Chuẩn bị bước vào năm cuối đại học, chàng sinh viên Nguyễn Xuân Thuần gác sách vở, bút nghiên nộp đơn tình nguyện vào chiến trường Quảng Trị. Trong chiếc balo, ngoài quân tư trang, chàng trai trẻ không quên đem theo sách, giáo trình và cả cuốn nhật ký...
|
Một trang trong cuốn nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thuần.
|
Từ giảng đường thanh bình tới chiến trường khốc liệt
Một ngày cuối tháng Năm, chúng tôi tìm về xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội tìm gặp ông Nguyễn Xuân Thuần (SN 1949) - người thuộc thế hệ “Xếp bút nghiên lên đường cầm súng/Học người xưa đi cứu non sông”. Ông Thuần là chiến sĩ của Sư đoàn 308, Trung đoàn 228 bảo vệ cầu Hàm Rồng cuối năm 1971. Sau đó, ông được cử đi huấn luyện và chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.
Ông đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói và cái bắt tay ấm tình của người lính từng xông pha trận mạc. Ở tuổi 71, ông Thuần vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, đôi chân và đôi tay còn rất rắn chắc. Có lẽ, những năm tháng tôi luyện ở chiến trường đã giúp ông có được nguồn sức lực dồi dào và sự dẻo dai ấy.
Nhắc lại những năm tháng tuổi trẻ, ông Thuần bồi hồi nhớ lại: “Năm 1967, tôi đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, đúng với nguyện vọng học xong sẽ về xây dựng quê hương. Chuẩn bị bước sang năm cuối, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn căng thẳng, nhu cầu chi viện cho các mặt trận phía Nam trở nên cấp bách.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, tôi cũng như hàng ngàn, hàng vạn thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng miền Bắc khi đó đã viết đơn tình nguyện tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1971. Khi ấy, gác lại việc học để lên đường chiến đấu, mỗi thanh niên đều mang trong mình một thông điệp sâu sắc, là tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước".
Cầm trên tay cuốn sổ ố màu thời gian, ông Thuần hào hứng “khoe”, những ngày trong quân ngũ, ông đã lưu lại kỷ niệm một thời máu lửa, bom đạn trong cuốn nhật ký này. Bao nhiêu năm qua, ông vẫn luôn giữ gìn cẩn thận, bởi nó là kỷ niệm của một thời trai trẻ.
Ông kể: “Tôi bắt đầu viết nhật ký từ ngày đầu tham gia chiến dịch, khi đơn vị xuất phát từ Xuân Mai đến ngày 15/10/1972, ngày kết thúc chiến dịch Quảng Trị”. Với ông Thuần, việc viết nhật ký trở thành thói quen từ khi bước chân vào trường đại học cho đến trước và sau khi tham gia chiến dịch Quảng Trị.
Ông muốn ghi lại những ý nghĩ, kỷ niệm, câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, hết sức đời thường của người lính trẻ. Nó đã giúp ông thêm ý chí và nghị lực, sự kiên cường, bất khuất trong những năm tháng khói lửa chiến tranh.
“Có lần đang ngồi trên mâm pháo viết thì có báo động, địch đến, tôi liền nhanh chóng buông bút, cầm súng chiến đấu; có đêm tình cờ gặp được người bạn cùng quê ở gần nhà; hồi ức trong những lần chiến đấu với địch bị thương, nằm bất tỉnh hay những nỗi niềm nhớ quê hương, gia đình, người thân, bạn bè tôi đều ghi lại”, ông Thuần kể.
Chúng tôi cầm cuốn nhật ký trên tay nhưng không biết bắt đầu đọc từ đâu, có những con số, ký hiệu, mật mã chúng tôi không tài nào hiểu được. Đem điều này thắc mắc với ông Thuần, ông cười vang bảo những điều đó tạo nên tính độc đáo, nét riêng biệt ở cuốn nhật ký.
Ông kể: “Khi tham gia chiến đấu ở chiến trường, có thể hy sinh hoặc rơi vào tay kẻ thù bất cứ lúc nào, để bảo mật thông tin nên tôi viết bằng nhiều ngôn ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh, bên cạnh đó tôi sử dụng nhiều mật mã, ký hiệu đặc biệt.
Trong cuốn nhật ký, tôi ghi cả ngày tháng âm lịch, dương lịch và dùng phép tính cộng để ra thời gian viết mà sau này chỉ có tôi mới có thể giải mã được. Ngoài ra, cuốn sổ đặc biệt ở chỗ, các trang lẻ được lần lượt viết xuôi, các trang chẵn lần lượt được viết ngược trở lại đến trang cuối cùng cũng là lúc kết thúc chiến dịch Quảng Trị”.
