã có những cống hiến hy sinh rất lớn, góp phần hết sức quan trọng vào sự lãnh đạo, chỉ huy Bộ đội Trường Sơn Anh hùng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập nên những chiến công kỳ tích đã trở thành huyền thoại . Bốn đồng chí được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiếu tướng Võ Bẩm - Nguyên đoàn trưởng đầu tiên đoàn 559.
Đại tá Đặng Tính - Nguyên Chính uỷ Bộ đội Trường Sơn.
Đại tá Lê Xy - Nguyên Chính uỷ Bộ đội Trường Sơn.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích - Nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn .

         Tôi xin viết đôi điều cảm nhận của mình về vị chỉ huy đầu tiên là Thượng Tá - Thiếu tướng Võ Bẩm và vị Tư lệnh cuối cùng là Đại tá - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đây cũng là hai vị chỉ huy gắn bó với con đường Trường Sơn huyền thoại dài nhất.

THIẾU TƯỚNG VÕ BẨM
ĐOÀN TRƯỞNG ĐẦU TIÊN CỦA ĐOÀN 559

         Trước khi nhập ngũ tôi chưa biết nhiều về đường Trường Sơn mà chỉ nghe các bài hát về Trường Sơn và nói về chuyện vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ thôi. Khi hành quân vượt Trường Sơn rồi ở lại Trường Sơn mở đường chiến lược mới được biết thêm thông tin về Trường Sơn, về những người chỉ huy tài giỏi của Trường Sơn.
         Khi về tham gia Hội Trường Sơn Việt Nam, được dự cuộc họp đề nghị lên trên xét truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thiếu tướng Võ Bẩm, tôi được biết thêm rất nhiều về ông, và được biết Tiến sĩ Võ Kim Cương - Nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, thầy dạy môn sức bền vật liệu tôi trực tiếp học, là con trai cả của Thiếu tướng Võ Bẩm. Thật mừng. Tại buổi gặp mặt chúc mừng gia đình cố Thiếu tướng Võ Bẩm - nguyên Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn 559 và gia đình cố Đại tá Lê Xy - nguyên Chính uỷ Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tôi gặp lại Tiến sĩ Võ Kim Cương. Thày trò nhận ra nhau cùng kết nối mở ra mối quan hệ mới. Nhân dịp gia đình và quê hương tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Thiếu tướng Võ Bẩm vào ngày giỗ của ông. Tôi đã viết tặng Vị chỉ huy đầu tiên của Bộ đội Trường Sơn bài thơ, được trân trọng đọc trong buổi lễ hôm ấy. Năm 2018 nhân chuyến vào TP. Hồ Chí Minh làm việc với một số đơn vị để vận động tài trợ cho quỹ Nghĩa tình Trường Sơn, chúng tôi gặp lại Tiến sĩ Võ Kim Cương. Anh rất nhiệt tình với các hoạt động của Hội Trường Sơn Việt Nam. Cá nhân Anh ủng hộ 100 triệu đồng cho Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn. Tiến sĩ Võ Kim Cương đã tổ chức lập ra Hội con em Chiến sĩ Trường Sơn tại TP. Hồ Chí Minh để hoạt động phát huy truyền thống của cha anh. Thật đáng trân trọng.