Lửa nhiệt huyết qua mỗi trang nhật ký
|
Ông Nguyễn Xuân Thuần kể lại những kỷ niệm tại chiến trường Quảng Trị.
|
Để hiểu hết được những ký hiệu, mật mã mà chỉ một mình ông Thuần biết, chúng tôi đã phải nhờ ông “phiên dịch”. Ông bảo để tôi đọc lại một đoạn về cái ngày chiến đấu ác liệt cho nghe: “Sáng sớm ngày 16/4/1972 là ngày chiến đấu ác liệt trong Quảng Trị, đơn vị tôi đã bị địch tấn công bằng pháo. Nhiều đồng đội bị thương khi giao chiến với máy bay Mỹ, trong đó có tôi. Chiếc áo vẫn còn dấu tích vết đạn khi địch bắn bị thương, mã số ký hiệu để nhận biết 5710517 - 54/12/5”.
Đó là những dòng chữ được viết lại sau khi ông tỉnh dậy trong bệnh viện dã chiến. Ông Thuần tiếp tục kể lại những kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng khói lửa ở chiến trường Quảng Trị.
Ông bảo, nhớ nhất là lần tình cờ gặp lại người anh hàng xóm ngay trong chiến trường bom đạn: “Khoảng 10h đêm khi đang nằm trên xe chở đạn bỗng nghe thấy giọng quê mình. Lúc đó tôi tưởng mình nhớ quê quá mà sinh ra ảo giác vậy. Nhưng tôi cất tiếng hỏi, hóa ra người đó chính là người anh cạnh nhà. Hai anh em gặp nhau mừng rỡ khôn xiết. Tôi lấy trong ba lô bộ quần áo mới được phát còn chưa sử dụng lần nào đưa anh, nhờ anh gửi cho cho mẹ tôi và nhắn nhủ với bà tôi vẫn khỏe”.
Dù sống trong những ngày gian khó, luôn đối mặt với bom đạn hàng ngày nhưng điều đó không làm nhụt ý chí, tinh thần của người lính. Những giây phút nghỉ ngơi, ông cùng đồng đội của mình viết thư gửi về cho gia đình, bạn bè, người thương hay sáng tác thơ.
Chàng sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận” Nguyễn Xuân Thuần đọc lại những vần thơ đầy hào khí của chí trai với non sông mãi không phai:
“Ở chốn rừng xanh, vẫn nhớ trường
Bốn năm gửi lại mấy thân thương
Nhớ thầy dạy học buổi hôm sớm
Như bạn chung đường chung gió sương”
(Trích thơ: Nhớ trường)
Rời quân ngũ năm 1975, ông Nguyễn Xuân Thuần trở về miền Bắc và tiếp tục việc học hành còn dang dở tại trường đại học Nông nghiệp Hà Nội. Sau đó, ông công tác ngay tại ngôi trường mình theo học cho đến khi nghỉ hưu. Sau 43 năm luôn cất giữ cuốn sổ nhật ký cùng những kỷ vật thời lính trẻ, ông Thuần quyết định trao tặng lại những kỷ vật đó cho Bảo tàng Hà Nội.
Cán bộ sưu tầm tại Bảo tàng Hà Nội - Thạc sĩ Kiều Tuấn Đạt - người tiếp nhận kỷ vật của ông Thuần chia sẻ: “Mỗi hiện vật, kỷ vật đều có câu chuyện, kỷ niệm, ký ức riêng. Cuốn nhật ký đã gắn bó với ông Thuần như người bạn đường, người tri kỷ. Đó là nơi người lính trẻ năm xưa bộc bạch nỗi niềm cảm xúc cũng như ghi lại những kỷ niệm nơi chiến trường khốc liệt để các thế hệ sau hiểu cha, ông mình đã sống và chiến đấu như thế nào”.
“Cuốn nhật ký chiến trường Quảng Trị cùng những kỷ vật khác của ông Thuần sẽ chính thức được bảo tàng Hà Nội nghiên cứu đưa vào trưng bày, giới thiệu tới khách tham quan trong nước và quốc tế vào năm 2021. Những câu chuyện nhỏ trong nhật ký là tài liệu quý giá đối với người trẻ hôm nay - thế hệ chưa từng trải qua chiến tranh và đang tìm hiểu về cội nguồn”.
|
PHONG LINH - TÔN VỸ
(Phạm Sinh ST)