ĐÔI ĐIỀU VỀ NGƯỜI ĐOÀN TRƯỞNG ĐẦU TIÊN

         Thiếu tướng Võ Bẩm sinh năm 1915 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha ông là cụ Võ Thạc, một yếu nhân trong phong trào Duy Tân, bị thực dân Pháp bắt rồi tra tấn đến chết vào năm 1916. Anh trai của ông là Võ Khoa, tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội từ rất sớm và là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng. Noi theo truyền thống của cha anh, năm 15 tuổi, Võ Bẩm đã tham gia cách mạng. Tháng 8/1934, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi được phân công giữ các chức vụ Bí thư chi bộ, Bí thư Huyện uỷ huyện Sơn Tịnh, Tỉnh uỷ viên tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 12/1935 , ông bị địch bắt, kết án 12 năm tù khổ sai. Ông bị đầy đi các nhà tù, bị giam cầm tra tấn dã man, nhưng ông vẫn một lòng bất khuất trung kiên. Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Tháng 6/1945, ông làm Bí thư Tổng uỷ Việt Minh huyện Sơn Tịnh, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, góp phần quan trọng trong việc khởi nghĩa cướp chính quyền ở Sơn Tịnh nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.
         Sau cách mạng tháng 8/1945, ông được điều vào quân đội và giữ nhiều chức vụ từ chính trị viên tiểu đoàn, Chính uỷ Trung đoàn đến Phân khu trưởng kiêm Chính uỷ, phụ trách Uỷ ban Hành chính Phân khu Tây Nguyên, Bí thư Ban cán sự tỉnh Kon Tum.
         Cuối năm 1949, đồng chí Nguyễn Duy Trinh trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức một đoàn thuyền vượt biển sang Trung Quốc xin viện trợ cho Liên khu 5. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh dặn rằng: Anh đi chuyến này 99% là lọt vào tay giặc hoặc gặp bão. Anh tránh được hai cái nạn đó, còn 1% là thắng lợi. Như thế anh có nhận nhiệm vụ không? Đồng chí Võ Bẩm nói: Từ khi vào Đảng đến giờ, tôi chưa thoái thác bất cứ việc gì mà Đảng giao cho tôi. Thế là ông nhận nhiệm vụ. Tháng 8 năm 1950, đoàn thuyền 6 chiếc của Liên khu 5 từ Cù Lao Chàm vượt biển hướng lên phía Bắc. Ba chiếc bị địch bắt, ba chiếc vượt qua sự canh phòng cẩn mật của kẻ thù và vượt qua bão tố đến được đảo Hải Nam - Trung Quốc. Sau đó ông tham gia Ban Cán sự nước ngoài của Trung ương trên cương vị Ủy viên, rồi làm Biện sự sứ tại Quảng Châu, tiếp nhận viện trợ của Trung Quốc và tổ chức chuyển về Chiến khu Việt Bắc. Tại đây lần đầu tiên ông được báo cáo với Bác Hồ.
         Cuối năm 1953, ông trở về Liên khu 5 làm Trưởng ban Tác chiến của Bộ Tư lệnh Liên khu. Tháng 3/1954, giữ chức Chính uỷ Trung đoàn 803. Tháng 5/1955, tập kết ra Bắc ông được điều về cơ quan Bộ Quốc phòng giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, rồi Cục phó Cục Nông trường quân đội.
         Khi Nghị quyết Trung ương 15 lần hai kết thúc, "Đoàn công tác Quân sự đặc biệt " được thành lập. Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm là Đoàn trưởng. Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân uỷ triệu tập Ban Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho cách mạng Miền Nam. Nhiệm vụ mới, đặc biệt, vô cùng quan trọng đối với ông được mở ra từ đây.
         Vạn sự khởi đầu nan, với vai trò Đoàn trưởng, ông cùng cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ hy sinh trong điều kiện hoạt động tuyệt đối bí mật để soi tuyến bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng ở Khu 5 và Tây Nguyên; đưa đón cán bộ, bộ đội, vận chuyển tài liệu, vũ khí, hậu cần, thuốc men từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Khi tuyến giao liên phía đông bị lộ, gặp rất nhiều khó khăn do địch lùng sục, càn quét, ngăn chặn, ông đã tổ chức soi đường tìm cách chuyển hướng sang Tây Trường Sơn và đã thành công. Từ đường giao liên bộ, Đoàn 559 phát triển lên thành đường gùi thồ để nâng cao khả năng vận chuyển chi viện theo yêu cầu của chiến trường. Tháng 10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định phát triển Đoàn 559 lên tương đương cấp sư đoàn.
         Năm 1962, nhiệm vụ vận chuyển thuận lợi, ông đã đề nghị đưa vận tải cơ giới vào theo đường 129 để chi viện cho chiến Trường. Đây là một bước tiến quan trọng đánh dấu cho sự phát triển của Tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. Tháng 4/1965, Quân uỷ Trung ương quyết định tăng cường tổ chức và nhiệm vụ cho Đoàn 559, phát triển tương đương cấp Quân khu, ông được bổ nhiệm chức Phó Tư lệnh. Được giao nhiều nhiệm vụ khó khăn phức tạp, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng hoàn xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho chiến trường qua các giai đoạn.
         Những năm tháng lăn lộn với núi rừng Trường Sơn, cơm nắm muối vừng, trèo đèo lội suối, sốt rét rừng, nắng mưa gian khổ mà hơn cả là sự đối mặt với vô vàn hiểm nguy. Sau bảy năm hoạt động, sức khoẻ của ông suy giảm. Năm 1966, ông được đưa ra Hà Nội để chữa bệnh. Sau khi chữa khỏi bệnh, ông được Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức Chính uỷ Đoàn 959, chuyên gia quân sự Trung - Hạ Lào. Tháng 11/1967, ông được điều về cơ quan Bộ Quốc phòng làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, Bí thư Đảng uỷ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8/1971, ông làm Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1980, Thiếu tướng Võ Bẩm được nghỉ hưu.
         Năm 2008, Thiếu tướng Võ Bẩm qua đời ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thọ 93 tuổi.
         Những đóng góp của ông cho cách mạng nói chung, cho nền vận tải quân sự Việt Nam nói riêng mà đặc biệt là "Kiến trúc sư" Đường Trường Sơn huyền thoại, cùng với tác phong, bản lĩnh trung kiên, liêm khiết, tận tuỵ, mẫu mực của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công các hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân Huy chương khác.
         Với thành tích đặc biệt xuất sắc, theo đề nghị của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, ngày 18 tháng 12 năm 2017, Thiếu tướng Võ Bẩm vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Quê hương và gia đình ông rất vinh dự, tự hào đón nhận và trịnh trọng đặt tấm bằng Anh hùng LLVTND tại Nhà Lưu niệm ông ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.


Thiếu tướng Võ Bẩm


NGƯỜI ĐOÀN TRƯỞNG ANH HÙNG

Âm mưu chia cắt hai miền
Mỹ - Diệm chống phá cuồng điên bạo tàn
Miền Nam, giặc đốt quét càn
Đầu rơi máu chảy điêu tàn xót xa

Nghị quyết 15 mở ra
Bừng lên ánh sáng tạo đà tiến công
Con đường thống nhất non sông
Vận chuyển chi viện thành đồng đấu tranh.

Tự do, độc lập quyết giành
Đoàn 559 hình thành từ đây
Nhiệm vụ đặc biệt đi ngay
Quyết tâm kết nối đường dây chiến trường

Người con Quảng Ngãi yêu thương
Đảng giao trọng trách mở đường vào Nam
Niềm tin chiến thắng dâng tràn
Khó khăn gian khổ nguy nan chẳng sờn.

"Ba không" dẫn dắt lối mòn
Tinh thần ý chí lòng son kiên cường
Soi tuyến lập trạm dẫn đường
Băng rừng vượt núi gió sương dạn dày.

Địch lùng, ngăn chặn bủa vây
Chuyển hướng lật cánh sang Tây kịp thời
Đường ra tiền tuyến không ngơi
Gánh gùi vươn tới mở khơi xe thồ.

Tiền phương thôi thúc mong chờ
Yêu cầu chi viện, ô tô tăng cường
Lực lượng phương tiện khẩn trương
Trường Sơn xẻ dọc con đường mở ra.

Dọc, ngang thành mạng vươn xa
Đông - Tây kết nối giao hoà chiến công
Con đường thống nhất non sông
Khởi đầu, phát triển liên thông tạo đà.
......
Bảy năm trên tuyến xông pha
Mở ra huyền thoại bài ca kết thành
Tấm gương toả khắp rừng xanh
Thiếu tướng Võ Bẩm sáng danh Anh hùng.

 

Thiếu tướng Hoàng Kiền
 

( còn nữa )

tin tức liên quan